Saudi Arabia: Những bối rối của vị thái tử

SÁNG ÁNH 04/03/2021 04:03 GMT+7

TTCT - Những cuộc cải cách nhỏ giọt ở Saudi Arabia và sự can thiệp chính trị cũng như quân sự bên ngoài đã không giúp ích được nhiều cho nỗ lực củng cố vương quyền của thái tử Mohammed Bin Salman (MBS).

 Thái tử Mohammed Bin Salman

 Năm 2018, CIA Hoa Kỳ có làm một tờ trình về việc ám sát nhà báo Saudi Arabia, ông Jamal Khashoggi. Theo đó, xác suất rất cao là thái tử MBS biết trước việc thủ tiêu ông Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ; nếu không muốn nói ông chính là người ra lệnh cho cơ quan tình báo nước này ra tay.

Hai chuyên cơ mang toán sát thủ đến Thổ Nhĩ Kỳ là của Sky Prime, công ty thuộc quỹ đầu tư nhà nước cũng do MBS kiểm soát. Năm 2017, thái tử giam lỏng 200 nhân vật trọng yếu của Saudi tại khách sạn Ritz Carlton. Trong số tù nhân này có tổng giám đốc Công ty chuyên cơ Sky Prime. 

Ông này đã ký giấy sang nhượng tất cả cổ phần của công ty cho quỹ đầu tư nhà nước. Sau đó ông có được thả hay không thì không biết, chỉ biết chủ tịch công ty, đồng thời là bố vợ ông tổng giám đốc bị bắt giữ, đang sinh sống tại Canada bèn đệ đơn ở Canada thưa thái tử về tội giật tiền.

Sứ mệnh cách tân

Tờ trình của CIA lúc đó được Quốc hội Mỹ cho phép giải mật và công bố, nhưng bị tổng thống đương chức Donald Trump ngăn lại. Hoa Kỳ dựa theo phúc trình của chính phía Saudi đổ cho một toán sát thủ ngồi buồn nên tự ý lăng xăng làm bậy. 

Chính quyền Mỹ bèn dùng biện pháp chế tài trừng phạt những người này bằng cách, chết chửa, không cho họ visa vào Mỹ. Giờ như ta biết, ông Trump đã ra đi và người hùng Saudi bạn ông, thái tử MBS, đang rối như tơ vò, sau 4 năm được tổng thống Mỹ ôm vai và con rể tổng thống là Jared Kushner bá cổ.

Thái tử MBS là người tự xưng sứ mạng cách tân và đổi mới để cứu lấy chế độ vương quyền nhà Saud. Gia tộc này một tay cầm kinh phiên bản giáo phái Wahabi, một tay cầm kiếm từ sa mạc lập nên vương quốc vào năm 1902. 

Nếu tính theo GDP đầu người thì nước 32 triệu dân này (trong đó 10 triệu là lao động nước ngoài) đứng hàng 12 thế giới và có vai trò lớn trong quyết định giá xăng dầu sau khi Iran bị cấm vận, Iraq tan tành và Venezuela tơi tả.

Từ năm 1945, sự sống còn của chế độ được bảo đảm bởi Hoa Kỳ, với vai trò canh giếng dầu cho Mỹ. Công lao của nhà Saud là đóng góp vào việc định hình thế giới ngày nay, từ xe con đến cái túi nhựa, với năng lượng giá rẻ. Không có giá dầu rẻ sau Thế chiến II thì bộ mặt Hoa Kỳ, Tây phương và thế giới hẳn đã khác.

Ngược lại, 4.000 vương thân hoàng tộc nhà Saud được ăn xài phủ phê. Chuyện này tôi biết rõ. Hồi những năm 1970, có lần ngồi chơi trong hộp đêm với một bạn Pháp thì nghe thấy tiếng “click” hộp quẹt máy, nhìn sang thì thấy mấy bạn Saudi mồi thuốc bằng hộp quẹt Dupont, là thương hiệu hộp quẹt có tiếng ở Pháp với tiếng mở nắp “bản quyền”. 

Giá một cái Dupont hiện giờ cũng cỡ 800 USD. Bạn Pháp của tôi nói mình ráng ngồi đây đến sáng, bọn Saudi khi nào hết ga sẽ bỏ hộp quẹt lại thì mình nhặt! Tiền dầu cỡ đó, cho tới ngày nay, đưa kinh tế Saudi lâm vào cảnh phi lý đến nỗi trở thành “lời nguyền dầu khí”.

Vì lý do tôn giáo, phụ nữ ở Saudi không chống một nửa trời mà chỉ được ở nhà chống chái bếp. Không được lao động bên ngoài, không được lái xe, không được đi đâu nếu không có phép của đàn ông trong gia đình, họ bèn... đi học. Tỉ lệ sinh viên và người tốt nghiệp đại học là nữ lên tới 52%. Cho tới năm 2015, họ không được bỏ phiếu và năm 2012 mới được bán đồ lót phụ nữ!

Nhưng dù tỉ lệ lao động nữ rất thấp (cỡ 4% lực lượng lao động), nam giới Saudi cũng ít việc. Số thất nghiệp tại Saudi là 12%. Hai thập niên qua, số người trẻ Saudi thất nghiệp có lúc lên đến 1/3, như vào năm 2006 và hiện vẫn là gần 27%. Trong khi đó, lao động nước ngoài chiếm 1/3 dân số và 2/3 lực lượng lao động. Lý do là người Saudi không thích làm việc nặng và dùng người nước ngoài trong những công việc chân tay.

 Saudi Arabia đã phải nới lỏng luật lao động nghiêm khắc của mình để có thêm nguồn lao động nước ngoài (Ảnh: https://clarionindia.net/

 Chuẩn bị cho ngày không còn dầu mỏ

Ai cũng biết là có ngày dầu sẽ cạn và Saudi phải thay đổi, ít ra là về mặt kinh tế. Gương đổi mới thành công, tuy ở mức độ bé hơn, cũng đã có sẵn. UAE mở cửa ra cho du lịch, cởi mở hơn với người nước ngoài và phụ nữ trong nước. “Viễn tượng Saudi 2030” của thái tử MBS đại khái đi sau và theo gương các tiểu quốc Dubai hay Abu Dhabi. Ông cho phụ nữ lái xe (2018), đi lại bớt cần phép của cha anh (2019), người nước ngoài được visa du lịch (2019). 

Năm 2017, ông công bố dự án đặc khu biệt lập Neom phía bắc Saudi với diện tích 26.500km2, trải dài 170km, được quảng cáo là sẽ tự động hóa hoàn toàn, không có phương tiện cá nhân và “mọi thứ người dân cần đều sẽ ở trong tầm 5 phút đi bộ”, với mức đầu tư 500 tỉ USD, do Quỹ đầu tư quốc gia quản lý. 

Nói cách khác, đây là tài sản riêng của thái tử vì ông kiểm soát quỹ này. Neom (dự kiến) sẽ là khu vực công nghệ cao nhất thế giới.

Đổi mới kinh tế thì xã hội cũng phải khác và MBS đã thu bớt quyền hành của lực lượng cảnh sát tôn giáo, để họ bớt ra đường sách nhiễu dân chúng. Ông cho phép tổ chức ca nhạc, đô vật, giải trí, phụ nữ được phép coi bóng đá và coi phim tại rạp. 

Nên biết, luật Saudi 2007 phạt một năm tù và 150.000 USD nếu chụp ảnh vi phạm đời tư, nghĩa là vung di động quay chị Ba hay anh Bảy. Đến năm 2015, chụp ảnh ngoài đường vẫn cần giấy phép của Bộ Thông tin văn hóa. Nhờ những biện pháp này, thái tử được giới trẻ nam nữ ủng hộ. Nhưng phải nhớ, đây là ơn của ông ban.

Về mặt kinh tế, để thực hiện Viễn tượng 2030, MBS tung cổ phần Công ty dầu khí quốc gia Aramco ra thị trường chứng khoán. Đây là công ty lớn nhất thế giới, giá trị vốn hóa ước tính 1.500-2.000 tỉ USD và cũng là công ty lời nhất thế giới. Đồng thời, MBS gom anh em nhà Saud vào khách sạn Ritz Carlton để “thanh lý môn hộ”. 

Trong chuyện thanh trừng tham nhũng này, nghe đâu Quỹ đầu tư quốc gia “nhặt” được 100 tỉ USD từ các “cổ đông” bất đắc dĩ. Từ giờ, nhà Saud coi như không còn 4.000 vương hầu nữa, mà chỉ có một vị thôi, là MBS.

Về mặt chính trị, MBS phải thay đổi chế độ bộ tộc của dòng họ. Từ khi lập quốc, các vua lên ngôi là các con của tiên vương Ibn Saud thay phiên nhau. Vương quyền Saudi không phải phụ truyền tử kế mà là huynh thác đệ thừa, với sự đồng thuận của hoàng tộc. 

Ibn Saud rất lắm con và lắm vợ, chế độ này đại khái vận hành kiểu nếu con thứ ba của bà tư làm vua thì thái tử phải là con thứ năm của bà bảy. Vua trước họ ngoại này, thì vua sau phải họ ngoại khác, nói chung là có ăn có chia, lẽ nào cha con mày lấy hết của tụi tao.

Năm 2017 thì xảy ra biến cố, vua Salman cách chức thái tử của vương Mohammed Bin Nayef để phong cho con mình là MBS. Đây coi như đảo chánh, và MBS đã chuẩn bị trước bằng cách thâu tóm quyền lực vào tay mình, quân đội, tình báo và vệ binh quốc gia, ba ngành trước đây vốn phải chia đều trong hoàng tộc.

Thái tử MBS phải nói là đã thất bại trong nhiều dự tính. Trước hết, làm bộ trưởng quốc phòng trẻ nhất thế giới, ông đã không phải là Alexander Đại Đế hay Napoleon Bonaparte. Việc động binh của ông để trừng trị loạn Houthi ở Yemen thất bại nặng nề. Phiến quân bắn mươi tên lửa sang Saudi chỉ trong một buổi làm tê liệt 50% sức sản xuất dầu của Aramco ngay trước khi cổ phần được tung ra thị trường thế giới - khiến số tiền thu về chỉ là 25 tỉ USD, phần lớn nhờ vận động bạn bè mua giúp cho đỡ mất mặt.

Về ngoại giao, MBS định dùng ảnh hưởng để bắt Lebanon thay thủ tướng, nhưng cũng lại thất bại. Lebanon nhất quyết là lãnh đạo của họ phải do cả nước bầu lên, không phải do một hội đồng gia tộc chỉ định. 

Kế hoạch lật đổ vương quyền Qatar bằng cách cô lập và vây hãm tiểu quốc này mấy năm qua cũng chẳng đi đến đâu và vừa phải làm lành rồi. Về mặt tuyên truyền thế giới, tăm tiếng của MBS tan nát khi vỡ lở vụ ám sát và cưa thi thể nhà báo Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây nhất, ngày 28-2, phiến quân Houthi ở Yemen lại bắn sang thủ đô Riyadh của Saudi một nắm tên lửa đúng lúc thái tử đang tổ chức đua xe để giúp vui cho giới trẻ trong nước. Các tên lửa này bị phòng không Saudi bắn chặn, nhưng vẫn kịp nổ tung ngay trên nền trời thủ đô để cho thấy du kích vẫn sẵn dép cao su tạt sang đến tận Saudi chứ đừng nói chuyện bình trị họ ở Yemen. 

Có lẽ đây mới là đe dọa lớn nhất đối với MBS, chứ không phải ông Joe Biden hay là phe cánh của hoàng tộc Saudi thủ cựu tại Quốc hội hay là chính trường Mỹ lên hay xuống!■

 
 Mỹ và Saudi Arabia đã có quan hệ mật thiết lâu đời thông qua tài nguyên dầu mỏ. Ảnh: The Intercept

 Quan hệ giữa nhà Saud và Hoa Kỳ có từ 1945 dưới thời tổng thống Roosevelt. Nó dựa trên một thỏa thuận ngầm là ngày nào Saudi còn canh giếng dầu cho Mỹ thì nhà Saud còn được Mỹ bảo vệ.

 Nhưng tất nhiên, mỗi thời mỗi khác. Vua Faisal tuy “nổi loạn” gây ra khủng hoảng dầu hỏa 1973 nhưng rất thân với tổng thống Nixon, từng hứa với ông này sẽ cho tiền miền Nam Việt Nam thay Mỹ khi Mỹ bỏ của chạy lấy người, chí ít là bán dầu “giá vốn, bao nhiêu cũng có”. 

Hai tổng thống Bush - xuất thân xứ dầu Texas - coi như thành viên “dự khuyết” của hoàng gia Saudi. Nhưng tổng thống Obama thì lại cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. 

Mới rồi, tổng thống Trump và con rể Kushner đã mở một trang quan hệ mới với hoàng tộc, có lẽ là lụy nhau nhiều nhất trong lịch sử 75 năm. Thời Biden chưa biết thế nào, nhưng về cơ bản chắc vẫn là “ta vẫn cần nhau”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận