TTCT - Nói đến “sống xanh”, nhiều người sẽ nghĩ đến những gì lớn lao hoặc những hành động bảo vệ môi trường mang tầm vĩ mô. Nhưng sống xanh thực ra đơn giản hơn chúng ta tưởng. Quán cà phê ở Budapest, Hungary trang trí bằng chiếc đàn cũ để thu hút khách. Ảnh: Lê Thành Anh Eric, hướng dẫn viên du lịch qua lại ở Đông Nam Á, một hôm ngồi vỉa hè chợ Bến Thành (TP.HCM) cằn nhằn: “Phòng khách sạn 4 sao tôi ở ghi rõ nếu khách phơi khăn tắm vẫn sạch trên giá thì nhân viên sẽ không giặt để tiết kiệm nước, điện và giảm hóa chất. Nhưng khi tôi treo khăn mới dùng trên giá theo yêu cầu, họ vẫn giặt cái khăn đó. Mấy lần tôi góp ý mà họ chưa nghe”. Ngoài ý thức tuân thủ nội quy, quan trọng hơn, sự tự giác của mỗi người sẽ quyết định thành công của một sáng kiến sống xanh như vậy. Sống đơn giản Mấy du khách từ Mỹ hay châu Âu tự nhận là yêu môi trường đi du lịch balô ở Campuchia, Thái Lan và VN hay mua quần áo không khuy, vải tái chế, tắm nước lạnh, ít dùng dầu gội đầu và xà bông. Họ, mà không ít người là tiến sĩ hoặc cựu giám đốc công ty lớn, tự hào hội nhập với dân bản địa, ăn món cây nhà lá vườn, có cuộc sống giản tiện. Các anh chị “Tây” đó thường ít nhiều đã thử trải nghiệm thiền, yoga. Họ thường giải thích cho dân địa phương biết quý và gìn giữ cây xanh, phù sa, đừng để quá muộn, bêtông hóa như thế giới công nghiệp, thế giới họ trốn chạy để sang châu Á, đừng vì sân golf hay ôtô mà coi nhẹ đất mẹ, rau xanh và cây rừng. Dân địa phương ở Thái Lan hay VN rất khoái nhóm này. Phần lớn họ giản dị, chân thật, đặc biệt khi tham gia những dự án cộng đồng, dạy nghề, dạy tiếng Anh cho trẻ em và dân chúng. Ở Singapore, sống xanh đã thành quốc sách. Chính phủ quy hoạch và “xây khu đô thị trong công viên”. Thái Lan cũng học theo. Thông lệ ngày nay cho thấy các khuôn viên khách sạn, chung cư, tòa nhà công ty... thường được phủ xanh từ sân thượng xuống mặt đất. Vườn hoa, cây cối tự nhiên phủ các ô cửa bêtông chặn nắng hắt, tản nhiệt, đồng thời lọc bớt khí CO2, giúp dân chúng chạy thể thao ngoài trời, hít thở không khí sạch. Thế nhưng khu nghỉ dưỡng, đảo xanh tuyệt đẹp ở Thái Lan tiếp tục bị túi nilông, hộp xốp phủ kín. Chiều chiều, Koh Samed (đảo du lịch cách Bangkok ba giờ lái xe) bị khói bẩn từ những đống rác xốp và túi nilông đốt nghi ngút che mờ. “Thái Lan, hay rộng hơn là Đông Nam Á, hay ở đâu cũng vậy, nếu giảm được số lượng túi nilông và hộp xốp thải khắp nơi thì cũng đỡ lắm” - một nhân viên cộng đồng người Anh, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Bangkok, nhận xét. Tiết kiệm Sống xanh thường liên quan đến hoạt động tái chế sản phẩm và từ thiện, nhưng ý thức tiêu dùng cũng cho thấy sự khác nhau giữa phương Tây và phương Đông. Cứ mỗi dịp Noel và Tết dương lịch, nhiều gia đình ngoại giao phương Tây ở Bangkok tổ chức bán quần áo cũ, những đồ vật không dùng đến, với giá rẻ. “Tại sao bạn phải mua đồ mới khi cái quần jeans, quà Noel năm ngoái của tôi, còn chưa dùng vì tôi không thích, người khác dùng hợp hơn? Hay mấy DVD phim hay, hàng chính hãng, chất lượng đảm bảo tôi xem rồi thì đến phần người khác xem, sách báo cũng thế...” - Keith, viên chức Liên Hiệp Quốc, ngày thường mặc complê phẳng phiu đi làm, giờ áo phông quần đùi phì phò bán đồ cũ, đồ thừa của nhà, nói. Người nước ngoài và dân địa phương Thái cũng tổ chức bán đồ, gây quỹ hoặc tặng đồ cho các tổ chức thiện nguyện giúp những người sa cơ hoặc những nhóm người tị nạn từ Myanmar. Julio - người Ý, tư vấn cao cấp cho lãnh đạo một ngân hàng hàng đầu của Thái Lan - có vài thói quen có thể coi là “lập dị”. Anh hay nhặt nhạnh dọc đường những đồ vật cũ, đặc biệt là khung xe đạp cũ, mua thêm lốp, phanh, xích..., tự thay, lắp, căn, chỉnh rồi hằng ngày đạp xe 3km đi làm. Giữa đô thành Bangkok thừa đủ đồ ăn, Julio mua một cái máy thủ công quay tay, mua bột, tự làm spaghetti, quyết không mua đồ siêu thị bọc trong nilông. Julio hay rủ tôi lên xe buýt bình dân (vé tương đương 5.000 đồng) vào một khu người nghèo mua ít vòng cổ, vòng tay họ gia công cho một tổ chức phi chính phủ xóa đói giảm nghèo, uống ly cà phê ở một quán thiện nguyện do họ dựng lên gây quỹ. “Nhìn nghị lực vượt khó, tồn tại lạc quan của dân ở đây, tôi cảm thấy những cơn nhức đầu trong văn phòng sang trọng, chẳng hạn bị sếp mắng, nhân viên hỗn xược, lương thưởng chưa vừa ý... chỉ còn là chuyện tầm phào” - Julio nói. Sống xanh, sống chậm không chỉ là tụng kinh gõ mõ, ăn nhạt, làm từ thiện, ngắm hoa, tập yoga... Hẳn nó còn là việc tự xây dựng ý thức cho bản thân, tăng cảm nhận đối với con người và môi trường quanh ta, hay đơn giản nhất như bớt dùng một chiếc túi nilông, gom và phân loại rác vào đúng chỗ, tắt một thiết bị điện, tránh ngồi lỳ hàng giờ trước tivi... Một điều không kém thú vị là ngày xưa, thường người lớn độc quyền vai trò dạy dỗ ý thức cho trẻ em về cách sống, nhưng bây giờ chính trẻ em có thể và có nhiều điều kiện để dạy người lớn, người già cách gìn giữ môi trường. Mà thực ra bất cứ ai và lúc nào cũng có thể bắt đầu sống xanh, khởi đi từ những việc cụ thể bé nhỏ ấy. ■ Vài phương pháp dễ áp dụng cho sống xanh, sống chậm 1. Dùng túi vải, balô đi mua hàng, kiên quyết từ chối túi, bao nilông; dùng bình nước cá nhân, châm nước nhiều lần, thay vì dùng chai nhựa rồi vứt bỏ; nếu có túi nilông thì tái sử dụng làm túi rác. 2. Tắt điện, tắt tivi, các dụng cụ điện trước khi đi ngủ; gắn vết nứt ở vòi nước tránh rò nước, bịt khung cửa sổ, lỗ hổng trong nhà giúp giữ nhiệt, giữ mát. 3. Bớt sử dụng các sản phẩm chứ hóa chất như shampoo, nước tắm, nước rửa chén; tránh dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học. 4. Ăn đồ tươi, gọn, vừa đủ, tránh lưu cữu đồ trong tủ lạnh. 5. Đi bộ, đạp xe đạp hoặc tăng sử dụng phương tiện công cộng; bớt vào gym, hãy đi, chạy bộ trong công viên. 6. Dùng chổi, khăn lau nhà thay cho máy hút bụi; phơi quần áo ngoài trời, bớt dùng máy sấy quần áo. 7. Hạn chế dùng điều hòa, mặc ấm và vận động thay vì bật lò sưởi. 8. Không mua những gì bạn không thực sự cần. 9. Mua thực phẩm nuôi, trồng tại địa phương (sản phẩm từ xa thường vận chuyển bằng xe tải, máy bay, tàu thủy... khiến thêm gánh nặng cho môi trường). 10. Dùng ôtô, xe máy thông minh: cho mọi người đi chung, kết hợp nhiều điểm đến để đi một lần. Thực ra, phương Tây và phương Đông vẫn còn nhiều khác biệt trong tư duy và hành động vì môi trường xanh
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.