TTCT - Một phụ nữ Thụy Điển được ghép tử cung vừa sinh một bé trai. Câu chuyện kỳ diệu này mở ra hi vọng cho hàng ngàn phụ nữ vô sinh trên thế giới, ở Việt Nam thì sao? Bé Vincent ra đời bằng phương pháp mới, mở ra nhiều hi vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh - Ảnh: Reuters Tạp chí y khoa Anh The Lancet đưa tin hai vợ chồng người Thụy Điển, được giấu tên, rơi vào cảnh éo le khi người vợ 36 tuổi mắc hội chứng hiếm Rokitansky khiến cô bẩm sinh không có tử cung dù buồng trứng vẫn hoạt động bình thường. 10 giờ phẫu thuật, 10 năm nghiên cứu Trước ca phẫu thuật ghép buồng trứng, hai vợ chồng này đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm 11 phôi thai và trữ đông tại Bệnh viện Đại học Gothenburg. Người vợ trải qua ca phẫu thuật kéo dài 10 giờ ghép tử cung từ một phụ nữ 61 tuổi, đã mãn kinh trước đó bảy năm, hiến tặng. Các bác sĩ đã sử dụng thuốc để ngăn việc thải ghép trong một năm trước khi quyết định cấy phôi vào tử cung cấy ghép. Bé Vincent, con của hai vợ chồng, sinh non ở tuần thứ 32, nặng 1,775kg, do người mẹ xuất hiện triệu chứng tiền sản kinh và nhịp tim thai bất thường. “Thật nghẹt thở, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều cảm thấy như vậy - bác sĩ phẫu thuật Liza Johannesson thốt lên trong đoạn video do Trường Gothenburg cung cấp - Giống như chính tôi sinh con vậy. Thật khó tin”. Cả hai mẹ con hiện đều trong tình trạng sức khỏe tốt. Các chuyên gia trong ngành đánh giá cao kết quả của ca sinh nở từ tử cung cấy ghép bởi đã phá vỡ một rào cản lớn trong chữa trị vô sinh ở phụ nữ. “Tôi nghĩ điều này mang tính cách mạng và mở ra cơ hội cho nhiều phụ nữ vô sinh. Câu hỏi đặt ra là liệu ca phẫu thuật như vậy có thể được thực hiện lại một cách an toàn và ổn định hay không” - bác sĩ Allan Pacey, chủ tịch Hiệp hội sinh sản Anh, nhận định. Giáo sư Matts Braennstroem của Đại học Gothenburg cho biết thành công của họ là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu trên động vật và rèn luyện kỹ năng phẫu thuật. “Đây là một kỹ thuật phẫu thuật mới. Chúng tôi không có sách giáo khoa để tham khảo. Hơn vậy, nó cũng cho thấy tính khả thi của việc cấy ghép tử cung từ người hiến còn sống, ngay cả khi người đó đã mãn kinh” - ông Braennstroem nói. Nhưng chuyên gia này cũng cho biết các ca phẫu thuật như vậy sẽ khó phổ biến trong nhiều năm tới do vẫn còn phải nghiên cứu nhiều hơn nữa. Hiện tại, êkip của ông Braennstroem đang giúp đỡ tám phụ nữ khác không có tử cung do bẩm sinh hoặc phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung vì ung thư. Kết quả các trường hợp này sẽ quyết định có thể phổ biến kỹ thuật mới hay không. Đến nay chỉ còn bảy trường hợp được cấy phôi và hai trường hợp đang mang thai ở tuần thứ 28. Những khó khăn ở Việt Nam Nhiều bác sĩ sản phụ khoa tại Việt Nam khẳng định vấn đề cấy ghép tử cung còn rất mới mẻ ở nước ta. Hiện tại, các trường hợp cắt bỏ tử cung có nhiều nguyên nhân như ung thư tử cung, u xơ gây tắc nghẽn bắt buộc cắt bỏ, nạo phá thai dẫn đến thủng tử cung phải cắt... Trong đó, không có tử cung do dị tật bẩm sinh và không có tử cung vì cắt bỏ không mong muốn là nhóm có nhu cầu ghép tử cung cao nhất. Bên cạnh đó, khả năng ghép tử cung thành công hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Theo TS.BS Nguyễn Thị Từ Vân, chuyên khoa sản Trường ĐH Y dược TP.HCM, trước khi tiến hành ghép tử cung, bệnh nhân sẽ phải trải qua rất nhiều xét nghiệm, kiểm tra tình trạng sức khỏe, sự tương thích với tử cung được ghép vào cơ thể... như tất cả những ca phẫu thuật ghép nội tạng khác. Và đặc biệt quan trọng là buồng trứng của người nhận có hoạt động tốt hay không. Trong trường hợp không có buồng trứng thì không cần ghép tử cung do buồng trứng là yếu tố quyết định khả năng hoạt động của tử cung. Để tiến hành ca phẫu thuật ghép tử cung, quan trọng cần có một đội ngũ bác sĩ giỏi thuộc nhiều lĩnh vực về kỹ thuật mạch máu, chống thải ghép, bác sĩ sản khoa, gây mê hồi sức... Trong đó, phẫu thuật mạch máu đóng vai trò quan trọng giúp nuôi được tử cung mới ghép. “Trong phẫu thuật luôn có một tỉ lệ biến chứng nhất định có thể đe dọa đến tính mạng. Mục đích của việc ghép cốt để có một đứa con, vì vậy cần cân nhắc kỹ khi phương pháp thực hiện có khi nguy hại đến tính mạng “ - TS Vân nói. Vấn đề tương thích trong ghép nội tạng nói chung vốn đã rất khó khăn, trong ghép tử cung lại càng khó khăn hơn do vừa phải đảm bảo tỉ lệ tương thích (thông thường trên 90% mới tiến hành ghép), vừa duy trì tử cung ghép đó sống và có thể thụ thai được. Và các bác sĩ sản khoa đặc biệt lưu ý cho dù cấy ghép tử cung thành công thì khả năng sinh được con vẫn rất thấp. Bác sĩ Braennstroem cho biết các phụ nữ được cấy ghép tử cung phải xác định sẽ không thể thụ thai tự nhiên và có thể có tối đa hai con. Bên cạnh đó cặp vợ chồng Thụy Điển sẽ phải nhanh chóng quyết định có sinh con thứ hai hay không trước khi loại bỏ tử cung được cấy ghép. Họ được khuyên nên có con thứ hai trong vòng sáu tháng sau khi sinh bé Vincent. Bác sĩ Braennstroem cho biết điều này nhằm giảm thiểu thời gian dùng thuốc mạnh để ức chế việc thải ghép. Tags: Sinh con
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Trực tiếp: Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lễ 30-4 18/04/2025 Tối nay 18-4, TP.HCM sẽ cấm người dân đi lại, cấm dừng đỗ nhiều tuyến đường khu vực trung tâm để đảm bảo an toàn giao thông tổ chức tổng hợp luyện đại lễ 30-4.
Cờ đỏ sao vàng phủ kín đường Lê Duẩn, người dân hào hứng vẫy chào đoàn diễu binh DUYÊN PHAN 18/04/2025 Tối 18-4, xe chở các khối diễu binh vào tới TP.HCM để chuẩn bị cho buổi tổng hợp luyện, người dân hào hứng vẫy cờ đón chào đoàn quân, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi.
Nghi can buôn ma túy Bùi Đình Khánh có thể đang ở Phú Thọ, người dân cần đặc biệt chú ý P.THẢO 18/04/2025 Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị người dân cần đặc biệt chú ý, khi có thông tin kẻ bị truy bắt vì buôn ma túy Bùi Đình Khánh đang ở tỉnh này.
Người Mỹ ngày càng quý Nga, quay lưng với Ukraine? NGỌC ĐỨC 18/04/2025 Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy tỉ lệ người dân Mỹ xem Nga là kẻ thù và tỉ lệ ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine đều đã giảm xuống mức kỷ lục.