Sử gia Pierre Brocheux: Thực dân hóa là vấn đề các sử gia phải giải quyết

NGUYỄN QUANG DIỆU 23/01/2023 06:44 GMT+7

TTCT - Giáo sư Pierre Brocheux, sử gia hàng đầu về lịch sử Đông Dương thuộc Pháp, đã để lại một di sản đồ sộ và nhiều suy tư sâu sắc về chủ nghĩa thực dân.

Cuộc trò chuyện này với ông diễn ra vào tháng 9-2022, nhưng chưa thể đăng ngay vì chờ ông gửi thư tay cho giáo sư Daniel Hémery để làm rõ thêm cho một số câu hỏi - một sự kỹ càng, tận tụy của người đã dành cả cuộc đời cho công việc nghiên cứu nghiêm cẩn. Ông vừa qua đời ngày 25-12-2022. 

Sử gia Pierre Brocheux: Thực dân hóa là vấn đề các sử gia phải giải quyết - Ảnh 1.

Giáo sư Daniel Hémery (trái) và giáo sư Pierre Brocheux tại Musée du Quai Branly (Paris), ngày 4-4-2022. Ảnh: Vũ Ngọc Quỳnh

Công trình để đời về nghiên cứu thực dân hóa

Ý tưởng nào thúc đẩy giáo sư thực hiện công trình nghiên cứu Indochine, la colonisation ambigue, 1858-1954 (Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, 1858-1954)?

- Trong những năm 1950 đã bắt đầu một thời kỳ mà đế chế thuộc địa Pháp trên đà sụp đổ, hay như ta thường gọi là thời kỳ phi thực dân hóa, và nó hoàn tất trên bán đảo Đông Dương trước: Việt Nam, Lào, Cao Miên (năm 1956, những đội quân cuối cùng của Pháp rời Sài Gòn). 

Ở Bắc Phi: Maroc, Tunisie, Algérie và phần còn lại của đế quốc Pháp tại lục địa châu Phi và khu vực Ấn Độ Dương cũng đi theo tiến trình này.

Đã có nhiều nhà xuất bản ấp ủ kế hoạch khai thác và nhìn lại lịch sử lâu dài của thực dân Pháp (kể từ thế kỷ XVI). Một nhà xuất bản đã khởi động chương trình xuất bản nhiều tập, mỗi tập tương ứng với sự hình thành, phát triển và suy tàn của một thuộc địa. 

Daniel Hémery và tôi (đều là giáo sư - nhà nghiên cứu tại Đại học Paris Diderot, tức Paris 7) đã cộng tác để viết tập sách về Đông Dương thuộc Pháp. Tuy nhiên, nhà xuất bản bị đóng cửa và phải chuyển dự án này cho Nhà xuất bản La découverte.

La découverte đề nghị chúng tôi viết cuốn sách, sau đó được ấn hành năm 1995, bán sạch trong vòng một năm, rồi tái bản năm 2000. Cuốn sách được dịch và phát hành tại Mỹ năm 2009 bởi University of California Press, dưới nhan đề Indochina: An Ambiguous ColoniZation, 1858-1954.

Công trình này có thể nói là tổng kết nhiều thập niên nghiên cứu từ các nguồn tư liệu phong phú, giáo sư có gặp khó khăn gì trong tiến trình đó không?

- Các mốc thời gian không phải lý do duy nhất. Sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, công luận Pháp không còn muốn nghe về Đông Dương nữa. Họ đang sôi sục với cuộc chiến Algérie, nổ ra vào tháng 11-1954. 

Năm 1955 xuất hiện bốn tác phẩm nói về Đông Dương thuộc địa của Lê Thành Khôi, Jean Chesneaux và G. Taboulet; vậy là chỉ có quân nhân Pháp viết về cuộc chiến của họ. Thất bại của Pháp tại Đông Dương, cuộc chiến Algérie (1954-1973), phi thực dân hóa hàng loạt đã trở thành vấn đề cần được mổ xẻ; thực dân hóa rốt cuộc là gì, là câu hỏi mà dân Pháp chất vấn và tất yếu là vấn đề các sử gia phải giải quyết.

Năm 1979, Daniel Hémery và tôi đã được mời đến Hà Nội và TP.HCM, nơi chúng tôi được tiếp cận tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 và 2. 

Trong suốt nhiều năm, chúng tôi đã có cơ hội đọc và tiếp cận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tài liệu hành chính, chính trị, kinh tế và văn học. Trong khoảng thời gian viết sách, báo và các bài tham luận hội thảo, chúng tôi đã tranh thủ sự mở cửa tuần tự của các trung tâm lưu trữ quốc gia. Ví dụ, những năm 1960, khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, các trung tâm lưu trữ của Pháp chỉ mở cửa cho giới nghiên cứu những tài liệu đến năm 1920. 

Phải cuối những năm 1990, chúng mới được mở hết, bao gồm hồ sơ lưu trữ quân đội và ngoại giao. Nhờ đó, chúng tôi mới có thể xây dựng một lịch sử đại cương về công cuộc thực dân hóa của Pháp tại Đông Dương.

Thực dân là gì?

Sử gia Pierre Brocheux: Thực dân hóa là vấn đề các sử gia phải giải quyết - Ảnh 2.

Bìa sách Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858-1954, Phạm Văn Tuân dịch, Thư Nguyễn hiệu đính, Omega+ và NXB Thế giới, tháng 7-2022. Ảnh: N.Q.Diệu

Tại sao là colonisation (thực dân hóa) mà không phải là colonialisme (chủ nghĩa thực dân)?

- Trong tiếng Pháp, hậu tố isme được dùng để chỉ học thuyết, hệ tư tưởng, tôn giáo, chế độ chính trị, thái độ cá nhân hoặc tập thể. Hậu tố này thường mang tính kích động và gây tranh cãi. Nó được sử dụng nhiều hơn trong tiếng Anh. Nếu người Pháp dùng nhiều chữ này ngày càng nhiều thì đó là hệ quả của sự Mỹ hóa văn hóa Pháp và đặc biệt là ngôn ngữ.

Một người Pháp cư trú, sống và làm việc tại thuộc địa thì được gọi là colonial (kiều dân), nếu là chủ nhượng địa (đất ruộng hoặc đồn điền cao su) thì gọi là colon (thực dân). 

Một kiều dân hay một thực dân không nhất thiết là người theo chủ nghĩa thực dân. Người đó chỉ theo chủ nghĩa thực dân nếu anh ta hành động, suy nghĩ theo ý thức hệ đó, và trên hết, khi anh ta áp dụng ý thức hệ thực dân vào các mối quan hệ trên thực tế với dân bị trị mà anh ta coi là thấp kém bởi anh ta thấm nhuần tư tưởng về chủng tộc, xã hội hoặc chính trị thượng đẳng.

Thực dân hóa là quá trình áp dụng một học thuyết và luôn có khác biệt giữa tư tưởng, lý thuyết và thực tiễn. Học thuyết thực dân đã được áp dụng khác nhau ở các nước bị chinh phục, cai trị và quản lý bởi người Pháp. 

Đông Dương không có chung đường lối như ở Bắc Phi, Maroc, Tunisie hay Algérie. Nó cũng khác với khu vực châu Phi cận Sahara. Ở Đông Dương cũng có sự khác biệt trong đường lối áp dụng với ba xứ (Trung kỳ, Bắc kỳ, Nam kỳ) và với Cao Miên, Lào.

Xã hội Đông Dương thuộc Pháp vận hành xung quanh trục thực dân - kẻ bị trị, và tín điều của Jules Ferry năm 1885 về "sứ mệnh khai hóa" đã tồn tại như một bộ quy tắc hành vi thực dân. Trên toàn cõi Đông Dương, bộ quy tắc này được tiếp nhận và phổ biến như thế nào?

- Anh có nhắc tới Jules Ferry, người nhiệt thành ủng hộ chủ nghĩa thực dân Pháp. Ông ta thực sự là ví dụ xuất sắc cho tính nhập nhằng của chủ nghĩa thực dân Pháp. Ông ta ủng hộ và kiến thiết cuộc bành trướng thuộc địa Pháp nhưng lại biện minh như thể đó là tất yếu của tiến bộ, rằng bành trướng có mục đích và bổn phận khai hóa cho các dân tộc bị trị.

Tính nhập nhằng này còn xuất hiện ở Toàn quyền Đông Dương kiêm Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut. Sarraut cũng là người đặt nền móng cho công cuộc giáo dục ở Đông Dương. Từ đó đã xuất hiện tầng lớp tinh hoa Việt Nam thế kỷ XX, bao gồm cả tinh hoa cách mạng. 

Lời biện minh theo thuyết Ferry của Sarraut không có màu sắc phân biệt chủng tộc như học thuyết của Đức Quốc xã, mà là quan điểm về việc giáo dục một chủng tộc bị coi là thấp kém chứ không hủy diệt chủng tộc đó.

Những người cai trị thuộc địa đấy không có đầu óc phong kiến mà là những nhân vật cộng hòa, và có cả những nhà dân chủ. Họ là tầng lớp kế thừa những người đã xóa bỏ chế độ phong kiến ở Pháp và chế độ nô lệ ở các thuộc địa, nhưng đồng thời cũng là những nhà ái quốc đến mức độ theo chủ nghĩa dân tộc. 

Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến sự thật này: lòng tự hào dân tộc dẫn đến bành trướng đế quốc, từ đó sinh ra chủ nghĩa đế quốc. Hơn nữa, những người ủng hộ và là tác nhân chính của cuộc bành trướng thuộc địa và đế quốc không phải tất cả đều là tư bản, một phần của giới công nhân ở châu Âu và châu Mỹ cũng ủng hộ cuộc bành trướng thuộc địa. Thật là nhập nhằng!

Dư luận Pháp, và cả giới trí thức, phản ứng thế nào trong quá trình chinh phục và khai thác thuộc địa tại Đông Dương?

- Lenin đã phát biểu ý này, theo một cách khác: "Mâu thuẫn là bản chất của mọi sự". Thuộc địa hóa không phải là một thể thống nhất mà có tính mập mờ và mâu thuẫn.

Do đó, công việc của một sử gia là khám phá sự nhập nhằng và công khai nó. Chính ở đây chủ nghĩa duy vật biện chứng trở nên hữu ích với sử gia. Đấu tranh giữa các mặt đối lập là một công cụ để phân tích những hình thức không phải lúc nào cũng giống nhau. Đấu tranh giai cấp chỉ là một hình thức của đấu tranh giữa các mặt đối lập. 

Không nên coi đó là một giáo điều. Chúng tôi đã được đào tạo thành sử gia trong trường đại học Pháp: ở đấy người ta chấp nhận rằng nền kinh tế đóng một vai trò quyết định nhưng không phải là duy nhất trong tiến trình phát triển của các xã hội loài người. 

Tôi cho rằng chúng tôi đã trình bày điều đó một cách sáng rõ trong cuốn Indochine, la colonisation ambiguë, 1858-1954, khi nhấn mạnh sự hình thành các biến chuyển của xã hội và văn hóa Việt Nam hiện đại trong chương 4 và 5.

Giữa tổ quốc và đất mẹ

Giữa Tổ quốc Pháp (quê cha) và đất mẹ Việt Nam (quê mẹ) của giáo sư tồn tại đoạn lịch sử có phần đau đớn và một quá khứ đầy xung đột. Với tư cách một sử gia, giáo sư đã vượt qua xúc cảm cá nhân như thế nào để nhìn lại và đánh giá?

- Để trả lời câu hỏi này, có lẽ tôi phải viết một cuốn sách, nhưng tôi sẽ cố gắng tóm tắt trong vài câu: tôi sinh ra trong một xã hội thuộc địa, và ngay từ rất sớm, đã ý thức rằng xã hội này được dựa trên sự khác biệt và bất bình đẳng chủng tộc, trên sự đô hộ của một chủng tộc với một chủng tộc khác, cùng tất cả những thái quá và bất công mà chế độ cai trị này có thể sản sinh ra. Ở đó còn có cả những người bị trị không muốn là bị trị nữa. 

Tôi đã chứng kiến cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và hạnh phúc khi thấy dân tộc Việt Nam vùng lên rũ bỏ ách thống trị thực dân.

Tôi đã qua Pháp học tập (tôi tới cảng Toulon khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp xuống sân bay Biarritz với tư cách khách mời của Chính phủ Pháp, tháng 6-1946). Công luận Pháp không được nghe về các biến cố tại Đông Dương, phần lớn vẫn tự hào về công cuộc thuộc địa hóa của Pháp. 

"Nước Pháp đã đem hòa bình và thịnh vượng tới cho các thuộc địa của nó" là suy nghĩ của phần lớn dân chúng Pháp. Với công luận Pháp, những người đấu tranh chống thực dân là những người theo chủ nghĩa dân tộc được Nhật Bản hoặc Quốc tế Cộng sản, Moscou hậu thuẫn.

Những năm 1930, Quốc tế Cộng sản bị coi là kẻ thù chính của Pháp và phương Tây, còn Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh bị coi là điệp viên của Moscou. Một mặt, Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến của các dân tộc bị đô hộ một khi nhận ra Hồ Chí Minh và Việt Minh có cùng ý thức hệ và đường lối chính trị với họ.

Mặt khác, nước Pháp vừa mới được giải phóng khỏi cuộc chiếm đóng của Đức cần xóa bỏ ký ức bại trận và khôi phục đế chế nếu như, theo tướng de Gaulle, nước Pháp muốn được công nhận và lắng nghe trên trường quốc tế.

Sau khi lấy bằng tú tài, tôi ghi danh vào Trường Sorbonne theo học lịch sử. Bộ môn lịch sử bao gồm phần "đọc và diễn giải" tài liệu (lưu trữ, hình ảnh, báo chí). Trong năm thứ ba, sinh viên còn phải làm luận án nhỏ (chừng trăm trang), trong đó sử dụng tài liệu lưu trữ mà chúng tôi gọi là tài liệu sơ cấp. 

Đồng thời, sinh viên phải tham dự các hội thảo, nơi anh ta hoàn thiện kỹ năng phản biện bằng cách đối thoại với người khác. Phản biện không phải là phê phán mà là năng lực phân biệt (giữa huyền thoại và sự thật, giữa đúng và sai…).

Sau khi lấy bằng tiến sĩ, tôi và Daniel Hémery mất 27 năm để làm tập sự, nghiên cứu lịch sử, giảng dạy và đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ. Trong suốt thời gian này, chúng tôi chuyên về lịch sử Đông Á, đặc biệt về bán đảo Đông Dương, trong đó chú trọng đến lịch sử Việt Nam.

Giáo sư mong đợi gì từ các thế hệ Việt Nam học tiếp nối trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Đông Dương thuộc Pháp?

- Trong những năm 1990, tôi đã hướng dẫn bốn sinh viên từ Việt Nam qua Pháp viết và bảo vệ luận án lịch sử về Việt Nam thời kỳ thực dân hóa. Cuối cùng, tôi đã tham gia các hội đồng bảo vệ và rất vui khi họ nhận được bằng loại ưu.

Tôi rất mừng được chứng kiến quá trình trưởng thành về tri thức và chính trị của họ. Tất cả những người ấy đã biết vượt lên khuôn khổ mà họ từng được đào tạo, thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều, quan điểm chủ nghĩa chống thực dân sơ khai và mở ra tinh thần phê phán với những gì được dạy, được nghe và quan sát trong suốt quá trình nghiên cứu. 

Đây chính là điều tôi mong mỏi ở thế hệ trẻ Việt Nam. ■

gs brecheux lqd (Read-Only)

Lớp khoa học thực nghiệm với giáo sư Pierre Brocheux (áo đen, hàng đầu), Trường trung học Jean Jacques Rousseau, niên khóa 1961-1962. Ảnh: aejjrsite.free.fr

Giáo sư Pierre Brocheux sinh ngày 18-5-1931 tại Chợ Lớn (Sài Gòn). Cha ông là người Pháp đến lập nghiệp ở Đông Dương năm 1929. Mẹ ông xuất thân trong một gia đình Việt nhập tịch Pháp, hai người kết hôn năm 1929. Ông ngoại của ông nhập quốc tịch Pháp năm 1906, dù chưa từng sang Pháp.

15 tuổi (tháng 6-1946), Brocheux sang Pháp sống với một người cô, theo học trung học và được nhận vào Đại học Sorbonne. Năm 1952 (21 tuổi), chàng sinh viên Brocheux gia nhập Đảng Cộng sản Pháp (PCF) với nhiệt huyết chống chủ nghĩa thực dân. Khi học ở Sorbonne, ông đã tham gia rất nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh Algérie.

Năm 1960, khi vợ ông vừa sinh đứa con thứ hai thì Brocheux đối diện nguy cơ bị bắt lính. Nhưng vì là người Pháp sinh ở nước ngoài, ông thoát "nghĩa vụ quân sự" với điều kiện phải rời khỏi Pháp. Ông thi đỗ chứng chỉ dạy trung học (CAPES), về Sài Gòn cùng năm đó và tìm được việc giảng dạy (lịch sử và địa lý) tại Trường trung học Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM).

Tại đây, ông tập trung giảng dạy và nghiên cứu trong tám năm, dù ý định ban đầu là chỉ trở về hai năm. Tháng 6-1968, trước tình hình chiến sự ác liệt ở Sài Gòn, ông đưa vợ và bốn người con về Pháp - nơi ông giảng dạy tại Trường trung học Jean-Macé ở Vitry-sur-Seine giai đoạn 1968-1970.

Năm 1969, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Jean Chesneaux - người tiên phong nghiên cứu Việt Nam học từ cuối thập niên 1940, Brocheux bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành sử ở Đại học Sorbonne.

Với mục đích được làm việc cùng giáo sư Chesneaux, ông chọn Đại học Paris Diderot (Paris 7) để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu tại khoa sử - địa - khoa học xã hội giai đoạn 1970-1979.

Tại đây, Brocheux dần trở thành chuyên gia hàng đầu về lịch sử Đông Nam Á và Việt Nam. Ông hợp tác cùng Georges Boudarel và Daniel Hémery đào tạo nên những thế hệ nghiên cứu Việt Nam học đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Pierre Brocheux là tác giả nhiều bài báo khoa học và công trình nghiên cứu nổi tiếng như Indochine, la colonisation ambigue, 1858-1954 (Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, 1858-1954, La découverte, 1995, viết chung với Daniel Hémery); The Mekong Delta: Ecology, Economy, and Revolution (1860-1960) (Châu thổ sông Cửu Long: Sinh thái, kinh tế và cách mạng (1860-1960), University of Wisconsin-Madison, 1995, sách phát triển từ luận án tiến sĩ bảo vệ tại Sorbonne); Une histoire économique du Vietnam. La palanche et le camion, 1850-2007 (Một lịch sử kinh tế của Việt Nam. Đòn gánh và chiếc cam-nhông, 1850-2007, Les Indes savantes, Paris, 2009); Histoire du Vietnam contemporain; La nation résiliente (Lịch sử Việt Nam đương đại; Quốc gia kiên cường, Fayard, 2011); Hô Chi Minh (coll références/facettes) (Hồ Chí Minh, tuyển tập hội thảo/đề tài nhỏ, Presses de Sciences Po, 2000); Hô Chi Minh, du révolutionnaire à l’icône (Hồ Chí Minh, từ nhà cách mạng tới biểu tượng, Payot, 2000).

Năm 2018, cùng với người bạn thân thiết Daniel Hémery, ông được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải Việt Nam học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận