Quan điểm của một thị dân Mỹ điển hình

TTCT - Tim Kennedy đang làm việc cho một tổ chức xã hội lớn của Hoa Kỳ. Tự nhận là một thị dân điển hình, anh viết cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần từ Washington, D.C., bày tỏ những quan điểm của mình về cuộc bầu cử vừa diễn ra và những kết quả đầy chia rẽ của nó.

Dân Washington D.C. xuống đường ăn mừng Biden được tuyên bố đắc cử. Ảnh: independent.co.uk
Dân Washington D.C. xuống đường ăn mừng Biden được tuyên bố đắc cử. Ảnh: independent.co.uk

Sáng thứ bảy tuần rồi (7-11), tôi đang ở nhà thì nghe thấy tiếng reo hò ầm ĩ trên đường bên ngoài căn hộ nhà tôi. Tôi ra ngoài xem có chuyện gì. Xe hơi chạy ngang bóp còi inh ỏi reo mừng, người ngồi trong xe thò đầu ra cửa la hét sung sướng. Hàng xóm ở tầng trên nhà tôi đã bật champagne ngoài bancông. Còn bên dưới, một nhóm thanh niên đang khiêu vũ giữa đường.

Khi tôi quay lại kiểm tra điện thoại, tin nhắn đổ về từ bè bạn, gia đình, và đồng nghiệp xác nhận điều tôi vốn đã nhận ra: Joe Biden chính thức được các hãng tin gọi là tổng thống đắc cử, 4 ngày dài đằng đẵng sau cuộc bầu cử.

Chia rẽ chính trị - rạn nứt đời thực

Tôi từng sống ở Việt Nam vài năm, nơi tôi đã quen thuộc với một “truyền thống” ở đó: “đi bão” (tiếng Việt trong nguyên tác) sau mỗi trận bóng đá thắng lớn. Thứ bảy vừa rồi ở Washington là điều giống nhất với “đi bão” mà tôi được chứng kiến ở một thành phố Mỹ.

Nhưng phải nói cho rõ, không phải tất cả mọi người ở Mỹ đều mừng vui. Hơn 71 triệu người đã bỏ phiếu cho ứng viên thua cuộc Donald Trump, và phiếu vẫn chưa được kiểm hết, nên con số đó có thể còn tăng nữa. Đây là một cuộc bầu cử sít sao ở một đất nước chia rẽ ghê gớm - sít sao hơn nhiều so với nhiều người vẫn tưởng.

Nhưng một trong những điều lạ lùng của nền chính trị Mỹ trong năm 2020 này là mức độ ghê gớm mà sự chia rẽ chính trị đã trở thành rạn nứt thực sự ngoài đời, giữa thành thị và nông thôn chẳng hạn. Những thành phố lớn ở bờ đông và bờ tây - New York, Philadelphia, San Francisco, Los Angeles… - vốn có truyền thống bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ, nhưng cách biệt từng không quá lớn.

Trong một năm bất kỳ, ta vẫn có thể thấy 30-40% cử tri ở các thành phố đó ủng hộ ứng viên Cộng hòa. Năm nay ở Washington, tính tới giờ Trump mới nhận được 5% số phiếu. Nếu thứ bảy rồi, cảm giác ở Washington là tất cả mọi người đều ăn mừng thì đó là bởi gần như chẳng ai trong thành phố bỏ phiếu cho người thua cuộc.

Hơn nữa, những thành phố trong nội địa vốn ít nghiêng về phe Dân chủ hơn. Các thành phố lớn ở Texas hay Georgia không có truyền thống mạnh bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ như New York hay San Francisco.

Vậy mà năm nay, Biden đã xoay xở có được chiến thắng (dự kiến) ở tiểu bang Georgia gần như chỉ nhờ vào cách biệt mà ông tạo ra được ở thành phố lớn nhất bang Atlanta. Texas, một bang mà Biden không thắng, có tỉ số chênh lệch ít hơn hẳn so với nhiều kỳ bầu cử trước, bởi lượng phiếu lớn cho phe Dân chủ ở những thành phố như Houston, Austin và San Antonio.

Sự chia rẽ là quá rõ ràng. Với nhiều nước, đô thị lớn và vùng ngoại ô theo một quan điểm chính trị, các thành phố nhỏ và vùng nông thôn theo một quan điểm khác.

Điều đó cũng giải thích tại sao tin tức suốt tuần qua ở Mỹ chủ yếu tập trung vào những người ăn mừng chiến thắng. Những người ủng hộ Trump về cơ bản không sống ở các đô thị lớn - những nơi được truyền thông chú ý.

COVID-19 đã thay đổi tất cả

Tôi phải nói rõ: Tôi là một thị dân điển hình. Tôi sống ở một thành phố lớn, tôi không thích Trump và không bỏ phiếu cho ông. Công bằng mà nói, tôi thừa nhận không phải tất cả những chỉ trích nhắm vào Trump 4 năm qua đều sòng phẳng.

Lấy ví dụ, tôi tôn trọng việc Trump đã không để đất nước dính líu vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào ở nước ngoài (không tính cuộc “thương chiến” với Trung Quốc). Ngay cả Barack Obama, một tổng thống tôi thích hơn Trump nhiều, cũng đã can thiệp quân sự ở Libya, với kết quả đáng ngờ.

Và tôi quả nghĩ rằng cách tiếp cận ít can thiệp nói chung của Trump với nền kinh tế đã mang lại những lợi ích đáng kể trong 4 năm qua - ít ra là trước khi cuộc khủng hoảng virus corona nổ ra.

Nhưng COVID-19 đã thay đổi tất cả. Hơn 8 tháng sau làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở Mỹ, cảm giác như thể chính quyền liên bang vẫn không hề có một kế hoạch rõ ràng để kiểm soát tình hình - các ca nhiễm mới cứ tiếp tục tăng nhanh.

Những hành động đơn giản như đeo khẩu trang ở nơi công cộng đã trở thành đề tài chính trị gây tranh luận gay gắt, và Trump có lỗi một phần. Ông đã liên tục chỉ trích khuyến cáo của giới bác sĩ và khoa học, và không chịu chụp hình khi ông đeo khẩu trang tới tận tháng 7.

Ở một số vùng tại Mỹ, xuất hiện tin tức về sự bài xích người đeo khẩu trang. Những người ủng hộ Biden đeo khẩu trang; người ủng hộ Trump thì không.

Hơn thế nữa, sự miễn cưỡng của Trump không coi trọng vấn đề virus rất có thể đã làm suy yếu hi vọng tái cử của ông. Dữ liệu từ các tổng thống quá khứ cho thấy trong thời kỳ khủng hoảng, hầu hết mọi người đều muốn đoàn kết quanh nhà lãnh đạo đương nhiệm, chứ không tìm kiếm sự thay đổi.

Ở nhiều nước châu Âu - bao gồm cả những nước không kiểm soát được virus như Mỹ - tỉ lệ tín nhiệm của lãnh đạo đương nhiệm, như Boris Johnson ở Anh hay Emmanuel Macron ở Pháp, đều tăng kể từ cuộc khủng hoảng virus corona.

20 năm trước, sau vụ 11-9, tỉ lệ ủng hộ tổng thống George W. Bush tăng mạnh, lên tới 80-90% và giữ ở mức cao ngay cả khi ông mở cuộc chiến đầy tranh cãi ở Iraq.

Nói cách khác, có vẻ như nếu Trump đã là một tổng thống “bình thường” hơn - ngay cả khi việc ứng phó đại dịch của ông không thay đổi - ông sẽ có cơ hội đánh bại Biden lớn hơn nhiều.

Nhưng phong cách hỗn loạn và bốc đồng của Trump (thứ hai đầu tuần, khi tôi đang viết những dòng này đây, ông vừa sa thải bộ trưởng quốc phòng của mình qua Twitter) là điều không thể thay đổi. Nếu có một điều mà cả giới ủng hộ lẫn chống đối Trump có thể nhất trí thì đó là ông không bao giờ là một tổng thống “bình thường”.

Một điều nữa cũng khiến các cuộc ăn mừng tại Washington và những thành phố khác huyên náo như thế là vì đây không hề là một cuộc bầu cử bình thường. Đại dịch, một cách gián tiếp, khiến chúng tôi không biết được ai là người chiến thắng sau 4 ngày.

Nước Mỹ còn nhiều việc phải làm

Trong một thế giới khác, nơi mà Biden được tuyên bố chiến thắng từ tối thứ ba, những cuộc ăn mừng kiểu “đi bão” ở những thành phố như Washington hẳn vẫn diễn ra, nhưng tôi tin chúng sẽ ít tưng bừng và ngắn ngủi hơn.

Nhưng sau 4 ngày không có gì chắc chắn, tin tức vào sáng thứ bảy không khác gì một cơn sóng thần. Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế ở đất nước này, và tôi không dám chắc là mình sẽ lại được thấy điều đó lần nữa trong đời mình.

Chiều thứ bảy rồi, vài tiếng đồng hồ sau khi tôi nghe những tiếng reo hò trên đường phố, tôi rời căn hộ nhà mình tản bộ 5 cây số xuống trung tâm Washington. Các quán bar và nhà hàng chật ních người, nhiều người ăn mừng ngay ngoài đường phố (thời tiết đẹp, trái mùa một cách khác thường).

Tôi ghé qua Lafayette Square, công viên ngay đằng sau Nhà Trắng, và ở đó cũng kín người đi ăn mừng. Tôi đã đi qua không biết bao nhiêu là thùng rác mà trong đó vỏ chai champagne chất lên đến tận ngọn.

Rồi tôi bước thêm vài ngã tư qua một khu khác, nơi tôi nghĩ cũng sẽ rất đông người: khách sạn Trump International, Washington, D.C., vốn là mục tiêu quen thuộc của những người biểu tình chống Trump suốt 4 năm qua. Những cổng an ninh lớn được dựng lên quanh khách sạn, nhưng có vẻ không cần phải thế: ngã tư đó thật vắng lặng.

Vẫn còn nhiều việc phải làm ở Mỹ, và tôi không quá lạc quan. Joe Biden có vẻ là một người dễ mến và biết cảm thông, nhưng tôi vẫn chưa thể tin rằng ông có thể là một nhà lãnh đạo đủ tài năng để đoàn kết đất nước đang chia rẽ dường này.

Còn khẩn cấp hơn thế, nếu tình hình không thay đổi sớm, đại dịch sắp sửa gây ra một mùa đông khủng khiếp cho nước Mỹ. Thứ hai vừa rồi, cả nước vượt mốc 10 triệu ca nhiễm, và vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Nhưng đứng bên ngoài khách sạn Trump tối thứ bảy, tôi ít ra cũng cảm thấy một thay đổi đã diễn ra. Phần lớn 4 năm qua trong nhiệm kỳ của Trump, cảm giác với tôi giống như một cuộc biểu tình kéo dài mãi.

Nhất là ở những thành phố lớn như Washington, nơi luôn có điều gì đó liên quan tới Trump làm rất nhiều người nổi giận (thường là hợp lý, nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, và tôi biết sẽ có nhiều người không nghĩ vậy, và như thế cũng không sao).

Những gì đã diễn ra ở Washington và những thành phố trên cả nước thứ bảy vừa rồi thật khác biệt, tôi nhận ra điều đó khi đứng đấy, nhìn vào tòa tháp Trump quạnh quẽ. Đấy không còn là một cuộc biểu tình, mà là một bữa tiệc khổng lồ.■

HẢI MINH (dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận