Sống bằng sim "ma"

SƠN BÌNH 15/11/2009 02:11 GMT+7

TTCT - Sau khi bủa đi “ăn bay”, nhiều tên cướp giật tụ tập về những bãi đất hoang để ăn mừng chiến lợi phẩm. Điện thoại là thứ phổ biến nhất và bị tháo sim vứt tứ tung. cái vật mỏng, nhỏ tưởng chừng đồ bỏ ấy lại là thứ mà nhiều đứa trẻ lang bạt săn lùng để kiếm cơm... Hiện đang có nhiều nhóm trẻ ở TP.HCM chuyên mưu sinh bằng cái nghề khá lạ đời này.

Sống bằng sim "ma"

TTCT - Sau khi bủa đi “ăn bay”, nhiều tên cướp giật tụ tập về những bãi đất hoang để ăn mừng chiến lợi phẩm. Điện thoại là thứ phổ biến nhất và bị tháo sim vứt tứ tung. cái vật mỏng, nhỏ tưởng chừng đồ bỏ ấy lại là thứ mà nhiều đứa trẻ lang bạt săn lùng để kiếm cơm... Hiện đang có nhiều nhóm trẻ ở TP.HCM chuyên mưu sinh bằng cái nghề khá lạ đời này.

Sim “ma” được thu mua ở nhiều nơi

Sớm tinh mơ, nhóc Luân đã có mặt tại một bãi đất vắng vẻ ở quận Bình Thạnh. Nó khom người, lọ mọ nhìn thật kỹ để tìm nhặt những chiếc sim điện thoại không rõ nguồn gốc mà bọn nó gọi là sim “ma”.

Luân bảo: “Địa bàn kiếm sống của em ở gần đây, đêm qua nghe nhiều tiếng xe nẹt pô nên đoán chắc ít nhất cũng gom được 10 sim. Chừng ấy tệ lắm cũng bán được 40.000 đồng, vô mánh thì thu được vài trăm ngàn bỏ túi. Nhưng phải đi canh từ sớm, chứ đợi đến trưa là mấy đứa khác quơ hết của mình”.

Nghề “hot” của trẻ đường phố

Điểm đến của Luân là cái chòi hoang, còn phảng phất mùi “ăn chơi” đêm qua của một nhóm giang hồ. Sau một giờ soi kỹ những bụi cỏ, lùm cây, nó nhặt được 12 cái sim khá mới. Luân khoái trá ngồi bẹp dưới vệ cỏ, lấy máy điện thoại cổ lỗ sĩ ra thử từng cái sim một.

Thấy ba sim còn tài khoản hơn 100.000 đồng, nó cười nói: “Vậy là no bụng cả tuần rồi. Suốt đêm đi bán hủ tiếu gõ mỏi cả chân hay giữ xe mờ cả mắt cũng chỉ được 15.000 đồng”. Phần lớn những đứa đi nhặt sim “ma” đều có hoàn cảnh cơ nhỡ: đánh giày, bán vé số hoặc lượm ve chai...

Theo nhóc Luân, việc nhặt sim “ma” đang là nghề “hot” hái ra tiền của bọn trẻ lang thang. Luân kể: “Có lần rảo rảo đi bụi với tụi bạn bên quận 2, quận 9, thấy nhiều đứa lượm một vài cái sim, chúng kiểm tra tài khoản, cái nào “ò í e” thì đem ra mấy tiệm sửa chữa điện thoại di động bán lại 5.000 đồng/sim, cái nào còn tiền (tài khoản) thì tìm người bán rẻ. Biết được mấy “khu anh chị” ở quận Bình Thạnh ném bỏ sim rất nhiều nên em ăn theo, rồi mấy đứa nhỏ cùng xóm đi theo em nhặt sim “ma” kiếm tiền”.

Sau khi kiểm tra số sim “ma” đã nhặt, Luân tranh thủ thời gian đạp xe cà tàng, ì ạch ra khỏi khu đất trống rồi theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, xuống chân cầu Thủ Thiêm - nơi có nhiều công nhân xa xứ tề tựu về đây “ăn bụi ngủ đường”.

Thấy thằng nhóc quen thuộc, cả nhóm công nhân đang ăn sáng xúm lại bàn tán chuyện mua sim, sim nào có tiền là họ mua nhưng giá phải thấp hơn 1/2 trong tài khoản.

Một anh công nhân bước vội đến, xởi lởi hỏi Luân: “Có sim ngon không mày, lặt vặt là tao không mua đâu”. Thì ra sim còn tài khoản hơn 100.000 đồng bán đắt như tôm tươi, sim còn vài chục ngàn rất khó bán.

Anh này còn bảo: “Nhờ mày mà tao tiết kiệm tiền điện thoại hằng tháng cho bạn bè và gia đình, có bao nhiêu cứ mang đến, tao mua chia cho anh em”. Những câu hỏi thắc mắc xung quanh cái sim “ma” của tôi đều nhận được cái lắc đầu từ anh mấy anh công nhân và nhóc Luân.

Nó ngớ người xoa mớ tóc dài luộm thuộm rồi nói: “Tụi em chỉ biết bán sim “ma” còn tài khoản cho công nhân, sim “trắng” thì bán cho chú T. ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông này rành lắm...”.

Thấy vậy, tôi theo chân thằng nhóc đến tiệm thu mua sim “trắng” của ông T.. Ông này cười khẽ, giải thích: “Dạo này sim khuyến mãi nhiều quá nên người ta có xu hướng xài xơcua. Khi sim bị mất mà vẫn còn tiền, thường đó là sim phụ. Người ta không khóa sim là muốn giữ liên lạc với điện thoại của mình, hoặc để tìm cách trả thù kẻ lấy mất điện thoại, hoặc chuộc lại đàng hoàng nếu sim chứa nhiều dữ liệu quan trọng. Còn công nhân mua lại giá rẻ cũng rất “cáo”.

Thứ nhất, họ tiết kiệm tiền điện thoại. Thứ hai, họ chờ có ai hỏi chuộc để kiếm thêm tiền. Thứ ba, công nhân sống tập thể lại rất liều lĩnh nên không sợ bị “bẫy chuộc” của người mất”. Thấy ông am tường ngõ ngách, tôi đặt câu hỏi: “Ông mua sim “trắng” để làm gì?”. Ông T. đáp lấp lửng: “Tôi chỉ làm trung gian để kiếm thêm ít tiền boa...!”.

Nhóc Luân kiểm tra 12 sim vừa nhặt - Ảnh: Sơn Bình

“Sinh nghề tử nghiệp”

Sau khi bỏ túi hơn 200.000 đồng bán sim “ma”, nhóc Luân tiếp tục đạp xe về đường Trần Não, rủ thêm “đồng nghiệp” rẽ sang đường Lương Định Của nối dài ở quận 2 và quận 9 để tiếp tục... nhặt sim.

Luân bảo: “Tụi em biết thêm bốn điểm hội họp của những tay chơi, mấy ngày rồi không đi nên chắc có “hàng”. Kiếm tiền kiểu này cũng trầy trật lắm. Nhặt sim cũng chia địa bàn hẳn hoi, léng phéng là bị “nhicolai” khác đập nhừ tử. Mấy ngày trước bị tụi quận 9 cầm mã tấu rượt chạy té khói, may mắn lắm em mới về được đến nhà... Nhưng sợ nhất là bị mấy tay cướp giật điện thoại phát hiện, hù dọa nếu bị lộ sẽ giết chết, rồi bắt tập tành đi mua bồ đà, “hàng trắng” hay rượu thịt cho họ nhậu nhẹt...”.

Không chỉ vậy, nhiều bọn trẻ tự gắn sim “ma” xài, thấy ai nhắn tin chuộc là thành lập nhóm bàn cách đối phó kiếm thêm tiền. Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Tuyến của Trường ngoại ngữ Alpha bị giật điện thoại, cô rủ bạn trai tìm chuộc lại sim vì trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân quan trọng. Sau khi đưa tiền chuộc, bạn trai của cô bị giựt tiếp điện thoại rồi còn bị ném đá bể xe, vỡ đầu...

Nghe chuyện, nhóc Luân nhoẻn miệng cười: “Hên xui anh ơi”, rồi chỉ qua một thằng bạn, giải thích vì sao thằng đó bị sún răng. Nửa tháng trước, thấy người ta nhắn tin chuộc sim 2 triệu đồng nên chú nhóc này mừng quá mang sim đến gặp người chuộc, không ngờ bị túm cổ lôi lên công an phường. Phải khóc lóc năn nỉ “em chỉ vô tình nhặt được sim” mới được trả về với hình hài “ma dại” sau một đêm muỗi đốt.

Anh Phạm Hữu Hùng, công nhân Công ty Funitech, mua lại chiếc sim “ma” có tài khoản 300.000 đồng. Anh kể: “Vừa đặt sim vào máy tôi nhận ngay một cú điện thoại, sau khi “alô” vài tiếng, tôi nghe giọng phẫn nộ của một người phụ nữ: “Đây là số điện thoại của con gái tao đã mất tích mấy ngày nay, không biết nó còn sống hay chết rồi... Mày phải trả mạng nó lại cho tao”. Sợ quá nên tôi tháo sim quẳng xuống sông, đến giờ vẫn còn ám ảnh”.

Anh Hùng còn kể một người bạn khác của anh vì xài sim “ma” nên bị công an đến tận nhà trọ còng tay để điều tra vụ án liên quan đến cướp của giết người. Chuyện anh bị bắt đột xuất làm gia đình và bạn bè hoang mang. Cũng may, chỉ hai ngày sau các trinh sát đã nhanh chóng bắt được hung thủ gây án. Tên này sau khi giết người cướp điện thoại đã quăng sim và về quê nhà lẩn trốn...

Những chiếc sim “ma” vẫn tiếp tục được mua bán đã xảy ra những tình huống bi hài, dở khóc dở cười trong thời của điện thoại di động.

“Sim ma” - ngấm ngầm giá trị “ma”

Anh Phạm Hoài Phúc (giám đốc Công ty VPtech - chuyên đào tạo học viên sửa chữa điện thoại di động) cho biết: “Nếu để ý sẽ thấy rất nhiều nơi treo bảng thu mua sim “trắng” (sim rác, tài khoản hết hay bị khóa) với giá 5.000 đồng/cái. Cả những mẩu tin rao vặt trên báo chí cũng vậy. Có hai lý do để người ta thu mua loại sim “ma” này. Một, mua sim để hỗ trợ việc sửa chữa điện thoại. Hai, mua sim để kích hoạt trở lại, “luồn lách” bán lậu ra thị trường”.

Anh Nguyễn Văn Bảo - chuyên viên kỹ thuật sửa chữa và bảo trì điện thoại di động, một thời thu mua sim “trắng” cho một đầu nậu - khẳng định: “Người ta thu mua sim rác còn để “phân kim”, vì sim là thiết bị điện tử được mạ một lớp kim loại quý (phổ biến là vàng và đồng) để chống oxy hóa”.

SƠN BÌNH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận