Quế Minh không giữ nổi làng nghề chằm nón

TTCT - Đất Quế Sơn (Quảng Nam) từng nổi tiếng với các làng nghề đã có từ hơn 400 năm trước, một thời vang bóng xứ Đàng Trong. Nhưng qua bao cuộc chiến tranh, những làng nghề ly tán dần, nghề cha truyền con nối không giữ được, phương tiện sản xuất không còn, và quan trọng hơn cả, cũng chẳng còn mấy ai tâm huyết với nghề.

Phóng to
Chị Nguyễn Thị Tuấn với chiếc khung chằm nón - Ảnh: Bùi Hữu Cường

Làng nghề nón lá Quế Minh là một trong những làng nghề lâu đời ở Quế Sơn, được biết đến khắp xứ Quảng. Vào thời kỳ vàng son của làng, mỗi ngày người làm nón Quế Minh có thể chằm được khoảng 2.000 chiếc nón, bán khắp vùng Thừa Thiên, xứ Quảng và cả trên đất Tây Sơn - Bình Định.

Đồng đất Quế Minh bạc màu, nông nghiệp thất bát, may nhờ có nghề nón lá nên cuộc sống người dân tạm ổn định. Nón Quế Minh được ưa chuộng không kém nón Huế, nón Gò Găng (Bình Định) hay nón Làng Chuông (Hà Nội) bởi sự thanh mảnh của dáng, sự nền nã của sắc màu, sự chắc chắn trong từng đường kim mũi chỉ.

Làng Quế Minh trước đây có tới hơn 300/450 hộ dân theo nghề làm nón. Từ các cụ già đến thanh niên trai tráng trong làng đều có thể làm nón. Cách Quế Minh không xa có chợ Nón, nơi dân làng nón mang sản phẩm của mình đến trao đổi, và cũng là nơi trung chuyển nón Quế Minh đi khắp các vùng khác.

Bây giờ làng nón Quế Minh hầu như chẳng còn mấy người giữ lấy nghề cổ truyền vì sản phẩm không tiêu thụ được, tiền công một ngày làm nón chẳng là bao. Bà Võ Thị Xuân, 74 tuổi, có thâm niên gần 40 năm làm nghề, than thở: “Bây giờ ít thấy người đội nón lá, biết bán cho ai? Đã vậy chúng tôi phải mua nguyên liệu với giá đắt hơn trong khi bán một chiếc nón chẳng lời lãi được bao nhiêu!”.

Hiện tại 1kg lá chằm nón do người dân địa phương hái trên núi mang về bán có giá 18.000 đồng, có thể làm được 7-8 chiếc nón, bán với giá 6.000 đồng/chiếc, trong khi chưa tính tiền cước, chỉ và nhiều thứ linh tinh khác. Cứ mỗi chiếc nón bán được người làm nón chỉ lời 2.000 đồng, mỗi người chỉ làm được 2-3 chiếc/ngày tùy tay nghề, tính ra thu nhập được chừng 10.000-15.000 đồng/ngày!

Chị Nguyễn Thị Tuấn, 35 tuổi, cho biết: “Bây giờ ngoài những người già cả, phụ nữ có con cái nheo nhóc không biết làm gì sau giờ ra đồng mới ráng ngồi chằm nón kiếm thêm chút đỉnh...”.

Trong làng nay chỉ còn tám khung chằm nón hoạt động, phần lớn là người già nhớ nghề mà làm, còn trai trẻ chẳng mấy ai mặn mà với nghề này nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận