TTCT - Phóng viên ảnh chiến trường (Rapporteur de guerre) là tên một bộ phim tài liệu tham chiếu rất quý đối với nghề phóng viên ảnh (*) vì được nhìn từ người trong cuộc. Trước khi trở thành đạo diễn, ông Patrick Chauvel là phóng viên ảnh chiến trường và nhà báo. TTCT trao đổi với ông về câu chuyện nghề nghiệp nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Ông Patrick Chauvel trong buổi trò chuyện tại khách sạn Caravelle, TP.HCM - Ảnh: Minh ĐứcPatrick Chauvel nói: "Tôi có mặt tại miền Nam Việt Nam khoảng bảy tháng ở giai đoạn 1968-1969, rồi sau đó chuyển sang cuộc chiến khác, trong đó có chiến trường Campuchia và bị thương tại đó. Đồng nghiệp của tôi, Michel Laurent, đã không may tử nạn trong lúc hành nghề. Theo tôi biết, đó là phóng viên ảnh cuối cùng bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam".Ðam mê kể lại những câu chuyện thậtTrong 35 năm hành nghề phóng viên ảnh chiến trường, cuộc chiến nào ghi đậm dấu ấn nơi ông?- Việt Nam. Trước tiên là vì tôi được tiếp cận các trận đánh nên nhìn thấy mọi thứ. Ở các cuộc chiến khác, không phải lúc nào quân chính phủ lẫn phe chống đối cũng cho phép anh cầm máy ảnh chạy lung tung. Ngoài ra ở Việt Nam, tôi còn có cơ hội trở thành một nhà báo. Tôi có gặp một người bị bắt làm tù binh ở lần đi theo cuộc hành quân của lính Mỹ. Do làm rớt máy ảnh xuống bùn, tôi tức giận chửi thề bằng tiếng mẹ đẻ, thế là người đó đã hỏi tôi bằng tiếng Pháp. Tôi đoán đây là một cán bộ vì ông ta mang súng lục lúc bị bắt, khoảng 35 tuổi, nói rất thạo tiếng Pháp vì từng học ở Sorbonne. Ông ấy đã giải thích cho tôi từng điểm sai lầm của người Mỹ. Đó là lần duy nhất tôi tiếp xúc với người miền Bắc trong cuộc chiến và nó giúp tôi hiểu rằng cuộc chiến này sẽ phải sớm chấm dứt. Trong chốc lát, từ một phóng viên ảnh trẻ tìm kiếm những bức ảnh gây ấn tượng và mang chút phiêu lưu, tôi đã trở thành một nhà báo, ý thức được những gì đang diễn ra. Người phóng viên ảnh phải viết ra câu chuyện chứ không chỉ là chú thích để ai muốn làm gì thì làm với một bức ảnh. Tôi từng bị tờ L’Evenement du Jeudi đăng ảnh tôi bị thương ở chiến trường Campuchia và máu dính đầy người, với chú thích ghi rằng Patrick Chauvel bỏ mạng tại chiến trường! Sau đó tôi gọi điện hẹn ông chủ bút đi ăn tối với “người chết”, ông ta phải xin lỗi hết lời.Liệu ông có phản ảnh khách quan những gì diễn ra?- Tôi cố gắng kể lại những gì chính xác nhất, dù biết là không dễ. Công việc của một phóng viên là "đề nghị" (những gì mình chứng kiến) chứ không phải "áp đặt". Nhìn chung, tự thân các bức ảnh là khách quan. Đa số đồng nghiệp mà tôi biết đều có chung đam mê kể lại câu chuyện thật.Từ phóng viên ảnh chiến trường, trở thành nhà báo, viết sách rồi đạo diễn phim tài liệu, ông thích công việc nào nhất?- Tôi nghĩ mình vẫn làm cùng một công việc, đó là kể chuyện, bằng công cụ khác nhau. Tôi rất thích ảnh, nhưng làm phim tài liệu cũng rất tuyệt vời. Bức ảnh lưu lại một thời điểm chính xác. Chẳng hạn ở Israel có một vụ thảm sát làm 21 người chết. Tôi đã chụp ảnh những xác chết bị đứt thân. Nhưng khi làm phim, tôi không cần quay cảnh này. Tôi đã gắn camera vào lưng và quay gương mặt của những người nhìn cảnh chết chóc để cho thấy mức độ kinh hoàng của nó. Như vậy là đủ. Trong phim tài liệu, bạn có thể đặt câu hỏi cho ai đó. Chỉ riêng sự im lặng của người được hỏi đã là câu trả lời. Trong buổi giao lưu sau bộ phim, ông có nhắc đến lý do làm phim vì cái chết của công nương Diana. Ông có thể giải thích rõ hơn?- Khi công nương Diana bị thiệt mạng trên chiếc ôtô chạy trốn các paparazzi rượt đuổi bằng môtô, nhiều người bảo rằng tài xế chạy quá nhanh vì muốn thoát khỏi ống kính của các paparazzi nên tai nạn thương tâm đã xảy ra. Báo chí, nhất là ở Anh, chỉ trích dữ dội các phóng viên ảnh Pháp. Tôi được truyền hình mời với tư cách phóng viên ảnh chiến trường nói về sự khác biệt so với các paparazzi. Thế là tôi quyết định làm bộ phim để công chúng hiểu về nghề của chúng tôi, hoàn toàn không phải để chống lại các paparazzi. Tôi muốn làm chứng nhân của những gì xảy ra trên thế giới tạo nên diện mạo lịch sử, chẳng hạn lịch sử của Việt Nam và nay là của các nước Ả Rập. Tôi nghĩ càng kể nhiều về chiến tranh thì chiến tranh càng ít có cơ hội nổ ra, vì lúc đó mọi người đã được cảnh báo. Trong đó nhờ vào tác động của những bức ảnh?- Hẳn mọi người đều nhớ bức ảnh Cô gái Napalm của Nick Út. Nó đánh mạnh vào lương tâm người Mỹ. Chúng ta cần phải có những bức ảnh nhân chứng của chiến tranh để đẩy lùi chiến tranh vì một bức ảnh nói được hơn cả ngàn lời. Vì vậy mà nghề này rất nguy hiểm.Trong phim của ông, các phóng viên ảnh không bình luận gì về cuộc chiến mà chủ yếu kể lại lựa chọn của họ khi lao vào chỗ chết để hành nghề...- Tôi muốn phản ảnh động cơ đam mê nghề nghiệp của họ, liệu họ có nghĩ rằng nghề này là có ích, liệu họ làm thế vì niềm tự hào hay vì ai đó... Tất nhiên có người cho rằng họ thích mạo hiểm, nhưng cũng có người nghĩ rằng sứ mệnh là quan trọng hơn. Tôi muốn người xem phim biết rằng đằng sau mỗi bức ảnh là một con người có đam mê và lý lẽ của họ. Ông có nói rằng rất thán phục các phóng viên ảnh Việt Nam thời chiến tranh...- Đúng vậy, những người mà tôi biết đã làm công việc không thể tin được. Nhưng rất tiếc là chẳng ai nói về họ. Tôi đang cố gắng làm bộ phim tài liệu về các phóng viên ảnh Việt Nam. Tôi đang tiếp xúc với vài người và phải chạy đua với thời gian vì họ đã già. Tôi đã nhìn thấy những bức ảnh tại Hà Nội và thú thật rằng nếu dự thi quốc tế thì chắc chắn nó sẽ đoạt giải.Có lần nào ông không muốn đăng ảnh vì một lý do nào đó?- Tại chiến tranh Lebanon, tôi đã chụp ảnh một linh mục tức giận chụp khẩu tiểu liên bắn và nhờ gửi phim về Pháp trong ngày. Tối đó, vị linh mục đến gặp tôi thú nhận rằng ông ta đã làm điều ngu xuẩn vì không kìm được cơn giận, nhưng là linh mục thì ông ta không được làm thế. Ông ta cho biết hơn một tháng qua, người Hồi giáo đã chiếm làng của người Thiên Chúa giáo, nhưng khi gặp linh mục thì họ vẫn kính trọng. Nếu nhìn thấy bức ảnh này, ắt họ sẽ bắn hết các linh mục. Tôi đã gọi điện ngay cho tờ báo bảo ngừng đăng bức ảnh. Đó là câu chuyện của một người đàn ông trong một phút giận dữ, không thể để xảy ra câu chuyện 25 linh mục bị giết sau đó chỉ vì một người trong ảnh. Năm ngoái tôi làm triển lãm ảnh, trong đó có bức này. Khi đó hậu quả không còn vì chuyện xảy ra đã 20 năm. Chúng ta có thể và nên chụp hết, nhưng không nên công bố hết khi hậu quả của nó có thể vượt quá hình dung của chúng ta. Đó còn là trách nhiệm của phóng viên ảnh. Cụ thể, trách nhiệm của phóng viên ảnh là như thế nào?- Không thể nói rằng tôi không biết dư luận phản ứng đến như vậy sau khi ảnh đăng. Anh ta phải nghĩ trước hậu quả. Nhưng cũng có trường hợp đáng tiếc khi bức ảnh bị hiểu sai. Hẳn nhiều người còn nhớ bức ảnh chụp đứa bé sắp sửa chết đói trên sa mạc châu Phi, gần đó là con chim kền kền đang chờ "bữa ăn". Người phóng viên ảnh đã chụp hai bức này, thế là độc giả la toáng rằng anh ta quá xấu xa, rằng chính anh ta mới là con chim kền kền... Trong đầu mình, tác giả chỉ nghĩ đây là một biểu tượng quá mạnh về nạn đói, và kết quả là rất nhiều người đã quyên góp tiền để giúp châu Phi. Rõ ràng bức ảnh này có ích khi nó giúp được hàng triệu người. Sau khi chụp, người phóng viên ảnh đã dùng đá ném con chim và ẵm đứa bé đi tìm bác sĩ chăm sóc. Anh ta đã hành nghề trước rồi mới giúp người. Không ít độc giả mắng chửi phóng viên ảnh này và cuối cùng anh ta đã tự tử vì bị suy sụp nặng. Bức ảnh đã gây ra một cái chết, đó là tác giả của nó chứ không phải nhân vật trong ảnh. Không khó để thấy phản ứng ngày càng nhiều và dữ dội trên các mạng xã hội, khi có người cho rằng trong lúc xảy ra thảm họa, người phóng viên ảnh không lo cứu người... Ông nghĩ sao về điều này?- Người ta đâu hiểu rằng trong rất nhiều trường hợp, chính bức ảnh mới cứu người. Khi có người bị thương trong chiến tranh, phóng viên ảnh chỉ mất vài giây để chụp một hoặc hai bức ảnh, liền sau đó những người thân và bạn bè của nạn nhân can thiệp ngay. Trong tình huống người bị thương hoàn toàn đơn độc, tôi không hành nghề mà lo cứu chữa. Đâu có ai biết chuyện đó vì đâu có bức ảnh. Cần thích nghi thật nhanhCách nay nửa tháng, tờ Chicago Sun-Times đã sa thải tất cả 28 phóng viên ảnh, trong đó có người từng đoạt giải Pulitzer. Ông nói gì về sự kiện này?- Chúng ta đang trải qua giai đoạn rất khó khăn của báo viết vì sự cạnh tranh của Internet và truyền hình. Tôi có nhiều đồng nghiệp bị mất việc. Ngay cả với phóng viên ảnh chiến trường cũng khó. Trên thế giới có thể có khoảng 20 điểm nóng chiến sự hoặc xung đột, nhưng có đến 10.000 phóng viên ảnh muốn đến đó. Chỉ có khoảng vài chục tờ báo và tạp chí thỉnh thoảng đăng vài bức ảnh chiến tranh.Vậy phóng viên ảnh sẽ buộc phải đa năng, như đòi hỏi của nhiều tờ báo đối với phóng viên viết?- Đúng vậy. Nghề này đang thay đổi. Nó giống như một cái chân máy ba kiềng gồm chụp ảnh, viết bài và quay phim, nếu bị gãy một cái thì đâu thể đứng được. Tôi cũng đã làm đủ những việc này, chủ yếu do đam mê. Nếu chỉ có chụp ảnh thì tôi khó tồn tại. Nay các máy ảnh có thêm chức năng quay phim nên tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa, nghề chụp ảnh sẽ không có chỗ đứng vì người phóng viên ảnh sẽ được yêu cầu quay phim trước tiên để khi tòa soạn cần ảnh thì anh ta sẽ xử lý ảnh cắt ra từ phim, với chất lượng sẽ tốt hơn nhờ công nghệ phát triển quá nhanh. Các phóng viên ảnh lớn tuổi bực mình với chuyện này vì họ mất thói quen điểm tựa, nhưng đó là diễn tiến không thể tránh khỏi.Nếu cho lời khuyên nghề nghiệp, ông sẽ nói gì?- Cần phải thích nghi thật nhanh. Như trong cuộc đua xe tốc độ, nếu bạn không biết xử lý cua ngoặt thì sẽ đâm xe vào tường. Nếu hiện nay bước vào nghề ở tuổi 20, tôi sẽ bắt đầu quay phim rồi mới chụp ảnh. Ông quan niệm bức ảnh thành công là như thế nào? - Ảnh phải mạnh, nhưng không gây sốc, mà khiến người khác phải ý thức, phải hành động. Khi độc giả nhìn thấy bức ảnh một người bị cắt làm hai, họ sẽ gấp tờ báo lại ngay vì ảnh quá ghê. Ngược lại, nếu bức ảnh chỉ lấy gương mặt đau đớn của nạn nhân, độc giả sẽ đọc tiếp nội dung để biết điều gì xảy ra. Ở trường báo chí có nói "quá nhiều thông tin giết chết thông tin". Liệu có thể nói như vậy với ảnh?- Tôi nghĩ cũng đúng như thế. Ngày nào cũng nhìn thấy ảnh chiến tranh trên trang bìa thì đúng là ngán thật. Công việc của tòa soạn là phải biết cân chỉnh liều lượng. Phóng viên ảnh có thể viện dẫn là chiến sự vẫn tiếp diễn ở Syria để tiếp tục đăng ảnh bìa, nhưng ông chủ bút còn phải bán báo kiếm sống nữa chứ. Ở trang trong tòa soạn vẫn có thể đăng một bức ảnh nhỏ về cuộc chiến, hoặc trong ba tuần nữa sẽ lại viết về nó để nhắc rằng cuộc chiến vẫn còn đó. Khi ấy độc giả sẽ chấp nhận. Tôi đồng ý là ngày càng có nhiều hình ảnh trên Internet, truyền hình và thậm chí cả trò chơi video. Nhưng biết làm gì bây giờ? Chúng ta đang ở trong một xã hội siêu thông tin. Mọi người có gì cũng đều "tương" lên Internet hết, từ chiếc xe đạp cho đến đứa bé... Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.(*): Phóng viên ảnh chiến trường được chiếu ngày 10-6 trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 5, diễn ra từ ngày 10 đến 29-6 tại Trường ÐH Hoa Sen, TP.HCM. Tags: Nhà báoPatrick ChauvelNgày báo chíNghề phóng viên ảnhCâu chuyện nghề nghiệp
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Nhật Bản dự báo ngày 17-9 áp thấp nhiệt đới có thể vào Biển Đông thành bão số 4 LÊ PHAN 16/09/2024 Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đang được các cơ quan khí tượng trong và ngoài nước theo dõi sát sao để cảnh báo cho người dân.
Bão Bebinca mạnh nhất trong hơn 70 năm đổ bộ Thượng Hải, Trung Quốc BÌNH AN 16/09/2024 Bão Bebinca vượt qua bão Gloria, trở thành cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào thành phố Thượng Hải của Trung Quốc kể từ năm 1949.
TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? ĐỨC PHÚ 16/09/2024 TP.HCM đang xây dựng một đề án phát triển giao thông xanh quy mô với kỳ vọng 'xanh hóa' xe buýt từ nay đến năm 2030.
Hình thành áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines CHÍ TUỆ 16/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết ở vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines) có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động.