Săn "kho báu" bỏ quên trong sách thư viện

PHAN BẢO 21/08/2022 07:51 GMT+7

TTCT - Có vô vàn thứ bị bỏ quên trong những cuốn sách được mượn từ hệ thống Thư viện công Oakland: thư tình, những bức ảnh cũ, những bức vẽ công phu, bưu thiếp, kim móc đan len... Trong mắt thủ thư Sharon McKellar, đó là những kho báu cần giữ gìn, mong có ngày gặp lại chủ nhân.

Không ít người từng để quên giấy ghi chú, danh sách việc cần làm, hoặc thư tình, giữa những trang giấy của một cuốn sách mượn từ thư viện và lo sốt vó rằng vật dụng cá nhân đó có thể bị thủ thư vứt đi. Nhưng với nhiều người ở Mỹ, họ sẽ không phải lo lắng về chuyện đó, đặc biệt nếu họ sống ở thành phố Oakland, bang California.

Săn kho báu bỏ quên trong sách thư viện - Ảnh 1.

Thủ thư Sharon McKellar, người phụ trách chính của trang web “Tìm thấy trong sách thư viện”. Ảnh: Icarian Photography

Có vô vàn thứ bị bỏ quên trong những cuốn sách được mượn từ hệ thống Thư viện công Oakland: thư tình, những bức ảnh cũ, những bức vẽ công phu, bưu thiếp, kim móc đan len... Trong mắt thủ thư Sharon McKellar, đó là những kho báu cần giữ gìn, mong có ngày gặp lại chủ nhân.

Hơn 350 kỷ vật vô danh

Sự trân trọng của McKellar với những thứ bạn đọc bỏ quên khi mượn sách thể hiện rõ qua lời giới thiệu ở đầu bộ sưu tập "Tìm thấy trong sách thư viện" mà cô mở trên trang web của Thư viện Oakland: "Bạn đã bao giờ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với những thứ mình bỏ quên? Chà, nếu bạn để quên chúng trong sách Thư viện công Oakland hoặc xung quanh thư viện, bạn có thể thấy chúng được trình bày ngay tại đây, trên trang web của chúng tôi. Hãy xem một số kho báu chúng tôi đã tìm thấy ở bên dưới".

McKellar cho biết cô lấy cảm hứng xây dựng bộ sưu tập "Tìm thấy trong sách thư viện" từ một dự án tương tự có tên "Tạp chí những món đồ được tìm thấy". Từ tháng 6-2001, một nhóm những người sưu tầm ở bang Michigan bắt đầu tiếp nhận những món đồ mà họ và những người khác tình cờ thu thập được. Đó có thể là thư tình, thiệp sinh nhật, bài tập về nhà của trẻ em, danh sách việc cần làm, cuống vé, thơ trên khăn ăn, hình vẽ nguệch ngoạc - bất cứ thứ gì cho ta cái nhìn thoáng qua về cuộc sống của người khác. Sau đó, họ đăng tải hình ảnh của những món đồ lên trang web Found Magazine và cho xuất bản một ấn phẩm thường niên của tờ tạp chí.

Cô thủ thư 46 tuổi bắt đầu công việc sưu tập này khoảng 10 năm trước với ý nghĩ nhiều người khác có thể cũng sẽ hứng thú với những hiện vật kể trên. Những thủ thư khác trong hệ thống 18 địa điểm của Thư viện Oakland đã tham gia cùng McKellar.

Trong ngăn bàn làm việc của McKellar là một chiếc hộp chứa những đồ vật chưa được lưu trữ trên web. Cô thường tỉ mẩn xem xét từng món, phân loại, nhập liệu. Tất nhiên, McKellar không quên ẩn đi những thông tin cá nhân thể hiện trên những kỷ vật.

Kho lưu trữ của McKellar giờ đã hơn 350 hiện vật, thuộc đủ thể loại. Một trong những thứ được quan tâm nhiều nhất trong bộ sưu tập có lẽ là các bức thư tình. "Khi anh làm tan nát trái tim em… anh đã giải thoát cho em. Cảm ơn anh", hay "Hãy nhớ rằng, anh yêu em, em yêu", và "Quá khứ là quá khứ, vì vậy đừng mang nó về nhà cùng chúng ta. Anh chỉ muốn yêu em và hạnh phúc" là một vài trong vô số lời nhắn chất chứa bao tâm tư, tình cảm mà McKellar và đồng nghiệp của cô đã thu thập được.

Một nhóm "kho báu" khác đáng yêu hơn là những thứ do trẻ em bỏ quên - những tờ giấy nhắn có nội dung ngô nghê và từ ngữ mắc nhiều lỗi chính tả. Trong một tờ giấy ghi chú, tên cựu tổng thống Barack Obama bị viết sai thành "Borok Oboma". Trong một tờ giấy nhắn khác được ghi bằng tiếng Tây Ban Nha, một đứa bé tên Ana bảo bạn mình chọn giữa 3 đáp án "phải", "không phải" và "có thể" cho câu hỏi liệu cả hai có phải bạn bè không.

Thú vui tìm thấy kho báu

Rất nhiều vật mà McKellar tìm được có vẻ như bị bỏ lại có chủ đích (rõ nhất là để đánh dấu trang), trong khi nhiều món khác lại trông có vẻ bí ẩn bởi không thể hiểu được bối cảnh và nguồn gốc của chúng. Nhưng bất kể tính chất và ý nghĩa, nội dung đáng yêu hay ngớ ngẩn, McKellar rất hào hứng với mọi món đồ được tìm thấy, và thu thập chúng giờ đã trở thành sở thích của cô.

Săn kho báu bỏ quên trong sách thư viện - Ảnh 3.

Một vài hiện vật được tìm thấy trong sách mượn của Thư viện công Oakland. Ảnh: Website Thư viện công Oakland

Cô thủ thư không bỏ qua một vật lưu niệm nào, bởi "những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất lại có thể chứa đựng câu chuyện thú vị nhất". Cô kể thêm với tờ Washington Post: "Một phần của cảm giác kỳ diệu mà những hiện vật này mang lại nằm ở chính bản thân sự tồn tại của chúng. Có thể chúng đã nằm trong một quyển sách rất lâu trước khi được phát hiện".

McKellar có lượng người hâm mộ khá đáng kể - những người cũng bị thu hút bởi những món đồ bị bỏ quên. Rauwerda, 22 tuổi, người sở hữu tài khoản Twitter nổi tiếng @depthsofwiki, cho biết: "Thật đáng quý khi được đọc những suy nghĩ cá nhân riêng tư của một người mà họ vốn không viết ra để cho ai đọc. Những suy nghĩ đó rất dễ đồng cảm". Rauwerda cho biết cô đã dành một giờ đồng hồ để lướt trang web "Tìm thấy trong sách thư viện" và chia sẻ ngay những mục cô yêu thích thành một chủ đề trên Twitter.

Đối với McKellar, niềm vui của việc duy trì dự án nằm ở chỗ tưởng tượng ra những kỷ niệm gắn bó với những đồ vật bị bỏ quên. McKellar nói với trang tin địa phương SFGate: "Làm việc này giống như khi nhìn vào nghệ thuật. Nó chứa cả những ý đồ mà người nghệ sĩ mong muốn truyền tải lẫn những gì bạn tự rút ra dựa trên trải nghiệm cá nhân". Niềm vui còn đến từ cảm giác mà Đài NPR miêu tả là "một thoáng trộm nhìn vào đời tư của người khác". McKellar nói: "Điều này cho phép ta tọc mạch một chút. Dù ẩn danh, nhưng giống như ta đang đọc một phần nhỏ nhật ký của một người mà không biết họ là ai".

Các đồng nghiệp tham gia dự án cùng McKellar cũng có cảm nhận và niềm vui như cô. Remy Timbrook, một thủ thư ở bộ phận thiếu nhi, tìm thấy rất nhiều hình vẽ nhỏ trong những cuốn sách mang đến trả cho thư viện. Chúng luôn giúp cho một ngày mới của Timbrook "trở nên bừng sáng hơn". Trong số những món đồ mà cô tìm thấy, người thủ thư 38 tuổi cho biết cô yêu thích nhất chiếc lá được đặt trong một quyển sách thiếu nhi phi hư cấu nói về lá cây. Cô tìm thấy nó vào mùa thu năm ngoái. Timbrook nói: "Tôi vừa lật sang trang và nghĩ đó là một hình minh họa. Sau đó, nó rơi ra khỏi cuốn sách".

Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất đối với McKellar và các đồng nghiệp của cô có lẽ là khi "kho báu" này tìm về được với chủ nhân đích thực của chúng. Sau ngần ấy thời gian bộ sưu tập đi vào hoạt động, chưa từng có ai đến nhận lại một hiện vật nào, mãi cho đến tháng 7 vừa rồi.

Một độc giả có tên Jamee Longacre nhìn thấy ảnh chụp tờ giấy ghi chú màu xanh lá có nét chữ của mình trong bộ sưu tập của McKellar. Longacre sống ở thành phố Concord, ngay tại bang California, nhưng cô chưa từng đến bất kỳ thư viện nào trong hệ thống Oakland. Cô nhớ đã từng viết một giấy ghi chú như vậy, nhưng không thể nhớ bối cảnh lẫn người mà cô định gửi lời nhắn là ai.

Chính những bất ngờ thú vị như vậy càng khiến McKellar và đồng nghiệp thêm yêu thích việc gìn giữ "kho báu" trong trang sách.■

Săn kho báu bỏ quên trong sách thư viện - Ảnh 5.

Chiếc lá thật mà thủ thư Remy Timbrook tìm thấy trong một quyển sách thiếu nhi về lá cây. Ảnh: Remy Timbrook

Sharon McKellar không phải là người duy nhất săn lùng "kho báu" lãng quên trong các quyển sách ở thư viện.

Từ năm 2018, Emma Smreker, một giáo viên tiếng Pháp cấp III ở bang Oklahoma, đã đều đặn đăng những điều bất ngờ cô tìm được lên tài khoản Instagram In Used Books (Trong những quyển sách cũ), hiện đã có trên 19.800 người theo dõi.

Smreker nói với tạp chí nghệ thuật trực tuyến Hyperallergic cô lập tài khoản này từ khi tìm thấy một tờ hóa đơn của một quán cà phê ở Montreal nằm giữa một quyển sách dùng làm quà sinh nhật.

Phát hiện này khiến cô suy nghĩ làm sao mà một mẩu giấy cỏn con có thể vượt chặng đường từ miền đông Canada đến tiểu bang nước Mỹ này, và từ đó bắt đầu lùng thêm những thứ như thế.

photo strip in book (Read-Only)

Vợ của người đàn ông và mẹ của cô bé trong dải ảnh này đã liên hệ với Emma Smreker để xin lại kỷ vật. Ảnh: Emma Smreker

Không như McKellar có lợi thế là sách ở ngay chỗ làm việc, nữ giáo viên 32 tuổi phải lui tới những cửa hàng sách cũ, đại hạ giá và lần giở những quyển sách trên kệ để tìm "kho báu". Hầu như cứ mở quyển nào ra là cô đều chắc chắn tìm thấy một thứ: thẻ hay bất kỳ vật dụng nào có thể dùng để đánh dấu trang - từ mẩu giấy, tờ tiền, lá bài hay tờ hóa đơn như trường hợp ở trên.

Nhưng tấm thẻ đánh dấu đặc biệt nhất Smreker từng tìm thấy là một lá thư năm 1893, trên đó có biên một bài thơ và đề gửi một tờ báo ở bang Ohio. Lá thư còn nằm trong phong bì khi kẹp vào quyển sách, và "nếu tôi giữ bản thảo trong tay nghĩa là tác giả đã không gửi nó" - Smreker nói.

Cô quyết định gửi bài thơ đến tờ báo mà tác giả đã nhắm tới. Thế là sau gần 130 năm, bài thơ đã xuất hiện trên tờ Lancaster Eagle Gazette. "Điều này làm tôi hạnh phúc vì đã có thể hoàn thành điều mà ông ấy đã bắt đầu và giúp bài thơ được xuất bản" - Smreker tự hào.

Năm 2020, cô cũng từng nổi tiếng khi giúp một gia đình đoàn viên, từ việc tìm thấy các bức ảnh của một ông bố chụp cùng con gái trong một quyển sách cũ.

TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận