TTCT - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (từ ngày 26 đến 31-12-2011) đã ban hành nghị quyết “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, cho rằng cần nhận rõ các căn bệnh “tư duy” và phải thành lập hội đồng độc lập chấm điểm các dự án đầu tư để chống dàn trải. Phóng to “Lô cốt” trên đường Nguyễn Kiệm (TP.HCM) thi công ì ạch nhiều tháng chưa xong (ảnh chụp cuối tháng 12-2011) - Ảnh: Thuận Thắng Ông cho rằng điều quan trọng là “phải cầu thị, phân tích sâu sắc các nguyên nhân yếu kém khiến đầu tư kết cấu hạ tầng dàn trải, chất lượng kém... Thử nhìn Hàn Quốc, họ đã chú trọng xây dựng một hệ thống giao thông, hạ tầng đồng bộ ngay từ giai đoạn đầu phát triển. Họ đã phát triển nhanh, đỡ tốn kém”. * Để có đột phá trong xây dựng hạ tầng phải xác định là rất khó vì toàn chống lại những bất cập rất lớn, liên quan chặt đến quyền lợi nhiều người? - Tôi tổng kết thành năm bệnh tư duy cần chữa. Thứ nhất là tư duy bao cấp. Nghĩa là chỉ thích Nhà nước làm. Thứ hai là tư duy “làm vừa lòng mọi người”. Tức là nơi cần rất gấp để phát triển thành đầu tàu cũng chỉ cho một ít, để nơi nào xin cũng phải có, ngành nào cũng phải có. Bây giờ ta thấy rất nhiều thứ chưa thật cần nhưng họ vẫn xin được. Như một số rạp hát, hội trường, quanh năm chỉ họp hai lần nhưng vẫn xây. Nếu như tư tưởng vừa lòng mọi người là của cấp trên thì cấp dưới có cái tư duy thứ ba cần bỏ, đó là “bản vị cục bộ”: ngành nào biết ngành ấy, địa phương nào biết địa phương ấy. Đã có trường hợp ngành thủy lợi vừa làm một cái đập, ngành giao thông sau đó lại làm cái cầu cách đó không bao xa, trong khi hoàn toàn có thể biến cái đập thành cầu được. Hay có tỉnh xin được dự án làm đường, họ chỉ làm đoạn nối từ tỉnh mình lên trung ương, đoạn lãnh đạo hay đi họp, còn chỗ nối với tỉnh khác thì không để ý. Nói ra thì nhiều chuyện khôi hài, chưa nói tư tưởng này còn khiến nhiều lúc họ tranh nhau... Thứ tư là tư tưởng ỷ lại và thứ năm chính là tư duy nhiệm kỳ, cái nào cũng tốn kém, nguy hiểm cả. * Thưa ông, có một “bệnh” ẩn sau tất cả các “tật” trên chính là “bệnh phết phẩy”. Không nhận diện để có giải pháp sẽ không thể thay đổi tình hình? - Cần nhận diện đó là tham nhũng, nhóm lợi ích. Lãnh đạo phải hỏi tại sao họ cứ muốn vơ về bằng được? Hạ tầng cần một hệ thống, như làm cảng mà không làm đường nối với trung tâm kinh tế thì làm sao phát huy được. Nhưng anh cứ bằng mọi giá vơ cảng về, còn hiệu quả là chuyện khác. Đó là do sẽ có phần trăm. Cái này không phải tất cả các nơi, nhưng không ít. Lần này tôi mừng vì Tổng bí thư vừa chỉ rõ vấn đề, ta có thể hi vọng. * Đầu tư dàn trải đã nói rất nhiều rồi nhưng không hết. Muốn đầu tư hiệu quả cần tiêu chí cụ thể chứ cứ như hiện nay thì cái nào cũng hiệu quả cả? - Cách làm hạ tầng của chúng ta vẫn dàn trải. Bây giờ cứ nhìn ngay đường Hồ Chí Minh, có đoạn cần, có đoạn không nhưng ta cứ làm từ Bắc vào tận Nam. Xẻ núi xong phải xây kè, nhưng cứ làm tất, không còn tiền làm kè nên cứ mưa lại lở, lại tắc... Đường Hồ Chí Minh cũng không nối với hệ thống đường khác nên ít người đi. Đã tính hiệu quả kinh tế thì phải quy được bằng tiền để thấy một đồng đầu tư thì được mấy đồng lợi ích. Như đường này lưu lượng bao nhiêu, trước kia đi từ A tới B mất 10 tiếng nay giảm được còn 6-7 tiếng thì lợi ích thành tiền thế nào. Có dự án có thể rất tốn kém nhưng một đồng dự án sinh ra 10 đồng lợi ích thì phải làm ngay. Ở Việt Nam đã có thí điểm việc tính toán này tại một dự án xử lý nước thải do Ngân hàng Thế giới giúp. Hồi làm thủy điện Hòa Bình lợi ích nói rất mênh mông, trong đó có cả lợi ích nuôi thủy sản nhưng giờ có ai nuôi thủy sản trên hồ đâu! Việc quyết định phải dựa vào hiệu quả chứ không phải dựa vào phán đoán chủ quan. Và phải công khai các dự án, các lý do chọn, ai chọn... vì làm mỗi cái đó là vẹo cả ngân sách chứ không ít. * Để tránh tư duy thành tích, nhiệm kỳ, cần có cơ quan tư vấn việc ưu tiên, cân đối nguồn vốn? - Quyết định phân bổ vốn, theo tôi, giống như người làm tướng cùng lúc có nhiều mặt trận. Có mặt trận chỉ để quân ít thôi, bắt phải liều chết giữ. Tướng giỏi phải biết tập trung binh lực đánh trận quyết định xoay chuyển tình hình, chứ cứ thương chỗ yếu, dàn trải là thương không phải lối, hại cả toàn cục. Tình hình hiện nay tôi cho rằng cần có một quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và hạ tầng đưa ra hội nghị trung ương bàn, xem tỉnh nào cần dự án nào và cứ tranh luận công khai. Sau khi quyết rồi thì phải theo, người cầm quân phải giữ nguyên tắc. Đặc biệt, theo tôi, bên cạnh Chính phủ cần có hội đồng thẩm định dự án độc lập để tư vấn, chấm điểm các dự án ưu tiên. Hội đồng này phải có các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu, thậm chí mời cả tư vấn, chuyên gia nước ngoài. Để chống phân tán phải có những thẩm định hoàn toàn độc lập dựa trên những cơ sở khoa học, khách quan vô tư. Cái này hoàn toàn có thể tổ chức được. * Cuối cùng, theo ông, cần làm gì để thực hiện chủ trương thu hút vốn các thành phần kinh tế khác nhằm phát triển hạ tầng? - Tôi từng hỏi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rằng nếu có hai dự án: một cái ngon ăn, một cái khó thì giao cho tư nhân cái nào? Theo tôi, Nhà nước phải làm những cái khó khăn mà tư nhân không muốn làm. Như làm đường thu phí thì tuyến đông người phải nhường cho tư nhân. Chứ hiện nay nhiều cơ quan còn tính cho tư nhân được lợi nhuận định mức không quá 10% thì ai muốn đầu tư? Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng trên mười lĩnh vực: - Hạ tầng giao thông - Hạ tầng cung cấp điện - Hạ tầng thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu - Hạ tầng đô thị - Hạ tầng khu công nghiệp - Hạ tầng thương mại - Hạ tầng thông tin - Hạ tầng giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ - Hạ tầng y tế - Hạ tầng văn hóa - thể thao và du lịch. Bốn lĩnh vực ưu tiên gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị. Bốn nhóm giải pháp gồm: nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; đổi mới chính sách giải phóng mặt bằng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng. Tags: Đầu tưTiêu điểmLợi íchHạ tầngPhạm Sỹ Liêm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...