QUAD và những mối lo trên biển

DANH ĐỨC 09/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Hôm 25-5 tại Tokyo, lãnh đạo bốn nước Đối thoại tứ giác an ninh (QUAD) đã ra tuyên bố sẽ chống đánh cá lậu. Không ít nước đang vướng điều này, song vô địch thế giới là Trung Quốc. Vấn đề ở chỗ đánh cá lậu chỉ là bề nổi.

Tuyên bố chung của các lãnh đạo QUAD loan báo Sáng kiến nâng cao nhận thức hàng hải Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPMDA), được thiết kế để hợp tác với các đối tác trong khu vực nhằm “ứng phó thảm họa thiên nhiên và nhân đạo, đồng thời chống đánh bắt cá bất hợp pháp”. 

Do cụm từ “chống đánh cá bất hợp pháp” gây liên tưởng tới nước “vô địch thế giới” về môn này, nên báo chí quốc tế tập chú vào... Trung Quốc. 

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) 24-5 loan tin: “Nhóm QUAD do Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ khởi động một sáng kiến mới để theo dõi “hoạt động vận tải hàng hải mờ ám” và giám sát hoạt động đánh bắt cá trái phép ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, khi cả bốn nước đang tăng cường nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”.

 
 Ảnh: The Economist

MDA và IPMDA

Vấn đề mà QUAD muốn giải quyết - nâng cao năng lực nhận thức hàng hải (MDA) cho khu vực, thực sự là nhu cầu thiết thực cho các quốc gia ven biển. 

Nước nào cũng có nhu cầu “nhìn thấy”, nhận biết, phân biệt tàu bè, máy bay di chuyển trong vùng biển của mình càng sớm, càng chính xác càng tốt để sớm bảo vệ quyền chủ quyền và đảm bảo an ninh chung.

MDA hiểu một cách chung nhất là sự nhận biết hiệu quả về bất kỳ điều gì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, hoạt động kinh tế hoặc môi trường khu vực biển của một quốc gia, bao gồm trên không, trên mặt biển, trong lòng biển và dưới đáy biển, các khu vực tiếp giáp, các tuyến hàng hải, cơ sở hạ tầng biển, con người, hàng hóa, tàu thuyền... 

Chính vì vậy, MDA là cấu phần quan trọng của một hệ thống phòng thủ hàng hải chủ động, nhiều lớp, từ đó triển khai hiệu quả các hoạt động an ninh hàng hải, như tuần tra chống cướp biển.

Nói cho ngay, nước nào cũng muốn thu thập thông tin về môi trường hàng hải xung quanh mình. Song không phải nước nào cũng đủ điều kiện và năng lực để tự làm. 

Cách đây gần ba năm, tướng tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương đã đến thăm ba nước Đông Nam Á, bàn về việc nâng cao MDA trên biển, dưới đáy biển và trên không. 

Các chương trình này nhằm mục đích phát hiện các mối đe dọa và đưa ra giải pháp; giúp ra quyết định nhanh chóng; và kiểm tra việc tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải.

Không chỉ mình Mỹ quan tâm. Ba nước còn lại trong QUAD là Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cũng là những quốc gia biển lớn, tầm cỡ thế giới. Sau những hội ý nội bộ, cuối cùng họ đã thỏa thuận như thấy trong Tuyên bố chung 25-5 công bố Sáng kiến IPMDA. 

Về cơ bản, qua tham vấn chặt chẽ với các đối tác khu vực, IPMDA sẽ gắng vẽ ra “bức tranh” hàng hải khu vực theo thời gian thực, tích hợp, sao cho hiệu quả (do hoạt động giám sát hàng hải trong thời gian thực rất tốn kém, phải sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất).

IPMDA được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực biển cho các đối tác của QUAD ở các đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương nhằm giám sát tốt hơn các vùng duyên hải, góp phần duy trì một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. 

Bốn quốc gia trong QUAD cam kết đóng góp đầu tư vào IPMDA trong 5 năm. Sáng kiến sẽ bao phủ ba khu vực quan trọng là Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. 

Hệ thống an ninh hàng hải mới dựa trên quan sát bằng vệ tinh sẽ cho phép theo dõi các “hoạt động vận tải hàng hải mờ ám” và các “hoạt động chiến thuật” khác.

Sáng kiến còn cho phép các quốc gia giám sát hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ngay cả khi tàu thuyền đã tắt bộ phát tín hiệu (AIS). 

Hệ thống sẽ kết nối các trung tâm giám sát hiện có, gồm hai trung tâm ở Ấn Độ và Singapore, cũng như Cơ quan Nghề cá của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở quần đảo Solomon, và Trung tâm Hợp nhất Thái Bình Dương ở Vanuatu.

Đánh cá bất hợp pháp trên toàn cầu

Trên bề nổi, QUAD có lý do để hợp lực chống nạn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). 

“Đối tượng” được nói tới nhiều nhất là Trung Quốc. Tờ SCMP 24-5 cho biết: “Đội tàu đánh cá của Trung Quốc, bao gồm các tàu thuộc sở hữu tư nhân và tàu đánh cá thương mại của các công ty nhà nước, đã đi xa hơn, tìm kiếm các ngư trường mới ở Đông Nam Á, Tây Phi, Nam Mỹ và Nam Thái Bình Dương, do nguồn cá trong vùng biển Trung Quốc cạn kiệt". 

"Tuy nhiên, các đội tàu của Trung Quốc thường bị cáo buộc bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát, sử dụng các thiết bị bị cấm, đánh bắt các loài được bảo vệ như rùa và hải cẩu, và ngược đãi thủy thủ đoàn các nước, theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Công lý môi trường (EJF)”.

Còn theo báo cáo Ever Widening Net Report (Lưới ngày một rộng) của EJF, Trung Quốc có hạm đội tàu đánh cá viễn dương lớn nhất thế giới. Hơn 1/3 số tàu này trong hai năm 2019-2020 hoạt động tại 29 vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. 

Sở dĩ các tàu đánh cá này có thể ung dung tại các EEZ đó là do nước chủ nhà có năng lực giám sát, kiểm tra, tuần tra khiêm tốn, nên trở thành mục tiêu dễ dàng cho các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. 

Nghiên cứu của EJF đưa ra một số liệu đáng suy ngẫm: “Từ năm 1987 đến 2019, sản lượng trung bình hằng năm của tàu đánh cá viễn dương [Trung Quốc] tăng gần 14%, nhanh hơn nhiều so với tổng sản lượng khai thác biển của quốc gia. Hậu quả là các tàu đánh cá viễn dương này giờ trở thành một phần không thể thiếu trong các ưu tiên chính trị và là một thành phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách hướng ra thế giới và sáng kiến Vành đai - con đường của Trung Quốc”.

Không chỉ vậy, trong khi triển khai các tàu đánh cá viễn dương khắp thế giới, Trung Quốc còn sử dụng các tàu này dưới dạng một hạm đội bán quân sự. 

Vụ khoảng 340 tàu cá Trung Quốc tập trung ở khu vực đảo Galápagos (ngoài khơi Ecuador) tháng 8-2020, hay vụ khoảng 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc chủ quyền Việt Nam từ hôm 7-3-2021 và bật đèn mà không đánh bắt ngày này qua ngày khác, dù thời tiết thuận lợi, là một thí dụ cho việc Trung Quốc dùng chiến thuật “vùng xám” bằng tàu cá ra sao.

Sở dĩ các hoạt động đánh bắt IUU diễn ra phổ biến là do chúng có rủi ro thấp, lợi ích và lợi nhuận cao, đặc biệt là ở những vùng biển mà khung pháp lý còn lỏng lẻo và thiếu sự thực thi hiệu quả. 

Một ví dụ: EJF cho biết chính thuyền viên các tàu cá Trung Quốc đã thuật lại rằng họ đánh bắt cả cá heo, cá mập, hải cẩu, rùa cạn và cá voi sát thủ; họ cũng vứt bỏ tất cả những con cá mập có kích thước nhỏ. Với những con cá mập có kích thước lớn hơn 20kg, họ chỉ lấy vây rồi vứt xác.

Nỗi lo của QUAD

Darshana M. Baruah thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, trong hội thảo Đánh giá kinh tế và an ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc ngày 12-5, đã trình bày cái nhìn về chính sách biển của Ấn Độ mà bà là một chuyên gia hàng đầu.

Chiến lược An ninh hàng hải năm 2015 của hải quân Ấn Độ nhấn mạnh việc định hình “một môi trường hàng hải thuận lợi và tích cực, để tăng cường mạng lưới an ninh cho các lợi ích của Ấn Độ”. 

Chính vì vậy, hải quân Ấn Độ xem toàn bộ Ấn Độ Dương, từ bờ biển phía đông châu Phi đến eo biển Lombok bao gồm biển Ả Rập, vịnh Bengal, vịnh Ba Tư, vịnh Oman, vịnh Aden, biển Đỏ và các vùng ven biển là “các khu vực lợi ích cốt lõi” của họ.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn ưu tiên “láng giềng trước” (neighborhood first) và nỗ lực xây dựng năng lực chung trong khu vực. Ấn Độ đã thiết lập hệ thống và các trạm rađa ven biển với sự hợp tác của các quốc đảo Ấn Độ Dương Maldives, Mauritius, Sri Lanka và Seychelles. 

Ấn Độ cũng cung cấp hỗ trợ tương tự cho Myanmar và Bangladesh để nâng cao MDA khu vực. Năm 2007, Ấn Độ thành lập Trung tâm Kết hợp thông tin - khu vực Ấn Độ Dương (IFC-IOR) - khuôn khổ khu vực đầu tiên nhằm chia sẻ thông tin về các tàu không phải tàu quân sự và giải quyết các mối đe dọa như đánh bắt bất hợp pháp, buôn lậu ma túy và buôn người.

10 năm sau, hải quân Ấn Độ bắt đầu lập căn cứ ở hải ngoại nhằm tăng cường sự hiện diện và tầm nhìn khắp Ấn Độ Dương. Theo sáng kiến này, hải quân Ấn Độ đặt mục tiêu hiện diện ở 7 khu vực quan trọng thuộc Ấn Độ Dương, theo bà Baruah. Từ đó có thể thấy Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia IPMDA của QUAD từ lâu.

Từ Mỹ, cựu bộ trưởng hải quân Ray Mabus (nắm quyền 2009 - 2016) thuật lại trên Seattle Times 21-11-2021 rằng khi còn đương nhiệm, ông đã gặp nhiều lãnh đạo các nước nhỏ và được nghe than rằng mối đe dọa và tác động của đánh bắt cá bất hợp pháp còn đáng ngại hơn đe dọa cướp biển. 

Nhiều nước trong khu vực có hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển nhỏ, không thể tuần tra và giám sát vùng biển quá rộng lớn của họ một cách đầy đủ. Sự hợp tác giữa các cơ quan thủy sản, hàng hải và thực thi pháp luật ở hầu hết các nước cũng hầu như không tồn tại.

Ông Mabus chia sẻ ông đã khởi sự thành lập các trung tâm hoạt động hàng hải, mở các khóa đào tạo và cung cấp thiết bị như rađa để giải quyết tốt hơn các mối đe dọa trên biển này. 

Hải quân Mỹ đã giúp các quốc gia khu vực phát triển chiến lược hàng hải và phá bỏ các rào cản trong chia sẻ thông tin. Theo ông, Hoa Kỳ phải tiếp tục ưu tiên những nỗ lực này.

Tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese, một bên trong QUAD, trong một phỏng vấn với Sky News hôm 29-5, khi được hỏi về việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược chính dài hạn, song Mỹ muốn tránh xung đột và chiến tranh lạnh, cho biết đã nghe phía Mỹ nói đến cạnh tranh mà không gây thảm họa. 

Ông Albanese cũng đã nhắc rằng “chúng ta cần nhìn nhận đó là cạnh tranh chiến lược trong khu vực”, và vì vậy mà “Úc cần trực tiếp dấn thân vừa với các thân hữu quốc đảo Thái Bình Dương với cả đồng minh quan trọng nhất là Hoa Kỳ và các thân hữu khác, trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ”.

Phát biểu của Thủ tướng Úc phản ánh mối lo của Canberra trước những tranh cãi gần đây ở các quốc đảo Thái Bình Dương sát rạt với họ, và là khu vực ảnh hưởng truyền thống của quốc gia lớn nhất châu Đại Dương. 

Là một quốc gia có 59.000km duyên hải (gồm cả các đảo nhỏ), Úc không lạ gì việc chống đánh cá lậu. 20 năm qua, họ đã phá hủy khoảng 1.500 tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển của mình và truy tố hơn 2.000 công dân nước ngoài liên quan (chủ yếu là người Indonesia, theo The Strategist 29-11-2021).

Với Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio, trong họp báo nhân thựơng đỉnh QUAD ở Tokyo, đã nhấn mạnh rằng điều tối quan trọng với QUAD là “từ Tokyo gửi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới rằng việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là không thể dung thứ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và rằng một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở hiện là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết”.

Có thể thấy, chủ trương theo dõi đánh bắt cá bất hợp pháp của QUAD trên bề nổi thể hiện quyết tâm chống tệ nạn này, song trong chiều sâu phản ánh một mối quan ngại chung về địa chính trị mà bên nào cũng có liên quan.■

Ngoài Thái Bình Dương và Đông Nam Á, Trung Quốc cũng đang vươn xa ở Ấn Độ Dương. Năm 2017, nước này mở căn cứ quân sự tại Djibouti, bờ biển Đông Phi. Trung Quốc cũng là nước duy nhất có đại sứ quán tại cả 6 đảo quốc khu vực (Mỹ mới có 3). 

Họ còn đang khởi động các hoạt động bằng các chuyến hải hành của tàu ngầm tuần tra chống hải tặc, vốn từng cập bến Sri Lanka, và đang đàm phán thỏa thuận tương tự với Bangladesh, chuyên gia Baruah cho biết.

Thế nào là đánh cá “bất hợp pháp”?

Theo Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) của Liên Hiệp Quốc, thuật ngữ “đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU)” dùng để chỉ “nhiều hoạt động đánh bắt khác nhau, tất cả các loại hình và quy mô nghề cá, diễn ra cả trên vùng biển quốc tế và trong các khu vực thuộc quyền tài phán quốc gia”. 

IUU liên quan đến tất cả các khía cạnh và giai đoạn của việc đánh bắt và sử dụng nguồn hải sản, và đôi khi còn có thể liên quan đến tội phạm có tổ chức.

Năm 1999, Ủy ban FAO về nghề cá (COFI) khuyến nghị xây dựng Kế hoạch hành động quốc tế nhằm ngăn chặn và loại bỏ IUU, viết tắt là IPOA-IUU. Sau hai năm tham vấn, IPOA-IUU được COFI thông qua vào ngày 2-3-2001, thuộc về khuôn khổ Bộ Quy tắc ứng xử về nghề cá có trách nhiệm.

Theo đó, IUU được phân loại thành: (1) đánh bắt bất hợp pháp (I, illegal); (2) đánh bắt cá không báo cáo (U, unreported); và (3) đánh bắt cá không được kiểm soát (U, unregulated), về cơ bản là các hoạt động đánh cá trái với pháp luật các nước có quyền tài phán trên vùng biển đánh bắt hoặc các điều ước quốc tế trên vùng biển quốc tế.

Trên cơ sở đó, cộng đồng quốc tế thành lập Chỉ số đánh bắt cá IUU (IUU Fishing Index), hiện bao gồm 152 quốc gia ven biển và dựa trên việc thu thập dữ liệu chiếu theo 40 hạng mục. Chỉ số IUU là thước đo mức độ các quốc gia vi phạm IUU, theo mức từ 1 đến 5 (1 là tốt nhất và 5 là kém nhất).

Đội sổ chỉ số IUU 2021 là Trung Quốc với 3,86, trong khi nước có chỉ số IUU tốt nhất là Phần Lan và Estonia, cùng 1,62. Vùng đại dương có chỉ số IUU kém nhất là Tây Thái Bình Dương, 2,37, còn tốt nhất là Đông Đại Tây Dương, 2,15 (https://iuufishingindex.net/about). 

Phân tích cụ thể chỉ số IUU 2021, Trung Quốc có điểm thấp nhất tuyệt đối (5,0) trong hạng mục số tàu treo cờ (tức có nhiều tàu treo cờ Trung Quốc đánh bắt cá trái phép nhất) và số tàu cá nước ngoài ghé cảng (tức rất ít tàu cá nước ngoài héo lánh vô các cảng Trung Quốc).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận