TTCT - Giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh, Trường Cao học Thực hành (EPHE) vừa tạ thế tại Toulouse (Pháp) ngày 19-3-2023, hưởng thọ 87 tuổi. Có một người Việt từng tự cảm thấy không thuộc riêng về một xứ sở nào. Song, một ước nguyện của ông, nếu một ngày trở lại quê mẹ Việt Nam, nơi đầu tiên phi cơ đáp xuống sẽ là Phú Bài - đất Huế, người tri kỷ sẽ đợi ông ở đó. Ông là Nguyễn Thế Anh (1936-2023), sử gia về Việt Nam và châu Á, người đã gầy dựng một sử nghiệp mẫu mực trong nền học thuật Việt Nam và Pháp. Giáo sư Nguyễn Thế Anh. Ảnh: Việt AnhNguyễn Thế Anh là người gốc Bắc, sinh ở Lào, phiêu dạt ở Thái Lan, tuổi thơ từng nếm trải thời thuộc địa, từng học thêu-may, muốn theo sở thích hóa học hơn là sử học. Ông học trường Pháp ở Lào và Sài Gòn, nơi ông học Latin và Pháp ngữ, rồi Anh ngữ. Ông trải qua biến cố Mậu Thân 1968, tháng 4-1975, rồi ở Mỹ chỉ vài tháng trước khi chọn Pháp làm nơi định cư.Ông chưa từng có ý định viết hồi ký. Trực tính và trực ngôn, ông không muốn phô với công chúng về đời mình vì lẽ "không thiết, không để làm gì". Dù vậy, đáp lại những mối giao hảo thâm tình hoặc những câu hỏi tò mò đầy tính sử, đôi khi ông mở lòng nhớ lại những đoạn đời không ngớt biến thiên, như trong những thư từ qua lại với tôi - một học trò của ông:"Thời niên thiếu của tôi rất ngắn ngủi: năm 1945 tôi mới học xong lớp ba thì chiến tranh Đông Dương bùng nổ, phải tản cư qua Thái Lan sống gần ba năm thất học, rồi trở lại Vientiane thì chỉ còn học trường Tây. Do đó, tôi đã chỉ đọc các văn sĩ thời tiền chiến, qua các sách ông cụ thân sinh mua cất trong tủ. Về sau, khi đã thành nhà giáo đại học, quen nhiều nhà văn nổi danh, thế mà không thiết đọc tác phẩm của họ, vì không cảm thấy hợp với cách hành văn của họ. Còn về nhạc thì tất nhiên thích nhạc tiền chiến và những nhạc sĩ như ban hợp ca Thăng Long hay Phạm Duy, mà tôi tập đánh đàn mandoline với các bản nhạc của họ. Song thổi sáo thì toàn là nhạc cổ điển Tây phương, trừ một vài bài như Tiếng sáo Thiên Thai và những bản nhạc của Trịnh Công Sơn"."Việc tôi đến Huế có nguồn cơn từ cuộc gặp riêng với giáo sư Cao Văn Luận (1908-1986) khi ông sang Pháp năm 1963 và đề nghị tôi về Viện Đại học Huế làm giáo sư thỉnh giảng về sử. Tôi được bổ nhiệm tại Văn khoa thuộc Viện Đại học Huế đúng vào lúc ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ, và tình trạng rối loạn nghiêm trọng sau cuộc đảo chính khiến tôi không thể lập tức trở về Việt Nam. Chỉ đến năm 1964 tôi mới đến Huế, nơi tôi bắt đầu công việc giảng dạy trong bầu không khí chính trị rối ren… Năm 1966, giáo sư Bùi Tường Huân ở vị thế Tổng trưởng [Giáo dục Việt Nam cộng hòa], bổ nhiệm tôi làm viện trưởng Viện Đại học Huế. Đó là chức trách đánh dấu một giai đoạn khó khăn nhất trong đời tôi, khi tôi phải nỗ lực để giữ cho môi trường đại học tránh xa các toan tính chính trị, và để bảo lưu quyền tự trị giáo dục đại học".Kế tiếp những ấn phẩm đã công bố ở Pháp và Việt Nam từ những năm đầu đời học thuật, trên 100 bài khảo cứu riêng cùng hàng chục đầu sách đứng tên riêng và chung với các học giả hàng đầu về nghiên cứu sử học Á Đông và Âu châu như Alain Forest, Eric Bournazel, Yoshiaki Ishizawa, Hartmut O. Rotermund… đã khiến giới sử học phương Tây đánh giá Nguyễn Thế Anh là sử gia hàng đầu về Việt Nam và miền Đông Á. Philippe Papin Mỗi một nghiên cứu là một đột phá... Và mỗi một đột phá đó vẫn còn tạo nên sự cố kết cho một bức tranh mà, từ nét cọ này qua nét cọ khác, mở ra cho chúng ta một tầm nhìn hấp dẫn về lịch sử lâu đời của Việt Nam và các nước láng giềng. Theo quy luật tự nhiên trong học giới cũng như trong đời, sóng sau đè sóng trước. Thế nhưng, đến nay, hậu sinh vẫn khó vượt qua nhiều nghiên cứu căn bản của ông, về thư mục như Bibliographie critique sur les relations entre le Việt Nam et l'Occident (Ouvrages et articles en langues occidentales), về sử kinh tế-xã hội Việt Nam thời Nguyễn, về thiết chế phong kiến tồn tại ở nhiều quốc gia Đông Á nhưng chưa từng hiện hữu đúng nghĩa ở Việt Nam, về vai trò đúng mức của nhiều phong trào xã hội và những nhân vật quan trọng trong sử Việt…Giáo sư Nguyễn Thế Anh. Ảnh: Việt AnhỞ ông, mối quan tâm học thuật về Việt Nam không biết có giúp làm nguôi đi cái gánh nặng số phận của một người Việt thường cảm thấy lẻ loi ngay trên đất Việt, rồi cô đơn giữa những quốc gia. Nhưng ngược lại, đó có khi cũng chính là nhân tố khiến nhãn quan sử học của Nguyễn Thế Anh luôn được trung chính.Với tôi, văn khố hải ngoại của Cộng hòa Pháp hiện được đặt tại Aix-en-Provence là một trong những trung tâm lưu trữ tài liệu quan trọng về giai đoạn Đông Dương thuộc Pháp. Ở đó, trong số hồ sơ hành chính về Việt Nam thời thuộc Pháp, có thể tìm thấy hàng chục châu bản triều Nguyễn, trong số nhiều chục ngàn hồ sơ Hán Nôm được lưu trữ. Kết quả sưu tập này bắt nguồn từ dòng chỉ dẫn của ông từ năm 1996, trong một nghiên cứu có tính hệ thống về tư liệu châu bản, giúp việc tìm kiếm được định hướng và có triển vọng: "… đó là những phần tản mác của Châu bản có thể được tìm thấy nơi Văn khố hải ngoại tại Aix-en-Provence, nằm rải rác trong những hồ sơ liên quan tới Chính phủ Nam triều, nhất là những triều đại kế vị đức vua Tự Đức".Khởi từ chỉ dẫn này cùng các nghiên cứu mà ông thực hiện và dẫn dắt về vai trò của châu bản trong diễn trình của lịch sử, chặng dài tìm kiếm tài liệu Hán Nôm trong lưu trữ Pháp trước trở nên sinh động, hữu ích, giúp cho hành trình khảo cứu tài liệu Việt sử mỗi ngày thêm thú vị với tôi...Tôi học được nhiều điều và cũng được biết rõ hơn về vị sử gia mà tôi gọi là "Giáo sư" không phải vì học hàm, mà do tự lòng mình thấy đáng gọi: một người Việt Nam từng giảng dạy ở Huế, Sài Gòn, giảng đường Sorbonne, Singapore, Harvard, chủ trì một trung tâm khảo cứu giữa Paris về lịch sử và văn minh bán đảo Đông Dương.Tin rằng trực tiếp thụ giáo là ưu việt, tôi đã nhiều lần bay từ Hà Nội đến Pháp để được gặp ông. Những ngày đầu tháng 12-2022, tại L'Union, trong ngôi nhà vườn xinh xinh của mình, như mọi khi, ông hào hứng chỉ cho tôi những bài về Việt Nam thật hay mà ông vừa thấy trên Internet, dặn dò tôi về một dự định xuất bản sách tại Việt Nam. Một dự án làm phim tài liệu về ông vừa được các anh chị tại Pháp thực hiện. "Viết sử, cốt là viết sự thật" - ông nói với tôi.Những tác phẩm chính yếu của ông có thể không dễ đọc với đại chúng, song đời ông chính là một lịch sử hấp dẫn trong muôn vàn đời Việt Nam. Độc giả Việt Nam sau 1975 chủ yếu chỉ tiếp xúc với ba ấn phẩm của ông từng in ở Sài Gòn thời chiến và được tái bản vào đầu thế kỷ 21: Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Việt Nam thời Pháp đô hộ, Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua châu bản triều Duy Tân. Ngoài ra còn có một số bài khảo cứu quan trọng được phiên dịch và tổ chức thành chuyên san hoặc sách. Năm 2017, một tập hợp gần 20 bài khảo cứu như thế, được dịch mới từ Anh văn, Pháp văn và kết cấu theo cách hiểu của người hậu học đã được ông ân cần cho phép thực hiện, tận tình góp ý và để tâm trông chờ. Ấn phẩm Việt Nam vận hội đã chào đời như thế, với hậu ý rằng khi những bài sử của những sử gia như Nguyễn Thế Anh được nguyên vẹn nội dung đến với bạn đọc, ấy là thời lành. Trong ký ức một môn đệ của ông là Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thế Anh là người khó tính, thẳng thắn và bộc trực, "đối với sinh viên, ông nghiêm khắc và xa cách". Trần Anh Tuấn cho biết trong chương trình năm thứ nhất tiến sĩ chuyên khoa sử, Đại học Văn khoa Sài Gòn (bắt đầu từ niên khóa 1972-1973), do Nguyễn Thế Anh phụ trách, "có đến bảy người học và thi mà chỉ có hai người trúng tuyển [Tạ Chí Đại Trường và Đỗ Phan Hạnh]. Hay như trong niên khóa 1973-1974, khi kết quả kỳ thi cuối năm của Chứng chỉ lịch sử thế giới thời cổ được công bố, bản niêm yết chỉ có một câu: "Không có thí sinh trúng tuyển"". Hôm nay sử gia Nguyễn Thế Anh đã trở về trong vòng tay người mẹ hiền đã khuất bóng từ năm 4 tuổi, được hàn huyên với cha già đã tử biệt sinh ly đất Á trời Âu 4 thập niên, được đoàn viên với bạn đời tròn vẹn sắc tài, được tái ngộ những tiền bối liên tài như Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991), Giáo sư Léon Vandermeersch (1928-2021), Giáo sư Trần Văn Toàn (1931-2014), những bằng hữu tri kỷ như Huỳnh Kim Khánh (1936-1990), Tạ Chí Đại Trường (1938-2016)… cùng không ít học giả trời Tây đã trìu mến đón chào người đồng nghiệp Việt Nam cứng cỏi. Ở nơi chốn thật thanh thản mà ông đang đến, đón mừng ông đã có Giáo sư Hán học Nghiêm Toản (1907-1975) - người đặt hiệu cho ông là Tử Hoa Nhân Kiệt mà ông chỉ dám nhận hiệu Tử Hoa, đã có Giáo sư Hán học Jacques Gernet (1921-2018) nhìn tên Thế Anh bằng chữ Hán, cười vui mà diễn nghĩa "la gloire du monde" – niềm vinh hiển giữa thế gian.■ Tags: Sử gia Nguyễn Thế AnhGiáo sư Nguyễn Thế AnhViệt Nam vận hộiLịch sử Việt NamViệt Nam thời Pháp đô hộPhong trào kháng thuế ở miền Trung qua châu bản triều Duy Tân
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.