Ta sẽ cãi nhau nhưng cùng tiến gần hơn với sự thật

TRƯỜNG SƠN - NGỌC ĐÔNG 01/05/2016 04:04 GMT+7

TTCT - GS Edward Miller, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Việt Nam, trò chuyện với TTCT trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, về quan hệ Việt - Mỹ và cách dạy lịch sử của hai nước, đặc biệt là về cuộc chiến kết thúc cách đây hơn 40 năm.

GS Edward Miller -Ngọc Đông
GS Edward Miller -Ngọc Đông

E. Miller (Đại học Dartmouth) là tác giả quyển sách Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam (Harvard University Press xuất bản năm 2013). Ông đến Việt Nam cùng một nhóm sinh viên sau đại học trong chương trình trao đổi văn hóa tại các nước.

Hòa giải song phương tiến xa hơn hòa hợp trong nước

Các sinh viên nói họ chọn đến Việt Nam trong chuyến trao đổi văn hóa này. Có phải do ông gợi ý?

- Đúng thế. Ở Mỹ có nhiều sinh viên rất hứng thú về Việt Nam. Dĩ nhiên phần lớn người Mỹ đều biết đã có một cuộc chiến tàn khốc, không chỉ với Việt Nam mà còn với Hoa Kỳ, đã xảy ra ở đây. Nhưng họ không biết gì, hoặc biết rất ít, về Việt Nam ngày nay.

Bởi thế họ rất hứng thú tìm hiểu Việt Nam hôm nay ra sao. Nhiều người Mỹ đã lo lắng về lần đầu đến Việt Nam. Họ nghĩ có lẽ người Việt Nam sẽ rất thù hằn và giận dữ bởi cuộc chiến đó. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Khi đến đây, họ nhận ra phần lớn người Việt Nam vui vẻ gặp, kết nối, trò chuyện và trao đổi với người Mỹ. Điều đó rất thú vị với người Mỹ và với sinh viên Mỹ.

Năm ngoái là kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Hai cột mốc này có ý nghĩa gì với ông?

- Tôi nghĩ chúng rất quan trọng. Những gì đã diễn ra trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm qua là một câu chuyện tuyệt vời khi hai nước đã có rất nhiều hòa giải.

Dù Hoa Kỳ và Việt Nam dĩ nhiên không thể đồng thuận về mọi thứ, giữa hai nước đã có rất nhiều hợp tác và cộng tác. Và đã có sự hòa giải giữa những tổ chức với nhau. Ta có thể thấy điều này trong các hợp tác về giáo dục: rất nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ. Đây là một sự thay đổi lớn.

Chúng ta cũng thấy sự thay đổi trong mối quan hệ cá nhân giữa người Mỹ và Việt Nam, đặc biệt khi nhiều người Mỹ đã đến đây sống, làm việc hay du lịch.

Đây là điều không thể xảy ra ở thời điểm cách đây 20-25 năm, vì thế sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam đã có một bước tiến rất dài. Nhưng trong một phương diện khác, sự hòa giải vẫn chưa đạt được bước tiến như thế.

Tôi đang nói đến sự hòa giải bên trong nước Mỹ và bên trong Việt Nam. Trong cả hai trường hợp, cuộc chiến đã để lại một di sản gồm những ký ức đau buồn và cảm xúc tồi tệ mà tôi tin cả người Việt lẫn người Mỹ vẫn đang cố gắng vượt qua.

Họ vẫn đang cố gắng để hòa giải và vượt qua sự chia rẽ trong xã hội mà chiến tranh để lại. Vết thương của chiến tranh vẫn chưa lành, ngay cả ở Mỹ hay Việt Nam. Tôi cho rằng đây là cơ hội cho cả hai đất nước. Có thể chúng ta nên nhìn vào sự hòa giải đã đạt được giữa hai đất nước để tìm ra cách hòa giải bên trong nội bộ từng nước.

Ta thấy vẫn còn khác biệt giữa miền Nam và Bắc Việt Nam, cả khác biệt giữa những người sống trong cùng một thành phố, đôi khi khác biệt có trong từng gia đình. Có những gia đình mà một thành viên theo phe này của cuộc chiến và thành viên khác lại theo bên kia.

Tại Mỹ, tình trạng cũng như thế. Dĩ nhiên, trong thời chiến tranh Việt Nam, người Mỹ không đối đầu nhau trên trận địa, nhưng xã hội rất chia rẽ. Người Mỹ bất đồng về cuộc chiến, nhiều gia đình, tổ chức chia rẽ vì chiến tranh. Cả chính phủ cũng bị chia rẽ. Đó là thời điểm mà người Mỹ rất bất đồng với nhau. Chúng tôi vẫn phải tìm cách để vượt qua nó.

Khi người Mỹ và Việt Nam đã hòa giải và cùng nhau vượt qua di sản chiến tranh, tôi nghĩ người Mỹ và Việt Nam cũng có cơ hội để vượt qua bất đồng nội bộ của họ. Có một lãnh đạo Việt Nam mà tôi cho rằng rất cởi mở về vấn đề này, đó là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng Kiệt biết rõ đất nước ông vẫn chia rẽ và đau buồn, mất mát quá nhiều vì cuộc chiến. Năm 2005 ông đã kêu gọi người Việt Nam cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, đó là một lời kêu gọi rất quan trọng.

Ông muốn nói đến câu nói rất nổi tiếng của ông Kiệt: “Có một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”?

- Đúng vậy. Đó là một ký ức đau thương, không chỉ cho người buộc phải rời Việt Nam mà cả cho người ở lại.

Ông tin rằng một ngày nào đó quyển sách của ông cũng sẽ được xuất bản ở Việt Nam?

- Tôi nghĩ thế. Và tôi cho rằng ngày đó sẽ đến rất sớm. Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia sẽ in quyển sách đó của tôi trong năm nay. Các thủ tục và việc biên dịch đã hoàn tất. Đó là bản dịch có chất lượng do Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia thực hiện.

Tôi hi vọng nó sẽ sớm được xuất bản cho tất cả người đọc Việt Nam. Tựa sách trong tiếng Anh là “Misalliance” và tựa Việt là “Liên minh sai lầm”.

Lịch sử là diễn giải

Ông có thường trao đổi với các sử gia Việt Nam?

- Có chứ. Mỗi khi đến Việt Nam, tôi đều phải nhờ đến bạn bè là sử gia hay học giả người Việt để được tư vấn hay giúp đỡ tìm kiếm các nguồn tư liệu. Dù đã đến Việt Nam trong 20 năm qua nhưng tôi vẫn còn biết rất ít về Việt Nam. Vì thế tôi cần phải cộng tác với học giả, nhà sử học địa phương và phụ thuộc rất nhiều vào họ.

Ông có thường bất đồng và tranh cãi với họ không?

- Dĩ nhiên có đôi lúc chúng tôi bất đồng, cũng như tôi có nhiều bất đồng với bạn bè và đồng nghiệp khi ở Mỹ. Nhưng điều đó là bình thường. Đó là việc các sử gia phải làm. Lịch sử không chỉ đơn thuần là về các sự việc. Lịch sử còn là sự diễn giải.

Vì thế, dù chúng tôi có không đồng ý với nhau thì những bất đồng ấy sẽ giúp chúng tôi đến gần với sự thật hơn.

Các lớp học ông giảng dạy tại Dartmouth phần lớn là về chiến tranh Việt Nam?

- Đúng thế. Tôi dạy rất nhiều khóa học khác nhau, chủ yếu về chiến tranh Việt Nam, vì sinh viên trường tôi thật sự rất hứng thú với đề tài này. Dĩ nhiên họ quá trẻ để có thể nhớ đến chiến tranh. Họ biết cuộc chiến ở Việt Nam là một sự kiện rất quan trọng với người Mỹ và lịch sử nước Mỹ và muốn hiểu thêm.

Nhiều sinh viên có cha, ông đã từng là lính tại Việt Nam, hoặc có lẽ mẹ hay bà của họ từng tham gia phản đối cuộc chiến tại Mỹ. Do đó sinh viên biết cuộc chiến quan trọng với những người mà họ quen biết, nhưng họ không hiểu tại sao cuộc chiến lại quan trọng và gây chia rẽ đến thế tại Mỹ.

Nhiều sinh viên người Mỹ gốc Việt cũng rất hứng thú và đôi khi ngạc nhiên khi học về cuộc chiến. Nhưng họ không hận thù. Họ cũng như những sinh viên người Mỹ khác, thật sự muốn học. Vài sinh viên của tôi là người Việt đến từ Việt Nam, họ cũng rất ngạc nhiên.

Họ nói rằng những gì ông dạy khác với những gì họ học tại Việt Nam?

- Có, họ nói với tôi như thế. Và tôi nói với họ rằng chẳng sao cả. Vài điều tôi dạy có thể khác với lịch sử mà họ học tại Việt Nam. Chúng ta học đại học là để học cách suy nghĩ mới. Chúng ta không chỉ học về các dữ kiện.

Chúng ta học những cách khác để nhìn nhận thế giới. Nếu một sinh viên đến từ Việt Nam vào lớp của tôi học hay tìm ra một cách mới để nghĩ về lịch sử Việt Nam và chiến tranh Việt Nam thì tôi xem như đã thành công.

Vẫn còn độ chênh giữa cách mà lịch sử, đặc biệt là giai đoạn chiến tranh Việt Nam, được dạy tại Mỹ và Việt Nam. Ông có nghĩ ngày nào đó khoảng cách sẽ được thu hẹp?

- Tôi cho rằng các sử gia ở cả Mỹ và Việt Nam phải trao đổi và hợp tác với nhau. Điều này rất quan trọng, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau rất nhiều. Tôi đã học được rất nhiều từ các mối quan hệ và hợp tác của tôi với các sử gia ở Việt Nam. Nhưng tôi không nghĩ mục đích cuối cùng là làm sao mọi người đều nghĩ như nhau.

Mục tiêu phải là để mọi người cùng trao đổi ý kiến. Lịch sử là diễn giải và chúng ta sẽ có cách diễn giải khác nhau, chúng ta sẽ bất đồng, chúng ta sẽ cãi nhau, nhưng đó là cách giúp ta đến gần hơn với sự thật. Mục đích của lịch sử là đến gần hơn với sự thật. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ đến được sự thật, nhưng chúng ta sẽ đến gần nó hơn bằng cách trao đổi lẫn nhau.■

Dự án sử kể và quyển sách thứ hai

Năm 2014, GS Miller khởi xướng chương trình sử kể (oral history) Dartmouth Vietnam Project. Ông đào tạo các sinh viên bậc đại học cách phỏng vấn những người liên quan đến chiến tranh Việt Nam, ghi lại ký ức của họ về cuộc chiến ở Việt Nam lẫn tác động của nó ở Hoa Kỳ. Dự án đã phỏng vấn được khoảng 50 người, gồm lính Mỹ, những người ở Mỹ đã tham gia phản đối cuộc chiến và cả những người bị ảnh hưởng bởi chính sách quân dịch vốn gây tranh cãi ở Mỹ lúc bấy giờ.

GS Miller cũng tiết lộ đang thực hiện một nghiên cứu khác về Việt Nam, với bối cảnh ở Bến Tre. “Trong dự án này, tôi thích tìm hiểu về những người ở tầm thấp hơn, “gần mặt đất” hơn, như những người lính (của cả hai phía) và thường dân ở Bến Tre, để tìm hiểu thêm về trải nghiệm của họ trong cuộc chiến” - ông giải thích. 

Ông chọn Bến Tre vì tỉnh này bao bọc bởi bốn nhánh của sông Cửu Long, để xem điều kiện sông nước đó đã định hình cuộc chiến như thế nào. “Có rất nhiều sự kiện quan trọng và nổi tiếng diễn ra ở Bến Tre, ví dụ sự kiện Đồng khởi. Bến Tre cũng là nơi CIA tiến hành Chiến dịch Phượng Hoàng, một chương trình rất quan trọng trong chiến tranh Việt Nam” - ông nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận