TTCT - Làm cách nào để một cô bé mắc hội chứng Down bẩm sinh có thể sáng tạo những bức tranh tuyệt đẹp? Chỉ có một câu trả lời: đó là phép mầu từ tình yêu thương, của tài năng thiên bẩm mà định mệnh đã ban cho em, để đền bù sự thiệt thòi của số phận. Phóng to Karishma trong chiếc áo dài Việt Nam - Ảnh: Hồng Hạnh Ngày 13-11-1991, một cô bé được sinh ra tại Ấn Độ và được đặt tên là Karishma. Trong tiếng Ấn, Karishma có nghĩa là “phép mầu”. Thế nhưng, không may mắn cho em vì Karishma mắc hội chứng Down. Bao nhiêu tình thương mà cha mẹ em dồn trút vào đứa con gái bé bỏng cũng không thay thế được định mệnh an bài. Cháy bừng tình yêu với cuộc đời Khi còn bé, Karishma sớm bộc lộ sự yêu thích đặc biệt với màu sắc. Ngay lập tức, sự yêu thích ấy được khuyến khích, mặc dù để một đứa bé bị bệnh Down tập trung là điều chẳng dễ dàng gì. Ông bà Hariharan Kannan và Kalpana Kannan cũng chẳng mong con gái là tài năng, chỉ mong màu sắc sẽ giúp con tập trung, điều khiển được tay, trí óc và có một cái gì đó để yêu thích. Năm 2008, khi chuyển đến Việt Nam làm việc, ông bà mang theo Karishma. Một dịp tình cờ may mắn, gia đình gặp cô Cyndi Beaumont, giáo viên dạy tiếng Anh ở Q.2, TP.HCM. Cô cũng là một họa sĩ. Một tình yêu đặc biệt đã nảy sinh giữa Cyndi và cô bé học trò của mình khi cô chia sẻ với em tình yêu hội họa và những kỹ thuật để vẽ. Phóng to Karishma và cô giáo - Ảnh: Hồng Hạnh Kỳ lạ, Karishma hiểu và thực hiện được lời dạy của cô giáo một cách xuất sắc, vượt xa sự mong đợi của cô. Cô Cyndi Beaumont đã đặt trọn vẹn sự tin tưởng vào khả năng của Karishma. Cô luôn tin tưởng và động viên rằng Karishma có tài năng. Cô nói: “Karishma rất yêu nghệ thuật qua những bức họa của em. Những bức họa ấy thể hiện tâm hồn đặc biệt trong trẻo và cởi mở”. Karishma bắt đầu vẽ vào tháng 10-2009 và bước đầu thể hiện con người mình với thế giới bên ngoài thông qua hội họa. Karishma mạnh về vẽ cảnh vật, cỏ cây, hoa lá thiên nhiên. Nhiều bức tranh của em được sáng tạo dựa theo phong cách của các danh họa và kỹ thuật của họ. Nhưng Karishma đã hoàn toàn thoát khỏi việc sao chép và mô phỏng. Các bức tranh của em đều gây sự thú vị nhất định vì cái nhìn tươi trẻ, lạ lẫm về những không gian quen thuộc hay xa lạ. Em đã nhớ lại những kỳ nghỉ của mình ở Campuchia, Nha Trang (Việt Nam), Bali (Indonesia)… và ký ức ấy được thể hiện thành những bức vẽ đặc biệt. Hai năm vẽ, Karishma có gia tài với 45 bức tranh, phần lớn vẽ phong cảnh thiên nhiên những nơi em đã đến, nơi em đang ở, những bông hoa em yêu thích với màu sắc cực kỳ tươi sáng. Nhìn những bức vẽ của Karishma, người xem sẽ cháy bừng một tình yêu nồng ấm với cuộc đời. Và thật không dễ để tin rằng đó là những bức họa của một bé gái thiểu năng. Phóng to Một số bức tranh của Karishma “Vâng, chúng ta có thể” “Vâng, tôi có thể, bạn có thể và chúng ta có thể” là thông điệp mà Karishma đã chia sẻ với những người xem tranh của mình. Buổi triển lãm tranh mang tên “Phép màu” của Karishma dự kiến được tổ chức tháng 11-2011, giới thiệu 45 bức tranh của Karishma và toàn bộ tranh sẽ được bán để giúp đỡ trẻ em bị hội chứng Down của TP.HCM. Vâng, tất cả chúng ta đều có thể. Có thể làm những gì chúng ta mong muốn và đóng góp cho xã hội dù chúng ta giàu có hay nghèo khó, khỏe mạnh hay đau yếu. 20 tuổi nhưng dáng vóc Karishma nhỏ như một cô bé mười lăm, mười sáu. Em e dè, không thích nói chuyện với người lạ. Karishma có thế giới riêng của em và đắm chìm trong thế giới ấy. Chỉ có hội họa và thông qua hội họa, em mới thể hiện tâm hồn mình. Karishma đặc biệt yêu thích chiếc áo dài Việt Nam và rất thích thú mặc nó vào những dịp trang trọng, dự lễ tiệc nào đó. Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM, ông Abbay Thakur, đã thể hiện tình cảm với cô bé công dân Ấn Độ tài năng bằng việc cho phép Karishma in dấu mộc lãnh sự Ấn Độ - như một sự khẳng định và giới thiệu danh dự từ Tổng lãnh sự quán Ấn Độ - vào các bức tranh, thư mời của triển lãm “Phép màu” của Karishma. Không chỉ vậy, ông còn tự nguyện làm tình nguyện viên mời các doanh nhân người Ấn tham dự triển lãm để mua tranh và giúp đỡ trẻ em bệnh Down của Việt Nam thông qua buổi triển lãm này. Tags: Tài năngĐịnh mệnhHội chứng DownPhép mầuKarishma
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Chelsea - PSG (2h): Dembele đá chính ĐỨC KHUÊ 14/07/2025 Mời bạn đọc theo dõi trực tuyến trận chung kết FIFA Club World Cup 2025 giữa Chelsea và Paris Saint-Germain (PSG), bắt đầu lúc 2h ngày 14-7.
Lấp một đoạn sông Quán Trường ở Nha Trang để làm gì? PHAN SÔNG NGÂN 13/07/2025 Trước thắc mắc của nhiều người dân về việc một phần sông Quán Trường đang bị san lấp mà không rõ ai lấp, lấp để làm gì, lãnh đạo UBND phường Nam Nha Trang (Khánh Hòa) đã có giải thích.
VinSpeed tuyển nhân lực cho đường sắt tốc độ cao trung tâm TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh CHÂU TUẤN 13/07/2025 VinSpeed đang tuyển nhiều vị trí kỹ sư và quản lý cho hai dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh.
Ông Duterte chỉ còn 'da bọc xương' trong bệnh viện? ANH THƯ 13/07/2025 Mạng xã hội lan truyền ảnh cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nằm trên giường bệnh, trông ốm yếu và đang truyền dịch.