Ông "vùng 5"

LÂM HOÀI 20/12/2009 16:12 GMT+7

TTCT - Một cán bộ hưu trí đang sống yên ổn cùng gia đình, con cháu đề huề đột nhiên quyết định đưa vợ lên núi khởi nghiệp. Người nhà tá hỏa can ngăn, còn thiên hạ gọi ông là “lão khùng”.

Thế nhưng chục năm sau mọi người mới té ngửa: “lão khùng” đã biến vùng núi trơ trọi, xác xơ thành 100ha rừng trù phú, là nguồn sống của nhiều người dân trong vùng.

Phóng to
Ông Phiên trong khu rừng bạch đàn của mình - Ảnh: Lâm Hoài

Dò đường tới nửa ngày, chúng tôi mới đến được gia trang vợ chồng “lão khùng” Nguyễn Minh Phiên ở xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, Bắc Giang - ngôi nhà sàn nép mình giữa bạt ngàn rừng xanh và bốn bề núi đồi sừng sững.

Cứu rừng

Chúng tôi chỉ kịp nhấp vội ngụm nước vối rừng rồi vác dao theo ông Phiên cắt núi thăm rừng. Đã ở tuổi 70 mà da dẻ ông còn đỏ au, cơ bắp cuồn cuộn, chân sải bước phăng phăng băng rừng. Ông bảo tuổi cao nhưng vẫn tráng kiện như thế là nhờ “lộc” của rừng: ăn rau quả từ rừng, uống nước suối từ vách núi.

“100ha rừng với nhiều loại gỗ tốt này giờ là của riêng tôi, nếu bán phải tính bằng tiền tỉ đấy nhưng tôi không chặt. Tiền rồi cũng tiêu hết nay mai nhưng trồng rừng thì lâu lắm. Để rừng lớn được đâu phải dễ, còn rừng thì còn nguồn sống, mất rừng thì chẳng còn gì nữa, đói, thiên tai, lũ lụt, mất sạch. Tôi sẽ tiếp tục giữ rừng, trồng rừng chừng nào còn sức”.

Sau hơn một giờ lội bộ đi hết ba trảng rừng bạch đàn, ông Phiên dừng lại, bổ nhát cuốc chim phập xuống đất rồi cất giọng sang sảng: “Cách đây chục năm chỗ này là vùng đồi nham nhở, cây rừng cổ thụ bị đốn tận gốc, chỉ sót lại vài cây dại chưa quá đầu người. Cả quả đồi bị hàng trăm rãnh nước, hố đất khoét sâu hoắm trông tang thương lắm”.

Đoạn ông khoát tay một vòng theo mấy quả đồi: “Phía đông là rừng bạch đàn, ba quả đồi phía tây là rừng keo, nằm chếch sang bên phải là rừng dẻ, xẻ dọc thung lũng là sáu đập nước. Rừng của lão giờ trải dài trên đất ba xã của huyện Lục Nam, ăn sang tít tận các xã giáp ranh của huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn”.

Lục Văn Toòng, cư dân ở bản Đồng Cống, quả quyết: “Lão Phiên còn rành hơn dân ở đây bất cứ ngóc ngách, khe núi, mảng rừng nào. Vùng xa xôi nhất mà bà con dân tộc sinh sống được gọi là “vùng 3” thì chỗ lão Phiên cắm chốt chắc phải là vùng 5”.

Những năm 1994-1995, hàng chục hecta rừng được giao khoán cho hộ dân ở các xã vùng sâu Lục Nam xanh tươi mơn mởn, bà con ai nấy khấp khởi mừng thầm. Thế nhưng chỉ vài năm sau, khi thân cây chưa kịp trổ vân thì lâm tặc kéo tới lộng hành ngày đêm, tiếng rìu, tiếng búa vang cả một góc rừng.

Người dân bất lực trước cảnh rừng cây từ mồ hôi nước mắt bỗng chốc bị đốn trơ gốc, nhiều người chán nản bỏ mặc rừng, một số bán tống bán tháo đất rừng. Chứng kiến cảnh tượng xót xa, lão Phiên tự nhủ: “Cứ đà này thì rừng mất, dân đói, lũ dữ về cuốn phăng cả xã Bảo Đài này mất thôi. Phải cứu rừng khi chưa quá muộn”.

Nói là làm, về nhà ông gom bán hết tất cả gia sản của gia đình để mua đất đồi trọc. Hay tin, nhiều người đến năn nỉ ông “làm phúc mua giùm”, ông gật đầu tất. Chỉ hơn hai năm, xe máy, tivi, bàn ghế trong nhà ông lần lượt ra đi; đổi lại ông sở hữu những quả đồi trơ trọi ở vùng núi Trại Trầm, Đồng Cống, Tân Sơn, Yên Thiện...

Mua đất xong hai ông bà già bỏ mặc căn nhà đang ở, tay xách nách mang vào núi dựng lều trồng rừng. Trồng được một hai trảng rừng, sức già không xuể ông vận động, thuê người khác trồng cùng. Khi cây bén rễ hai ông bà già tìm nguồn nước tưới, bón phân, cắt tỉa...

Đã có nhiều cái tết khi nhiều gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm ấm cúng, hai ông bà già vẫn thui thủi bám trụ, chống chọi với rét cắt da tháng chạp để canh chừng lâm tặc phá rừng. “Buồn tủi, thương con thương cháu nhưng không có những cái tết hi sinh như thế thì giờ rừng làm gì được thế này” - ông Phiên nhớ lại.

Phóng to
Hoa hibicus sau khi thu hoạch

Tạo những mùa hoa hibicus

Nhưng khi rừng của ông vừa tươi tốt, lâm tặc chẳng chừa, gay hơn nữa là nhiều người dân hám lợi đã biến mình thành lâm tặc. Thôi thì người lớn, trẻ nhỏ đua nhau vác dao, vác rìu vào rừng chặt cây đem bán.

Ông Nguyễn Minh Phiên đang cho ngăn suối xây thành hai đập nước khổng lồ, dựng nhà sàn, trồng cây cảnh và xây dựng một ngôi đền khang trang trên nền đền Nghè Hạ cũ ở đỉnh núi, mời các nhà sư về làm lễ.

Dự định của ông là trong vài năm tới sẽ xây dựng một khu sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng: “Dân Bảo Đài mấy đời nay không thoát khỏi đói nghèo, may ra làm du lịch, dịch vụ mới mong kéo kinh tế của địa phương lên chút ít, giúp dân bớt đói, bớt khổ được”.

Ông đã khóc vì hai vợ chồng già cản làm sao được hàng trăm người phá rừng. Ông nhờ chính quyền lập đội bảo vệ rừng nhưng không có tác dụng, vì rừng bao la mà lâm tặc nhan nhản khắp nơi canh sao xuể.

Sau bao đêm vắt óc suy nghĩ, ông tìm được kế sách: mở cửa rừng, thuê máy móc ủi đường rộng thênh thang dẫn vào rừng rồi mày mò học tiếng Tày, Nùng, Dao... để gặp người dân thủ thỉ, cho họ vào rừng thỏa sức lấy mật, kiếm củi từ cây xấu cây dại, hái rau, nhặt quả, bẫy thú... miễn là đừng chặt phá cây trồng. Ai làm tốt ông còn nấu cơm cho ăn, trả cả tiền công, dần dần nhiều người đến giúp ông chặt cây, tỉa cành, phát cỏ chăm rừng. Ngô Văn Nghiêm, trưởng thôn Trại Trầm của xã Bảo Đài, cứ tấm tắc mãi “công tác dân vận” của ông Phiên và còn tình nguyện làm “chủ tịch danh dự” hội bảo vệ rừng của thôn.

Năm 2001, đọc trên báo thấy loài hoa hibicus trồng trên núi dùng làm trà cho hiệu quả kinh tế cao, ông Phiên xuống phố tìm giống rồi về rải trên mấy quả đồi của mình. Không ngờ loài thảo dược này hợp khí hậu Bảo Đài, mùa về hoa trổ đỏ au từng vạt rừng. Đến mùa thu hoạch ông gọi người đến hái hoa trả thù lao, sau đó cho dân quanh vùng giống hibicus về trồng rồi đứng ra thu mua, tìm thị trường tiêu thụ. Giờ đây ông Phiên còn liên kết với các đơn vị kinh doanh ở Hà Nội xuất khẩu sang Trung Quốc trà hoa hibicus.

Tháng 5-2009, hơn 30ha rừng dẻ của ông đến mùa cho hạt sai trĩu. Ông mở cửa rừng gọi bà con ở các bản vào nhặt về mang đi bán. “Nếu mình thu hoạch sẽ có được không dưới 5 tấn hạt, thu về bộn tiền nhưng tôi muốn nhường cho người dân để chứng minh rằng rừng đem đến cho họ rất nhiều lợi ích, khi đó họ mới thấm thía giá trị của rừng để không chặt cây, phá rừng bừa bãi nữa”.

Ở Bảo Đài mấy năm nay rừng đã vắng tiếng dao, tiếng rựa, cây rừng ngày một cao lớn, xanh tươi. Rau quả, mật ong từ rừng là nguồn sống cho nhiều hộ gia đình đã biết cùng ông “vùng 5” giữ rừng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận