TTCT - Con virus corona siêu nhỏ đã gây ra những tổn thất siêu lớn cho các bảo tàng, phòng trưng bày mỹ thuật, phòng bán tranh và các sàn đấu giá nghệ thuật trên toàn cầu. Sau khi chật vật tìm cách sống sót qua cơn đại dịch, các ngành phát triển xung quanh những tác phẩm mỹ thuật đang hóa thân để trỗi dậy. Tháng 9-2020, giới quan tâm mỹ thuật ở Anh đã sốc khi báo chí đưa tin, để có tiền duy trì hoạt động, Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London (RA) tính đến việc bán một kiệt tác. Đó là bức phù điêu cẩm thạch có tên The Virgin and Child with the Infant St John (Đức mẹ Đồng trinh và đứa con cùng Thánh John hài đồng) được bậc thầy mỹ thuật Phục Hưng - họa sĩ Michelangelo thực hiện vào khoảng năm 1504 - 1506, tác phẩm điêu khắc duy nhất của Michelangelo mà nước Anh sở hữu. Bức phù điêu cẩm thạch The Virgin and Child with the infant St JohnThanh lý các kiệt tácGiữa một trận đại dịch làm rất nhiều người chết, khiến nền kinh tế lảo đảo và kiệt quệ, cái người ta nhìn thấy trong kiệt tác trên không phải là vẻ đẹp của từng nét chạm khắc, mà là giá trị ước tính lên đến 100 triệu bảng Anh, đủ để giúp RA không phải cắt giảm 40% lao động, hay 150 chỗ làm.Các viện sĩ của RA ủng hộ việc bán phù điêu giải thích rằng họ chọn thanh lý bức cẩm thạch vì nó quá khác biệt với tổng thể sưu tập của bảo tàng. Nhưng cuối cùng, chủ tịch RA Rebecca Salter khẳng định “không có chuyện thanh lý”. Người phát ngôn của RA nói viện “không có ý định bán bất kỳ tác phẩm nào trong bộ sưu tập của mình. Chúng tôi có đặc quyền và nghĩa vụ của người trông giữ các kiệt tác nghệ thuật”.Kiệt tác ở lại thì ai đó phải ra đi. RA chọn cách cắt giảm việc làm và trông chờ được tiếp cận gói hỗ trợ tài chính 1,57 tỉ bảng của chính phủ dành cho các bảo tàng, phòng tranh, nhà hát, và các sân khấu khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.Các bảo tàng mỹ thuật khác ở Anh cũng theo chân RA cắt giảm việc làm: Bảo tàng Tate với kế hoạch cắt giảm 313 vị trí, Bảo tàng Southbank Centre cắt giảm đến 400 vị trí.Ở Mỹ, việc thanh lý một tác phẩm vốn không bị cho là cấm kỵ mà chỉ là một cách hợp lý để có nguồn kinh phí mua tác phẩm mới, phù hợp định hướng sưu tập hơn. Năm 2019, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Metropolitan, Bảo tàng Guggenheim ở New York và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại ở San Francisco đều bán nhiều tác phẩm trên sàn Sotheby’s, thu về hàng triệu USD. Nhưng bán tác phẩm vì sức ép tài chính lại là chuyện rất khác với việc bán vì muốn thay đổi sưu tập. “Đây là điều rất khó làm đối với chúng tôi, nhưng là điều tốt nhất cho bảo tàng và cho việc duy trì, chăm sóc các bộ sưu tập” - giám đốc Anne Pasternak của Bảo tàng Brooklyn (New York) phân trần với tờ The New York Time, khi phải đem đấu giá 12 tác phẩm mỹ thuật trên sàn Christie’s vào tháng 10-2020, thu gần 10 triệu USD. Bức Lucretia của danh học Phục Hưng người Đức Lucas Cranach der Ältere (1472-1553) được định giá chỉ 1,2 triệu USD nhưng đã được mua với giá 5,1 triệu USD Họ bán những gì?Ở Đức, vì các bộ sưu tập thuộc sở hữu công, các bảo tàng chỉ có nhiệm vụ sưu tập, lưu giữ, nghiên cứu các tác phẩm mà họ có, chứ không được phép bán đi. Trong đại dịch COVID-19, để giúp các tổ chức nghệ thuật từ bảo tàng lớn, phòng tranh tư nhân đến các xưởng phim, nhà hát hoạt động trở lại sau đợt phong tỏa đầu tiên, Chính phủ Đức từ tháng 6-2020 đã phân bổ 1 tỉ euro cứu trợ tài chính, giảm thuế VAT cho khu vực nghệ thuật từ 19% xuống còn 16%.Láng giềng của nước Đức là Pháp từ giữa năm 2020 cũng đưa ra gói hỗ trợ 614 triệu euro dành cho các công trình tượng đài, bảo tàng, và nhà thờ. Tuy nhiên, số tiền này chỉ cấp cho các đơn vị công như Bảo tàng Louvre, bảo tàng Musee d' Orsay, cung điện Chateau de Versailles, những nơi mà lượng khách tham quan giảm 40-80%.Là một tổ chức tư nhân, Bảo tàng Rodin Paris không được hưởng hỗ trợ tài chính nào từ chính phủ. Với lượng khách tham quan đã giảm đến 70%, doanh thu từ việc cho các sự kiện và triển lãm thuê tượng cũng giảm sút nghiêm trọng vì đại dịch, để tồn tại, bảo tàng này đã dùng các khuôn đúc nguyên gốc của nhà điêu khắc Pháp Auguste Rodin (1840 - 1917) để tạo ra các phiên bản y như bản gốc (original work) của tác phẩm có mộc bảo chứng (được gọi theo luật là “bản chính” - original edition) và bán cho các nhà sưu tập. Theo bà Catherine Chevillot, giám đốc của Bảo tàng Rodin, việc bán các bản sao là cách thường được dùng để cải thiện dòng tiền, và điều đó giúp bảo tàng đi qua khủng hoảng.Thông thường bảo tàng này bán khoảng 40 bản chính một năm, nhưng năm 2020 họ tăng số này lên 130 bản. Việc đúc lại dù vậy không được thực hiện tùy ý, vì luật bản quyền năm 1956 giới hạn mỗi tác phẩm chỉ được đúc 12 bản từ khuôn gốc, mà các tác phẩm Rodin còn được phép đúc lại cũng không nhiều.Trong số các tác phẩm mang sứ mệnh giải cứu cho bảo tàng đáng chú ý nhất là công trình điêu khắc đồ sộ The Gate of Hell (Cổng địa ngục) từng được Rodin thực hiện từ năm 1880 - 1917. Cao đến 7m, mô tả một cảnh ấn tượng trong trường ca Inferno của nhà thơ Ý Dante Alighieri, tác phẩm này trước nay chỉ có một bản gốc và chưa từng được đúc một bản chính nào. The Gate of HellKhởi sắc nhờ onlineKhi offline không xong, thì online ắt phải tới, và hoạt động kinh doanh mỹ thuật bắt đầu khá hơn lên từ mùa thu 2020. Các hội chợ như Art Basel và Art Cologne đều đã đầu tư công nghệ để mở các “phòng xem tranh trực tuyến”. Nhưng họ không đơn giản đăng các tác phẩm nghệ thuật (kèm thông số kích thước, tính năng phóng to chi tiết như nhà Sotheby’s hay Christie’s đã làm từ 10 năm nay) mà các phòng xem tranh trực tuyến này cho phép khách hàng hình dung được cả không gian trưng bày lẫn tương quan tỉ lệ của tác phẩm với con người.Trước cuộc khủng hoảng COVID-19, Internet chủ yếu chỉ được sử dụng để giới thiệu các sự kiện và các tác phẩm nghệ thuật, mang lại nguồn thu không đáng kể. Trong 61,1 tỉ USD doanh thu bán tác phẩm nghệ thuật toàn cầu năm 2019, theo khảo sát của Art Basel, doanh số từ trực tuyến chỉ chiếm 10%. Nhưng từ quý đầu của năm 2020, tỉ phần này đã tăng lên mức 37%. Từ chỗ là một thị trường ngách, khu vực trực tuyến đang dần trở thành thị trường quan trọng. “Chúng tôi trông đợi bán được một nửa số tác phẩm nghệ thuật qua các cuộc đấu giá hoàn toàn trực tuyến trong năm 2021” - nhà lịch sử nghệ thuật Dirk Boll, một trong bốn chủ tịch sàn đấu giá châu Âu của nhà Christie’s, cho biết.Không chỉ có những tên tuổi lớn tham gia cuộc chơi trực tuyến, khoảng một nửa phòng tranh tham gia khảo sát của Art Basel cho biết đã trang bị phòng xem tranh trực tuyến và gặt hái thành công bước đầu. Trong khi một số phòng tranh cho rằng môi trường trực tuyến cạnh tranh gay gắt và khó thu hút khách hàng, một số lại cho rằng các kênh trực tuyến lại đang tạo ra sự bình đẳng kinh doanh cho các phòng tranh nhỏ và vừa. Tổng giám đốc của Ngân hàng UBS châu Âu, ông Christl Novakovic khi công bố kết quả khảo sát trên đã nhận xét: “Các nền tảng số có thể tăng tính minh bạch về giá cả và giúp mở rộng khách hàng mới ở nhiều tầm giá khác nhau”.Một khảo sát khác do UBS phối hợp với hãng nghiên cứu Art Economics thực hiện trên 360 nhà sưu tập có giá trị mua ròng cao cho thấy những con số khả quan: bất chấp đại dịch, 92% nhà sưu tập tham gia khảo sát đã chi tiền mua một tác phẩm nghệ thuật trong năm 2020; 56% đã chi hơn 100.000 USD mua tác phẩm trong nửa đầu năm 2020, trong số này có 16% chi trên 1 triệu USD.Đáng chú ý, 56% số người được hỏi cho biết rằng đại dịch COVID-19 lại khiến họ chú ý sưu tập nghệ thuật hơn. Tỉ lệ này lên đến 70% trong lớp nhà sưu tập trẻ thế hệ millennial. Có vẻ như nhu cầu mua tác phẩm nghệ thuật không giảm và đại dịch ban đầu có thể ngăn cản khách hàng tìm đến các nhà bán tranh, nhưng nếu hóa giải được sự cách trở này bằng các nền tảng công nghệ trực tuyến, thị trường của màu sắc và cái đẹp sẽ sớm tươi thắm trở lại. ■Một cuộc khảo sát hồi giữa năm 2020 do Tổ chức Art Basel và Ngân hàng Thụy Sĩ UBS thực hiện với 795 phòng tranh ở 60 nước cho thấy doanh số trong khu vực này đã giảm đến 1/3 so với năm 2019. Có tới 1/3 số phòng tranh trên toàn cầu phải cắt giảm lao động trung bình là 4 nhân viên/cơ sở.Ở khu vực sàn đấu giá, cổng thông tin nghệ thuật ArtMarket.com của Pháp ước tính số tác phẩm được bán trong năm 2020 ít hơn 1/5 so với năm trước đó, doanh số từ đầu năm cho đến tháng 8 sụt giảm một nửa. Việc nhiều phiên đấu giá, hội chợ và triển lãm bị hủy bỏ vì các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng lớn đến các nhà môi giới nghệ thuật. Doanh thu từ các hội chợ nghệ thuật từng chiếm 46% tổng doanh thu thị trường năm 2019 đã giảm mạnh xuống chỉ còn 16% trong nửa đầu năm 2020. Bức Bords de la loue avec rochers à gauche của họa sĩ trường phái Ấn tượng Pháp Gustave Courbet (1819-1877), được mua với giá 789.000 USD trên mức định giá 400.000 USD. Tags: Đại dịchMichelangeloAuguste RodinPhục HưngMai HươngĐấu giá tranhPhòng tranh onlineThe gate of hellThị trường mỹ thuật
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Lào Cai 'chốt' địa điểm xây khu tái định cư Làng Nủ, ngày mai bắt đầu triển khai THÀNH CHUNG 15/09/2024 Khu tái định cư mới được chọn xây dựng tại khu vực đồi sim, cách Nhà văn hóa thôn Làng Nủ (Lào Cai) khoảng 2km.
Giá bán lẻ cao, doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu lãi lớn? NGUYỄN TRÍ 15/09/2024 Phản hồi về quan điểm "bán bánh trung thu lãi đậm", nhiều công ty sản xuất khẳng định "không thơm" như nhiều người nghĩ.
VAR không có 'cơ hội' trên sân Thống Nhất NGUYÊN KHÔI 15/09/2024 Lần đầu tiên có công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), nhưng sân Thống Nhất không có dịp dùng đến vì trận đấu giữa CLB TP.HCM và Thể Công - Viettel hòa 0-0 khá tẻ nhạt.
Lộ diện doanh nhân kín tiếng nắm vốn Ngân hàng ACB BÌNH KHÁNH 15/09/2024 Toàn bộ nhóm cổ đông liên quan tới Công ty Âu Lạc nắm hơn 3,7% vốn điều lệ ACB. Ước tính theo thị giá hiện tại, cổ phần này trị giá hơn 4.000 tỉ đồng.