TTCT - Cuối cùng thì Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã gián tiếp phủ quyết mọi yêu sách chủ quyền và “đường lưỡi bò” tự ấn định của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết đó cho thấy công lý không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh, dù để công lý từ tuyên bố tới được thực thi sẽ còn là cả một chặng đường dài. Một nhà hoạt động Philippines tìm cách cắm cờ trên tàu ở gần bãi cạn Scarborough, ngoài xa là một tàu tuần duyên Trung Quốc -straitstimes.com Với sự đồng thuận tuyệt đối 5/5 phiếu, PCA, được thiết lập căn cứ trên phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), đã dõng dạc tuyên định về vụ trọng tài do Cộng hòa Philippines khởi kiện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Sự nhất trí tuyệt đối này không đơn giản là một nhãn quan, lập trường và thái độ chung của năm vị quan tòa Thomas A. Mensah (chủ tịch, quốc tịch Ghana), Jean-Pierre Cot (Pháp), Stanislaw Pawlak (Ba Lan), Alfred H.A. Soons (Hà Lan) và Rüdiger Wolfrum (Đức), mà còn là và chính là sự thể hiện của chân lý về một số vấn đề liên quan đến Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, ở đây là UNCLOS. Thêm một nền tảng pháp lý cho biển Đông Phán quyết dài 497 trang đã không chỉ là sự đáp ứng đơn kiện của Philippines, trong nội dung và tinh thần luật pháp, phán quyết này chính là cái nhìn duy nhất đúng về một số vấn đề then chốt trên Biển Đông, tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng cho những vấn đề thực tế tiếp theo như các quyền lịch sử; nguồn gốc nào là hợp pháp hoặc không, gắn với các tuyên bố quyền chủ quyền trên Biển Đông (mà Trung Quốc trước giờ vẫn cao giọng tự nhận là “từ cổ đại” và “không thể tranh cãi”); tính pháp lý của một số thực thể trên biển (các đảo đá, bãi cạn không phải là đảo vì không có khả năng hỗ trợ sự sống của con người, bất chấp thực tế Trung Quốc đã bồi đắp, mở rộng và cả quân sự hóa chúng); các tuyên bố chủ quyền đơn phương bắt nguồn từ việc bồi đắp nhân tạo; và về cả tính hợp pháp của một số hành động cụ thể của Trung Quốc, như một lời nhắc nhở không chỉ Bắc Kinh, mà tất cả các bên về những gì được hay không được làm trên Biển Đông ít ra là về mặt pháp lý. Nói cách khác, có thể coi phán quyết ngày 12-7-2016 của PCA là một nền tảng pháp lý quan trọng nữa cho vấn đề Biển Đông, mà với mọi vấn đề đang tranh chấp có thêm những quy định chặt chẽ, rõ ràng (ngay cả khi có những bên không công nhận các quy định này), thì bao giờ cũng tốt hơn là để một số quốc gia tự ý hành xử theo kiểu “luật rừng”, mạnh được yếu thua. Nền tảng ấy là gì? Tòa đã tuyên: “Trung Quốc từng có quyền lịch sử với các tài nguyên trên Biển Đông, song các quyền đó đã chấm dứt do không trùng khớp với các vùng đặc quyền kinh tế được quy định bởi UNCLOS”. Nôm na mà nói, PCA thấy không cần thiết phải tranh luận về những luận điệu “chủ quyền từ thời xa xưa” của Trung Quốc. Thay vào đó, căn cứ các điều khoản của UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý tính từ đường cơ sở), thì những vùng biển mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho là “chủ quyền lịch sử từ 2.000 năm qua” của nước này là không có ý nghĩa: mọi quốc gia đều chỉ có thể kẻ vùng đặc quyền kinh tế của mình từ đường cơ sở trở ra đến 200 hải lý mà thôi, chứ không thể lập luận rằng tổ tiên tôi hồi xưa của mình đã tới đó thì có thể nhận đó là đất hay biển của mình! Thông cáo báo chí của PCA giải thích: “Cho dù các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc, cũng như của các nước khác, trong lịch sử đã có sử dụng các hòn đảo trên Biển Đông chăng nữa thì cũng chẳng có bằng chứng nào rằng Trung Quốc đã, trong lịch sử, thực thi quyền kiểm soát một cách độc quyền các vùng biển hay tài nguyên đó”. Trong tuyên định, PCA cũng đã không dưới 40 lần trích dẫn, cả trong văn bản chính và phần chú thích, những phán quyết liên quan trước đó về các vấn đề tranh chấp trên biển đủ kiểu, cả về lãnh thổ, lãnh hải lẫn hành vi (khai thác, đánh bắt cá...) ở nhiều nơi của Tòa án trọng tài quốc tế về Luật biển (ITLOS). Muốn tranh luận xem ai thật sự có chủ quyền lịch sử thì hãy “hòa bình” rủ nhau ra ITLOS, trưng ra các sử liệu, chứng cớ mà tranh luận. Từ đó, PCA nhấn mạnh: “Không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lịch sử đối với các tài nguyên ở các vùng biển nằm trong đường chín đoạn”, tức cái gọi là “đường chín đoạn” không có chút giá trị pháp lý nào! Tòa cũng tuyên rằng các mỏm đá mà Trung Quốc lâu nay bồi đắp và đưa người tới không thể được coi là những hòn đảo đầy đủ có dân cư sinh sống và kết luận: “Không một thực thể nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo thành một vùng đặc quyền kinh tế”. Về các hành động của Trung Quốc, tòa đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Tòa nhận thấy rằng việc Trung Quốc gần đây bồi đắp trên quy mô lớn và xây các đảo nhân tạo là không phù hợp với các nghĩa vụ của một nhà nước trong khi đang phải giải quyết tranh chấp”. Cảnh cáo này thích đáng do lẽ ngay trong ngày mà tòa ra phán quyết, Tân Hoa xã cho biết một máy bay dân sự Trung Quốc đã thử nghiệm thành công hai sân bay mới trên các đảo ở Trường Sa. Các Phản ứng Bắt đầu là phản ứng của Bắc Kinh qua tuyên bố sau của chính phủ nước này: “Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa. Nhân dân Trung Quốc đã có hơn 2.000 năm lịch sử hoạt động tại Nam Hải. Trung Quốc là nước phát hiện, đặt tên và khai thác tận dụng sớm nhất các đảo trên Nam Hải và vùng biển liên quan, thi hành chủ quyền và quyền quản lý sớm nhất, liên tục, hòa bình và hiệu quả đối với các đảo trên Nam Hải và vùng biển liên quan, đã xác lập chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi liên quan tại Nam Hải. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Trung Quốc năm 1947 đã biên soạn “Địa lý chí lược các đảo Nam Hải” và vẽ bản đồ “Vị trí các đảo Nam Hải” trên các đoạn đứt khúc, đồng thời chính thức công bố trước thế giới vào tháng 2-1948. Từ khi thành lập vào ngày 1-10-1949 đến nay, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải. Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải bao gồm: 1/ Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trên Nam Hải, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa; 2/ Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp; 3/ Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; 4/ Trung Quốc có quyền lợi mang tính lịch sử tại Nam Hải. Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối một số nước xâm chiếm trái phép một số đảo và bãi đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, cũng như hành vi xâm phạm quyền quản lý vùng biển liên quan của Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục cùng với nước đương sự liên quan trực tiếp giải quyết hòa bình tranh chấp liên quan trên Nam Hải thông qua đàm phán và hiệp thương dựa theo luật pháp quốc tế trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử. Trung Quốc tôn trọng và ủng hộ các nước được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trên Nam Hải theo luật pháp quốc tế” (nguồn: Đài CRI Trung Quốc). Sẽ có những kịch bản nào sau tuyên bố này? 1. Trung Quốc vẫn một luận điệu cũ, song cho tới giờ trong những lời bác bỏ tuyên định của PCA từ tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình tới các phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, Bắc Kinh chưa đưa ra lời lẽ mang tính đe dọa nào. Như vậy liệu có thể hi vọng (dù mong manh) rằng Trung Quốc đã ít ra là bớt đi ý muốn sử dụng vũ lực? Hoặc tốt hơn nữa là chấp nhận tranh biện về những lập luận liên quan tới chủ quyền, bao gồm “cứ liệu lịch sử” và “pháp lý” với các nước liên quan, khi nói về việc “đàm phán và hiệp thương dựa theo luật pháp quốc tế trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử”? Tất nhiên, đó vẫn là một kịch bản khá xa vời bởi nếu Trung Quốc thật sự tự tin với chứng cứ của họ, thì họ đã không vắng mặt ở PCA (chứ đừng nói là ITLOS, vốn là nơi tài phán “tất cả các không gian trên biển, việc sử dụng các không gian này và những tài nguyên liên quan”)! 2. Ẩn sau tuyên bố ngày 12-7-2016 của Chính phủ Trung Quốc, dường như là một phản ứng “tạm chờ gió lặng”. Phản ứng “chờ gió lặng” này, thay vì kịch liệt phẫn nộ, dường như cùng chiều với phản ứng của các bên khác. 3. Tất nhiên, nếu hoài nghi, vẫn có thể e rằng đây chỉ là “gió lặng” nhất thời trước cơn bão lớn trong khi vẫn “trường kỳ mai phục”. Huffington Post ngày 12-6 cho biết Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa loan báo một tàu khu trục trang bị tên lửa mới đã được đưa vào biên chế tại một căn cứ trên đảo Hải Nam, vốn chuyên trách Biển Đông. Còn nhớ tháng trước, Trung Quốc đã bổ sung một loạt tàu khu trục mới cho hạm đội Nam Hải và điều động hai tàu ngầm hạt nhân tới đây. Một cuộc tập trận cũng đã diễn ra đúng vào những ngày trước phán quyết PCA. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Philippines đã ra ngay thông cáo: “Philippines hoan nghênh việc Tòa trọng tài thường trực công bố phán quyết”. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Philippines “kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tỉnh táo”. Có thể thấy Philippines, trong khi hoan nghênh quyết định của tòa, đã tỏ ra hết sức thận trọng, không những không hồ hởi ăn mừng mà còn kêu gọi “kiềm chế và tỉnh táo”. Tới đây Philippines sẽ làm gì? Có vẻ như khi nhận xét rằng “Quyết định (này) khẳng định luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, Bộ Ngoại giao Philippines ngụ ý sẽ dựa vào “luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS” mà từ ngày 12-7-2016 đã gần với công lý hơn, và không chỉ cho một mình Philippines! Tôn trọng pháp luật, đó cũng là nội dung các thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản cùng ngày. Thông cáo phát đi từ Tokyo nêu rõ: “Nhật Bản đã liên tục ủng hộ mạnh mẽ tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật và sử dụng các biện pháp hòa bình, chứ không sử dụng vũ lực hay cưỡng ép trong việc tìm kiếm giải quyết tranh chấp trên biển... Nhật Bản mạnh mẽ mong rằng việc các bên tuân thủ phán quyết này cuối cùng sẽ dẫn đến giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thế: “Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ việc thượng tôn pháp luật. Chúng tôi hậu thuẫn các nỗ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông một cách hòa bình, kể cả thông qua trọng tài”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “Quyết định này có thể và sẽ đóng vai trò một cơ hội để làm mới những nỗ lực giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình”. Về lâu dài, Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ “khuyến khích các bên tranh chấp làm rõ các yêu sách biển của mình đúng với luật pháp quốc tế - như đã được thể hiện trong Công ước Luật biển (UNCLOS) - và làm việc với nhau để quản lý và giải quyết các tranh chấp của mình. Những bước như vậy có thể làm nền tảng cho các cuộc thảo luận sau này nhằm thu hẹp phạm vi địa lý của các tranh chấp hàng hải, thiết lập các chuẩn mực ứng xử ở các khu vực tranh chấp, và cuối cùng là giải quyết các tranh chấp tiềm ẩn mà không cần tới áp đặt hay sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Thêm một cơ sở pháp lý nữa cho Biển Đông, có thể hi vọng các bên sẽ nhận thức được yêu cầu thực thi công lý và cư xử đúng trong một nền pháp quyền quốc tế, nhận ra những giới hạn cần thiết với bất cứ mưu đồ nào mà tự kiềm chế, để trước mắt tránh được can qua cho bá tánh, ít nhất cũng là trong một thời gian...■ Tags: Biển ĐôngTòa trọng tài thường trựcCông lý còn dàiPhủ quyết đường lưỡi bò
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (Giáo viên) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cám ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cám ơn của đứa học trò vừa nhận được học bổng Tiếp sức học bổng đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.