Quan hệ mới Mỹ - Trung: Ấn Độ lo ngại

DANH ĐỨC 29/11/2009 20:11 GMT+7

TTCT - Ngay khi thông cáo chung Barack Obama - Hồ Cẩm Đào vừa được công bố, từ Ấn Độ đã có phản ứng giận dữ vì câu: “Hai phía Trung - Mỹ... sẵn sàng tăng cường thông tin, đối thoại và hợp tác về các vấn đề liên quan đến Nam Á, đồng thời cùng nhau thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực này”.

Sau cuộc hội đàm mới đây của Tổng thống Barack Obama với lãnh đạo Trung Quốc về những cam kết ủng hộ quan hệ Mỹ - Trung, Nhật Bản và Ấn Độ đã có những phản ứng khác nhau. Nếu như thủ tướng Ấn Độ sang Washington từ đầu tuần này để tự trấn an rằng chính quyền Mỹ không lơ là quan hệ chiến lược dành cho New Delhi, thì Nhật Bản một mặt tỏ thái độ cương quyết với Mỹ về chuyện căn cứ quân sự ở Okinawa, một mặt khẳng định tầm ảnh hưởng trong khu vực...

Ấn Độ nghĩ rằng từ nay chuyện riêng của Ấn Độ (với Pakistan) được Mỹ và Trung Quốc tự cho mình có quyền dàn xếp can thiệp.

Từ các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược Nam Á của Ấn Độ (SAAG) đến các cây bút bình luận báo chí nước này và các blogger đều bất mãn trước việc ông Obama “ôm cầm sang thuyền mới”.


Phóng to

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh được chào đón tại Phòng Thương mại Mỹ ở Washington ngày 23-11 - Ảnh: Reuters


Một blogger tên Rajesh Kalra ngày 19-11 bực dọc đặt câu hỏi: “Làm thế nào mà tổng thống một nước đang thân với chúng ta hơn bất cứ ai khác trong khu vực lại phát biểu một điều trái khoáy như vậy? Ông tổng thống đó có biết gì về cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ về vùng biên giới Arunachal Pradesh của chúng ta, rằng Trung Quốc cứ vẽ bản đồ vùng đó thuộc Pakistan, và bao chuyện khác?”.

Tình mới ấm...

Không khó hiểu tại sao phía Ấn Độ bực dọc chuyến thăm Trung Quốc của ông Obama. Chẳng qua Ấn Độ mới vừa gắn bó với Mỹ từ thời ông Bush. Ngay sau vụ 11-9-2001, do nhu cầu liên kết đồng minh chống khủng bố (gốc Hồi giáo), ông Bush tháo gỡ ngay các biện pháp trừng phạt Ấn Độ thử bom hạt nhân năm 1998. Tháng 7-2005, Thủ tướng Manmohan Singh sang Mỹ, tháng

3-2006 ông Bush đáp lễ. Cuối năm đó, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật lịch sử “Mỹ - Ấn hợp tác hạt nhân hòa bình”, sau 30 năm kịch liệt cấm vận Ấn Độ vì không tham gia hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Chẳng phải do ông Bush cần gì Ấn Độ trong cuộc chiến chống khủng bố lúc đó, mà cần Ấn Độ như một đồng minh mới trong thế đối đầu mới với một nước Nga đang lên dưới trào của ông Putin và nhân tiện kiềm chế giùm một Trung Quốc xưng hùng xưng bá ở châu Á, để Mỹ rảnh tay thôn tính Iraq. Để Ấn Độ kiềm chế được Trung Quốc, không gì bằng giúp Ấn Độ tăng cường năng lực hạt nhân thông qua một hiệp định hợp tác. Giống như nửa thế kỷ trước, Mỹ âm thầm mang vũ khí hạt nhân sang bố trí ở Nhật nhằm canh chừng Trung Quốc và Liên Xô.

...Đã vơi


Đã đến lúc chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama, của Đảng DJP - Chính phủ Nhật đầu tiên không dính líu đến hòa ước bại trận San Francisco 1951, muốn thay đổi quan hệ quân sự Nhật - Mỹ, nhất là khi chỉ hai tháng nữa sẽ kỷ niệm 50 năm hiệp ước đồng minh Mỹ - Nhật. Nếu biết rằng mỗi năm Nhật phải chi 2 tỉ USD chi phí cho việc đóng quân của Mỹ tại Nhật và rằng để tống tiễn 9.000 thủy quân lục chiến Mỹ từ Okinawa sang đảo Guam (của Mỹ) trong tương lai, Nhật sẽ phải “đền bù giải tỏa” 2,5 tỉ USD, 2/3 tổng chi phí di dời, thì sẽ hiểu việc trả tiền đài thọ hăng năm và di dời không khác gì tiền “cống nạp” vì cuộc bại trận năm xưa.

Thế nhưng, ông Bush nay đã rời Nhà Trắng, ông Obama lên ngôi với những sứ mệnh mới: rút quân Mỹ an toàn ra khỏi Afghanistan, thanh toán nợ với Trung Quốc lên đến 800 tỉ USD công trái. Trong cả hai sứ mệnh đó của ông Obama, Pakistan và Trung Quốc mới là những chỗ dựa không thể thiếu: Pakistan phải hút Taliban về phía mình và tiêu diệt giùm chứ ông Karzai và quân đội Afghanistan đánh đấm gì được; Trung Quốc hà hơi thêm một chút, đồng thời khoan đem công trái Mỹ ra đòi tiền.


Cuối tháng 1-2009, ông Obama nhậm chức; tháng 2 Ngoại trưởng Hillary Clinton loan báo Mỹ thay đổi tầm nhìn, hướng trở lại châu Á bằng chuyến đi châu Á qua Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Lộ trình này thiếu Ấn Độ, nước vẫn được xem là nền dân chủ đông dân nhất thế giới với hơn 1 tỉ người, và mới năm ngoái còn là thượng khách trong Vườn Hồng của Nhà Trắng.

Đến ngày 5-5, cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ từ 2001-2003 và là nguyên phụ tá cố vấn an ninh quốc gia dưới trào ông Bush, Robert D. Blackwill, quá sốt ruột bèn lên tiếng vận động cho Ấn Độ: “Nay Washington tập trung vào quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, tạo thành nhóm G-2 theo cách gọi của các nhà phân tích. Trung Quốc, ít nhất cũng là đối với tôi, dường như đang ở vị thế cao hơn Ấn Độ trong các tính toán chiến lược của Mỹ. Điều này sẽ dẫn đến việc Ấn Độ có thể sẽ bị Mỹ ép trong vấn đề Kashmir với Pakistan, khi mà Pakistan đang ở giữa dòng cuộc chiến chống khủng bố. Và sự ép uổng đó thể hiện trong thông cáo chung Obama - Hồ Cẩm Đào”.

Mãi năm tháng sau, Ngoại trưởng Clinton mới lần đầu thăm Ấn Độ (cùng lúc với Thái Lan). Và thủ tướng Ấn Độ phải đợi sau khi ông Obama từ Trung Quốc về để được đến lượt sang thăm chính thức ông Obama.

Cuộc tình tay tư

Để tranh chấp một vị trí trong quan hệ với Mỹ như trong một cuộc tình tay ba, kẻ bị phụ tình cay cú hoàn cảnh “Đuổi theo tình, tình cao bay xa chạy. Chạy làng, tình rượt theo nắm áo”. Cùng phụ họa với Ấn Độ, từ Nhật Bản xuất hiện những “bật mí” về tên lửa hạt nhân của Mỹ trên đất Nhật cách đây nửa thế kỷ, như để cáo giác một kẻ phụ tình và cũng để sớm “ly hôn” quân sự với Mỹ.

Sau cuộc họp thượng đỉnh với ông Obama, ông Hatoyama tóm tắt thật đanh thép: “Tôi đã giải thích (với Tổng thống Obama) rằng hiệp ước này cần được nghiêm túc xem xét lại. Cần giải quyết càng sớm càng tốt”. (1)

Càng sớm dứt khoát càng tốt để không cứ mãi là “con tin” của các quan hệ dọa dẫm giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên cùng những mặc cả giữa một Mỹ “con nợ mất khả năng thanh toán” và một Trung Quốc “chủ nợ”. Ngay khi ông Obama vừa rời Tokyo, tiến sĩ Subhash Kapila của SAAG đã đặc biệt lưu ý việc ông Obama cứ luôn miệng tuyên bố “Mỹ thôi xem Trung Quốc như là một mối đe dọa và không có ý định ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc”. Theo tiến sĩ Kapila, “Nhật Bản và dân chúng Nhật có thể nêu câu hỏi: vậy việc 50.000 quân Mỹ trên đảo Okinawa và trên lãnh thổ Nhật, cũng như việc Nhật phải gánh chịu hàng tỉ USD chi phí cho Mỹ đóng quân ngay trên đất Nhật dùng để làm gì?”.

Đó là lý do chiến dịch “bật mí” các thỏa hiệp tên lửa Mỹ ở Nhật trong mấy ngày qua của Bộ Ngoại giao Nhật. Chi tiền cho Mỹ đóng quân để rồi nay ông Obama cam kết với ông Hồ Cẩm Đào: “Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc khi có việc liên quan đến vấn đề Đài Loan cùng các vấn đề khác”.

“Các vấn đề khác” liên quan đến “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc” trong quan hệ với Nhật là gì? Tiến sĩ Kapila giải thích: “Trung Quốc có những vấn đề lịch sử cần giải quyết với Nhật bên cạnh những tranh chấp lãnh thổ. Tàu ngầm Trung Quốc cứ lặn hụp trong lãnh hải Nhật, vi phạm an ninh Nhật. Trung Quốc giật dây CHDCND Triều Tiên thử tên lửa qua đầu Nhật tạo bất ổn. Trong khi đó, Mỹ không làm gì để yêu cầu Trung Quốc ghì cương

CHDCND Triều Tiên. Bối cảnh an ninh của Nhật, cho dù trong một liên minh quân sự với Mỹ, không ở mức độ “thoải mái” chút nào”. (2)

Năm 1972, Nixon sang Bắc Kinh, chấm dứt chính sách “kiềm chế, ngăn chặn hiểm họa cộng sản” mà Eisenhower đã nặn ra, để rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 2009, ông Obama cũng tái khẳng định “không có ý định kiềm chế” để rút ra khỏi Afghanistan và bãi lầy nợ nần.

Những nhu cầu địa chính trị, địa kinh tế còn “ác” hơn cả những cuộc tình tay tư.

______________

(1) Remarks by President Barack Obama and Prime Minister Yukio Hatoyama of Japan in Joint press conference.
(2) “Japan: United States President Obama’s visit to Japan analysed”, SAAG 17-11-2009.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận