Quận Gò Vấp, TP.HCM: Dùng đất công làm công viên

D.NGỌC HÀ 03/06/2020 19:06 GMT+7

TTCT - Quận Gò Vấp có diện tích công viên cây xanh bình quân đầu người khá cao so với diện tích bình quân chung của TP.HCM (1,07m2/người so với 0,55m2/người). Không phải tự nhiên họ có mà đây là kết quả của sự gia tăng đầu tư nhiều dự án công viên cây xanh trong vài năm gần đây.

Dải cây xanh, công viên trên đường Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp) hoàn thành vào năm 2018. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dải cây xanh, công viên trên đường Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp) hoàn thành vào năm 2018. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cũng như nhiều quận ven trước đây, Gò Vấp vốn có nhiều khu dân cư phân lô hộ lẻ nhỏ, vi phạm quy hoạch, không có nhiều khu đất quy hoạch làm công viên cây xanh (CVCX). Tuy nhiên, vài năm gần đây quận đã tìm cách thay đổi điều này bằng cách tập trung đầu tư một số dự án mới liên quan đến mảng xanh.

Năm 2014, Gò Vấp đưa vào sử dụng công viên Làng Hoa (góc đường Lê Đức Thọ - Cây Trâm) rộng hơn 2ha phục vụ nhu cầu người dân trong khu vực. Năm 2018, quận hoàn thành dự án cải tạo rạch Dừa giai đoạn 1. Con rạch vốn ô nhiễm, nước đen thui, sâu hoắm đã được lắp đặt cống hộp, làm thành đường Phạm Huy Thông rộng rãi, giữa đường là dải CVCX dài hơn 700m, rộng khoảng 15m chạy qua nhiều phường, kéo dài từ đường Phan Văn Trị đến đường Dương Quảng Hàm.

Dự án này đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, dự kiến sẽ có thêm một dải CVCX chạy từ đường Dương Quảng Hàm đến sông Vàm Thuật, dài khoảng 700m. Khi cải tạo rạch Dừa, Gò Vấp đã đền bù luôn 4.000m2 đất cạnh đường Phạm Huy Thông, trồng cây để giữ đất, dự kiến tiếp tục làm công viên để tăng thêm mảng xanh cho quận.

UBND quận Gò Vấp cũng đã bồi thường xong diện tích 37ha đất công viên văn hóa Gò Vấp (cuối đường Nguyễn Văn Lượng). Khu đất này đã được giao cho Sở Xây dựng để xây dựng một công viên hoàn thiện.

Ngoài ra, khu đất gần Đại học Nội vụ trên đường Lê Đức Thọ cũng đã được quận thu hồi, giao về Sở Xây dựng để chuẩn bị đầu tư công viên. Trong tương lai, chỉ tiêu cây xanh của quận Gò Vấp sẽ tăng thêm khi dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn qua quận Gò Vấp) hoàn thành cùng tuyến đường và dải cây xanh dọc kênh.

Hiện quỹ đất làm đường và cây xanh dọc kênh đã bồi thường xong nhưng dự án chưa thi công tới, Gò Vấp đang trồng các loại cây xanh tạm để giữ vệ sinh môi trường, tránh bị lấn chiếm.

“Giữ được diện tích đất CVCX là thành quả của nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo từ trước đến nay” - ông Nguyễn Hữu Nam, trưởng Phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp, cho biết. Đó là một quá trình mà quận gặp không ít khó khăn, giá bồi thường đất công viên thấp, người dân không đồng tình…

Do vậy quận chuyển hướng sang làm CVCX ở các khu đất công, thuộc quản lý của các đơn vị trực thuộc quân đội trước. Sau thời gian vận động, các đơn vị quản lý đã bàn giao đất cho quận để làm công viên. Nhờ vậy mà quỹ đất CVCX của quận đã tăng lên. ■

Kêu gọi tư nhân làm BOT công viên

Nhiều năm qua, TP.HCM đã chủ trương xã hội hóa diện tích CVCX tại một số dự án, các chủ đầu tư tham gia được khai thác một phần đất cho hoạt động thương mại, nhà ở… Kết quả của chủ trương này, ngoài dự án công viên Tân Thắng (quận Tân Phú) là dự án xây dựng Safari ở huyện Củ Chi. Chủ đầu tư dự án được khai thác một số khu đất làm nhà ở, thương mại… bên cạnh việc đầu tư và khai thác phần công viên, vườn thú… phục vụ cộng đồng.

Tương tự, công viên Mũi Đèn Đỏ tại phường Phú Thuận (quận 7) cũng đang được công ty tư nhân bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài những công viên chuyên đề, khu cây xanh tập trung, khu vực vui chơi, thể dục thể thao có thu phí, một phần đất dự án được chuyển thành đất thương mại, làm bến du thuyền và cả khu dân cư Phú Thuận cạnh đó.

Riêng CVCX thể dục thể thao Tam Phú (quận Thủ Đức) đã quy hoạch 1/500 từ nhiều năm nay để mời gọi nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có ai tham gia.

Một giải pháp, như TS Võ Kim Cương nêu, là kêu gọi tư nhân đầu tư CVCX để triển khai nhanh các dự án theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao), khai thác dưới dạng CVCX có thu phí, giống như công viên Đầm Sen.

Sau khi có lãi trong một thời gian nhất định, chủ đầu tư giao lại cho Nhà nước quản lý, thành công viên công cộng. Giải pháp này gặp khó ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Cách giải quyết là Nhà nước có thể cho tư nhân ứng tiền giải phóng mặt bằng, sau đó chủ đầu tư sẽ hoàn trả.

D.N.HÀ - Đ.PHÚ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận