TTCT - Những gì xảy ra với ứng cử viên cánh hữu Pháp François Fillon dẫn đến một cục diện tranh cử khác trước, mà lợi thế nghiêng thêm về phe cực hữu. Hiện tình giới tinh hoa của nước Pháp ra sao? Bà Le Pen đang thắng thế trong cuộc đua bầu cử Pháp -Getty Images “Apphich” tranh cử tổng thống Pháp 2017 đã rõ ràng hơn tối chủ nhật vừa qua với việc cánh tả chỉ định ông Benoît Hamon (50 tuổi) - cựu bộ trưởng kinh tế, tài chính và ngoại thương dưới trào thủ tướng Jean-Marc Ayrault, cựu bộ trưởng giáo dục dưới trào thủ tướng Manuel-Valls - ra tranh cử, và với việc thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen cũng tuyên bố ra tranh cử. Trước mắt, uy tín ứng cử viên của cánh tả Hamon vẫn còn “tinh tươm”, song ứng cử viên cánh hữu Fillon thì rách bươm, càng làm tăng thanh thế của nữ ứng cử viên cực hữu Le Pen. Nỗi thất vọng bất ngờ Cách đây một tháng rưỡi, cánh hữu Pháp đã chọn cựu thủ tướng Fillon ra tranh cử, mong giành lại Điện Élysée mất vào tay cánh tả, ứng viên Đảng Xã hội Pháp François Hollande nhiệm kỳ trước. Việc ông Fillon, thủ tướng dưới trào cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, vượt qua chính ông Sarkozy cùng năm ứng viên khác của cánh hữu, trong đó có một cựu thủ tướng vào hàng tiền bối là Alain Juppé, cho thấy một khát vọng “thay khác”, không đi theo lối mòn của cánh hữu ở Pháp. “Thay khác” không chỉ guồng máy cầm quyền ở Pháp trong gần năm năm qua, mà theo ông Fillon là “5 năm thất bại”, mà còn cả những “ý tưởng sai lầm đã ngăn không cho người Pháp chúng ta thực sự hiện đại hóa đất nước trong suốt 30 năm qua”, tức “sổ toẹt” cả cánh hữu và cánh tả luân phiên cầm quyền trong ba thập niên đó. Đúng vào lúc cánh hữu đang hừng hực khí thế với một ứng cử viên duy nhất lần đầu tiên của cả khối, chấm dứt cảnh “thập nhị sứ quân” mạnh đảng nào đảng ấy ra tranh cử thì sáng thứ tư 25-1, tuần báo châm chích khét tiếng Le Canard enchaîné (Con Vịt Buộc) tung ra một tố giác kinh thiên động địa: bà vợ của ông Fillon, Pénélope Fillon, từng được trả lương trong ba khoảng thời gian từ năm 1998-2012 với vai trò trợ lý nghị sĩ cho chồng khi ông tham chính. Tổng cộng bà Fillon lĩnh lương trợ lý nghị sĩ có đến tám năm, khoảng 500.000 euro. Tiết lộ của tờ Con Vịt Buộc “chết người” ở chỗ phiếu lương của bà Fillon là thật, song hầu như chẳng ai ở quốc hội hay đơn vị bầu cử địa phương từng biết bà là trợ lý nghị sĩ cả! Chưa hết, theo Con Vịt Buộc, bà Fillon còn lĩnh lương ở Revue des deux Mondes (tạp chí Hai Thế Giới), một tạp chí văn học hàng đầu, từ tháng 2-2012 đến tháng 12-2013, mà ngay cả giám đốc tạp chí này cũng cho là “chưa từng gặp ở tòa soạn”. Tạp chí thuộc sở hữu một người bạn của ông Fillon. Lương bà Fillon lãnh ở tạp chí vào khoảng 5.000 euro/tháng! Qua thứ tư tuần sau, tờ Con Vịt Buộc công bố kết quả điều tra mới cho thấy tổng cộng bà Fillon đã lĩnh lương khống không chỉ nửa triệu euro mà đến những 900.000 euro! Ông Fillon ra sức bác bỏ mọi cáo buộc và gọi đó là một âm mưu chính trị - cũng có phần đúng do lẽ những phanh phui không dừng ở phu nhân Fillon mà còn cáo giác cả việc hai cậu con trai nhà Fillon cũng được “lĩnh lương”. Thuyết âm mưu mà nói, có thể cho rằng đây là một màn ám toán chính trị nhắm vào không chỉ ông Fillon mà vào cả cánh hữu, khi ngày bầu cử đang rất gần. Những “pha thủng lưới phút 89” kiểu này không lạ trên chính trường Pháp. Lần bầu cử trước, ứng viên sáng giá của Đảng Xã hội Pháp Dominique Strauss-Kahn, đang là giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bị cảnh sát Mỹ bắt giữ và đưa ra tòa với cáo buộc “cưỡng hiếp” một nữ phục vụ của khách nạn Sofitel, New York. May mà lúc bấy giờ Đảng Xã hội còn đủ thời gian để tìm ra người thay thế là ông Hollande và ông này đã thắng cử. Thêm nữa, dân tình Pháp ít khắt khe với chuyện tình ái và cả tình dục! Chuyện lần này có khác. Thứ năm tuần trước, 2-2, truyền hình Pháp FR2 tiết lộ bà Fillon, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5-2007 với báo Anh Sunday Telegraph ít lâu sau khi ông Fillon nhậm chức thủ tướng, từng tuyên bố: “Tôi chưa từng là trợ lý của chồng tôi hay bất cứ vị trí nào khác như thế!”. Tác động của vụ việc, với ứng cử viên Fillon, còn hơn là đào trúng một quả mìn chôn từ hồi nào, đến nỗi trong nội bộ cánh hữu đã xuất hiện ý kiến đòi ông bỏ cuộc, đưa cựu thủ tướng Juppé “vào sân thay người”! Ông Fillon thanh minh Sở dĩ có câu chuyện bà Fillon được báo Anh phỏng vấn là do bà này gốc người xứ Wales, lớn lên sang Pháp học ở Đại học Le Mans, rồi gặp sinh viên luật François Fillon, yêu và thành hôn năm 1980. Cô nữ sinh viên người xứ Wales đó đâu ngờ rằng có ngày sẽ thành phu nhân thủ tướng Pháp, để rồi được một tờ báo “quê nhà” phỏng vấn, và rằng những tâm sự về đời sống ở nhà chăm năm con nhỏ của mình có ngày bị bươi móc và biến thành hồ sơ cáo buộc chồng mình! Lời khai trong lý lịch “không làm việc”, cho dù bà đã tốt nghiệp luật và văn khoa, khớp với những tố cáo bà “lĩnh lương khống” từ năm 2002, năm bà dọn hẳn từ Anh sang Pháp theo ý chồng! Đây là luận điểm chính của ông Fillon trong cuộc họp báo chiều thứ hai 6-2 vừa qua: “Đúng vậy, vợ tôi có làm cộng tác viên với tôi... trong 15 năm với lương sau thuế bình quân là 3.677 euro/tháng, mức lương hợp lý với một người tốt nghiệp luật và văn khoa... Các khoản lương này hoàn toàn trong khuôn khổ quỹ chi cho mỗi nghị sĩ quốc hội... (nhằm) cho phép nghị sĩ làm việc với những ai vừa có khả năng tốt nhất, vừa có độ tin cậy cần thiết nhất”. Tất nhiên, ông Fillon đâu thể khơi khơi “cãi trả” như thế. Trước tiên ông phải xin lỗi dân chúng Pháp, rồi khôn khéo bày tỏ sự cắn rứt với hi vọng thầm sẽ ngăn được làn sóng tấn công: “Đúng là tất cả đều hợp pháp, song liệu tôi có thể vô can về mặt đạo đức không? Câu hỏi đạo đức này quá cao siêu, quá thiết yếu buộc tôi phải đặt mình trước lương tâm và trước người dân Pháp, trước họ mà thôi. Không đến lượt guồng máy truyền thông này phê phán tôi, mà là do người dân Pháp quyết định”. Tự nhận rằng lương tâm cắn rứt, song ông đâu có điên để ôm tất cả đống rơm vào bụng. Ông cho rằng đó là “lỗi hệ thống”: “Điều mà hôm qua còn là chấp nhận được, trừ phi điều đó không được chấp nhận, hôm nay là không thể được nữa. Khi làm việc với vợ con tôi như vậy, tôi đã ưu tiên mối quan hệ tin cậy mà giờ đây lại làm dấy lên sự hồ nghi. Đó là một sai lầm”. Cán cân dư luận Ngay sau cuộc họp báo thanh minh, tờ Paris Match công bố kết quả thăm dò dư luận do các viện và hãng thăm dò Ifop-Fiducial thực hiện. Theo đó, ông Fillon vào cuối tuần vẫn còn giữ được 18,5% ý kiến thuận, sau khi đã mất 2,5% trong vòng chỉ ba ngày sau khi vụ việc liên quan tới vợ ông bị phanh phui. Tờ Paris Match hoan hỉ bình luận “ông Fillon đã thôi xuất huyết”. Nếu không vướng vụ tai tiếng này, ứng viên cánh hữu coi như đè bẹp ứng viên cánh tả vừa được đề cử Hamon. Ông Hamon hôm 1-2 còn được 18% số ý kiến bỏ phiếu cho, song đến cuối tuần lại mất 2,5%, chỉ còn 15,5%. Tại sao ứng cử viên cánh tả lại “yếu” thế? Chẳng qua do những rạn nứt nội bộ mà “thủ phạm” là một tên tuổi nay bị xem là đã “rã ngũ”: Emmanuel Macron - người tách ra lập tổ chức riêng cho mình mang tên En Marche! (Lên đường) vào tháng 4-2016 với đường lối tự cho là giữa tả và hữu, đồng thời bày tỏ tham vọng ra ứng cử tổng thống. Nhân vật mới tròn 39 tuổi vào tháng 12 vừa rồi đã tốt nghiệp cao học triết ở Đại học Nanterre, rồi Học viện Chính trị Paris và cả Trường Quốc gia hành chính danh giá. Ra trường, ông Macron được bổ làm thanh tra tài chính, sau đó nhảy ra làm chuyên gia tư vấn đầu tư (rất thành công) của Ngân hàng thương mại Rothschild khét tiếng, trước khi được Tổng thống Hollande triệu vào làm phụ tá chánh văn phòng phủ tổng thống năm 2012 phụ trách vấn đề xã hội, lương bổng, lao động... rồi bộ trưởng kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật số trong nội các thứ nhì của Thủ tướng Manuel Valls vào năm 36 tuổi! Tác giả của dự luật “vì sự tăng trưởng, sự hoạt động công bằng trong các cơ hội kinh tế” được thông qua cuối năm 2014 (vì thế còn gọi là “luật Macron”) có tác động “mở khóa” nền kinh tế Pháp, được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá là sẽ góp phần làm tăng thêm GDP của Pháp khoảng 0,3%/năm trong giai đoạn năm năm đầu, sau đó là 0,4% trong giai đoạn 10 năm tiếp theo - GDP Pháp năm 2016 là 1,1%. Tháng 11 năm ngoái, Macron loan báo tự ra tranh cử. Bí thư thứ nhất Đảng Xã hội Jean-Christophe Cambadélis kêu gọi ông Macron tham gia vòng sơ bộ cánh tả, bằng không sẽ bị khai trừ. Ông Macron bèn ra khỏi đảng luôn. Việc nộp đơn ứng cử không khó với ông, lúc này đang nổi như cồn. Tài chính cũng không phải là trở ngại dù phong trào chính trị “Lên đường” hiện chưa được hưởng tài trợ từ ngân sách. Đến cuối năm 2016, tổ chức này khai đã nhận được 3,4 triệu euro tài trợ tranh cử từ các cá nhân. Ngay lập tức “đồng chí cũ” của ông Macron, Hamon - đại diện chính thức của cánh tả - đã đặt dấu hỏi: liệu trong danh sách đóng góp cho Macron có các khách hàng của Ngân hàng Rothschild không và từ đó nảy sinh nguy cơ xung đột lợi ích? Rốt cuộc, hai ứng viên có thành tích tham chính dày dạn hơn là Macron và Fillon đều bị nghi hoặc về tiền bạc không khác nhau mấy. Bối cảnh đó, cùng với việc ứng viên cánh tả Hamon cứ “lẹt đẹt” phía sau, khiến giờ đại diện cực hữu Marine Le Pen vọt lên dẫn đầu với 25,5% số ý kiến thuận. Nếu tính từ ngày 1-2, nữ ứng viên này đã tăng được 1,5 điểm phần trăm! Thế nhưng, con gái của nguyên chủ tịch sáng lập “Mặt trận Dân tộc” Jean-Marie Le Pen, lên làm chủ tịch đảng từ đại hội Tours tháng 1-2011, lại chưa hề có kinh nghiệm tham chính ở Pháp, tuy là nghị viện châu Âu và từng thất cử khi tranh cử tổng thống. Nếu bà Le Pen lần này tận dụng được các thiếu sót của đối thủ cùng cái đà dân túy của “đồng chí” Donald Trump bên kia Đại Tây Dương thì khả năng bà thắng cử không hề nhỏ, dù khả năng bà cũng có thể rơi vào tình cảnh như tổng thống đương nhiệm Hollande: được xem là một đảng trưởng giỏi hơn là một quốc trưởng giỏi. Tóm lại, chuyện “đục của công hay không” của ông Fillon thì vẫn cứ bị điều tra, chuyện “xung đột lợi ích” của Macron cứ bị nghi vấn. Hiềm một nỗi là nhà ông Fillon nếu quả thực có “ăn” thì “ăn” ít quá, không bõ dính răng! Dẫu sao vẫn có một “lô an ủi” cho dân Pháp: không có gì ngăn được việc phơi bày những sai phạm của các cựu lãnh đạo. ■ Tags: Nước PhápBầu cử PhápGiới tinh hoa Pháp
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Ronaldo tạo cơn sốt hơn 13 triệu view cùng YouTuber số 1 thế giới Mr Beast THANH ĐỊNH 22/11/2024 Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng tỏ sức hút vượt trội của mình ngoài sân cỏ khi vừa công bố video cùng khách mời là YouTuber số 1 thế giới Mr Beast.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;