Sôi động với môn thể thao mà Bill Gates mê

HUY ĐĂNG 10/06/2023 12:03 GMT+7

TTCT - Những buổi sáng gần đây, người tập luyện thể thao ở TP.HCM thường xuyên được chứng kiến một môn thể thao mới mẻ lạ lùng, vừa giống quần vợt, vừa giống bóng bàn, laị có đôi nét của cầu lông.

Những ai thường xuyên tập luyện ở Nhà thi đấu Phú Thọ, Cung Văn hóa lao động và CLB thể thao 2-9 (TP.HCM) thường xuyên được chứng kiến môn thể thao mới mẻ này.

Ông Huỳnh Công Sơn hướng dẫn cho một cậu bé chơi bóng xốp ở CLB thể thao 2-9.  Ảnh: HOÀNG TÙNG

Ông Huỳnh Công Sơn hướng dẫn cho một cậu bé chơi bóng xốp ở CLB thể thao 2-9. Ảnh: HOÀNG TÙNG

Đó là pickleball, trò chơi vẫn chưa có tên tiếng Việt - có thể tạm gọi là "bóng xốp" - nhưng đã thu hút hàng trăm người tập luyện hăng hái ở TP.HCM.

Môn phát triển nhanh nhất thế giới

Một khảo sát ở Mỹ mới đây cho thấy đã có đến 4,8 triệu người chơi bóng xốp. Môn thể thao này mới nổi lên những năm gần đây, nhưng đã có lịch sử hơn 50 năm. Người khai sinh ra nó là Joel Pritchard, một nghị sĩ từng giữ chức phó thống đốc tiểu bang Washington.

Trong một ngày năm 1965, ông Pritchard và bạn bè cảm thấy buồn chán khi ngồi cùng nhau, họ muốn bày ra một trận cầu lông, nhưng lại không có cầu. Pritchard liền rủ những đứa trẻ trong nhà ra sân, và tự bày ra một trò chơi riêng. 

Tất cả những cây vợt mà đám trẻ có được huy động, gồm cả vợt bóng bàn, và quả bóng được sử dụng là bóng nhựa Cosom Fun Ball - một loại bóng đồ chơi trẻ em kích thước gần bằng bóng golf nhưng làm bằng nhựa, rỗng ruột và có nhiều lỗ trên bề mặt, tức quả bóng xốp.

Từ đó bóng xốp ra đời. Vợt bóng bàn hóa ra đánh quả bóng này hợp hơn vợt cầu lông và quần vợt. Còn sân đấu giống một sân quần vợt mini, với mặt lưới thấp hơn. Cách chơi cũng tương tự quần vợt: VĐV đánh bóng sang phần sân đối phương, và đối phương có thể chờ bóng nảy một lần trước khi đánh trả.

Hầu hết các môn bóng đều có tên tiếng Anh thể hiện luật chơi, như football (bóng đá), volleyball (bóng chuyền) hay basketball (bóng rổ). Nhưng bóng xốp có khác, nó có tên như vậy đơn giản vì Pickle là tên… chú chó của ông Pritchard. (Một thuyết khác nói "pickle" có nghĩa tiếng Anh là "tình huống khó xử").

Tuy khai sinh đã được hơn 50 năm, phong trào bóng xốp chỉ rộ lên khoảng vài năm trở lại đây. Năm 2022, Hiệp hội Thể thao và Thể dục Mỹ cho biết bóng xốp đang là môn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong khoảng ba năm trở lại đây, nhờ một nhân vật quảng bá bất ngờ: tỉ phú Bill Gates từng tuyên bố đây là môn thể thao ông yêu thích nhất.

Quê hương của Bill Gates là Seattle - chỉ cách hòn đảo Bainbridge của gia đình Pritchard khoảng 15km. Cha của Gates vốn lại là bạn của ông Pritchard. 

"Trò chơi này đã được bản địa hóa ở Seattle. Tôi thật ngạc nhiên khi phải đến tận ngày nay môn này mới được ưa chuộng. Cá nhân tôi chơi môn này được hơn 50 năm. Tôi thực sự không rõ vì sao môn này đột ngột nổi lên vài năm gần đây. Nhưng có thể do người ta mô tả nó là "dễ chơi". Bóng xốp kết hợp cả quần vợt, cầu lông và bóng bàn. Nó quy tụ những kỹ năng cơ bản của ba môn thể thao nhà nghề, tạo cảm giác rằng nó thực sự là một môn thể thao dễ chơi, phù hợp với tất cả mọi người", Gates nói.

Ảnh: New York Magazine

Ảnh: New York Magazine

Đã có vài trăm người chơi tại Việt Nam

Ở Việt Nam, bóng xốp được du nhập từ khoảng năm 2018, và bắt đầu từ cộng đồng thể thao khuyết tật. Một trong những người chơi đầu tiên là ông Huỳnh Công Sơn - cựu tuyển thủ quần vợt xe lăn.

"Người đưa bóng xốp về Việt Nam là một người nước ngoài, sinh sống tại An Giang. Ông ấy đưa môn này về từ khoảng năm 2018. Sau đó vài năm, một đoàn Việt kiều trở về Sài Gòn có mang theo nhiều dụng cụ để phổ biến cho những ai mê môn này. Từ đó bóng xốp thực sự có một cộng đồng. Tôi nghĩ ở miền Nam hiện tại có khoảng vài trăm người chơi", ông Sơn kể.

Cuối tuần rồi, ông Huỳnh Công Sơn tổ chức một buổi tập huấn bóng xốp cho trẻ em và người khuyết tật tại CLB 2-9 (quận Tân Bình). Bóng xốp chưa phải là môn thể thao đi vào chương trình thi đấu của Para Games, nhưng với kinh nghiệm của người từng chơi quần vợt xe lăn, ông Sơn khéo léo thị phạm cho mọi người trò chơi mới lạ này.

Người bình thường chơi bóng xốp chỉ được để bóng đập đất 1 lần. Nhưng VĐV khuyết tật khi ngồi xe lăn được để bóng đập đất 2 lần. Vì vậy, bóng xốp xe lăn là môn thể thao hoàn toàn trong khả năng của các VĐV khuyết tật.

Một tay lăn bánh, một tay cầm vợt, ông Huỳnh Công Sơn hết xoay trái, giật phải, cắt bóng, vớt bóng, thi thoảng lại tung vài cú đập mạnh mẽ. Trên sân bóng rổ được dựng tạm tấm lưới chuyên dụng, ông Sơn thị phạm vài trận bóng với mọi người và khiến ai cũng phải trầm trồ. Dù phải chơi với người bình thường, cựu VĐV quần vợt xe lăn không hề lép vế chút nào.

Chị Nguyễn Thị Thủy, một VĐV khuyết tật môn bắn cung, cho biết nghe lời ông Sơn kêu gọi nên chị đang tập chơi thử môn này. 

Đôi chân chị Thủy teo tóp sau một cơn bạo bệnh từ bé, nhưng nhờ có sức mạnh đôi tay từ việc tập bắn cung, chị Thủy lăn bánh xe lăn rất khỏe và nhanh. Vấn đề chỉ là khả năng xoay trở chưa được tốt. Sau một buổi sáng mệt nhoài, người phụ nữ bán vé số dạo vui vẻ cho biết trò chơi này giúp chị được vận động toàn thân.

"Cách thi đấu khá giống với quần vợt. Nhưng vì là banh nhựa, vợt cũng khá nhỏ nên nhiều động tác kỹ thuật lại giống bóng bàn. Riêng kỹ thuật giao bóng lại tương tự cầu lông, vì là từ dưới đánh lên chứ không đánh vô lê như quần vợt. Cũng vì đặc tính đa dạng vậy nên ai mới chơi cũng cảm thấy thân quen. Tập chơi kỹ rồi sẽ thấy bóng xốp đòi hỏi nhiều kỹ thuật đánh khá phức tạp chứ không dễ đâu", ông Huỳnh Công Sơn cho biết.

Khi bóng xốp bắt đầu phổ biến ở Sài Gòn từ năm ngoái, một số người chơi quần vợt thấy thú vị với môn này nên đã bắt đầu tập chơi. Anh Trịnh Đình Vũ, một người chơi bóng xốp ở Nhà thi đấu Phú Thọ, cho biết: "Môn thể thao này khá tiện để mình chơi với con cái vì lưới thấp. Cây vợt cũng khá nhẹ, sân không quá rộng, trẻ em khoảng 6-7 tuổi là có thể chơi được".■

Luật chơi

Sân đấu bóng xốp rộng 6,1m và dài 13m, lưới cao 0,9m. Quả bóng có đường kính khoảng 7,6cm làm bằng nhựa, khá nhẹ, trong khi vợt to hơn vợt bóng bàn, nhưng lại nhỏ hơn vợt quần vợt. Tương tự như quần vợt, người giao bóng phải đánh bóng qua khu vực chéo sân. Điểm số chiến thắng mỗi ván là 11 (phải thắng vượt 2 điểm). Điểm khác biệt đáng kể so với quần vợt là luật "không vô lê". Phần sân dài khoảng 2m ngay sau lưới của mỗi bên sân (tức phần không được giao bóng vào) có tên gọi "khu vực không vô lê". Các VĐV sẽ không được đánh vô lê (đập bóng) ở khu vực này.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận