PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản

TTCT - Hơn 40 năm trước, cô sinh viên Nguyễn Thị Bay choáng váng sửng sốt khi nghe phân ngành thấy tên mình trong danh sách "học đông y". Tới hôm nay bà được đánh giá là một trong những đại thụ ngành y học cổ truyền.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay

Gặp bà rất khó, không chỉ vì lịch khám của bà luôn dày đặc mà còn vì vô số công việc khác. Bà nhắn: "Thông cảm, tôi vừa qua mấy hội nghị khoa học liên tiếp trong nước và quốc tế, nay phải chạy cho kịp lễ khoác áo blouse cho tân sinh viên, trao học bổng cho sinh viên vượt khó".

Đi về hướng cá thể hóa điều trị

Hơn 40 năm trước, cô sinh viên Nguyễn Thị Bay choáng váng sửng sốt khi nghe phân ngành thấy tên mình trong danh sách "học đông y". Tới hôm nay bà được đánh giá là một trong những đại thụ ngành y học cổ truyền, "người tiên phong cải cách y học cổ truyền theo hướng hiện đại hóa". Bà đang tập trung vào những việc gì?

Ý thức rõ thời gian của mình đang ngắn dần, tôi hiện đang tập trung viết thêm sách chuyên môn nhằm truyền tải một số kinh nghiệm mình có được cho thế hệ đàn em và cho người dân bình thường nhằm mục đích biết theo dõi sức khỏe và phòng bệnh. 

Bên cạnh đó, trong vai trò vừa là cô giáo vừa là thầy thuốc già, động viên thế hệ trẻ nghiên cứu khoa học về y học cổ truyền (y học cổ truyền), kết hợp đông - tây y trong điều trị một số bệnh khó, kết hợp với các nhóm nghiên cứu trong các bệnh viện. Tôi muốn góp sức minh chứng cơ sở khoa học của kinh nghiệm xưa trong y học cổ truyền, làm cho giới y học hiện đại hiểu hơn về y học cổ truyền.

Bây giờ mà vẫn nhiều người chưa hiểu nhiều về y học cổ truyền, khi mà nó chữa trị khá phổ biến trong xã hội? Theo bà, y học cổ truyền đã chữa tốt được các bệnh gì?

Xét về khả năng, có thể nói y học cổ truyền tham gia chữa được hầu hết mọi loại bệnh, trừ cấp cứu và phẫu thuật. Nếu theo góc nhìn rằng bệnh là do mất đi sự cân bằng về thể chất kéo theo những lo sợ về tinh thần và chữa bệnh chính là tái lập sự cân bằng, thì y học cổ truyền có thể tham gia vào tất cả, từ sau phẫu thuật, sau cấp cứu đến các bệnh mãn tính. Đặc biệt xu hướng hiện nay trong y học là cá thể hóa điều trị, đó cũng chính là thế mạnh của y học cổ truyền: "chữa người bệnh" chứ không chỉ "chữa căn bệnh".

Trở thành một trong những đại thụ rồi, bà còn băn khoăn ao ước gì trong nghề nghiệp? Một trong những thách thức xưa nay là y học cổ truyền dựa trên kinh nghiệm truyền thống chứ chưa được nghiên cứu chứng minh đầy đủ dưới góc độ khoa học hiện đại. Câu này còn đúng không?

Chính xác. Xét về điều trị trên lâm sàng hiện nay, tây y đã đạt những đỉnh cao khoa học chữa được nhiều bệnh khó, mang lại lợi ích lớn cho người bệnh và xã hội. Tuy vậy, việc điều trị không chỉ là "chữa căn bệnh" mà phải "chữa cho người bệnh", vì vậy cần đòi hỏi nhiều vấn đề nữa, đó là phần mà y học cổ truyền có thể góp sức.

Mặc dù y học cổ truyền đã có nền tảng kinh nghiệm ngàn năm, nhưng trong thời đại hiện nay, muốn bắt nhịp song hành với y học hiện đại, y học cổ truyền bắt buộc phải có bước chuyển mình, không chỉ là "kinh nghiệm truyền kinh nghiệm" nữa, mà phải được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học, để việc chữa bệnh bằng y học cổ truyền không chỉ là kinh nghiệm cá nhân mà trở thành sự thật được khoa học công nhận.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản - Ảnh 2.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay

Tại Việt Nam hiện nay, y học cổ truyền đã có nhiều nghiên cứu khoa học trong phòng lab nhưng chưa nhiều nghiên cứu trên lâm sàng. Chính vì thế, y học cổ truyền chưa đủ sức thuyết phục, minh chứng khả năng có thật của mình. 

Giới y học hiện đại cũng còn những hạn chế trong việc tin tưởng và ủng hộ y học cổ truyền trong các mặt bệnh khác nhau. Vì vậy, rất cần sớm nghiên cứu năng lực thật sự của y học cổ truyền: loại bệnh nào có thể chữa bằng y học cổ truyền đơn thuần, loại bệnh nào cần phối hợp đông - tây y.

Khả năng điều trị của y học cổ truyền rất rộng lớn, có thể góp sức trong nhiều chuyên khoa khác nhau, không phải chỉ có hai mặt bệnh là bệnh lý cơ xương khớp và phục hồi người bệnh sau đột quỵ như hiện nay nhiều người đang cho là như vậy. 

Theo kinh điển, y học cổ truyền có thể chữa rất nhiều bệnh - những loại bệnh mà ngày nay được xếp vào nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, da liễu, truyền nhiễm… Do đó, để phát triển cổ thụ y học cổ truyền, nghiên cứu y học cổ truyền cần tập trung bám sát vào kho tàng kinh điển của cổ thụ ấy.

Thứ nhất, cần làm sáng tỏ kinh nghiệm xưa của các y gia có hiệu quả ứng dụng trên lâm sàng bằng minh chứng khoa học. Những bài thuốc, những phương huyệt từng điều trị những bệnh cảnh gì, cần được chứng minh lại bằng nghiên cứu khoa học, xác định rõ ràng những phương pháp điều trị đó thuộc bệnh/nhóm bệnh nào theo y học hiện đại ngày nay.

Thứ hai, không chỉ dừng lại chứng minh những gì đã có, y học cổ truyền cần tiếp nối để không ngừng phát triển và phân nhánh, bằng cách chuyên khoa hóa y học cổ truyền. Các phương pháp điều trị được hệ thống hóa thành phác đồ cụ thể, ví dụ giai đoạn bệnh nào dùng bài thuốc nào, liều lượng tăng giảm như thế nào… Đó là những thứ mà kinh điển không nói hoặc chưa thể ghi chép cụ thể.

Thứ ba, tích hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Đây là bước thử thách nhất vì cần có sự phối hợp bộ óc của cả thầy thuốc y học hiện đại và y học cổ truyền. Giai đoạn này, nghiên cứu không còn phân biệt đông y hay tây y mà là một khối y học thống nhất nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Những nhiệm vụ tôi nêu trên rất cấp thiết, bất cứ thầy thuốc lâm sàng có sử dụng y học cổ truyền nào cũng đều thấy được nhu cầu ấy. Đó cũng là thử thách của y học cổ truyền hiện nay.

Vì thế ao ước của tôi là thầy thuốc y học cổ truyền ngày nay, đặc biệt là thế hệ thầy thuốc trẻ, cần hiểu rằng y học cổ truyền không thể dừng lại ở kinh nghiệm như các cụ ngày xưa mà phải tiến đến nghiên cứu khoa học để thấy rõ cơ sở khoa học của việc điều trị. 

Bởi trên thực tế, bất kỳ điều trị nào, kể cả tây y hay đông y, luôn có hai mặt lợi và bất lợi, việc sử dụng thuốc y học cổ truyền cũng có thể gây tương tác có hại cho người bệnh, nếu không được nghiên cứu khoa học thì khó có thể thấy được các góc khuất này. Các nhà quản lý y học cổ truyền và Bộ Y tế cần đi về hướng cá thể hóa trong đông y.

Không nên "tây hóa đông y"

Nhiều người vẫn nghĩ y học cổ truyền chữa bằng thảo dược trong vườn, tác dụng chậm hơn nhưng lại đắt hơn thuốc tây rất nhiều, có thang thuốc bình thường đã hàng triệu?

Là bởi vì bào chế dược liệu sống thành dược liệu chín làm thuốc theo cổ truyền còn phức tạp và thủ công, giá thành đội lên từ đây. Hơn nữa thuốc thang từ dược liệu ngày càng ít được dùng. 

Tại khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa, đa số thuốc thường ở các dạng thành phẩm, xem ra có vẻ tiện dụng, dù các sản phẩm thuốc này làm ra từ dược liệu nhưng vẫn như thuốc tây. 

Câu hỏi làm sao giảm giá thuốc y học cổ truyền, tiện dụng mà vẫn giữ được nội hàm và bản chất của thuốc, chỉ có Bộ Y tế và những nhà quản lý y học cổ truyền mới trả lời được, phải làm từ vĩ mô và có chiến lược cho xu hướng này.

Thí dụ một nữ bệnh nhân ở Nhật mà tôi gặp năm 1994, được chẩn đoán mắc Lupus đỏ giai đoạn cấp. Giới y khoa đều biết phải điều trị Cortisone từ 1-1,5mg/kg cân nặng, nếu kéo dài tình trạng điều trị này có nguy cơ gây hội chứng Cushing (suy tuyến thượng thận). 

Lúc bấy giờ cô được điều trị cortisone liều thấp 0,5mg/kg kèm theo bài thuốc y học cổ truyền. Sau 3 tháng, tôi về nước vẫn dõi theo tin tức và được biết cô ấy bỏ hẳn thuốc tây, chỉ dùng y học cổ truyền và kết quả rất khả quan. Đặc biệt là ngay cả tổng liều thuốc thang cho cô ấy cũng chỉ dùng 18gr thay vì phải 100gr như liều người Việt chúng ta dùng hiện nay.

Vì thế, việc bào chế dược liệu để bốc thành thang thuốc y học cổ truyền vô cùng quan trọng, cần thiết cho các giai đoạn điều trị.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản - Ảnh 3.

Vậy theo bà, thách thức hiện nay với y học cổ truyền là gì?

Đối với giới y học hiện đại và người dân trong xã hội, nên hiểu rằng song song với sự phát triển vượt bậc của y học hiện đại thì y học cổ truyền cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngày càng có chỗ đứng, không nên có thái độ bài bác khi chưa hiểu nó tường tận. Càng không nên có kiểu "kính nhi viễn chi" vì những thái độ ấy không giúp gì nhiều, còn gây hoang mang cho người bệnh.

Đối với giới y học cổ truyền, còn rất nhiều nhiệm vụ và thách thức rất lớn để phát triển. Một là làm sáng tỏ kinh nghiệm điều trị của y học cổ truyền trong kinh điển bằng nghiên cứu khoa học. 

Hai là cụ thể hóa điều trị y học cổ truyền, trở thành phác đồ với hướng dẫn điều trị chi tiết, cụ thể (điều mà kinh điển chưa/không nói tới). Ba là tích hợp đông - tây y, dùng y học cổ truyền và y học hiện đại đúng lúc đúng bệnh, không còn phân biệt.

Tiếp đến, cần tính đến vấn đề kinh tế, có được thuốc rẻ, thuốc tốt, tiện dụng mà không đánh mất nội hàm của thuốc y học cổ truyền. Tất cả những nhiệm vụ trên đang chờ thế hệ trẻ bác sĩ y học cổ truyền tiếp nối chúng tôi.

Xin cảm ơn bà.

Tôi được biết, Nhật chỉ mới tập trung phát triển y học cổ truyền trong hơn 200 năm qua nhưng thuốc nội địa của họ không giới hạn thuốc này là thuốc tây, kia là thuốc đông. Đúng vậy không và vì sao vậy?

Trước tiên vì người Nhật không cần phân biệt phương tiện nào cho điều trị, việc đó do thầy thuốc quyết định và Chính phủ Nhật rất chú trọng đầu tư. Tôi đã được tham quan nơi bào chế và sản xuất thuốc đông dược, họ dành khu đất rộng 21 mẫu Anh tại Tokyo xây dựng 14 tầng làm nơi bào chế sản xuất thuốc y học cổ truyền, làm tất cả công đoạn từ rửa, sao chế thành dược liệu chín để bốc thuốc cũng như sản xuất thành các thành phẩm y học cổ truyền.

Từ năm 1991, tôi đã thấy trên thị trường Nhật có một loại thuốc bột sản xuất từ ma hoàng (một loại dược liệu y học cổ truyền) dùng nhiều cho các bệnh cảm cúm, mũi xoang, viêm phế quản. Khi đưa vào sử dụng, tác dụng điều trị tốt nhưng sau khi dùng gây tác dụng phụ khô cổ và môi miệng, khi sắc tổng dược liệu ma hoàng thì không có tác dụng phụ này.

Cần biết là trong ma hoàng có chứa hoạt chất Alkaloid Ephedrine, họ đã thu hồi thuốc dạng bột này, tiếp tục nghiên cứu, ghi nhận trong ma hoàng còn có một Alkaloide khác và đặt tên là Pseudo - Ephedrine, sau đó họ tiếp tục bào chế lại dạng bột và đưa vào chữa bệnh, lần này không gây tác dụng phụ nào.

Nước Nhật có cách tổ chức quản lý khiến người dân tin tưởng nơi thầy thuốc điều trị, không phân biệt chọn lựa đông - tây y, bảo tàng dược liệu của họ tại Toyama có đến hơn 17.000 mẫu vật dược liệu, trong đó có nhân sâm được bảo quản hơn 300 năm và nhiều dụng cụ bào chế thuốc xưa như thuyền tán, dao cầu...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận