Ông Trump có đủ sức đòi lại kênh đào Panama?

THANH TUẤN 04/01/2025 11:26 GMT+7

TTCT - Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt từng tuyên bố kênh đào Panama là "chiến tích mà người dân nền cộng hòa này sẽ nhìn lại với niềm tự hào cao nhất". Hơn một thế kỷ sau, tổng thống thứ 47 Donald Trump đang đe dọa sẽ lấy lại kênh đào này.

Ông Trump có đủ sức đòi lại kênh đào Panama? - Ảnh 1.

Ảnh: Bing Maps

Ông Trump hôm 22-12 nói chính quyền mới sẽ tìm cách giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và nước Mỹ đã "điên" khi nhường quyền kiểm soát kênh đào này, đồng thời phản đối việc tàu bè đang phải trả mức phí "điên khùng" để đi qua tuyến đường thủy huyết mạch nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương này. 

Ông nói nếu mọi việc không thay đổi sau khi ông nắm quyền vào tháng 1-2025, "chúng ta sẽ yêu cầu kênh đào Panama được trả lại cho nước Mỹ, toàn bộ, nhanh chóng".

Công trình do người Mỹ xây

Kênh đào Panama là tuyến kênh nhân tạo dùng một loạt hệ thống âu tàu và bể chứa kéo dài 82km cắt ngang Panama, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Tàu bè sẽ phải đi thêm quãng đường hơn 11.000km qua mũi Horn ở Nam Mỹ nếu không có kênh đào này. 

Cơ quan Thương mại quốc tế Mỹ đánh giá con kênh giúp các doanh nghiệp Mỹ tiết kiệm "lượng thời gian và chi phí nhiên liệu lớn", giúp giao hàng nhanh hơn, "đặc biệt là với hàng hóa chịu áp lực về thời gian, dễ hư hỏng, hay các ngành cần chuỗi cung ứng phụ thuộc vào thời gian".

Nỗ lực đầu tiên xây dựng kênh đào này là của nhà ngoại giao Pháp Ferdinand de Lesseps, người từng xây dựng kênh đào Suez ở Ai Cập. Nhưng dự án bắt đầu từ năm 1880 tiến triển rất chậm trong suốt 9 năm, rồi phá sản. 

Sốt rét, sốt vàng da và các dịch bệnh khác đã hủy diệt lực lượng lao động vốn đã gặp nhiều khó khăn do địa hình nguy hiểm và điều kiện làm việc nặng nhọc trong môi trường rừng rậm. Một số ước tính nói hơn 20.000 lao động đã thiệt mạng trong giai đoạn này.

Panama khi đó là một tỉnh của Colombia, nước từ chối phê chuẩn hiệp định năm 1901 cho phép Mỹ triển khai xây kênh đào. Tổng thống Roosevelt đáp trả bằng cách điều tàu chiến tới hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Panama. 

Nước Mỹ cũng viết sẵn hiến pháp cho Panama sau khi độc lập, quy định sẽ trao quyền cho các lực lượng Mỹ "được can thiệp vào bất cứ lãnh thổ nào của Panama, để tái lập hòa bình và trật tự hiến pháp".

Một phần vì quân đội Colombia không thể di chuyển qua địa hình rừng phức tạp, Panama tuyên bố độc lập mà không gặp phải bất cứ sự phản kháng nào vào tháng 11-1903. Ngay sau đó, Panama ký thỏa thuận cho phép Mỹ xây dựng kênh đào. Một nghiên cứu tính toán khoảng 5.600 công nhân đã thiệt mạng trong giai đoạn Mỹ xây kênh đào từ 1904-1914.

Kênh đào khai trương năm 1914, nhưng ngay sau đó, người dân Panama bắt đầu chất vấn tính hợp pháp của việc Mỹ kiểm soát kênh đào, dẫn tới "cuộc đấu tranh thế hệ" giành lại quyền kiểm soát con kênh. 

Cách Mỹ kiểm soát kênh đào gây ra nhiều căng thẳng với người Panama, và năm 1964, bạo loạn chống Mỹ nổ ra ở khu vực kênh đào. Cùng lúc, chi phí vận hành dưới thời người Mỹ đã tăng vọt, Washington đàm phán trong nhiều năm với chính quyền Panama để trao trả lại quyền vận hành kênh đào.

Ông Trump có đủ sức đòi lại kênh đào Panama? - Ảnh 2.

Kênh đào Panama là tuyến đường thủy huyết mạch nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Ảnh: Britannica

Trao trả do chi phí vận hành cao và bạo loạn

Năm 1977, tổng thống Mỹ thứ 39 Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Panama Omar Efraín Torrijos ký các hiệp ước về kiểm soát và đảm bảo tính trung lập của kênh đào. 

Hai bên thống nhất gửi hai hiệp ước tới Thượng viện Mỹ: Hiệp ước trung lập vĩnh viễn, và Hiệp ước kênh đào Panama. Hiệp ước trung lập cho phép Mỹ hành động để đảm bảo kênh đào luôn mở và được đảm bảo an ninh. 

Hiệp ước thứ hai quy định Mỹ sẽ bàn giao kênh đào cho Panama vào ngày 31-12-1999. Cả hai hiệp ước được ký năm 1977 và được phê chuẩn vào năm sau đó. Hiệp ước vẫn được duy trì kể cả sau năm 1989, khi chính quyền của tổng thống Mỹ thứ 41, George H. W. Bush, tấn công Panama để lật đổ nhà lãnh đạo Manuel Noriega.

Cuối những năm 1970, khi hiệp ước trao trả được đàm phán và thông qua, thăm dò dư luận cho thấy khoảng một nửa dân Mỹ phản đối việc trao trả kênh đào cho Panama. Tuy nhiên tới thời gian trao trả vào năm 1999, dư luận đã thay đổi lập trường và số người ủng hộ việc trao trả đã nhiều hơn.

Kể từ khi trao trả, việc vận hành kênh đào bởi chính quyền Panama tỏ ra hiệu quả hơn, lưu lượng tàu tăng 17% giai đoạn 1999-2004. Trong cuộc trưng cầu năm 2006, cử tri Panama thông qua việc mở rộng kênh đào để phục vụ tàu hàng lớn hơn. Dự án này kéo dài tới năm 2016 và tốn hơn 5,2 tỉ USD.

Phản ứng sau phát biểu của ông Trump, Tổng thống Panama José Raúl Mulino nói rằng "mọi mét vuông của kênh đào đều thuộc Panama và sẽ tiếp tục như vậy". Ông nói thêm là dù người dân nước ông chia rẽ về nhiều vấn đề, "khi liên quan tới con kênh, tới chủ quyền thì chúng tôi đều đoàn kết dưới lá cờ Panama".

Giá tàu qua lại đã tăng khi các đợt hạn năm ngoái ảnh hưởng lên hệ thống âu tàu, buộc chính quyền Panama phải giảm lưu lượng tàu qua kênh và tăng giá. Dù nay đã có mưa trở lại, chính quyền Panama nói việc tăng phí trong tương lai vẫn có thể cần thiết để cải thiện kênh nhằm đáp ứng nhu cầu mới. Ông Mulino nói phí sử dụng kênh đào không phải "được đặt ra một cách tùy tiện".

Jorge Luis Quijano, người điều hành kênh đào này giai đoạn 2014-2019, nói toàn bộ tàu qua kênh đều chịu mức phí như nhau, dù con số cụ thể có thể tùy thuộc vào quy mô tàu và nhiều yếu tố khác. "Tôi hiểu khách hàng có thể phàn nàn về mức phí tăng - Quijano nói - Nhưng đó không phải lý do để họ nói muốn lấy con kênh lại".

Ông Trump có đủ sức đòi lại kênh đào Panama? - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Kênh đào này mỗi năm vận chuyển khoảng 14.000 lượt tàu qua lại, chiếm khoảng 2,5% thương mại hàng hải toàn cầu và là tuyến hàng hải quan trọng với hàng hóa từ châu Á vào Mỹ, cũng như hàng Mỹ xuất khẩu.

Ông Trump cáo buộc Panama cho phép lính Trung Quốc kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng này và thu phí quá cao với tàu Mỹ. 

Trung Quốc trên thực tế không kiểm soát hay điều hành kênh đào, nhưng một công ty con của CK Hutchison Holdings, có trụ sở ở Hong Kong, từ lâu đã quản lý hai cầu cảng ở đầu hai cửa từ Caribê và Thái Bình Dương của kênh đào.

Ông Trump thì nói nước Mỹ đang bị "ăn cướp" trong chuyện chi phí kênh đào và "tôi sẽ không chấp nhận như vậy". "Kênh đào được trao cho Panama và người dân ở đó, nhưng kèm các điều kiện - và chúng tôi phải được đối đãi công bằng", ông Trump nói về hiệp ước năm 1977, mà theo ông là Mỹ đã cho kênh đào này đi "một cách điên khùng".

Ít khả năng Mỹ kiểm soát kênh đào

Hiệp ước trung lập cho phép Mỹ hành động nếu việc vận hành kênh đào bị đe dọa bởi xung đột quân sự - nhưng họ không có quyền can thiệp để giành lại quyền kiểm soát kênh đào. "Không có điều khoản nào trong thỏa thuận trung lập cho phép lấy lại kênh đào - Quijano nói - Về mặt pháp lý, không có cách nào để lấy lại vùng đất đó".

Ông Trump trong khi đó vẫn chưa nói cụ thể ông sẽ lấy lại con kênh bằng cách gì. "Có rất ít khuôn khổ pháp lý, trừ khi Mỹ xâm lược Panama lần nữa, để giành quyền kiểm soát kênh đào" - Benjamin Gedan, giám đốc chương trình Mỹ Latin ở Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, Washington, nói.

Ông Gedan cho rằng quan điểm của Trump đặc biệt khó hiểu khi Mulino là nhân vật bảo thủ, thân giới kinh doanh, và đã "có nhiều động thái để chứng tỏ ông muốn mối quan hệ đặc biệt với Mỹ". 

Ông cũng chỉ ra rằng Panama những năm gần đây đã cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đồng nghĩa Mỹ có thêm lý do chiến lược để giữ mối quan hệ thân thiết với đất nước Trung Mỹ này.

Panama cũng là đối tác của Mỹ trong việc chặn làn sóng nhập cư trái phép từ Nam Mỹ - được coi là ưu tiên đối ngoại lớn nhất của ông Trump. "Nếu muốn chọn cuộc chiến với Panama, không thể chọn chủ đề nào tệ hơn con kênh", ông Gedan nói.

Về phần ông Trump, từ lâu ông vẫn đe dọa trừng phạt, ngay cả với đồng minh, nhằm giành được nhượng bộ. Nhưng chuyên gia ở cả hai nước đánh giá trừ khi ông gây chiến với Panama, sẽ không có cách nào Trump giành lại quyền kiểm soát con kênh.

Cũng đáng chú ý không kém, đây không phải lần đầu tiên ông Trump nói về chuyện mở rộng lãnh thổ của Mỹ trong thời gian gần đây, ngay trước khi ông nhậm chức. 

Trong mấy tuần liền, ông đã liên tục nói về việc biến Canada thành một tiểu bang nữa của Mỹ. Giai đoạn 2017-2021, ông bày tỏ ý muốn mua đảo Greenland, vùng đất tự trị của Đan Mạch. Chính quyền Đan Mạch đã bác bỏ ý tưởng này. ■

Mick Mulvaney, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng của ông Trump, cho rằng các phát biểu khiêu khích về kênh Panama chỉ là chiến thuật đàm phán của ông Trump nhằm giảm chi phí với tàu Mỹ.

"Tôi không tưởng tượng nổi cảnh lính Mỹ sẽ tấn công để giành lại con kênh, nhưng sẽ có những người tự hỏi: Liệu Donald Trump có đủ điên khùng để làm như vậy không?", ông Mulvaney nói trên chương trình The Hill.

Ryan C. Berg, giám đốc chương trình châu Mỹ tại Viện nghiên cứu CSIS, đánh giá: "Tổng thống Mulino sẽ là đồng minh lớn của Mỹ. Chúng ta không muốn vụ này biến thành đối đầu chính trị vì chúng ta cần ông Mulino trong một loạt vấn đề khác".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận