Syria thay triều đổi vị

SÁNG ÁNH 13/12/2024 14:12 GMT+7

TTCT - Chủ nhật 8-12, Thông tấn xã Tass (Nga) cho biết chuyến bay Syrian Air chở gia đình Tổng thống Syria Bashar al Assad đã đến Matxcơva và ông được Nga cho tị nạn vì lý do nhân đạo.

Syria thay triều đổi vị - Ảnh 1.

Thủ lĩnh HTS Abu Mohammad al Julani phát biểu ở đền Hồi Umayyad, thủ đô Damascus, Syria, ngày 8-12. Ảnh: AFP

Vậy là sau 54 năm và hai đời, họ Assad chấm dứt trị vì Syria, 13 năm sau khi đất nước này rơi vào nội chiến và hỗn loạn.

Trước hết, sự sụp đổ của gia tộc Assad cũng là sự sụp đổ của phái Hồi Shia Alawi, vốn chiếm 15% dân số Syria, với 2-3 triệu người ở trong nước, khoảng 1 triệu người đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ (và 100.000-200.000 người nữa mang quốc tịch Lebanon). 

Vào thời thuộc địa, Pháp tuyển giáo phái Alawi vào lực lượng an ninh và quân đội, dùng họ làm công cụ chia rẽ, đàn áp và cai trị Syria, có lúc lập ra một quốc gia riêng cho giáo phái này.

Gia tộc Assad và một đất nước phức tạp

Di sản này khiến một bộ phận lớn của guồng máy an ninh Syria xuất thân từ phái Alawi và nắm quyền lực then chốt khi độc lập. Tướng Hafez al Assad là tư lệnh không quân và trở thành tổng thống hồi những năm 1970 nhờ vai trò trọng tài của các binh chủng. 

Không quân không có xe pháo mã để đảo chính, chiếm đóng mục tiêu, nhưng ném bom ủng hộ phe nào thì phe đó thắng. Ông Assad bố lại kết hôn khéo, nhờ gia tộc Maklouf của phu nhân là một họ lớn địa phương. Bà này mới là mẫu hậu, và Assad bố còn sợ quặp cả râu chứ nói gì các con.

Phe "ngoại thích", tức phe gia tộc Maklouf giàu nhất nước sau này, nắm từ điện thoại di động, Internet đến sản xuất ma túy. Trong gia tộc này, trưởng nữ Assad cũng là quyền lực số một, nắm luôn lực lượng tình báo. 

Cậu cả Basil được vai thái tử nhưng một đêm giành tay lái của tài xế nên tử nạn giao thông. Bác sĩ nhãn khoa Bashar là cậu ba đang ở Anh và mơ về nước lên ngôi tổng thống. 

Cậu út Maher khi đó là người cầm sư đoàn chiến xa bảo vệ thủ đô. Vợ ông Bashar vốn làm việc ở Anh, được coi là có tư tưởng tiến bộ. Nhưng khi quần chúng nổi dậy thì vợ chồng nhà này theo gia tộc vào con đường đàn áp, thay vì cải cách.

Chế độ Assad lẽ ra đã đổ từ lâu nếu không có sự can thiệp từ nước ngoài. Trước hết là Iran, họ dùng lực lượng Hezbollah của Lebanon để cứu nhà Assad. Iran có thêm bàn đạp trong khu vực và Hezbollah phải bảo đảm được đường tiếp tế của phong trào. 

Thứ nhì là Nga, họ tìm chỗ phục hồi thế đứng như của Liên Xô ngày trước. Quân đội quốc gia trong khi đó tan rã ra 36 hướng, và các lực lượng tham chiến tại Syria lên đến hơn 1.000 tổ chức võ trang độc lập. 

Ở Syria ra ngõ gặp Từ Hải, ai cũng triều đình riêng một góc trời, góc phố hay góc làng. Băng qua đường cái là một tiểu vương khác, quẹo trái hay phải lại là thêm hai tiểu vương nữa.

Syria thay triều đổi vị - Ảnh 2.

Phần đầu của bức tượng ông Hafez al Assad bị lực lượng nổi dậy kéo đổ ở Damascus. Ảnh: AFP

Dân tộc thiểu số Kurd tại Syria chiếm 10% dân số, tức 1,5 - 2 triệu, bèn nhân dịp hỗn mang mà ra riêng và thành lập khu tự trị. Người Kurd nằm trên 4 quốc gia trong khu vực là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. 

Tại Thổ, họ có phong trào giải phóng võ trang. Tại Iran họ bị chèn ép và tại Iraq gần như đã độc lập. Thành phần Kurd tại Syria thích ra riêng và trung lập, không can thiệp vào nội chiến các phe. Một thiểu số khác là dân tộc Turkmen, chiếm 5%, từ 1 - 2 triệu dân. Họ chiếm khu vực biên giới với Thổ và được quân đội TNK yểm trợ hùng hậu.

Như vậy ta thấy tại Syria là bàn cờ cực kỳ phức tạp với 3 dân tộc là Ả Rập, Kurd và Turkmen. Về tôn giáo, có giáo phái Sunni, Shia, Alawi (một nhánh Shia), Druze và Kitô. 

Về chính trị có các phong trào Hồi Sunni như Al Qaeda và ISIS-ISIL; thế tục và chủ nghĩa quốc gia Ả Rập như đảng Baath và chế độ Assad; phong trào dân tộc Kurd; hay dân chủ do Tây phương và các đồng minh địa phương của họ như Qatar, UAE, Saudi tiếp tay. 

Tình trạng phân hóa dẫn đến các lực lượng võ trang lúc liên minh khi chống đối nhau. Đến ngay cả nội bộ anh em nhà Assad cũng phân hóa: bà con bên ngoại nhà Maklouf hay bà con bên nội đại diện bởi phe lưu vong của em trai cố tổng thống Hafez là Rifaat al Assad. 

Ông "hoàng thúc" này ở nước ngoài có báo có đài kêu gọi mọi người nổi dậy chống ông cháu Bashar.

Sàn diễn của các thế lực ngoại bang

Dĩ nhiên là nếu các thế lực nước ngoài Thổ, Iran và Nga tích cực thì Hoa Kỳ đâu thể khoanh tay. Năm 2015, Hoa Kỳ bỏ ra một quỹ 500 triệu đô la để thành lập lực lượng Quân đội tự do Syria (SFA). 

Theo bộ trưởng Ash Carter, sư đoàn 30 bộ binh này, do lực lượng đặc biệt Mỹ trang bị và huấn luyện tại Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ gồm 7.000 binh sĩ, do một cựu đại tá quân đội Assad chỉ huy, và sẽ lần lượt được đưa vào Syria trong các năm 2015 và 2016.

Nhưng trong hai đợt xâm nhập "thí điểm" của sư 30 này vào Syria, họ đụng độ Al Nusra (chi nhánh Syria của Al Qaeda), và một số bị bắt, một số quy hàng mang theo vũ khí và quân xa. 

Trước Quốc hội Mỹ, tướng Lloyd Austin, nay là bộ trưởng Quốc phòng và lúc đó là tư lịnh Bộ chỉ huy Trung phần, thú nhận vào tháng 9-2015 là sư 30 chỉ còn khoảng 4-5 người, nhưng không liên lạc được nên không biết họ làm gì và ở đâu. Lý do ông giải thích là xâm nhập Syria vào dịp tết Hồi giáo nên họ về nhà ăn tết và không trở lại!

Syria thay triều đổi vị - Ảnh 3.

Các lực lượng khác nhau kiểm soát lãnh thổ Syria sau khi chính quyền Assad sụp đổ. Ảnh: ISW

Tướng Austin không biết, không nói hay không có "friend" với đại tá Nadim al Hassan, tư lịnh sư 30. Ông đại tá này, bị Al Nusra giữ, đã lên Facebook từ chức sư trưởng để kiếm "like". 

Đại tướng Austin không biết, Quốc hội Mỹ vì thế cũng không biết, nhưng đến 20-8-2015, một nữ phóng viên đài Now TV đặt tại Dubai (UAE) còn phỏng vấn và thu hình được một đơn vị của sư 30 lên hình chỉ có 3 người chứ không phải 4-5, kèm một cặp kính mát và một xe võ trang đại liên 12,7mm. Như vậy dự án "kỳ binh" 500 triệu đô la của Mỹ đã theo thủy triều mà trôi đi mất.

Hiện chính thức thì chỉ còn khoảng 700 binh sĩ Mỹ ở Syria tại khu vực người Kurd của lực lượng YPG. Để minh họa sự phức tạp tại Syria, YPG là lực lượng thế tục dân tộc xã hội chủ nghĩa được Hoa Kỳ yểm trợ bằng pháo. 

Lực lượng này vô can với chính quyền Assad và chống lại đồng minh Thổ của Hoa Kỳ. Tại căn cứ không quân Incilik của TNK (là thành viên NATO), phi cơ Mỹ cất cánh đi yểm trợ người Kurd đánh ISIS (quốc gia Hồi giáo, tổ chức khủng bố cực đoan), trong khi phi cơ Thổ cất cánh đi ném bom người Kurd.

Năm 2020 có ngưng bắn tạm thời tại Syria và sân nhà ai người nấy quét. Mỗi lực lượng võ trang thân này thân kia, không thân ai hết, hoặc ai cũng chống, lo chỉnh đốn lãnh thổ họ kiểm soát. 

Chế độ Assad coi như vững lại, Syria được cộng đồng Ả Rập đón nhận trở lại và thôi tẩy chay năm 2023. Sự việc bất ngờ là liên minh mới thành lập do lực lượng ít được biết đến HTS (Hayat Tahrir al Sham) chủ trương bỗng vào ngày 27-11 khởi quân đánh Aleppo - thành phố lớn thứ nhì Syria với 2 triệu dân. 

Chỉ trong 11 ngày, HTS chiếm được thủ đô Damascus, chấm dứt chế độ Assad (nhưng có chấm dứt được nội chiến 13 năm không thì chưa biết).

Syria thay triều đổi vị - Ảnh 4.

Các tay súng HTS ở Damascus. Ảnh: AFP

HTS là ai?

Đây là lực lượng Hồi Sunni bảo thủ xuất phát từ thành phần Al Qaeda tại Syria, tức Al Nusra. Nó có lúc bá vai ISIS, trước khi anh đường anh tôi đường tôi và nhớ nhau nhiều nhưng chẳng nói. 

Trong bối cảnh hỗn mang của nội chiến Syria 13 năm qua, ai cũng phải sống thôi, bằng đủ mọi cách, với đủ mọi người và đủ thứ bạn hôm nay nhưng lại là thù ngày mai. Tuy vậy, ý thức hệ HTS bắt nguồn từ Al Qaeda tức là ý thức hệ Hồi giáo quốc tế. Nó có lúc gần với ISIS là ý thức hệ Hồi giáo cực đoan hơn.

HTS tập trung vào Syria, đã cai trị và quản lý hữu hiệu Idlib, một thị trấn bậc trung (150.000 dân) ở tây bắc quốc gia. 

Như vậy, sau khi thanh toán các phe phái và quét dọn nội bộ, HTS chủ trương một Syria Hồi giáo Sunni bảo thủ và không còn quan tâm đến Hồi giáo trên thế giới, như Al Qaeda hay ISIS. 

Năm 2021, HTS trở thành lực lượng quan trọng bậc nhất của kháng chiến Syria, thu hút các vệ binh đây kia ô hợp vào chương trình thống nhất sơn hà. Lúc đó số tay súng của HTS là khoảng 10.000, so với quân đội Assad là 170.000, nhưng đang tứ bề thọ địch.

Lãnh đạo Abu Mohammad al Julani của HTS, 42 tuổi, đến vẫn bị Hoa Kỳ treo mạng với giá 10 triệu đô la, nên không thể nói là al Julani thân Mỹ hay là Mỹ thân ông. Trên bảng giá phong thần này, Saddam Hussein, bin Laden, al Baghdadi (lãnh tụ ISIS) là 25 triệu, các con của Saddam là 15 triệu, cho nên al Julani với 10 triệu lủng lẳng nơi cần cổ cũng vào hạng khá.

Thời cơ đến với HTS là tình hình quân sự trong khu vực. Hezbollah đang giao chiến với Israel và cột chống kia của chế độ Assad là Nga thì bận bịu tại Ukraine. 

Ta biết là tại Syria có 4 thế lực nước ngoài chính: Iran, Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Iran và Nga đang bị trói tay, vậy thì Hoa Kỳ và Tây phương có thể ra tay? Hoa Kỳ còn đang tìm số di động của đại tá Nadim al Hassan, sư trưởng sư 30 sau khi ông về nhà ăn tết và khóa Facebook.

Rốt cuộc ra tay nhiều nhất là Thổ, vốn cùng chung ý thức hệ Hồi giáo Sunni bảo thủ, tuy ôn hòa hơn HTS. Thổ Nhĩ Kỳ ở sát biên giới, là quân đội số hai của NATO. Trước khi HTS ra tay, Thổ có tìm cách thương lượng với Assad, nhưng ông này không nhượng bộ và hành động ngoại giao duy nhất là gửi vợ và 3 con sang Matxcơva. 

Jordan và Ai Cập là đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng tìm cách nói vào để duy trì chế độ Assad, tức là duy trì ổn định, nhưng Assad nào có nghe. HTS bèn tiến quân với kết quả thần tốc như đã thấy, với tổng số 30.000 binh sĩ thuộc liên minh trên khắp các mặt trận giáp công.

Al Julani đã đến thăm đền Hồi Omayyad ở Damascus vào ngày 8-12, nhưng HTS có thống nhất được sơn hà Syria hay không thì chưa biết. Về mặt ngoại giao, HTS sẽ gặp khó khăn với các láng giềng thân Iran là Iraq và Lebanon. 

Các quốc gia Tây phương và đồng minh địa phương của họ dè dặt với dạng Taliban được cải thiện này. Israel nhân dịp này đã tiến sang biên giới vì e ngại HTS có thể hung hăng hơn. 

Về đối nội, HTS nếu muốn cai trị cả nước sẽ phải từ bỏ thái độ cực đoan với các giáo phái Hồi và Kitô trong nước. Riêng khu vực người Kurd tự trị sẽ tồn tại như một cái gai với Thổ, không dễ gì giải quyết. Tóm lại, Syria đổi chủ ở thủ đô sau 13 năm nội chiến, nhưng chưa thấy giải pháp nào sắp tới.■

Chiến thắng này hiện là của TNK, tuy họ còn giấu tay vì nói ra bất tiện. TNK là hậu thân của đế quốc Ottoman từng hùng bá 6 thế kỷ trong khu vực trước khi giãy chết đầu thế kỷ 20. Chính sách hiện nay của họ là gây dựng lại phần nào hình ảnh ngày xưa oanh liệt.

Hỗn loạn cho phép TNK trở lại vị thế cường quốc khu vực. Tây phương - Nga - Iran đang bị bó tay bởi vấn đề Israel và Ukraine, Syria là đất dụng võ bị bỏ trống ngay sân sau nhà của TNK. Về kinh tế, TNK ở tầm Ý và Hàn Quốc, về quân sự, trong khối NATO, họ đứng thứ nhì chỉ sau Hoa Kỳ, tức trên cả Pháp, Anh, Đức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận