TTCT - Giao Chỉ dị vật chí là cuốn sách rất cổ, nửa còn nửa mất, có nhiều ghi chép khá tỉ mỉ về sản vật và nghề thủ công của nước Việt, thuộc loại “phong thổ ký” đầu tiên về đất Giao Châu, tác giả sống trong khoảng thế kỷ I, II... với nhiều thông tin từ cổ xưa về tiến trình văn minh của người Việt. LTS: Dù để dâng cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày tết cổ truyền như một tục lệ đẹp đầy nét nhân văn hay trang trọng bày trong phòng khách ngày xuân, những sản vật thấm đẫm hương đất, khí trời và tinh túy của thổ ngơi Việt muôn đời nay vẫn là từ bàn tay cần mẫn và trí tưởng tượng chân phương của người nông dân ba miền...Bán hoa thủy tiên và quất trong một phiên chợ tết xưa ở Hà Nội - Ảnh: Google.comTên sách có nghĩa “ghi chép về vật lạ ở Giao Chỉ”. Các loại vật lạ được ghi nhận gồm động - thực vật và khoáng sản, phần lớn có xuất xứ ở miền Bắc Việt Nam và một ít ở các nơi lân cận.Bản gốc sách này đã mất trong khoảng cuối thời Đường, các sách khác như Tề dân yếu thuật (Những kỹ thuật quan trọng của người bình dân - năm 533-544), Nghệ văn loại tụ (Sách thu thập, phân loại dùng cho nghề văn - năm 642), Sơ học ký (Ghi chép bậc sơ học - năm 728), Thái Bình ngự lãm (Làm cho vua coi, niên hiệu Thái Bình - năm 983)... khi trích lục Giao Chỉ dị vật chí đã ghi nguồn bằng các tên tương tự như Giao Châu dị vật chí, Nam duệ dị vật chí, Dị vật chí... [sau đây sẽ gọi là Dị vật chí], sách được cho là của Dương Phu, người sống trong khoảng năm 50-150.Vào thời Thanh, học giả ở quận Nam Hải là Tăng Chiêu đã thu thập các điều mục chép rải rác trong nhiều sách có ghi nguồn trích từ Dị vật chí của Dương Phu, phục dựng thành sách Dị vật chí (hai quyển), bản của Tăng Chiêu tập lục làm xong năm 1849, gom được gần 100 điều, nhiều nhất là những ghi chép tản mát về động - thực vật và một số điều về những tộc dân lạ, vài ghi chép về thổ sản ở nhiều nơi ngoài Giao Chỉ. Đáng lưu ý là mấy điều liên quan đến nghề thủ công ở Giao Chỉ như dệt vải bằng tơ chuối, làm đường khối từ cây mía. Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn đã trích lục hai điều trong Dị vật chí, một điều về loại lúa “đạo” thông qua sách Sơ học ký và một điều về giống tre có tên là tre bạc.Điều chép về lúa rất ngắn, Vân đài loại ngữ, quyển 9 chép: “Sách Sơ học ký trưng dẫn sách Dị vật chí nói: Giao Chỉ mỗi năm trồng hai vụ lúa đạo.” [Sơ học ký trưng dẫn Dị vật chí vân Giao Chỉ nhất tuế tái đạo]. Ở câu này, Tăng Chiêu cũng trích từ Sơ học ký, nhưng chép khác với Lê Quý Đôn.Tăng Chiêu chép: “Lúa đạo ở Giao Chỉ chín vào mùa đông, nhà nông mỗi năm gieo hạt hai lần, Sơ học ký, quyển 27 dẫn Dị vật chí”, và chú thích thêm: “Tề dân yếu thuật dẫn rằng: lúa đạo mỗi năm đông, hạ gieo hạt, xuất xứ ở Giao Chỉ; còn sách Thái Bình ngự lãm thì nói: lúa đạo Giao Chỉ hạ, đông chín hai lần”. Về giống tre bạc, Vân đài loại ngữ, quyển 9 chép: “Sách Dị vật chí chép: có giống tre bạc thân vòng to mấy gang tay, đốt nhặt, ruột đặc, cứng chắc, lấy làm cột nhà, rui nhà được”.Từ “mật đá”Đọc Dị vật chí qua tập lục của Tăng Chiêu hoặc những trích lục rải rác trong Tề dân yếu thuật sẽ thấy nhiều điều khá lý thú. Dưới đây trích dịch hai ghi chép ngắn về chuối và mía, thông qua việc giới thiệu thổ sản, hai nghề thủ công dệt vải và chế đường cũng được nhắc đến, như một thông tin từ cổ xưa về tiến trình văn minh của người Việt.Chép về cam giá (cây mía), sách ghi: “Mía, xa gần đều có, riêng mía tại Giao Chỉ có vị thuần hảo đặc biệt, gốc và ngọn đều ngon ngọt như nhau, chu vi thân ước vài lóng tay, lúc trưởng thành ước hơn một trượng, đều đặn như trúc. Vừa chặt mà ăn ngay thì rất ngọt. Ép lấy nước thì thu được chất mật như mạch nha, gọi là đường, quý hơn [mía] gấp bội.Đem thứ mật đường này nấu cho sắc lại rồi đem phơi sấy cho khô thì được một khối mật đóng kết như băng, khi đập vỡ ra như gạch, cho vào miệng thì tan dần, vị thanh thuần dễ chịu, người ta gọi đó là mật đá”.Nhiều thư tịch cổ như Tân Đường thư (Chính sử Trung Quốc chép việc nhà Đường), Thiên công khai vật (Thợ trời mở mang các vật, viết về các ngành nghề thực dụng cổ đại) cho rằng vào khoảng thế kỷ thứ VII, thứ VIII, người Trung Quốc mới học được cách làm đường mía từ người Ấn Độ. Nếu quả như vậy thì coi ra người Việt đã biết chế biến loại thực phẩm hương vị ngọt ngào này sớm hơn láng giềng.Đến áo mỏng tơ chuốiHay chép về ba tiêu (cây chuối): “Cây chuối, lá lớn như chiếc chiếu trúc loại để ngồi uống rượu, thân xốp như thân khoai nước, lấy thân cây đem nấu cho nhừ ra thì được loại sợi như sợi tơ, có thể đan dệt được, phụ nữ lấy sợi này dệt thành miếng to miếng nhỏ [để may áo], tức nay gọi là áo mỏng Giao Chỉ đó. Quả nó chụm vào nhau như múi tỏi, khi lớn như những cái mâm chồng lên nhau, làm như cái buồng kín, quả tóm về một tâm rất đều, mỗi buồng được khoảng chục nải.Trái chuối lúc chín có màu đỏ như lửa, cắt ra thì bên trong màu đen. Khi ăn thì lột bỏ vỏ, chỉ ăn phần thịt, vị ngọt như mật, ngon tuyệt, ăn bốn năm nải thì no, bột nó lưu lại ở kẽ răng có vị ngọt như bột gạo Từ, loại chuối này còn có tên là cam tiêu”.Loại Giao Chỉ cát [áo mỏng Giao Chỉ] hoặc tiêu cát [áo mỏng tơ chuối] đã được mấy sách sử Việt Nam nhắc đến, nhưng thường lấy thông tin qua các nghiên cứu hiện đại của học giới Trung Quốc, điều ghi nhận trên đây có thể coi là tư liệu gần gốc. Giống chuối được mô tả trong đoạn văn này khá lạ, chắc là một giống chuối rừng.Hồi năm 2005, tôi hỏi một bạn người Mường ở Thanh Hóa về các loại chuối rừng thì được biết thêm là ở miền núi hai huyện Như Thanh, Như Xuân có giống chuối rừng gần giống như Dị vật chí mô tả, chúng mọc thành bãi ven bờ suối và trong các lèn đá, thân to và cao hơn chuối ở đồng bằng, lá màu xanh rêu, trái chưa chín màu xanh ngả nâu, khi chín có màu đỏ hồng như lửa, trái chuối dài 5-6 phân, đường kính khoảng 2 phân, trái đã chín khi bỏ vỏ đi thì bên trong có màu nâu thẫm chứ không đen như Dị vật chí mô tả.Người bạn Mường còn nói đi rừng mà gặp chuối chín trên cây là có điềm may mắn, người nào thấy cứ im lặng hái ăn thì chuối không có hột, còn như kêu réo người khác cùng ăn thì sẽ gặp nhiều hột trong trái.Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn không thu thập hai điều về mía và chuối trong Dị vật chí, chỉ chép lại hai điều về lúa và tre bạc nhưng cũng không cho thông tin gì thêm về sách Dị vật chí nên người sau không biết sách này ra đời hồi nào. Đến khoảng giữa thế kỷ XX, trong sách Trung - Việt lưỡng quốc nhân dân đích hữu hảo quan hệ (Bắc Kinh, 1957), ông Trần Tu Hòa đã dựa vào điều viết về cây mía trong Dị vật chí để xác định nghề làm đường mía ở Việt Nam có vào khoảng thế kỷ II.Nếu có thể bàn luận thêm về điều đã chép về mía, chúng ta có thể nói rằng nghề phải có trước sách rất lâu, mỗi nghề thủ công từ thô đến tinh có khi phải trải qua vài trăm năm, nếu đúng là Dương Phu đã từ thực tế mà ghi nhận thì như ta thấy món đường được chép đã đến mức ngon tuyệt, vậy chắc là nó đã có trước khi Dương Phu ghi chép từ lâu lắm.Theo Âu Đại Nhậm trong Bách Việt tiên hiền chí viết hồi thời Minh và một số thông tin trong sách Lĩnh Nam văn hóa được biên soạn gần đây thì biết Dương Phu có tên tự là Hiếu Nguyên, người huyện Nam Hải (Quảng Đông). Khoảng niên hiệu Chương Đế (76-88), Dương Phu trúng cử khoa Hiền Lương, nhậm chức Bái Nghị Lang, làm việc ở Thứ sử bộ Giao Châu.Trong thời gian tại chức, Dương Phu từng dâng sớ về trung ương tố cáo các quan cai trị Giao Chỉ, Cửu Chân tàn ác, đày ải dân chúng, bắt săn tìm sản vật quý hiếm dâng nộp. Ông phân tích rằng sở dĩ có việc này và kéo dài lâu đời là do lệnh của triều đình bắt nộp thổ sản, bọn quan lại vin vào lệnh mà tăng số lượng để hưởng riêng, muốn dẹp tệ nạn này thì phải đình chỉ việc trưng thu sản vật.Theo sách Quảng Đông tân ngữ, vào cuối đời, Dương Phu về hưu trí ở quê nhà, ngụ thôn Độ Đầu, hạ lưu phía nam sông Châu Giang, nay di chỉ nhà cũ Dương Phu còn một cái giếng, dân quanh vùng vẫn gọi là giếng Dương Phu. Tags: Sản vật Giao ChỉCây mía Giao ChỉÁo mỏng tơ chuối
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Xuân Son giúp tuyển Việt Nam tiến gần chức vô địch ASEAN Cup 2024 ĐỨC KHUÊ 02/01/2025 Tối 2-1, tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Nguyễn Xuân Son tỏa sáng để giúp tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan 2-1.
Biển người 'đi bão' mừng tuyển Việt Nam chiến thắng, không quên dừng đèn đỏ HỒNG QUANG 03/01/2025 Sau khi tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tại trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1, đông đảo người dân đổ về các khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội để "đi bão".
CĐV Thái Lan: Việt Nam rồi sẽ như Philippines thôi! THÀNH AN 02/01/2025 Dù đội nhà bại trận 1-2 trước Việt Nam trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1 tại Việt Trì, người hâm mộ Thái Lan vẫn tự tin vào màn lội ngược dòng ở trận lượt về.
Xuân Son nói gì sau khi lập cú đúp vào lưới Thái Lan? HOÀNG TÙNG 02/01/2025 Sau lượt đi trận chung kết ASEAN Cup 2024, Quang Hải và Xuân Son thể hiện quyết tâm hướng đến chiến thắng chung cuộc để giành ngôi vô địch.