Phố... chài Lăng Cô

MINH TỰ 21/03/2004 04:03 GMT+7

TTCN - Thị trấn Lăng Cô rộng 10.548ha, trong đó có 2.700ha đất sử dụng, còn lại là mặt nước đầm và rừng, kéo dài từ chân đèo Phú Gia lên đến đỉnh đèo Hải Vân, tiếp giáp Đà Nẵng, ngoài ra còn có đảo Sơn Chà rộng 4km2. Theo qui hoạch chi tiết giai đoạn 1 (đang làm), thị trấn này sẽ có ba khu chức năng: khu du lịch và khu dân cư; khu hành chính, văn hóa và dân cư xen cài; khu thương mại và làng chài truyền thống.

Phóng to
Hình ảnh thơ mộng của làng chài vài năm trước (nhìn từ chân đèo Hải Vân)

Riêng làng chài, theo qui hoạch sẽ giữ nguyên hiện trạng cảnh quan, kiến trúc, không mở rộng đường để tránh phá vỡ cảnh quan.

Cái làng chài thơ mộng như bức tranh thủy mặc dưới chân đèo Hải Vân ấy đã từng được vua Khải Định tạc bia đá ngợi ca, đã vào tầm ngắm của bao nhà nhiếp ảnh cũng như du khách trong và ngoài nước... Nhưng cái làng chài mà ông chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần nhấn mạnh là "linh hồn của đô thị du lịch Lăng Cô trong tương lai" đang biến dạng từng ngày.

Bây giờ, ở khúc cua trước khi xe xuống chân đèo Hải Vân, nơi mà những đoàn du khách vẫn thường đứng nhìn ngắm toàn cảnh làng chài Lăng Cô vốn rợp màu xanh của những tán dừa gợi cảm, đã bị loang lô bởi những màu vô cảm của tôn và ximăng từ khối nhà choài ra đến sát mặt nước đầm.

Con đường chính dẫn vào làng chẳng khác gì một đường phố với những dãy hàng quán san sát, những quán cà phê chật ních khách. Nhà lầu hai, ba tầng mới mọc lên với đủ kiểu kiến trúc và đủ loại màu sắc. Dây điện giăng giăng trên các cột và ăngten truyền hình lô nhô. Trước chợ Lăng Cô, xe tải tranh đường với xe khách, đám đông kẹt xe bấm còi inh ỏi. Khó mà hình dung được nơi đây từng thật yên ắng và thơ mộng khiến bao du khách mong được đến thăm.

Phóng to
Làng chài hôm nay...

Làng chài Lăng Cô có tuổi đời hơn 250 năm và có cái tên thật yên lành: An Cư Đông. Trong làng vẫn còn nhiều di tích: ngôi đình cổ kính được xây dựng từ mấy trăm năm trước, bến phà thời nhà Nguyễn (khi đó, con đường cái quan dẫn lên Hải Vân quan vẫn còn đi qua giữa làng), tấm bia đá tạc bài văn ngợi ca vẻ đẹp làng chài của vua Khải Định (vua đã xây cất hành cung ở đây để nghỉ mát).

Nhưng tấm bia đá cũng như mái đình cổ kính đang bị che khuất dần bởi nhà cửa chen chúc. Trong các ngõ xóm hẹp đến độ không thể quay đầu chiếc xe máy, nhà cửa lụp xụp và ken chặt, dường như không còn một chỗ trống cho cây xanh, bởi gần 50% dân số của thị trấn Lăng Cô đang sống ở cái làng chài này.

Hai năm rồi (từ cuối 2001), chính quyền xã đã ngưng hẳn việc chứng nhận mua bán đất đai, nhà cửa, nhất là khi Lăng Cô "lên đời" thành thị trấn (đầu 2003) thì việc xây dựng nhà cao tầng ở làng chài càng bị cấm để cố giữ cái bức tranh sơn thủy hữu tình vốn có trong khi chờ các nhà qui hoạch. Nhưng xã đâu thể cấm được nhu cầu lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, nhu cầu nhà ở luôn là đòi hỏi ráo riết của người dân. Nên việc mua bán sang nhượng nhà đất vẫn âm thầm diễn ra, bằng cách sang tay, trong suốt mấy năm qua.

Giá đất Lăng Cô vẫn đang nóng lên, nhất là từ khi Tổng cục Du lịch chọn Lăng Cô làm hạt nhân của khu du lịch trọng điểm quốc gia Bạch Mã - Lăng Cô - Hải Vân - Non Nước và tiếp đó là hầm đường bộ Hải Vân khởi công, nhưng trong làng chài cũng không còn chỗ trống nào nữa để mà mua bán.

Cả ông Trần Bình Trọng, phó bí thư đảng ủy, lẫn ông Lê Duy Hiệp, quyền chủ tịch thị trấn, đều thừa nhận tình trạng rắc rối trong quản lý xây dựng ở đây là do "qui hoạch treo": bản qui hoạch tổng thể thị trấn Lăng Cô vẫn đang còn nằm trên bàn làm việc của Viện Qui hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng), nói gì đến qui hoạch chi tiết làng chài. Ông Trọng cho hay không phải chỉ dân chờ mà các nhà đầu tư cũng phải chờ; hơn 500 người Lăng Cô đang sống ở nước ngoài đang muốn trở về đầu tư làm du lịch ở quê nhà nhưng lúng túng với thủ tục đất đai.

Lăng Cô đang đòi hỏi khẩn thiết ở chính quyền địa phương một năng lực quản lý đô thị, dù chỉ mới một năm về trước nó vẫn còn là một xã miền núi và khái niệm đô thị còn thật xa vời với người dân và chính quyền nơi đây. Nhưng không thể lấy bất kỳ lý do gì để biện minh cho sự biến dạng của "người đẹp" Lăng Cô. Cần phải có biện pháp để kịp cứu làng chài - linh hồn của đô thị du lịch Lăng Cô tương lai; bởi nếu không, khi qui hoạch được phê duyệt thì sẽ không còn cái để mà bảo vệ nữa!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận