Phe đối lập Syria là ai?

BAOCHAU 20/08/2012 01:08 GMT+7

TTCT - Khủng hoảng tại Syria đã trở thành một cuộc nội chiến tương tàn giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với phe còn lại gồm các lực lượng thường được gọi là “phe đối lập”. Chính quyền Syria thì đã rõ, nhưng “phe đối lập” thì không thể hiểu như cách nghĩ thông thường.

Phóng to
Người đàn ông cõng một phụ nữ lớn tuổi chạy tìm chỗ an toàn sau cuộc pháo kích ở Aleppo ngày 6-8 - Ảnh: TIME

Tâm lý "đối lập" vốn vẫn tồn tại trong xã hội Syria dưới chế độ cai trị của Đảng al-Baath do dòng họ al-Assad đứng đầu từ năm 1970 đến nay. Nhưng cho đến đầu năm 2001, không một nhóm đối lập thật sự nào tồn tại được
trong nước.

Sự hình thành đối lập

Khi biến động Mùa xuân Ả Rập nổ ra hồi đầu năm 2011, Syria tưởng như một ốc đảo yên bình. Đến ngày 15-3 năm ấy, những cuộc biểu tình phản kháng đầu tiên mới bùng phát tại Dar’a, thành phố cực nam đất nước, chủ yếu là tự phát. Sau đó vài tháng, các nhân vật lưu vong có tiếng mới vận động thành lập một số nhóm đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.

Có thể nói suốt năm 2011, phe đối lập Syria vẫn kiên trì tính chất hòa bình của cuộc phản kháng. Nhưng "quốc sách" trấn áp quyết liệt do chính quyền của Tổng thống al-Assad triển khai đã thúc đẩy nhiều người đối lập chuyển sang quan điểm phải có vũ trang "để bảo vệ người biểu tình". Mặt khác, quyết sách bạo lực này cũng làm nảy sinh tâm lý bất mãn trong chính quyền và quân đội. Hiện tượng đào ngũ, ly khai phát sinh và phát triển. Lực lượng vũ trang đối lập ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Ðối lập chính trị không thống nhất

Khối đối lập chính trị gồm nhiều tổ chức hoạt động trong nước và lưu vong. Do tác động của truyền thông quốc tế, người ta biết đến đối lập lưu vong nhiều hơn. Nổi bật nhất là Hội đồng quốc gia Syria có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, ra đời đầu tháng 10-2011 trên cơ sở thống nhất nhiều nhóm đối lập lưu vong. Tại hội nghị Những người bạn của Syria lần thứ ba họp ở Paris tháng 4-2012, Hội đồng quốc gia Syria được công nhận là "một đại diện chân chính của nhân dân Syria", chưa đủ tư cách "đại diện duy nhất" của phe đối lập.

Không thiếu bất đồng trong nội bộ của Hội đồng quốc gia Syria. Đỉnh điểm là việc một hội nghị tại Cairo ngày 31-7-2012 tuyên bố thành lập "Hội đồng thư ký cách mạng" do Haythem al-Maleh đứng đầu. Ông này, vốn tách ra từ Hội đồng quốc gia Syria, còn được ủy nhiệm thành lập "chính phủ chuyển tiếp" vì những người tổ chức hội nghị này cho là chính quyền al-Assad sắp sụp đổ (?).

Nhưng nhóm của Haythem al-Maleh không được sự ủng hộ nào của Hội đồng quốc gia Syria cũng như Quân đội tự do Syria, hai tổ chức đối lập có thực lực nhất. Tổ chức chính trị đối lập lớn nhất hoạt động trong nước là Ủy hội Phối hợp quốc gia Syria, ra đời từ cuối tháng 6-2011, bao gồm một số nhóm đối lập vốn vẫn được chính quyền Syria cho phép tồn tại như một bình phong dân chủ. Đường lối của ủy hội này cho đến vài tháng gần đây vẫn là "đấu tranh nhằm chuyển hóa dân chủ", kiên trì "phản kháng hòa bình", bác bỏ can thiệp nước ngoài và không thẳng thắn kêu gọi lật đổ chế độ al-Assad.

Trong một thời gian dài, Ủy hội Phối hợp quốc gia Syria vẫn có đối thoại với chính quyền al-Assad và được Nga coi như "đối tác" đại diện cho phe đối lập ở Syria. Bởi thế, hầu hết các nhóm đối lập khác coi ủy hội này là "đối lập giả hiệu". Thực chất, nhiều nhân vật của ủy hội này mong muốn thay đổi căn bản tại Syria, phản đối chính quyền dùng bạo lực trấn áp; nhưng họ lo ngại nếu vũ trang phản kháng sẽ đẩy đất nước vào nội chiến tương tàn. Đến đầu tháng 8 này, khi ông Kofi Annan (đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria) thừa nhận thất bại trong sứ mệnh của mình, thì đường lối "thay đổi hòa bình" của Ủy hội Phối hợp quốc gia Syria hầu như không còn chỗ đứng.

Quân đội Tự do: danh xưng chung cho nhiều đơn vị độc lập

Quân đội tự do Syria được một nhóm sĩ quan đào ngũ đứng đầu là đại tá Riyad al-As’ad thành lập ngày 30-7-2011 tại một địa điểm ở cực nam Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ chỉ huy lưu vong của Quân đội tự do Syria chỉ đóng vai trò đại diện để tìm kiếm sự ủng hộ chính trị, trợ giúp tài chính và vũ khí từ các đối tác ngoài nước, gần như không kiểm soát được hoạt động vũ trang chống đối trong nước.

Nhiều đơn vị "tiểu đoàn" đã tự phát ra đời tại các địa phương trong nước, tập hợp các sĩ quan và binh sĩ đào ngũ, tuyên bố gia nhập Quân đội tự do Syria và tổ chức chiến đấu, độc lập với bộ chỉ huy chung. Tháng 1-2012, xuất hiện thêm một cơ chế chỉ huy trong nước. Đó là Hội đồng quân sự tối cao do chuẩn tướng Mustafa Sheikh đứng đầu. Không biết Hội đồng quân sự tối cao và Quân đội tự do Syria phối hợp ra sao trên thực địa, nhưng hai "bộ chỉ huy" này đã mâu thuẫn nhau khi tướng Sheikh ủng hộ sự ra đời của Hội đồng thư ký cách mạng tại Cairo mới đây, trong khi đại tá al-As’ad thì chống lại.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa hai bộ chỉ huy ở Thổ Nhĩ Kỳ và nội địa có hiệu quả cụ thể. Từ tháng 7-2012, lực lượng vũ trang đối lập đã gần như hình thành được vùng giải phóng rộng lớn thuộc khu vực phía bắc của hai tỉnh Idleb và Aleppo, tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ đó đã tạo được thế đứng vững chắc ở khu vực này (thông sang Thổ Nhĩ Kỳ để có thể tiếp nhận mọi sự giúp đỡ từ các nguồn khác nhau). Đến nay, lực lượng vũ trang đối lập đã trở thành một nhân tố có vai trò quyết định trên thực địa trong mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Tình hình trở nên phức tạp hơn khi xuất hiện một số nhóm vũ trang của tổ chức Anh em Hồi giáo của người Kurd và của các nhóm Thánh chiến Hồi giáo khác nhau, chủ yếu chiến đấu chống chính quyền al-Assad vì những mục tiêu thuần túy của Hồi giáo nguyên gốc. Các nhóm vũ trang này thu nạp cả người ở các quốc gia Ả Rập khác và những người Âu Mỹ gốc Ả Rập, Afghanistan, Pakistan... Riêng người Kurd thì không che giấu được chủ đích học theo người Kurd Iraq: hình thành một khu vực tự trị riêng tại đông bắc Syria.

Chính sự xuất hiện của các nhóm vũ trang Hồi giáo này khiến hầu hết các quốc gia nhiệt tình thúc đẩy việc thay đổi chế độ tại Syria đều do dự không quyết định trang bị vũ khí cho quân đối lập. Họ sợ vũ khí rơi vào tay "khủng bố" thì chính họ sẽ bị đẩy vào tình thế "gậy ông đập lưng ông".

Bên ngoài đa dạng, can dự cầm chừng

Có thể nói đối lập Syria là một hiện tượng tự thân, xuất phát từ mâu thuẫn chính trị - xã hội nội tại. Nhưng các thế lực bên ngoài, vì những mục đích khác nhau, kịp thời khuyến khích, che chở, tiếp sức và giúp đỡ để phe đối lập có thể lật đổ chế độ do dòng họ al-Assad cầm quyền.

Ngoài khu vực có Mỹ và phương Tây. Thực tế cho thấy phương Tây không mặn mà với việc nhanh chóng lật đổ chế độ ở Syria như mong đợi của phe đối lập nước này. Vì lợi ích của mình, các quốc gia phương Tây không can thiệp quân sự quy mô lớn vào Syria như đã làm tại Libya năm 2011. Tác động chủ yếu của phương Tây gây bất lợi cho chính quyền Syria là những quyết định trừng phạt liên tiếp về kinh tế và chính trị, nhằm gây áp lực dẫn đến sụp đổ. Mặt khác, phương Tây luôn ủng hộ chính trị mạnh mẽ cho phe đối lập trên trường quốc tế.

Còn các thế lực trong khu vực thì có thể thấy nổi lên là Thổ Nhĩ Kỳ và những người anh em Ả Rập vùng Vịnh. Thổ Nhĩ Kỳ che chở, nuôi dưỡng và làm hậu phương cho cả hai bộ phận đầu não của đối lập chính trị và vũ trang Syria đóng trụ sở ngay trên lãnh thổ của họ. Nhưng do lo ngại chịu hậu quả trực tiếp khôn lường nếu Syria rơi vào hỗn loạn khi chính quyền al-Assad sụp đổ, nên Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra khá do dự trong những quyết sách liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria.

Đối với hoạt động vũ trang đối lập trên chiến trường Syria, có lẽ phía Ả Rập vùng Vịnh nắm thực lực hơn. Cho đến nay, chỉ có Saudi Arabia và Qatar công khai cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria. Với khả năng tài chính dồi dào và các mối quan hệ Ả Rập - Hồi giáo sẵn có, hai quốc gia vùng Vịnh này chính là nguồn tài trợ tiền bạc và vũ khí để các tay súng đối lập ngày càng có khả năng hơn đương đầu với quân đội Syria.

Tuy cùng mục đích trợ giúp phe đối lập lật đổ chế độ Syria, nhưng các bên tài trợ, cả trong lẫn ngoài khu vực, lại có những toan tính rất khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Bởi thế, mỗi bên tài trợ đều o bế nhóm đối lập "của mình" theo mục tiêu riêng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến phe đối lập Syria không thể thống nhất được trong một tổ chức duy nhất.

Từ tháng 7-2012 đến nay, nhiều nhân vật cao cấp bậc nhất và thân cận với tổng thống Syria đã liên tiếp đào nhiệm. Nổi bật nhất gồm:

- Thủ tướng Riyad Fareed Hajjab cùng gia đình bỏ chạy sang Jordani ngày 6-8.

- Ahmed Mohammed Faris, thiếu tướng không quân và là phi công vũ trụ duy nhất của Syria, đào ngũ sang Jordani ngày 5-8.

- Vụ trưởng lễ tân phủ tổng thống MuhayiDeen al-Maslamaniya đào nhiệm ngày 9-8.

- Chuẩn tướng Mannaf Mustafa Talas, tư lệnh lữ đoàn số 105 vệ binh cộng hòa, bạn thân của Tổng thống al-Assad, đào ngũ sang Paris ngày 5-7.

- Đại sứ Nuwaf al-Faris tại Iraq (một trong những đại sứ quan trọng nhất) đào nhiệm ngày 11-7, chạy sang Qatar.

NGUYỄN NGỌC HÙNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận