Sân khấu kịch trong tâm trí

PHAN BẢO 18/04/2021 17:05 GMT+7

Kịch radio, kịch audio hay kịch truyền thanh - một loại hình nghệ thuật có bề dày lịch sử từ 100 năm trước - đã tìm lại được vị thế và mang đến những trải nghiệm nghệ thuật khác biệt trong thời buổi mà không phải ở đâu nhà hát cũng được phép mở cửa.

 
 Minh họa: BRIAN BRENEMAN

Hơn một năm qua, nhiều vở kịch mới được ra mắt, nhưng không phải để xem mà chỉ dành để nghe. Nhiều nhà sản xuất kịch ở Anh và Mỹ tìm về với hình thức kịch radio, giúp những người yêu nghệ thuật tuy không đã con mắt nhưng vẫn được sướng cái tai.

Vận dụng cách xưa

Những vở kịch radio đầu tiên thật ra đã nổi tiếng từ những năm 1920, xưa ngang ngửa phim và truyền hình. Theo trang The Stage, thời bấy giờ, nói đến kịch radio là nói đến kịch của Đài BBC (Anh).

Chỉ vài tháng sau khi vừa thành lập, BBC đã cho phát qua radio một đoạn trích trong vở Julius Caesar vào tháng 2-1923. Cơ quan phát thanh này dường như không gặp phải sự cạnh tranh nào trong mảng này vào thời bấy giờ. Từ khởi đầu đó, BBC dần sản xuất hẳn những vở kịch chánh gốc chỉ dành riêng cho kênh radio mà rất nhiều trong số đó vẫn lưu hành đến tận ngày nay.

Ở Mỹ, theo Đài NPR, vào những năm 1930, khi nhiều người không có việc làm, các gia đình thường quây quần bên máy thu thanh để nghe kịch radio, trong đó có series nổi tiếng của Orson Welles, The War of the Worlds.

Adam Greenfield, giám đốc nghệ thuật của nhà hát Playwrights Horizons ở New York, nói rằng tiềm năng phổ biến tác phẩm sân khấu qua đường truyền thanh nay lại được tái vận dụng để giữ lửa cho nhạc kịch trong thời dịch bệnh ngăn cản các nhà hát sáng đèn. Nhiều dự án đã được triển khai để chuyển những vở nhạc kịch lẽ ra phải diễn trên sân khấu sang kịch radio, trong đó có Lockdown Theatre Festival. Trong hai ngày cuối tuần 13 và 14-6-2020, 4 vở diễn vốn dự kiến diễn ra ở 4 nhà hát khác nhau ở Anh đã được phát trên kênh BBC Radio 3 và BBC Radio 4.

Bên cạnh đó, cũng có tác phẩm được dựng riêng hẳn cho kênh audio trong thời gian qua, như vở The Understudy được nhà hát Lawrence Batley chuyển thể từ quyển sách cùng tên của David Nicholls.

 
 Một diễn viên thu âm vở kịch The Last Ring để phát dưới định dạng audio. Ảnh: Business Lunch Productions

Tủ áo là sân khấu

Audible, nền tảng sách trực tuyến của Amazon, là một trong những công ty dẫn đầu xu hướng mang sân khấu đến mọi nhà thông qua dự án Audible Theater, với mục tiêu sản xuất những vở kịch cho sóng phát thanh, nhằm tối đa hóa cơ hội việc làm cho nghệ sĩ và giúp các vở diễn vẫn đến được với người hâm mộ trong thời dịch giã.

Audible Theater nhanh chóng thiết lập studio tại nhà các nghệ sĩ, bởi họ không được phép đến nhà hát tụ họp và luyện tập. “Các kỹ sư âm thanh giúp họ thiết lập một phòng thu âm nhỏ - Moritz von Stuelpnagel, một trong nhiều nghệ sĩ nhạc kịch hợp tác với Playing on Air, cũng là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực kịch truyền thanh trong thời đại dịch, chia sẻ với trang Backstage - Đầu tiên họ thường chọn căn phòng mà họ cảm thấy thoải mái nhất, nhưng vì vấn đề tiếng ồn xung quanh, họ sẽ chuyển đến một trong những nơi xa cửa sổ và khu vực sinh hoạt chung nhất trong nhà - đó chính là tủ quần áo”.

Von Stuelpnagel thường quan sát các nghệ sĩ luyện cao độ trong không gian chật chội, lộn xộn của tủ quần áo qua phần mềm Zoom. Theo anh, việc được tự do thể hiện đã bù đắp cho sự thiếu thốn không gian và cũng là lợi ích lớn nhất mà hình thức nghệ thuật phát thanh mang lại. “Họ được phép thử và sai, vì cuối cùng chúng tôi sẽ kết hợp những phần tốt nhất của họ với nhau” - von Stuelpnagel nói.

 
 Quy trình của dự án Quarantine Radio Theater: Diễn viên tự thu âm phần thoại của họ tại nhà và gửi chúng cho giám đốc kỹ thuật xử lý lại thành sản phẩm cuối cùng. Vở kịch audio sẽ được phát dưới dạng podcast hoặc trên YouTube. Minh họa: Nat Thomas/St. Louis Public Radio

Giọng nói quyết định tất cả

Nếu tuyển chọn nghệ sĩ phù hợp với vai diễn là bước vô cùng quan trọng trong các vở diễn bình thường, thì với một sản phẩm truyền thanh, nó còn quan trọng hơn gấp bội, bởi khán giả sẽ không thể nào vì diễn viên có nhan sắc nên diễn đơ hay thoại dở cũng tặc lưỡi “thôi, tha thứ”.

Shakina Nayfack, biên kịch và ngôi sao của vở diễn Chonburi International Hotel & Butterfly Club, là một trong những người thấm thía nhất chuyện này, khi tác phẩm buộc phải chuyển thành kịch phát thanh thay vì công diễn ở Williamstown Theater Festival (Massachusetts, Mỹ) hè năm ngoái.

“Khó nhất ở chỗ vở diễn tập hợp những 11 nhân vật, mà tôi phải tìm cách làm cho vai của họ thật sự rõ ràng, để thính giả biết họ đang nghe ai nói” - cô giải thích với Backstage. Vở kịch của Nayfack có yếu tố kịch tính về hình thể - các nhân vật đều là những phụ nữ chuyển giới đang hồi phục hậu phẫu; điều này càng buộc các diễn viên phải phấn đấu hơn nữa trong việc thể hiện mọi thứ chỉ bằng giọng nói.

“Họ đang chống chọi lại nỗi đau thể xác… và quý vị không thấy được điều đó khi nghe kịch radio” - Nayfack nói. Giải pháp của cô là tạo nên những cuộc đối thoại với nhịp độ nhanh, linh hoạt giữa những cơ thể phải oằn mình chịu đau và phải di chuyển chậm rãi trong vở diễn. “Nỗi đau thể xác trong cuộc đời của các nhân vật phải được truyền tải thông qua diễn xuất bằng giọng nói của chúng tôi” - cô nói.

Câu chuyện hi hữu xảy ra vào buổi phát thanh vở The War of the Worlds đêm 30-10-1938 là minh chứng điển hình và còn được truyền tụng mãi trong lịch sử cho sức mạnh của diễn xuất bằng giọng nói qua kịch radio.

Với cách diễn đạt tuyệt vời của Orson Welles và công sức của đội ngũ sản xuất, vở diễn được truyền thanh giống hệt một chương trình phát thanh thông thường thỉnh thoảng bị gián đoạn bằng các bản tin thời sự.

Những thính giả bỏ lỡ đoạn cảnh báo duy nhất trước khi show diễn bắt đầu rằng đó là một vở kịch radio hư cấu đã tin rằng những điều được kể lại (một cuộc xâm lược tàn khốc của người ngoài hành tinh) đang thực sự xảy ra và họ đã chạy ra đường trong hoảng loạn.

Trong một phỏng vấn sau đó về sự hỗn loạn mà chương trình phát sóng đã gây ra, Welles được hỏi liệu lẽ ra ông có nên hạ tông ngôn ngữ của vở diễn hay không. Welles trả lời: “Không, không ai diễn vai giết người bằng lời lẽ nhẹ nhàng”.

Du hành bằng tai và trí tưởng tượng

Bên cạnh giọng nói của diễn viên, khả năng tiếp nhận của thính giả cũng là một yếu tố quan trọng, hay như lời von Stuelpnagel: “Trong kịch truyền thanh, trí tưởng tượng của người nghe trở thành sân khấu”.

Mandy Greenfield, giám đốc nghệ thuật của Williamstown Theater Festival, mô tả việc thưởng thức nhạc kịch ở định dạng âm thanh với sự hỗ trợ của các thiết bị số như “một điều gì đó rất thân mật” và chấp nhận được. Sự thân mật đó đến từ việc lắng nghe những suy nghĩ của nhân vật chỉ thông qua lời nói của họ và để cho trí tưởng tượng thỏa sức bay xa.

“Tôi như đang chạy trốn khi đeo những chiếc tai nghe đó và một thứ gì đó đã đưa tôi đi rất xa” - cô chia sẻ với Financial Times, và nói thêm rằng nghe kịch kích hoạt trí tưởng tượng, là một trải nghiệm chân thực, đẹp và “mang đến một loại giá trị nghệ thuật đặc biệt”.

Sự linh hoạt của nghe kịch, hay “vẻ đẹp của kịch audio” như cách gọi của Mandy Greenfield, thu hút cả người viết kịch và thính giả. Dù viết hay thưởng thức tác phẩm, họ đều có thể “di chuyển” liên tục mà không bị giới hạn về không gian và thời gian, từ vùng đất này sang đất nước khác, từ giai đoạn lịch sử này sang một thời kỳ khác, mà không cần ngân sách để dựng nên bối cảnh giống với địa điểm đang được đề cập hay hiệu ứng đặc biệt.

Công nghệ hiện đại cũng giúp kịch audio phát huy hết sức mạnh của nó - âm thanh. Cách kết hợp giai điệu, nhịp độ, độ hòa âm trong vở diễn để tạo nên kết cấu âm nhạc phong phú cùng với công nghệ thu âm sống động giúp đưa thính giả chìm đắm sâu hơn vào câu chuyện.

Nếu nghe vở Forest 404 được phát qua podcast của Đài BBC bằng tai nghe, thính giả sẽ như được đưa ngay vào rừng mưa nhiệt đới Sumatra (Indonesia), giữa một dàn đồng ca của ếch, như thể họ đang đi dạo trong rừng, tắm mình trong tiếng chim hót và tiếng cừu xa xa. “Chỉ riêng điều đó thôi đã là một món quà ngọt ngào cho bất kỳ ai đang phải trải qua cách ly phòng dịch” - Sarah Hemming viết trên Financial Times.

Mặt khác, đối với nhiều người, kịch radio không đòi hỏi nhiều sự chú ý hay thời gian, bởi với âm thanh, họ không cần phải ngồi và nhìn chằm chằm như xem kịch trực tiếp tại sân khấu. Chúng ta vẫn có thể nghe kịch trong khi làm việc hiệu quả, và nó thậm chí có thể được sử dụng như một công cụ bổ trợ trong lúc làm việc nhà và ngược lại. “Giải trí bằng đôi tai chính là tự do” - diễn viên kịch người Anh Paul Scofield nhận xét trên tạp chí Virginia Quarterly Review.■

Mục tiêu “nói mà không thể hiện” đi ngược lại với phương châm “thể hiện chứ không nói” mà hầu hết các nghệ sĩ sân khấu dành cả sự nghiệp của họ để rèn giũa, nhưng lại là sứ mệnh cốt lõi của kịch truyền thanh. Nó vừa là thách thức lớn nhất vừa là phần thưởng phấn khởi nhất một khi đạt được.

Mandy Greenfield tin rằng quá trình làm việc trong mảng kịch truyền thanh từ năm ngoái đã khiến cô trở thành một nhà sản xuất nhạc kịch toàn diện hơn và tốt hơn ở chỗ nó đã thúc đẩy cô tương tác với khán giả một cách khác đi.

“Nhiều bài học kinh nghiệm từ việc tinh chỉnh và mài giũa cho dạng kịch này sẽ được áp dụng trở lại vào quá trình phát triển nhạc kịch trên sân khấu của chúng tôi” - cô nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận