TTCT - Quân đội Trung Quốc đang được đầu tư mạnh mẽ để hiện đại hóa, nhưng yêu cầu trước hết của Tổng tư lệnh Tập Cận Bình là tính trong sạch của giới tướng lĩnh lãnh đạo cấp cao. Ảnh: The Daily Beast Lần cuối cùng mà hai bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc liên tiếp "gặp nạn" là dưới thời cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Năm 1959, bộ trưởng quốc phòng Bành Đức Hoài, người hùng của Trung Quốc trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953), bị cách chức do dám chỉ trích chính sách Đại nhảy vọt. Người kế nhiệm Bành nguyên soái là Lâm Bưu còn gặp kết cục bi thảm hơn: chiếc máy bay chở ông rơi ở Mông Cổ vào năm 1971 - truyền thông trong nước nói lúc đó, ông đang trên đường bỏ chạy khỏi Trung Quốc.Năm 2023 vừa qua cũng đã xảy ra nhiều biến cố rúng động với giới lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc, khi hai cựu bộ trưởng quốc phòng vắng mặt trong thời gian dài không có lý do và một loạt quan chức cấp cao bị truy tố, bãi nhiệm và điều chuyển. Chưa bao giờ giới quân đội Trung Quốc chứng kiến sự thay đổi nhiều như trong năm vừa qua ở các cấp cao nhất. Tướng Lý Thượng Phúc đột ngột bị bãi nhiệm chức vụ bộ trưởng vào tháng 10 sau khi đã biến mất khỏi chính trường chỉ 5 tháng kể từ khi nhậm chức.Hai cựu bộ trưởng biến mấtÔng Lý, được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng vào tháng 3, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuối tháng 8. Vị bộ trưởng tiền nhiệm của ông, tướng Ngụy Phượng Hòa, cũng từng nắm chức vụ lãnh đạo Lực lượng Tên lửa (PLARF) giai đoạn 2015-2017, cũng biến mất. Ông Ngụy vắng mặt trong bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước ngày 28-9 kỷ niệm 74 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, làm dấy lên suy đoán ông cũng có liên quan. Khi được hỏi về việc ông Ngụy đang ở đâu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 8 chỉ trả lời rằng quân đội nước này không có sự dung thứ nào cho nạn tham nhũng.Mặc dù truyền thông phương Tây đồn đoán hai ông Lý và Ngụy có liên quan đến tham nhũng, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận. Tuy nhiên, một loạt vụ bãi nhiệm và thuyên chuyển cấp tập trong thời gian ngắn khiến nhiều người tin rằng 11 năm sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang ưu tiên cuộc chiến chống tham nhũng, coi đó là trọng tâm trong chính sách của ông.Ngày 8-1, Nhân Dân Nhật báo đăng phát biểu của ông Tập tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) khóa 20. "Chúng ta nên nhận thức đầy đủ về những diễn biến mới trong cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như nguyên nhân và điều kiện phát sinh tham nhũng", đồng thời kêu gọi nỗ lực hơn nữa để "giành chiến thắng trong cuộc chiến khó khăn và kéo dài" - báo trích lời ông Tập. Trước đó, trong xã luận đầu năm 2024, tờ Quân Giải Phóng Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, cũng dùng ngôn ngữ tương tự khi nhấn mạnh "cuộc chiến chống tham nhũng khó khăn và kéo dài".Tất cả báo trước sẽ còn những "con hổ lớn" tiếp tục bị "đả" trong thời gian tới.Ông Lý Thượng Phúc (phải) và người thay thế ông, Đổng Quân. Ảnh: CNATrong những ngày cuối năm 2023, 9 quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội. Theo Tân Hoa xã29-12, những người này không chỉ mất tư cách đại biểu Quốc hội mà còn bị cách các chức vụ đang đảm nhiệm. 9 vị này gồm 5 tướng lĩnh của PLARF, trong đó có tướng Lý Ngọc Siêu, cựu chỉ huy không quân, hai tướng lĩnh thuộc Cục Phát triển quân bị của Quân ủy Trung ương (CMC), và một tư lệnh hải quân.Trước đó hai ngày, hôm 27-12, Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khóa 14 đã xem xét và thông qua quyết định xóa bỏ tư cách ủy viên Chính hiệp của 3 ông Ngô Yên Sinh, Lưu Thạch Tuyền và Vương Trường Thanh. Cả ba vị này đang giữ những vị trí cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia: ông Ngô là chủ tịch Tập đoàn Khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC); ông Lưu là chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp binh khí Trung Quốc (Norinco) - nhà sản xuất thiết bị quân sự hàng đầu nước này; còn ông Vương giữ chức phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC).Chiến dịch sẽ còn dài?Tất cả các sự kiện trên chủ yếu liên quan đến các quan chức phụ trách mảng mua sắm, nghiên cứu, và phát triển ngành tên lửa và hàng không vũ trụ, binh chủng mới được ông Tập thành lập để giám sát kho vũ khí tên lửa hạt nhân và đạn đạo đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc. Ông Tập từng gọi lực lượng mới này là "cốt lõi của răn đe chiến lược, là trụ cột chiến lược cho vị thế cường quốc của đất nước và là nền tảng để xây dựng an ninh quốc gia".James Char, nhà nghiên cứu đã theo dõi Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lâu năm ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nói với CNN: "Ngay bây giờ, ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã thấy rõ rằng ban lãnh đạo lực lượng tên lửa đã suy yếu. Nếu điều này tiếp tục diễn ra trong thời gian dài, nó chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến khả năng chiến đấu tổng thể của PLA". Do đó, ông Tập phải thay đổi quan điểm về việc dùng người. Chưa chắc "đúng người đúng việc" đã tốt. "Hồng" phải được chú trọng hơn "chuyên", mặc dù có thể trái chuyên môn.Ngày 31-7-2023, hai sĩ quan cấp cao PLA không phải chuyên gia ở mảng hạt nhân và tên lửa đạn đạo được Tổng tư lệnh Tập Cận Bình thăng cấp tướng: Cựu phó tư lệnh Hải quân PLA Vương Hậu Bân được giao chức tư lệnh PLARF, thay thế tướng Lý Ngọc Siêu, người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này; trong khi cựu chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân Chiến khu Nam Từ Tây Thịnh thay thế ông Từ Trung Ba làm chính ủy PLARF.Tân bộ trưởngTháng 12-2023, Trung Quốc cũng đã bổ nhiệm cựu tư lệnh hải quân, đô đốc Đổng Quân, làm bộ trưởng quốc phòng mới. Ông Tập chắc đã thất vọng với hai cựu bộ trưởng xuất thân từ PLARF, Ngụy Phượng Hòa và Lý Thượng Phúc. Ông Đổng Quân mới giữ chức tư lệnh hải quân từ năm 2021, và là người tham gia chỉ huy các cuộc tập trận chung với hải quân Nga, hạm đội Biển Hoa Đông, tập trung vào Nhật Bản, cũng như Chiến khu Nam, giám sát vùng Biển Đông nhiều tranh chấp.Một số ứng viên được nhắc tới trước đó có thể thay thế tướng Lý Thượng Phúc gồm hai vị phó chủ tịch CMC, các tướng Trương Hựu Hiệp và Hà Vệ Đông, cùng tướng Lưu Chấn Lập, tổng tham mưu trưởng quân đội. Một ứng cử viên thực sự có thể phải xuất thân từ trong quân đội, người cần phải trung thành và trong sạch, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Hiện tại, ông Đổng vẫn chưa phải thành viên CMC, cơ quan do chính ông Tập đứng đầu chỉ huy tối cao với mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc.Sinh năm 1961, ông Đổng Quân gia nhập hải quân PLA năm 1978, từng đứng đầu bộ phận huấn luyện quân sự của Bộ Tư lệnh Hải quân PLA và phó tham mưu trưởng hạm đội Bắc Hải. Năm 2013, ông được bổ nhiệm Phó tư lệnh Hạm đội biển Hoa Nam (Biển Đông), rồi Phó tham mưu trưởng Hải quân PLA. Năm 2017, ông được thăng chức Phó tư lệnh Chiến khu Nam của PLA.Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị người Đài Loan Wen-Ti Sung ở Đại học Quốc gia Úc, việc chọn một người từ hải quân để lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho thấy các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra trong PLARF và Tổng cục Vũ khí, nơi nhiều quan chức cấp cao đã bị cách chức vì cáo buộc tham nhũng. "Việc bổ nhiệm ông Đổng Quân và lứa sĩ quan quân sự cấp cao có kinh nghiệm về hải quân và Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc coi Biển Đông là một lĩnh vực ưu tiên mới trong tranh chấp địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Wen-Ti Sung nói.Ngày 8-1, mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc Weibo chiếu trước những đoạn ngắn một bộ phim tài liệu sắp công chiếu có cảnh thú tội của những quan chức bị cáo buộc tham nhũng. Bộ phim sẽ được phát trên Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) trong tháng 1 này mô tả 12 "vụ việc tham nhũng điển hình" của các quan chức nhà nước cấp cao, với mục đích "răn đe và giáo dục"."Rõ ràng là những nỗ lực của ông Tập nhằm giúp quân đội Trung Quốc tăng năng lực cạnh tranh và được trang bị công nghệ hiện đại đã tổn thương vì tham nhũng. Xét cho cùng, ông Tập cần phải cho thế giới thấy rằng quân đội Trung Quốc có đủ năng lực chiến đấu và chiến thắng", Alfred Wu, phó giáo sư ở Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, bình luận với báo Mỹ Newsweek. "Nhưng hiện giờ ta lại thấy quá nhiều tướng lĩnh dính líu tới tham nhũng". Ông Đổng, ngoài năng lực chuyên môn, trước hết sẽ phải vượt qua thử thách về tính trong sạch đó.■ Giới bình luận cũng nói việc bổ nhiệm ông Đổng, một người am tường tình hình trên biển, có thể tạo điều kiện để khôi phục đối thoại quốc phòng cấp cao Mỹ - Trung nhằm giảm nguy cơ xung đột ở Đài Loan và Biển Đông. Vào tháng 1-2024, các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã trở lại những cuộc đối thoại đầu tiên sau hơn một năm "cắt liên lạc", đánh dấu sự chấm dứt thời gian im lặng căng thẳng giữa giới chức quân sự cấp cao hai nước. Bắc Kinh cắt mọi liên lạc quân sự với Washington vào tháng 8-2022 sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan. Tags: Quân đội Trung QuốcLãnh đạo cấp caoBộ trưởng quốc phòngChủ tịch Tập Cận BìnhMỹ - Trung
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhận huân chương Cành cọ hàn lâm của Pháp NGUYÊN BẢO 15/10/2024 GS.TS Nguyễn Hữu Tú, hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, vừa được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Cành cọ hàn lâm vì những đóng góp trong sự phát triển hợp tác y khoa giữa hai nước.
Ông Kim Jong Un triệu tập họp an ninh quốc gia, chỉ đạo 'hành động quân sự ngay lập tức' THANH BÌNH 15/10/2024 Cuộc họp có sự tham dự của các quan chức an ninh cấp cao Triều Tiên, trong đó ông Kim Jong Un chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh.
Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi vinh danh người thợ trẻ KIM ANH 15/10/2024 Ngày 15-10, tròn 60 năm ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, Thành Đoàn TP.HCM vinh danh 45 thanh niên công nhân tiêu biểu với giải thưởng mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Trỗi.