LTS: Ngày 7-1-2015 đã bước vào lịch sử thế giới như “Ngày thứ tư đen tối”. Vụ tắm máu tòa soạn tuần báo biếm Charlie Hebdo đã mở ra một cuộc tranh luận ở nhiều cấp độ của quyền tự do ngôn luận. Những người biểu tình mang cây bút chì biểu tượng với dòng chữ “Không sợ” trên đường phố Paris ngày 11-1 - Reuters 1. Ngày chủ nhật 11-1-2015 đã chứng kiến cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử nước Pháp tính từ sau Đại chiến thế giới II với sự tham gia của khoảng 4 triệu người trên nhiều thành phố, riêng Paris gần 2 triệu người. Ngay từ sáng người ta đã tập trung ở nhiều nơi tại Paris, đông nhất là xung quanh quảng trường Cộng Hòa. Các phương tiện giao thông công cộng đều được miễn phí cả ngày và hơn 5.000 nhân viên ngành cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh. Trời không phụ lòng người, chủ nhật nắng vàng rực rỡ, có lẽ là ngày thời tiết đẹp nhất từ khi mùa đông bắt đầu. Từ cửa sổ các nhà dân vang ra tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng quốc ca. Những đoàn người, người lớn, trẻ em, thậm chí cả những chiếc xe lăn, từ nhiều phía bước đi trong yên lặng, tay dâng cao các biểu ngữ tự làm: “Tôi là Charlie”, “Tôi không sợ”, “Tôi để tang chứ không gây chiến”, “Tôi là Do Thái. Tôi là Hồi giáo. Tôi là cảnh sát. Chúng ta là nước Pháp”. Một bé trai viết nguệch ngoạc trên tấm bảng nhỏ cầm ở tay: “Cháu không sợ tấn công. Cháu muốn trở thành nhà báo”. Đặc biệt có nhiều người mang theo hình tượng cây bút chì rất lớn làm bằng bìa cứng và nhiều phụ nữ gắn bút chì thật vào tóc và quần áo... để tưởng nhớ Charb, Cabu, Wolinski và Tignous - bốn nhà hí họa yêu thích của nhiều thế hệ độc giả Pháp đã bị bắn chết trong cuộc khủng bố ngày 7-1. Có thể nói với thái độ ôn hòa, bình thản, tự tin vào công lý, vào thiện tâm, vào chính nghĩa, người dân Paris đã biến cuộc tuần hành khổng lồ ngày 11-1 thành lễ hội của tự do và tình đoàn kết. 2. Đương nhiên có những người Paris đã không xuất hiện ở đây. Hoặc vì sợ bị tấn công. Hoặc do không đồng tình với Charlie Hebdo vì “Tờ báo khiêu khích Hồi giáo thái quá”, “không được nhạo báng tôn giáo của người khác”, “phải bình đẳng trong tín ngưỡng”... như người ta nghe được từ các bản tin truyền hình Pháp. Thậm chí một số học sinh gốc Hồi giáo còn từ chối gọi các thủ phạm của cuộc tấn công vừa rồi là “quân khủng bố” và tỏ ra ủng hộ hành động của họ. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi về vai trò của các ngành giáo dục và truyền thông: trường học và xã hội đã dạy dỗ như thế nào để nước Pháp bị trả thù bởi chính những người trẻ tuổi mà nước này đã cưu mang? Không nghi ngờ gì, sau ngày 7-1 này, con số dân Pháp gia nhập các đảng phái của phe cực hữu sẽ đông lên, hành động không phải là hoàn toàn vô căn cứ, tuy là những căn cứ có phần thiển cận: kinh tế Pháp đang khủng hoảng sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa vì chính phủ nhất định sẽ cắt giảm chi tiêu nhiều ngành để nâng ngân sách chống khủng bố. Chưa kể cuộc sống trước đây sẽ không còn nữa, với bao nhiêu bất tiện cho những con người vốn yêu chuộng tự do: bỗng dưng bị cảnh sát chặn đường hỏi giấy tờ, đêm ngày nghe loa phóng thanh nhắc nhở cảnh giác với các túi du lịch vô chủ, tàu điện có thể dừng giữa đường ray do vật gì giống quả bom bị phát hiện trong góc toa, chuyến bay có thể bị hủy bỏ bởi ai đó check in nhưng rồi biến mất... 3. Có những tiếng nói lo âu và bất bình, nhưng thái độ chung của người Pháp là bình thản và tự tin. Dù lúc đầu dân Pháp có bị choáng váng: không ai ngờ Hồi giáo cực đoan lại nhẫn tâm tàn sát một biểu tượng cho tự do báo chí như Charlie Hebdo. “Một cuộc tàn sát man rợ!”, nhiều người đã thốt lên, “không phải đặt bom, không phải đốt nhà, mà nã súng vào đầu hơn một chục người lương thiện, chỉ có cây bút chì trong tay!”. Quả thật, người ta choáng váng, nhưng sợ hãi thì có lẽ không. Ở những nơi công cộng, trong các siêu thị lớn, người ta vẫn hối hả mua sắm, tay xách nách mang vì đang là mùa hạ giá lớn nhất trong năm. Và dưới tàu điện ngầm - địa điểm thường bị khủng bố nhắm vào đầu tiên - không khí chung dường như không thay đổi, vẫn khung cảnh quen thuộc: người đọc sách hay mơ màng nhìn ra cửa sổ, người nghe nhạc từ điện thoại di động hay suy tư trầm ngâm, người ăn mày hát xin tiền vẫn đánh đàn tí tách. Các quán ăn vẫn đông nghịt và huyên náo, nhiều quán viết ngay ngoài cửa ra vào hay trên chỗ ghi thực đơn ba chữ đã trở nên quen thuộc với người Pháp mấy ngày nay: “Tôi là Charlie”... Người viết bài này cách đây vài hôm có việc vào bệnh viện thăm người thân. Bệnh nhân ốm mệt, xuống tinh thần nên than thở: “Cuộc sống mong manh, bắn giết kinh hoàng” thì một y tá lên tiếng: “Chị đừng sợ, nếu sợ là mắc bẫy của họ vì họ chỉ muốn làm mình sợ” bằng một giọng nhẹ nhàng, bình thản, đặc trưng của người Pháp. “La vie continue” (Cuộc sống vẫn tiếp tục) không biết từ khi nào đã trở thành câu cửa miệng ở đất nước này. Tags: Nước PhápCharlie Hebdo
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Đề xuất giảm mạnh tiền chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở NGỌC HIỂN 12/07/2025 Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thu 30-50% phần chênh lệch giá đất khi hộ dân chuyển đất nông nghiệp sang đất ở, nhằm giảm gánh nặng tài chính do bảng giá đất mới tăng cao.
Xây công trình biểu tượng ở Bảo tàng Lịch sử quân sự theo lệnh khẩn cấp của bộ trưởng Quốc phòng NAM TRẦN 12/07/2025 Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu các đơn vị xây dựng công trình khu biểu tượng ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước trong các cuộc kháng chiến của Việt Nam, theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chàng trai quăng xe, lao tới cứu cháu bé trước mũi tàu hỏa TIẾN NGUYỄN 12/07/2025 Trong lúc đi làm về, phát hiện cháu bé đang loạng choạng ở đường ray không lùi lại được, trong khi tàu hỏa đang đến gần, Nam quăng xe lao tới kéo cháu bé ra.
Mỹ phát hiện, bắt một CEO chuyển 'thiết bị tinh vi' sang Iran THANH BÌNH 12/07/2025 Một người đàn ông Iran, cũng là là thường trú nhân tại Mỹ đã bị bắt tại Los Angeles với cáo buộc xuất khẩu "thiết bị điện tử tinh vi" từ Mỹ sang Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington.