Quản lý bức xạ mặt trời

TTCT - Các nhà khoa học đang tranh cãi quyết liệt về một phương thức mới nhằm làm chậm quá trình Trái đất ấm dần lên. Đó là phun hạt sulfate vào tầng bình lưu để ngăn chặn một phần ánh sáng Mặt trời chiếu xuống Trái đất.

Giáo sư David Keith - Ảnh: Der Spiegel

Năm 1991, núi lửa Pinatubo ở Philippines phun trào dữ dội, tạo ra một đám mây 20 triệu tấn khí SO2 và bụi bao phủ Trái đất trong khoảng hai tháng. Một năm sau, các nhà khoa học khảo sát và ước tính đám mây khí này đã phản xạ ánh sáng Mặt trời khiến nhiệt độ Trái đất giảm 1 độ C.

Nay với việc Trái đất đang ngày càng nóng lên do hiện tượng biến đổi khí hậu, một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc loài người cần áp dụng biện pháp “kỹ thuật địa chất” hay còn gọi là “quản lý bức xạ Mặt trời”.

Đó là dùng máy bay hoặc tên lửa phun hạt sulfate và một số loại khí khác vào tầng bình lưu để phản xạ ánh sáng Mặt trời. Viện Khoa học quốc gia Mỹ (NAS) đang nghiên cứu ý tưởng này và đã mời các chuyên gia thảo luận. Thậm chí Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc cũng đã đề cập đến quản lý bức xạ Mặt trời trong báo cáo mới nhất.

Giáo sư Canada David Keith, 50 tuổi, là người cổ vũ phương pháp quản lý bức xạ Mặt trời mạnh mẽ nhất. Khi ông đề ra ý tưởng này 20 năm trước, ai cũng gọi ông là một kẻ điên rồ nguy hiểm. Đã có nhiều tin nhắn dọa giết gửi đến máy nhắn tin của ông, bởi quản lý bức xạ Mặt trời là biện pháp có rất nhiều rủi ro. Đã có không ít chuyên gia so sánh nguy cơ từ phương pháp này với hậu quả của bom hạt nhân.

Trả lời phỏng vấn báo Mỹ Washington Post và tạp chí Đức Der Spiegel, giáo sư David Keith cũng không hề phản bác những tác động tiêu cực của nó, nhưng ông khẳng định đã đến lúc thế giới phải hành động.

* Tại sao chúng ta lại tính đến phương án phản xạ ánh sáng Mặt trời để làm lạnh Trái đất?

- Giáo sư David Keith: Nếu được sử dụng một cách cẩn trọng, công nghệ quản lý bức xạ Mặt trời có thể giúp giảm các nguy cơ từ hiện tượng biến đổi khí hậu một cách đáng kể trong nửa thế kỷ tới. Có nghĩa là nguy cơ mực nước biển dâng cao sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với người dân các khu vực nóng nhất sẽ giảm đi.

Đây là biện pháp bổ sung cho nỗ lực giảm khí thải CO2. Không gì thay đổi được thực tế rằng để giảm nguy cơ từ biến đổi khí hậu, điều quan trọng nhất cần làm là giảm khí thải. Đó là giải pháp về lâu dài, còn quản lý bức xạ Mặt trời là biện pháp trước mắt.

Việc phun hạt sulfate hay sulfuric acid lên tầng bình lưu là biện pháp hiệu quả, rẻ tiền nhưng không hoàn hảo, bởi không thể giải quyết được hết các vấn đề với CO2 trong bầu khí quyển, không giúp cải thiện vấn đề đại dương bị axit hóa.

* Rẻ nghĩa là sao?

- Theo ước tính của tôi, việc phun chất phản xạ ánh sáng Mặt trời vào bầu khí quyển chỉ tốn khoảng 1 tỉ USD/năm. Con số này không đáng là bao so với thiệt hại do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra, dự kiến lên đến ít nhất 1.000 tỉ USD vào năm 2050.

* Chúng ta hãy nói về các rủi ro.

- Phun sulfate vào tầng bình lưu có thể khiến tầng ozone trở nên mỏng hơn. Nó có thể làm thay đổi sự chuyển động của bầu khí quyển theo những cách chúng ta khó dự đoán trước. Và sulfate có thể rơi xuống các tầng thấp hơn của bầu khí quyển, làm ô nhiễm không khí trầm trọng thêm. Nguy cơ lớn nhất chính là việc sử dụng biện pháp này một cách thiếu kiểm soát.

Một số chuyên gia cho rằng có thể áp dụng quản lý bức xạ Mặt trời để đưa nhiệt độ Trái đất trở lại thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, đó là hiện tượng khí hậu lạnh đi đáng kể với những hậu quả khó có thể lường trước.

Đây là công nghệ rẻ tiền và một quốc gia đơn lẻ, thậm chí một cá nhân giàu có hoàn toàn có thể thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta thiếu các nguyên tắc cơ bản để thiết lập những quy định quản lý công nghệ này, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể biện minh cho việc sử dụng công nghệ này. Dù vậy, loài người luôn sáng tạo những công nghệ có khả năng dẫn tới những rủi ro. Nếu xây một nhà máy điện, bạn gây ô nhiễm không khí, dẫn đến chết người.

* Có lo ngại rằng việc tập trung vào biện pháp quản lý bức xạ Mặt trời có thể khiến các quốc gia lãng quên nhiệm vụ giảm khí CO2...

- Đó là một mối lo ngại đúng đắn. Nếu công nghệ giảm nhiệt lượng từ Mặt trời được triển khai hiệu quả, các quốc gia sẽ phần nào quên mất việc phải giảm khí thải CO2. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để chúng ta nói không với công nghệ này. Khi bạn tạo ra dây đai an toàn, người ta thường có xu hướng lái xe nhanh hơn. Khi bạn sản xuất ra thuốc chống AIDS, sẽ có một số người quan hệ tình dục một cách mạo hiểm hơn. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng vì có một số nguy cơ mà chúng ta không nên phát triển công nghệ giảm nguy cơ lớn hơn.

Vụ núi lửa Pinatubo phun trào năm 1991 làm nhiệt độ Trái đất giảm 1 độ C

* Chúng ta đã có kế hoạch cụ thể nào để thử nghiệm việc phun sulfate vào bầu khí quyển chưa? Ai sẽ phê chuẩn các thí nghiệm này?

- Đang có một số nhóm chuyên gia nghiên cứu cách thí nghiệm. Tuy nhiên, hệ thống luật hiện tại vẫn có nhiều lỗ hổng. Nếu tôi phun sulfur từ một nhà máy điện, luật pháp sẽ quản lý tôi. Nếu tôi phun sulfur từ một máy bay, luật pháp cũng quản lý tôi. Nhưng nếu tôi phun 1 triệu tấn sulfur mỗi năm để chống biến đổi khí hậu, không chính phủ hay bộ luật nào quản lý.

Hiện tại tôi và một số chuyên gia đang thực hiện thí nghiệm để phân tích cách sulfate tương tác với hóa chất ozone trên tầng bình lưu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thí nghiệm quy mô nhỏ.

* Vậy ông đề xuất hạn chế đối với chính ông và các đồng nghiệp?

- Đúng vậy. Tôi không nghĩ chúng ta phải có ngay một hiệp ước quốc tế để quản lý các thí nghiệm nhỏ. Điều chúng ta cần là một bản ghi nhớ giữa các tổ chức nghiên cứu lớn để đảm bảo rằng các thí nghiệm được thực hiện một cách minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Các quy định này không mang tính ràng buộc nhưng sẽ có ý nghĩa thực tiễn lớn.

* Theo ông, liệu phải cần có một tình huống khẩn cấp về biến đổi khí hậu khiến các nước phải điều những chiếc máy bay đầu tiên lên phun sulfate vào bầu khí quyển?

- Khi nói về tình huống khẩn cấp liên quan đến biến đổi khí hậu, người ta cần phải hiểu đó là gì. Cụm từ này phản ánh lối suy nghĩ ngây thơ và sai lầm về thế giới. Đối với nhiều hệ sinh thái và nhiều quốc gia, vấn đề biến đổi khí hậu đang là hết sức khẩn cấp. Tôi cho rằng chúng ta không nên chờ đợi đến khi có một “tình huống khẩn cấp”.

Thời điểm tồi tệ nhất để thực hiện một thí nghiệm là giữa một tình huống khẩn cấp. Chúng ta phải hành động ngay từ sớm một cách cẩn trọng với từng bước nhỏ. Cách đó sẽ giúp chúng ta ứng phó được với các rủi ro.

* Vậy ai sẽ là người ra quyết định hành động?

- Đây là một câu hỏi lớn và chúng ta cần phải sớm tìm câu trả lời. Mọi vấn đề về công nghệ đều rất dễ giải quyết. Khó khăn lớn nhất nằm ở vấn đề chính trị và quản lý. Suy cho cùng chúng ta cũng chỉ có một Trái đất duy nhất. Chúng ta cần phải phát triển các cơ chế quản trị để giải quyết những vấn đề công nghệ toàn cầu như thế này. Điều chúng ta cần làm ngay bây giờ là nghiên cứu biện pháp quản lý bức xạ Mặt trời một cách nghiêm túc.

Khi chúng ta bắt tay vào thực hiện biện pháp phản xạ ánh sáng Mặt trời, chúng ta cần một cơ quan quản lý cấp độ toàn cầu, ví dụ như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc một tổ chức tương tự.

Nguy cơ ảnh hưởng tới các vùng nhiệt đới

Theo một phân tích đăng trên tạp chí khoa học Environmental Research Letters hồi tháng 8-2012, việc áp dụng công nghệ cơ bản để phản xạ ánh sáng Mặt trời chỉ tốn kém khoảng 5 tỉ USD/năm, thấp hơn nhiều so với chi phí giảm khí thải CO2.

Năm 2009, Viện Khoa học hoàng gia Anh đánh giá nếu áp dụng biện pháp này, nhiệt độ Trái đất có thể nhanh chóng giảm xuống chỉ sau một năm. Tuy nhiên, nó sẽ không ngăn chặn được quá trình tích tụ khí CO2 trong bầu khí quyển hay làm chậm lại quá trình axit hóa đại dương.

Trên tạp chí Environmental Research Letters, mới đây các nhà khoa học Anh cảnh báo ý tưởng phun hạt sulfate vào bầu khí quyển để phản xạ ánh sáng Mặt trời có thể trở thành thảm họa đối với các vùng nhiệt đới.

Nhóm chuyên gia hai trường ĐH Reading và Exeter cho biết phương án này có thể có lợi cho khu vực Bắc Âu và một phần châu Á, nhưng sẽ làm đứt quãng chu kỳ mưa quanh xích đạo. Do đó có thể khiến các rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ khô hạn, làm tình trạng hạn hán tại châu Phi và Đông Nam Á trở nên trầm trọng.

“Nguy cơ từ phương thức kỹ thuật địa chất này là cực lớn. Ví dụ lượng mưa nhiệt đới có thể giảm 30%, đẩy đất nước Indonesia vào cảnh khô hạn đến mức các năm ẩm ướt nhất trong tương lai cũng chỉ tương đương thời tiết khô hạn hiện tại” - nhà khí tượng học Andrew Charlton-Perez thuộc ĐH Reading khẳng định.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh hệ sinh thái các vùng nhiệt đới thuộc vào loại mong manh, dễ tổn thương nhất trên Trái đất và sự can thiệp nhân tạo sẽ gây những thay đổi quá nhanh mà hệ sinh thái và con người không có đủ thời gian thích nghi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận