Quan hệ Mỹ - ASEAN: Tìm lại nhau

DANH ĐỨC 22/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Mở đầu quốc yến khoản đãi các nhà lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi đây là “sự khởi động một kỷ nguyên mới trong quan hệ” song phương. Có mới tức có cũ, vậy cũ là gì và mới ra sao?

Theo ông Biden, đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ tiếp đón các lãnh đạo ASEAN trong cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên diễn ra ở thủ đô Washington DC. Các nhà lãnh đạo ASEAN không chỉ gặp ông, mà cả bà phó tổng thống, một số thành viên Quốc hội và Chính phủ Mỹ cùng cộng đồng doanh nghiệp. 

Cuộc gặp gỡ là nhằm “làm cho mối quan hệ này tốt hơn lên”, từ đó ông hy vọng “một phần lớn lịch sử của chúng ta trong 50 năm tới sẽ được viết ra” và “các nước ASEAN cũng như mối quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ là tương lai trong những năm và thập niên tới”. 

 
 Ảnh: Asia Times

Kỷ nguyên mới

Tuyên bố tầm nhìn chung Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN 2022 nhấn mạnh: “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương” và “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” có mẫu số chung là “chia sẻ các nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy một cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN là trung tâm, bên cạnh các đối tác”. 

Nôm na mà nói, khu vực ASEAN là một khu vực mở với tất cả các bên, không loại trừ bất cứ bên nào, song tất cả phải dựa trên luật lệ.

Tuyên bố chung 2022 “tái khẳng định cam kết chung nhằm củng cố và xây dựng quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ toàn diện hơn. Hai bên thừa nhận rằng quan hệ đối thoại này từ lâu đã trở thành không thể thiếu đối với ASEAN và Hoa Kỳ cũng như với khu vực và cộng đồng quốc tế trong việc tiếp tục thúc đẩy và duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực”.

Ý chính ở đây nhằm nhắc lại rằng đây là mối quan hệ “đã trở thành không thể thiếu”. Sở dĩ phải nhắc lại như thế là do giữa hai bên đã có một giai đoạn lơ là tạo ra cảm giác “có thiếu cũng không sao”.

Ý sau trong tầm nhìn chung 2022 rất thời sự: “Hai bên cam kết đảm bảo rằng các mối quan hệ luôn thích ứng để đáp ứng những thách thức mới và hợp tác một cách thích hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực mà các quốc gia thành viên ASEAN và Hoa Kỳ là thành viên”. Đặc biệt lưu ý cụm từ “các quốc gia thành viên ASEAN và Hoa Kỳ”, chớ không gọi chung “ASEAN và Hoa Kỳ”.

Đây là một nhắc nhở kín đáo rằng: (1) tình hình mới có những thách thức phát sinh mà hai bên cần đáp ứng; (2) trong các thách thức mới này, có những thách thức tại các diễn đàn quốc tế mà Mỹ và các quốc gia ASEAN cùng tham gia; và (3) đã xuất hiện khác biệt rõ rệt trong quan điểm giữa các quốc gia ASEAN.

Sau lời giáo đầu, tầm nhìn chung 2022 đi vào những điều cụ thể là phối hợp chống COVID-19 và cùng nhau phục hồi, tăng cường quan hệ kinh tế và tính kết nối, và thúc đẩy hợp tác hàng hải và an ninh hàng hải. Ngoài ra còn nhiều hứa hẹn khác nữa, nhưng nói chung đây là một “thực đơn” gợi ý để các bên từ đó chọn lựa và “gọi món” tùy theo “khẩu vị” đặc thù của mình.

Mối quan hệ chậm chạp

Có thể nghĩ rằng ông Biden giờ muốn tạo ra sự thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ - ASEAN đến mức gọi đây là “một kỷ nguyên mới”. Thế nhưng, liệu đấy là một ước ao sẽ thành hiện thực, hay chỉ là phát biểu huê mỹ ngoại giao? 

Câu trả lời tùy thuộc nơi nước Mỹ và từng nước trong ASEAN, vốn ngày càng tỏ ra đa dạng nhiều hơn là thống nhất. Ngay cả nước Mỹ của ông Biden cũng chưa bao giờ bước trên một con đường thẳng về phía ASEAN, đã từng có những lúc con đường đấy quanh co, chệch choạc, thậm chí giựt lùi, như dưới trào cựu tổng thống Trump.

Website của phái bộ Mỹ tại ASEAN (asean.usmission), mục Thời gian biểu Mỹ - ASEAN, cập nhật hôm 31-3 sự kiện sau: “Năm 2019: Hoa Kỳ hoan nghênh việc ban hành “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương” của mười nhà lãnh đạo ASEAN”. 

Cũng vậy, bên phía ASEAN, dòng thông tin về quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Hoa Kỳ trên website của ASEAN dừng ở năm 2019 với các thống kê thương mại, đầu tư... Có thể nghĩ rằng do đại dịch mà suốt hơn hai năm trời, dòng sự kiện chững lại.

Song ngoài chuyện dịch giã, còn có lý do gì khác không? Lần ngược thời gian biểu nói trên của asean.usmission, kể cả trước năm 2019 cũng chỉ ghi nhận thêm được một sự kiện khác vào năm 2017: “Hoa Kỳ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm hữu nghị với cộng đồng ASEAN”. Nghĩa là phía Mỹ đã có 5 năm gần như không ghi nhận sự kiện song phương đáng kể nào với ASEAN.

Đó là một mối quan hệ phát triển chậm chạp. Năm 1978, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter “khai trương” bằng cuộc gặp các ngoại trưởng ASEAN tại Washington. Nhưng mãi đến năm 2005, hai bên mới chia sẻ Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác tăng cường Mỹ - ASEAN. 

Năm sau (2006), hai bên ký Thỏa thuận khung về Thương mại và đầu tư ASEAN - Hoa Kỳ (TIFA). Tạm sơ kết: từ khi bắt đầu quan hệ đối thoại vào năm 1977 cho đến 2006, tức tròm trèm 30 năm, quan hệ hai bên nói chung vẫn chỉ ở mức sơ giao, và chỉ thực sự tăng tốc từ sau năm 2008, khi ông Obama đắc cử tổng thống và Mỹ “xoay trục sang châu Á”.

Một năm sau khi đắc cử, ngày 15-11-2009, ông Obama lặn lội qua tận Singapore gặp các đồng sự ASEAN, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1978, mới có một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, và lần này chủ nhà lại là một nước ASEAN. 

Reuters 14-9-2009 thuật lại rằng Tổng thống Obama bắt tay Thủ tướng Myanmar Thein Sein trong cuộc gặp tại khách sạn Shangri-La với 10 nhà lãnh đạo ASEAN rồi bình luận: “Hoa Kỳ bắt đầu tái dấn thân với Đông Nam Á sau nhiều năm tương đối lơ là để mặc cho Trung Quốc tăng cường sức mạnh ngoại giao và kinh tế trong khu vực”.

Chi tiết ông Obama bắt tay nhà cựu lãnh đạo Myanmar được Ernest Bower, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, D.C., giải thích là do Hoa Kỳ muốn thoát khỏi cái bẫy tự đặt ra của mình cũng như cho thấy ASEAN đủ quan trọng để Washington sẵn sàng gác qua khác biệt và trở ngại Myanmar. 

Có thể thấy, chọn lựa “ngậm bồ hòn làm ngọt” này giờ vẫn đang tiếp diễn trong quan hệ song phương, dù rõ ràng những khác biệt kiểu đó sẽ khiến hai bên khó mà thực sự cởi mở, thẳng thắn và hợp tác chặt chẽ với nhau như mong đợi.

Tình chẳng đẹp khi còn dang dở

Tổng cộng ông Obama đã 6 lần gặp các nhà lãnh đạo ASEAN, 7 lần thăm riêng rẽ các nước khu vực. Thậm chí đến năm cuối nhiệm kỳ hai, tháng 2-2016, ông vẫn tổ chức và làm chủ nhà thượng đỉnh Mỹ - ASEAN Sunnylands tại California. 

Ông còn ủng hộ các đối sách ngoại giao nền tảng của ASEAN qua ba lần tham gia Thượng đỉnh Đông Á mà vào thời điểm đó đã trở thành diễn đàn chính trị và an ninh tối thượng của châu Á - Thái Bình Dương. Một năm trước khi rời Nhà Trắng, ông Obama và các lãnh đạo ASEAN chính thức nâng quan hệ lên cấp chiến lược vào tháng 11-2015.

Có thể ghi nhận thêm rằng chính quyền Obama, thay vì chỉ quan tâm đến các đồng minh cũ như Philippines và Thái Lan, đã mở rộng quan hệ với các đối tác mới ở Đông Nam Á, từ đó hình thành khái niệm “các đồng minh và đối tác”, tạo nền tảng để rồi giờ đây ông Biden nâng quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Tất nhiên, đối tác chiến lược là giữa khối ASEAN nói chung với Mỹ, chớ không phải từng nước ASEAN đơn lẻ. Sự “thống nhất trong đa dạng” của ASEAN, thật trớ trêu, thể hiện rõ nhất qua mối quan hệ với Mỹ này. 

Trong 10 nước, có nước là “động cơ thúc đẩy” muốn cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, như Indonesia (nay đóng vai trò “quốc gia điều phối quan hệ đối thoại ASEAN và Hoa Kỳ”). Cũng có nước đi ngược hướng do còn kẹt những khúc mắc mấy mươi năm qua, như Myanmar. 

Rồi có những nước muốn cân bằng, “lửng lơ con cá vàng”. Mà ngay cả hai đồng minh có “môn bài” của Mỹ là Philippines và Thái Lan, do những vấn đề chính trị nội bộ, cũng đã lúc này lúc khác lơ là, thậm chí quay lưng.

Để rồi sau 8 năm quan hệ “đồng minh và đối tác” sôi nổi, mấy năm qua tình hình như một quả bóng xẹp hơi. Người kế vị ông Obama cũng dự các thượng đỉnh liên quan đến ASEAN năm 2017, nhưng rồi sau đó xổ toẹt, cũng là nhất quán trong tầm nhìn “nước Mỹ trên hết” của ông. 

Suốt 4 năm thời Trump, quan hệ Mỹ - ASEAN gần như bị bỏ mặc. Vì biết thế mà tháng 8-2021, ông Biden đã cử bà phó Kamala Harris sang thăm dò một vài nước ASEAN - nhất định bà đã đo được độ nông sâu của các mối quan hệ sau bốn năm “hoang hóa”. Nhưng xem ra với tình hình thế giới hiện giờ, quan hệ song phương vẫn còn quá nhiều việc dở dang một cách đáng tiếc.■

Tổng thống Joe Biden không xa lạ gì hồ sơ ASEAN do lẽ ông tích cực tham gia hoạt động đối ngoại thời đứng phó cho ông Obama. Sự tiếp tục đường lối Obama của chính quyền hiện tại là có thể hiểu được. 

Hôm 13-5, giáo sư Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), trong bài viết “Mỹ, ASEAN trong một sự trôi dạt địa chính trị”, đã nhìn thấy cái bóng của ông Obama nơi ông Biden: 

“Tổng thống Biden hiện đang giở lại những gì mà cả sếp cũ và đối thủ cũ của ông để lại: kết hợp chiến lược xoay trục Obama với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Trump nhằm kiềm chế Trung Quốc. Cũng như với ông Obama, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Biden dành ưu tiên đặc biệt cho vai trò trung tâm của ASEAN, các cơ chế do ASEAN chủ trì, vai trò của Chủ tịch ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận