Robot - người Séc nổi danh nhất - nay đã tròn 100 tuổi

JAROSLAV VEIS 01/10/2020 16:10 GMT+7

TTCT - Nhờ nhà văn Karel Čapek, 100 năm trước, một robot đã được sinh ra ở Prague để trở thành người Czech nổi tiếng nhất mọi thời đại. Rồi nhờ được Isaac Asimov tái định nghĩa và củng cố ở New York, robot đã trở thành một trong những huyền thoại hiện đại quan trọng nhất trên thế giới. Và nhờ tiến bộ công nghệ, huyền thoại robot này đã, đang trở thành thực tế.

Khoảng 100 năm trước, tại làng Petrovichi gần biên giới Nga - Belarus, một cậu bé được sinh ra trong gia đình Do Thái họ Asimov. Cha mẹ đặt tên cậu là Isaac. Không ai biết ngày sinh chính xác của cậu, có thể vào khoảng giữa tháng 10-1919 và đầu năm 1920.

Cả gia đình đã lên con tàu RMS Baltic di cư từ nước Nga Xô viết non trẻ và đến New York vào ngày 3-2-1923, họ đã gán sinh nhật chính thức của đứa con đầu trong ba đứa con là vào ngày 2-1-1920, đồng thời thay chữ “z” thành chữ “s” trong tên cậu. Isaac Asimov sau này nổi danh trên toàn thế giới.

Isaac Asimov (Nguồn ảnh: Salon.com)

Cùng trong khoảng thời gian Isaac chào đời, nhà văn Karel Čapek lúc ấy tuổi ba mươi - ngôi sao văn học đang lên của Tiệp Khắc mới thành lập, đang hình thành ý tưởng cho vở kịch mới ở Nhà hát Quốc gia tại Prague.

Nhân vật chính của vở kịch này sẽ là những “lao động nhân tạo” hay còn gọi là những “người máy thông minh”. Trong lúc vắt óc nghĩ tên cho chúng, đầu tiên nhà văn nghĩ đến từ Labor (dựa theo từ labor trong tiếng Anh, với từ nguyên tiếng Latin là labore - nghĩa là “công việc” nhưng còn có nghĩa là công việc khó khăn, sự khắc nghiệt, sự mệt nhọc, thậm chí là nỗi đau đớn).

Tuy nhiên, ông không hẳn hài lòng. Ông chia sẻ những khúc mắc của mình với anh trai. Josef Čapek là một họa sĩ khả kính, hai anh em họ đã viết vài thứ cùng nhau, vì vậy Karel thường hay tham khảo ý kiến của anh mình.

“Gọi là Robot đi”, người anh họa sĩ lẩm bẩm, cây bút lông vẫn còn trong miệng rồi tiếp tục vẽ. “Thế là xong” - chính Karel Čapek sau này đã kể chuyện đặt tên như vậy. (Từ này có gốc từ tiếng Slav, cùng nghĩa với từ labor, nhưng thiên về nghĩa nô dịch hơn).

Karel Čapek bắt đầu viết R.U.R (tên đầy đủ của tập đoàn làm nên tên của vở kịch này là Rossum's Universal Robots - Các robot toàn năng của Rossum) vào đầu năm 1920, định rằng buổi công chiếu đầu tiên sẽ diễn ra tại Nhà hát Quốc gia ở Prague cuối năm đó. Do đó, vở kịch được NXB Aventinum xuất bản vào tháng 11-1920, Josef Čapek là họa sĩ vẽ bìa.

Bìa của ấn bản đầu tiên của vở kịch R.U.R do Josef Čapek thiết kế, in năm 1920.
Bìa của ấn bản đầu tiên của vở kịch R.U.R do Josef Čapek thiết kế, in năm 1920.

Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu đã bị đảo lộn hoàn toàn bởi một đoàn kịch nghiệp dư đến từ tỉnh lẻ Hradec Králové. Đoàn này không chịu hoãn đợi đêm diễn đầu tiên tổ chức tại Nhà hát Quốc gia, vì thế, buổi công diễn đầu tiên của R.U.R. trên thế giới đã diễn ra tại một nhà hát địa phương, do các diễn viên nghiệp dư biểu diễn, thanh tra viên ngành đường sắt nhà nước làm đạo diễn, vào ngày 2-1-1921.

Hơn ba tuần sau đó, ngày 25-1-1921, vở kịch được dàn dựng tại Nhà hát Quốc gia Czech. Tại đây, vở kịch nằm trong danh mục biểu diễn suốt sáu năm sau đó và thậm chí, vé vào xem diễn kịch còn được rao bán tại thị trường chợ đen.

**********

“Vở kịch cộng đồng, ba màn với phần mở đầu hài hước” của Čapek, như dòng tiêu đề của R.U.R viết, thành công ngay lập tức. Giống như Isaac Asimov, robot của Čapek đã được đưa đến New York ngay từ thuở mới lọt lòng. Chúng đến đó thậm chí còn sớm hơn cậu bé Isaac bốn tháng: buổi công diễn R.U.R tại Mỹ do Hiệp hội Theater Guild tổ chức tại nhà hát Garrick ở Broadway diễn ra vào ngày 9-10-1922.

Cũng dễ hiểu, Čapek đã tài tình khám phá một chủ đề quan trọng trong thời đại của mình: đó là ảnh hưởng mang tính hủy diệt tiềm tàng của nền văn minh công nghệ đối với xã hội (đây cũng là môtip tái diễn trong nhiều tác phẩm khác của ông), đồng thời tạo ra một ẩn dụ ấn tượng mang tính cảnh báo về tính hiện đại bị kiểm soát bởi những trí thức ngạo mạn và thực dụng một cách tàn nhẫn, những ông trùm tư bản tham cướp bóc hơn là bằng những ý tưởng và hệ giá trị.

Đã có nhiều cách diễn giải về ẩn dụ này, từ ý kiến cho rằng đó là sự phê phán gay gắt chủ nghĩa tư bản vị kỷ cho đến giả định rằng tác giả cảnh báo điều ngược lại hoàn toàn: mối đe dọa của các cuộc nổi dậy và cách mạng. Đối với một số người, nhân vật chính của vở kịch là con người, nhiều người khác cho rằng nhân vật chính chính là những robot.

Nhân vật nữ chính của vở kịch, Helena Glory, là hình mẫu của nhà hoạt động xã hội ngày nay của một số tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trên toàn thế giới. Robot, sản phẩm do con người chế tạo, đang tiêu diệt kẻ tạo ra chúng cũng giống như những phát minh hiện tại của chúng ta và nhiều sản phẩm do con người tạo ra có thể hủy diệt thậm chí là toàn bộ hành tinh.

Trăm năm sau nhìn lại, chúng ta lại có thêm những kiến giải mới cho những ẩn dụ và hình tượng của Čapek. Dưới nhãn quan hiện đại, Công ty Rossum’s Universal Robots chính là một tập đoàn công nghệ sinh học toàn cầu, có thể so sánh với Google, Apple và Tesla cộng lại về giá trị tài sản, động lực đổi mới và ảnh hưởng đối với các vấn đề thế giới.

Những phê bình về vở kịch lúc bấy giờ không phải lúc nào cũng tích cực, nhưng về cơ bản khen ngợi chiếm ưu thế đặc biệt. Ở Tiệp Khắc, phe tiên phong văn hóa cánh tả đã quở trách Čapek vì tóm được một chủ đề hấp dẫn nhưng không mang lại cái gì mới, thực tế chỉ là thứ kitsch (ra vẻ sành điệu) hòng thu hút khán giả quốc tế.

R.U.R. lôi cuốn khán giả ở bất cứ nơi nào nó đến. Ngay từ năm 1921, vở kịch đã được công diễn ở Aachen (Đức), một năm sau ở Warsaw, Belgrade và như đã nhắc ở trên, ở cả New York.

Cảnh “Người máy nổi loạn: Tiến sĩ Gall bị tấn công” - trích đoạn vở R.U.R của Theatre Guild trong tour lưu diễn từ năm 1928-1929
Cảnh “Người máy nổi loạn: Tiến sĩ Gall bị tấn công” - trích đoạn vở R.U.R của Theatre Guild trong tour lưu diễn từ năm 1928-1929

Năm 1923, nó được dàn dựng ở London, Vienna, Berlin, Zurich, và năm sau nữa ở Paris và Tokyo, Budapest và Krakow. Các bản dịch sang một số ngôn ngữ châu Âu được thực hiện trong cùng một thập kỷ - và vẫn có những bản dịch mới xuất hiện, gần đây nhất là tiếng Thái và tiếng Philippines. 

Vở kịch được H. G. Wells đánh giá cao - ông là tác giả của Chiến tranh giữa các thế giới đồng thời là một trong những trí thức của công chúng có ảnh hưởng nhất thế giới vào thời đại của ông, người sau này đã đề cử Čapek cho giải Nobel.

Năm 1938, R.U.R. đã trở thành tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên được phát sóng trên truyền hình khi được Đài BBC giới thiệu là một trong những tiết mục sân khấu đầu tiên của đài.

Không kém phần mạnh mẽ như khi vở kịch chiếm lĩnh các sân khấu thế giới, robot quê ở Czech bắt đầu chiếm lĩnh không chỉ không gian văn hóa mà còn cả khoa học và các không gian công cộng của thế giới. Khác với con người vốn chỉ có thể trở thành một người nổi tiếng toàn cầu, robot đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, một trong những biểu tượng của nền văn minh công nghệ ngày càng hùng mạnh.

Ký họa chân dung Capek của Miroslav Vomáčka
Ký họa chân dung Capek của Miroslav Vomáčka

*******

Tuy nhiên, không chỉ người cha trí thức của robot - Karel Čapek đã góp phần vào công cuộc chinh phục địa cầu của chúng. Thực ra, người cha nuôi Isaac Asimov kém cha ruột 30 tuổi cũng có công lao không kém, nếu không muốn nói là có phần công lớn hơn.

Con trai của một chủ cửa hàng kẹo ở Brooklyn bắt đầu theo học ngành động vật học tại Đại học Columbia, nhưng cuối cùng đã lấy được bằng hóa sinh và giảng dạy chuyên ngành này trong vài năm tại Đại học Y Boston.

Ông bắt đầu viết truyện khoa học viễn tưởng khi còn ở tuổi thiếu niên, và ngày càng gặt hái được nhiều thành công. Truyện ngắn đầu tiên của ông, Marooned of Vesta, xuất hiện trên tạp chí Amazing Stories vào tháng 3-1939.

Vào tháng 6 năm đó, ông bắt đầu viết truyện ngắn đầu tiên về robot với tựa đề Robbie (được đăng trên tạp chí Super Science Stories vào tháng 9-1940). Tuy nhiên, tổng biên tập của tạp chí Frederik Pohl đã đổi tên nó thành Strange Playfellow. Asimov chưa bao giờ thích cái tên này.

Trung tâm hoạt động của thể loại khoa học viễn tưởng, vốn từ những năm 1940 và 1950 đã được mở rộng từ “biệt khu” toàn những thanh niên mặt mụn không dám bắt chuyện với gái, luôn được đặt tại Mỹ - đó là thế kỷ của Mỹ, phải chăng là như thế - nhờ hai tác giả: Robert A. Heinlein và Isaac Asimov. Thêm tác giả người Anh Arthur C. Clarke vào nữa là tạo thành bộ ba thần thánh của thời kỳ vàng son của khoa học viễn tưởng.

Bức vẽ của họa sĩ Michael Whelan vinh danh Isaac Asimov trên bìa tờ tạp chí Asimov's Science Fiction.
Bức vẽ của họa sĩ Michael Whelan vinh danh Isaac Asimov trên bìa tờ tạp chí Asimov's Science Fiction.

Asimov đi vào lịch sử của thể loại này chủ yếu thông qua hai chủ đề và loạt sách gắn liền với hai chủ đề này, ngoài loạt truyện chu du khắp thiên hà mang tên Foundation, còn có một seri truyện về robot. Chúng bao gồm vài chục truyện ngắn, đặc biệt là tuyển tập I, Robot từ năm 1950 và các tiểu thuyết The Steel Cave (1954), The Naked Sun (1957), Robots of Dawn (1983) và Robots and Empire (1985).

Không chỉ những người khai phá mới quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ lĩnh vực hoặc chủ đề nào, những người không ngừng mở mang và ứng dụng lĩnh vực đó cũng có vai trò không kém phần ý nghĩa. Asimov đã làm điều đó với robot.

Trên thực tế, ông đã làm phong phú thêm chủ đề cũ về những sinh thể nhân tạo hoặc những cỗ máy sống (homunculus-người tí hon, android-người máy, automaton-người máy) bằng robot của Čapek và bổ sung khoa học về người máy bắt nguồn từ đó. Với tài khéo của một chuyên gia lịch sử tự nhiên hơn là một luật sư, ông đã xác lập ba quy tắc phải tuân theo vô điều kiện trong thế giới ông tạo ra nơi con người và robot cùng chung sống:

Điều một: Robot không được gây tổn thương cho con người hoặc, bằng cách không hành động, khiến con người bị tổn hại.

Điều hai: Robot phải tuân theo mệnh lệnh do con người đưa ra trừ trường hợp mệnh lệnh đó mâu thuẫn với điều một.

Điều ba: Robot phải bảo vệ sự tồn tại của chính mình miễn là sự bảo vệ đó không mâu thuẫn với điều một hoặc điều hai.

Bằng cách xây dựng bộ quy tắc này, Asimov đã thực hiện một bước hoàn toàn cơ bản: robot như một sinh thể nhân tạo không còn là mối đe dọa đối với con người mà trở thành đối tác, kẻ bảo vệ, phục vụ con người. Theo thuật ngữ chính trị, chúng ta có thể nói rằng Asimov đã tạo ra robot có khuôn mặt người... Không chỉ có loạt phim Kẻ hủy diệt (The Terminator) từ 1 đến 3 là bằng chứng cho điều đó.

Đây là một trong những lý do tại sao bộ quy tắc của Asimov vẫn được viện dẫn, nhưng cũng được bổ sung và sửa đổi để thích ứng với thế giới không chỉ trong hư cấu mà là thế giới thực, thế giới mà robot đang dần hiện diện. Chúng đã là một phần trong những xưởng sản xuất, kho vũ khí, phòng mổ và nhà bếp. Cho đến nay, robot vẫn chỉ là những cỗ máy. Robot như là các cộng sự thực sự của chúng ta, chẳng hạn như Primus và Helena của Čapek hay Robbie và Daneel Olivaw của Asimov, vẫn chỉ là viễn tưởng.

********

Isaac Asimov luôn nhắc đến nguồn gốc Czech của robot và vở kịch của Čapek. Ông đã nhắc đến Čapek không phải trong những câu chuyện về robot mà trong rất nhiều cuốn sách khoa học nổi tiếng của mình.

???
 

Tuy nhiên, bản thân vở kịch lại không hề ảnh hưởng hay khiến ông hứng thú chút nào. Tác giả của bài viết này biết điều này trực tiếp từ ông. Cuối năm 1988, người này đã đến thăm nhà văn trong căn hộ cao tít của ông bên trên Central Park ở Manhattan, và tất nhiên, anh ta không thể không hỏi. Asimov trả lời có, ông biết vở kịch, nhưng không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào đáng kể. Theo ông, ý tưởng vở kịch khá hay, nhưng chủ đề quan trọng nhất của vở kịch không hẳn là robot, ít nhất là không đủ để ông cảm thấy là cốt yếu và thú vị cho chủ đề đấy.

Có trời mới biết Čapek sẽ nói gì về điều này. Có lẽ nhà văn cũng sẽ chẳng thèm quan tâm. Cả hai không chỉ bị chia cách bởi thế hệ, mà còn bởi nền tảng văn hóa và quan điểm.

Xét cho cùng, theo giáo sư về ngôn ngữ và văn học Slav người Columbia William E. Harkins, Čapek ít thích vở kịch này nhất trong tất cả các tác phẩm kịch của mình. Theo giáo sư, bằng chứng thể hiện Čapek không mấy ưa thích R.U.R. nằm trong một câu trả lời của ông trong một cuộc phỏng vấn trên báo: “Vở kịch này thì ai mà chẳng viết được”.

Có lẽ ai cũng có thể, nhưng chính Capek đã viết nó. Nhờ ông, 100 năm trước, một robot đã được sinh ra ở Prague để trở thành người Czech nổi tiếng nhất mọi thời đại. Được Isaac Asimov tái định nghĩa và củng cố ở New York, robot đã trở thành một trong những huyền thoại hiện đại quan trọng nhất trên thế giới. Và nhờ tiến bộ công nghệ, huyền thoại robot này đã đang trở thành thực tế.■

(Nguyễn Ngoan dịch từ bản dịch tiếng Anh, bản gốc tiếng Czech được in trên tờ Lidové noviny (The People´s Newspaper) năm 2020, Zet Nguyễn hiệu đính)

Jaroslav Veis là nhà văn, dịch giả, ký giả, nhà tư vấn chính trị và truyền thông người Czech. Ông đã xuất bản một số tập truyện khoa học viễn tưởng và một số bản dịch của các tác giả Anh và Mỹ. Ông từng nhận học bổng của Hiệp hội báo chí Nieman tại Harvard (1994), sau đó là cố vấn chính cho chủ tịch Thượng viện Czech trong hơn thập kỷ. Gần đây ông sống ở Prague.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận