Quang gánh “nhà quê” giữa phố

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA 09/07/2016 21:07 GMT+7

TTCT - Ghé vào cái gánh của một dì gầy gò ngồi sát sân tường đình Linh Xuân (Thủ Đức), tôi chỉ cây đũa bếp bằng tre già hỏi giá.

Nguyễn Công Thành
Nguyễn Công Thành

 

- Tám ngàn, cô.

- Dạ, mười lăm ngàn hai cây được hông dì.

- Hông!

- ???

- Tám ngàn là một cặp hai cây đó cô!

Cảm động vì sự thật thà đó, thay vì mua một cặp, tôi trả tiền mua mấy cặp đũa bếp luôn, rồi mua thêm cái rổ “da” (rổ đan bằng cọng vỏ ngoài cây tre) và chục đũa. Dì dặn với theo: “Về nhớ ngâm nước muối một đêm nha cô”.

Tôi chú ý dì mấy lần khi đi chợ nhưng chưa có dịp mua hàng của dì, vì vài tuần dì mới xuất hiện ở cái chợ này một lần. Bộ bà ba mộc mạc, cái nón lá bạc phếch tưa sợi, quang gánh cũ kỹ, cây đòn gánh đã cong veo mòn nhẵn. Và hàng hóa của dì là cả một bầu trời trẻ thơ của tôi non nửa thế kỷ trước: Nào là những rổ, sàng đãi gạo to nhỏ, đũa bếp xới cơm, đũa ăn cơm bằng tre già. Đầu đòn gánh còn treo mấy trái mướp hương khô, nhìn nhớ đến quặn lòng...

Non nửa thế kỷ trước, mỗi lần từ Sài Gòn về Thủ Đức, cả nhà đều gọi là... về quê. Chữ “quê” hồi đó không phân biệt ranh giới, bản đồ hay địa bàn. Cứ chỗ nào có sông, có ao hồ, có đồng ruộng, có trâu bò, hay ít nhất - có miếng vườn bao quanh đều là “quê” tuốt luốt. Và người dân ở quê đó thì khỏi nói, thật thà như đếm.

Má tôi cũng là một dân quê ở Bình Quới, thuộc Gia Định ngày xưa. Chất quê đó không mất đi dù có theo ba tôi về Sài Gòn: từ Chợ Lớn, qua quận 4 rồi về quận 1. Ba mất, rồi hòa bình, cả nhà về căn nhà với miếng vườn có mồ mả cha ông ở ngoại vi Thủ Đức. Sống ở đây được ba mươi năm, cho đến lúc được đưa ra nằm cạnh ba ngoài gò mả, má tôi vẫn thích xài rổ tre đựng rau, vẫn thích xới cơm bằng hai cây đũa bếp tre già. Má vẫn chuyên rửa chén bằng xơ của trái mướp hương phơi khô làm giống - như những trái mướp hương khô đang treo lủng lẳng ở đầu gánh của dì bán hàng tre.

Má kể hồi trẻ, miệt Gia Định, Thủ Đức với Dĩ An trồng cây thuốc lá nhiều lắm. Đến mùa thu hoạch là vui như hội. Vui nhất là những đêm xắt thuốc không ngủ. Má là con một nên phải theo bà ngoại gánh thuốc rê đi bán ở Phước Lý, Tân Tường. Lúc nghe kể, có biết Phước Lý, Tân Tường là chỗ nào đâu, nghe vậy thôi. Đến chừng có... Google, tra cứu mới biết nó ở tuốt... Nhơn Trạch - Đồng Nai, để rồi cứ khắc khoải về hình ảnh bà ngoại và má với gánh thuốc oằn vai đi bộ giữa nắng mưa, với quãng đường hơn 60 cây số băng ruộng băng đồng, chưa kể bốn bận đò qua sông.

Có lẽ vì vậy mà tôi luôn có cảm tình với những người “nhà quê” với quang gánh oằn vai như dì bán đồ tre này. Khác với những xe đạp với cần xé hàng rong nhan nhản bây giờ, đôi quang gánh của dì gợi lại tuổi thơ của bao người Sài Gòn, cái hồi mà ba tháng hè là được cho... về quê với nội ngoại chơi thỏa thích.

Mà bữa nay với hồi đó có phải lâu la gì, chỉ mới hơn hai chục năm có lẻ thôi mà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận