Quan hệ Trung Quốc - Campuchia: Chưa bao giờ tốt đẹp hơn

DANH ĐỨC 10/10/2022 06:39 GMT+7

TTCT - Hôm 20-9, tại Trung tâm huấn luyện quân cảnh quốc tế Phnom Chumreay, tỉnh Kampong Chhnang, đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên và Phó thủ tướng chủ nhà Tea Banh đã chủ trì lễ ký biên bản bàn giao vật tư Trung Quốc cung cấp cho Campuchia.

Quan hệ Trung Quốc - Campuchia: Chưa bao giờ tốt đẹp hơn - Ảnh 1.

Buổi lễ ở Trung tâm huấn luyện quân cảnh quốc tế Phnom Chumreay, tỉnh Kampong Chhnang ngày 20-9. Ảnh: chinamil.com.cn

Theo trang tin quân sự Chinamil của Trung Quốc ngày 23-9, tại buổi lễ, tướng Tea Banh, cũng kiêm chức Bộ trưởng Quốc phòng, tuyên bố chính phủ và nhân dân Campuchia rất biết ơn sự giúp đỡ chân thành của Trung Quốc. Ông nhắc lại Campuchia kiên định duy trì nguyên tắc "một Trung Quốc" và tích cực cam kết xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho Trung Quốc và Campuchia. 

Đặc biệt, ông nhấn mạnh Campuchia sẵn sàng cùng phía Trung Quốc làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực.

Quan hệ bền chặt

Sự kiện này cho thấy tầm vóc và tầm nhìn của quan hệ song phương, thể hiện ngay từ chi tiết địa điểm ký kết là Trung tâm huấn luyện quân cảnh quốc tế Phnom Chumreay. Trung tâm này đồng thời sẽ là thao trường cho quân đội Campuchia. 

Ngày 17-12-2021, cũng Đại sứ Vương và ông Tea Banh đã chủ trì lễ động thổ khởi công trung tâm, vốn là trường bắn của Hiến binh Hoàng gia Campuchia (hiến binh - gendarme là lực lượng thuộc quân đội song làm nhiệm vụ chấp pháp ngoài xã hội dân thường, mà Pháp nay vẫn sử dụng, và với Campuchia là "di sản" thời Pháp thuộc). 

Được biết, chi phí xây trung tâm 13 triệu USD là do Trung Quốc tài trợ. Tướng Tea Banh bày tỏ sự cảm tạ: "Hợp tác quân sự giữa hai quân đội chúng ta đã đi vào chiều sâu, dựa trên nguyên tắc tin cậy, hiểu biết, tôn trọng và quan tâm lẫn nhau" (Tân Hoa xã 17-12-2021).

Trung tâm trên chỉ là một trong nhiều khoản viện trợ quốc phòng không hoàn lại từ Trung Quốc cho Campuchia. 

Từ năm 2008, giữa căng thẳng Campuchia - Thái Lan vì vụ ngôi đền Preah Vihear, người viết bài đã nhìn thấy các đơn vị công binh Trung Quốc làm đường ra biên giới phía đông và nghe nói tới việc Trung Quốc mở trường đào tạo sĩ quan lục quân cho Campuchia. 

Để rồi tháng 4-2015, Bộ trưởng quốc phòng Tea Banh trong diễn văn đọc tại lễ tốt nghiệp trường sĩ quan lục quân mới xây này, thuộc tỉnh Kampong Speu, đã tri ân một nhóm sĩ quan Trung Quốc có mặt ở đó (Reuters 3-4-2015). 

Lời cảm ơn không chỉ là bởi cơ sở vật chất mới mẻ và hiện đại, mà còn vì từ năm 2009, mỗi năm trường này tiếp nhận 200 sinh viên sĩ quan theo một chương trình đào tạo 4 năm do Bộ Quốc phòng Trung Quốc thiết kế, được các cố vấn Trung Quốc giám sát đội ngũ chuyên gia bản xứ.

Chương trình bao gồm sáu tháng học tại các học viện quân sự ở Trung Quốc. Lớp tân sĩ quan ra trường tháng 3-2015 đó là lớp thứ ba tốt nghiệp ngôi trường mới, sau các khóa 2014 và 2013. 

Một quan chức chính phủ Campuchia nói với Reuters: "Sinh viên tốt nghiệp được đưa vào các vị trí có ảnh hưởng, trong những đơn vị chiến đấu ở những vị trí mà họ có thể đưa ra quyết định, kể cả vị trí lãnh đạo các lữ đoàn bộ binh". Một sĩ quan khác nói phân nửa học viên sĩ quan Campuchia đã qua ngôi trường này, và đó là năm 2015.

Vươn ra khu vực

Những cam kết của tướng Tea Banh không dừng ở quan hệ song phương, mà còn nói tới việc chung tay cùng Trung Quốc "bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực". Cam kết đó lại được thể hiện qua chuyến thăm Trung Quốc hồi giữa tháng 8 vừa rồi của ông Tea Banh. 

Trong một cuộc họp hai bên tại Quảng Châu, tướng Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, tuyên bố: 

"Trung Quốc kiên quyết ủng hộ Campuchia bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập, phát triển và ổn định, độc lập lựa chọn con đường phát triển, xây dựng quốc phòng và quân sự của đất nước", và lưu ý "quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết hoàn thành Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Phát triển toàn cầu do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất, đồng thời cùng Campuchia thực hiện những đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được".

Những đồng thuận đó là gì? 

Có thể hiểu qua phát biểu của tướng Hứa mà Khmer Times 17-8-2022 trích lại: "Hai quốc gia sẽ tập trung xây dựng một "cộng đồng với một tương lai chung" bằng cách tăng cường giao tiếp, làm sâu sắc hơn hợp tác thực tế, duy trì ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích chung, để viết nên một chương mới trong sự phát triển chất lượng cao của quan hệ giữa hai nước trong kỷ nguyên mới". 

Ý "duy trì ổn định khu vực" mà tướng Hứa nêu ra hôm đó ở Quảng Châu, một tháng sau được tướng Tea Banh lặp lại gần giống ở trung tâm huấn luyện Phnom Chumreay.

Khmer Times đăng tin trên kèm chú thích: "Chuyến thăm của tướng Banh tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ do các cáo buộc chính phủ [Campuchia] tiếp nhận các thiết bị quân sự của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream, điều mà cả Campuchia và Trung Quốc đều bác bỏ". 

Câu chuyện căn cứ Ream ở Sihanoukville trở nên ầm ĩ do lẽ lợi ích của bên này có khi phương hại tới bên kia.

Song chuyện Trung Quốc hợp tác quốc phòng với Campuchia ở đây đã được chính Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận. 

Trong cuộc họp báo hôm 30-6 vừa rồi, người phát ngôn bộ này là thượng tá Đàm Khắc Phi, khi được hỏi về dư luận liên quan tới căn cứ Ream, đã đáp: "Một số phương tiện truyền thông đã liên tục thổi phồng sự trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Campuchia với động cơ không tốt", và khẳng định: "Trung Quốc và Campuchia là đối tác chiến lược toàn diện và sự hợp tác của hai nước trong mọi lĩnh vực đều công khai, minh bạch và hợp pháp".

Sẵn tiện, ông Đàm loan báo luôn rằng dự án nâng cấp và cải tạo căn cứ Ream, do Trung Quốc viện trợ, đã chính thức khởi động vào ngày 8-6. 

Ông bổ sung: "Dự án là kết quả của sự tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng giữa hai quốc gia, và là biểu tượng của tình hữu nghị sắt son giữa quân đội hai nước. Dự án tuân thủ luật pháp nội bộ của hai nước, luật pháp quốc tế có liên quan và các thông lệ quốc tế, và không chống lại bất kỳ bên thứ ba nào". 

Ông Đàm đồng thời bác bỏ mọi đồn đãi "có động cơ không tốt": "Chúng tôi kêu gọi những người này ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm, ngừng thổi phồng cái gọi là mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc và đóng góp vào giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực".

Một công đôi việc

Về phía Campuchia, Khmer Times cho biết: "Bộ Quốc phòng Campuchia đã công bố thông tin cho biết việc cải tạo căn cứ hải quân Ream là nhằm nâng cao năng lực của hải quân Campuchia trong bảo vệ toàn vẹn lãnh hải và chống tội phạm trên biển".

Cụ thể thực địa ở căn cứ Ream, Sihanoukville, ra sao? Khoan nói đến những cấu trúc âu tàu, cầu cảng, nhà kho... đang được xây, hay các khí tài sẽ được lắp đặt, trước hết thử tìm hiểu việc kết nối căn cứ này với hệ thống giao thông của Campuchia. 

Mới hôm 1-10 vừa rồi, đường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville bắt đầu được khai thác chính thức sau một tháng chạy thử nghiệm. Theo Bộ Công chánh và vận tải Campuchia, đường cao tốc trị giá 2 tỉ USD này do Tập đoàn cầu đường Trung Quốc đầu tư, dài 187km, nối Phnom Penh với cảng Preah Sihanouk (tức Sihanoukville) trong vòng hai giờ, thay vì hơn năm tiếng như trước. 

Hôm khai trương, từ 7h sáng đến 6h tối, đã có 8.927 xe di chuyển trên cao tốc này. Tất nhiên, cao tốc hai làn cùng một làn khẩn cấp mỗi bên, là dân dụng. Song, như đã thấy từ 2008, Campuchia có "khúc mắc" quân sự ở đâu, thì thường là sẽ thấy đường bộ do Trung Quốc đầu tư nối tới đó. Cảng Sihanoukvile và căn cứ hải quân Ream tất nhiên hoàn toàn có thể sử dụng đường cao tốc mới.

Có thể mượn lời Veng Bunheang, một nghiên cứu sinh 31 tuổi tại Viện Quốc tế giáo dục và sư phạm Trung Quốc (ICETI), thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, để phản ánh xu thế "cùng chia sẻ tương lai" này: "Tôi nghĩ rằng quan hệ Campuchia - Trung Quốc hiện đang ở giai đoạn cao nhất mọi thời đại trong lịch sử nhờ sự trao đổi thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước" (Tân Hoa xã 28-9-2022).■

Cũng trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 8 của tướng Tea Banh, hai bên loan tin sẽ mở lại cuộc tập trận "Rồng vàng" vào năm tới sau khi tạm dừng năm ngoái vì dịch COVID-19. Cuộc tập trận song phương thường niên này bắt đầu từ năm 2016, với mục đích huấn luyện chống khủng bố.

Cuộc tập trận gần nhất diễn ra tháng 3-2020 ở tỉnh Kampot, với các đề mục rà phá bom mìn, hủy kích hoạt vật liệu chưa nổ hoặc vũ khí hóa học, tác chiến xe tăng, giải cứu con tin và các hoạt động viện trợ nhân đạo. Tỉnh Kampot, phía nam giáp tỉnh Kiên Giang của Việt Nam, phía đông giáp tỉnh Takéo, phía tây giáp hai tỉnh Sihanoukville, Kep, và vịnh Thái Lan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận