Tác giả Nobel Svetlana Alexievich: “Những người trốn trong hang sẽ không mạnh hơn…”

PHAN XUÂN LOAN (*) 13/08/2020 22:08 GMT+7

TTCT - Belarus bước vào cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 9-8 với nhiều gay cấn: các nhà hoạt động đối lập bị bắt khiến biểu tình nổ ra và một liên minh ba phụ nữ đang thách thức quyền lực của đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko.

Svetlana Alexievich. -Ảnh: New York Times
Svetlana Alexievich. -Ảnh: New York Times

Trả lời nhà báo Belarus làm cho trang thông tin - phân tích Israel “Detali”, nhà văn đoạt giải Nobel S. Alexievich bày tỏ chính kiến về cuộc bầu cử và nhiều vấn đề thời sự. TTCT trích dịch.

Cái ác làm suy đồi cả đao phủ lẫn nạn nhân

Hiện bà sống cố định ở Belarus?

- Đúng.

Bà không nghĩ tới việc di cư?

- Không, vì tôi không thích sống ở đâu khác. Mà có ý nghĩa gì không nếu sống ở nước ngoài? Tôi thật sự không giỏi một ngoại ngữ nào. Tôi không biết cuộc sống nào ngoài cuộc sống này. Bản thân thể loại (văn xuôi tư liệu - ND) tôi viết gắn với việc tôi biết con người ở đây và trò chuyện với chính con người đó.

Tôi không hiểu lắm những con người khác - dẫu sao họ cũng là người của một nền văn hóa khác, họ nói về những điều khác, bằng một thứ tiếng khác, họ có tâm lý khác. Một người phương Tây - đó là một thế giới riêng. Anh ta biết nhiều hơn thế nào là không gian riêng, bảo vệ không gian đó nhiều hơn. Còn ở chúng ta vẫn còn một thứ tính tập thể cộng đồng nào đó. Tôi đã viết cuốn sách về con người Xô Viết Thời second hand. Và về thực chất thì tất cả những cuốn sách của tôi đều về con người đó.

Tôi lớn lên với những cuốn sách của bà mà chúng tôi đọc trong trường học Belarus, và tôi có cảm giác trước tiên đó là một biên niên về sang chấn lịch sử to lớn của chúng ta.

- Sang chấn lịch sử tồn tại ở hầu hết các dân tộc, thậm chí với một đất nước hùng mạnh như Hoa Kỳ: đó là chế độ nô lệ. Và dường như đất nước đang sống ở thế kỷ 21 này giờ vẫn còn phải giải quyết những vấn nạn với tình trạng bất bình đẳng.

Tôi từng thấy những người trẻ Pháp tranh cãi với người lớn tuổi về Thế chiến II, cay đắng trách móc họ vì nước Pháp đã bỏ rơi người Do Thái. Ngoài việc người Đức yêu cầu giao nộp tất cả người Do Thái trưởng thành - những người Pháp khi đó, thấy những đứa trẻ còn lại trong những căn nhà và căn hộ tuyệt đẹp, đã tuyên bố: thật không hay khi trẻ con bị bỏ rơi một mình không cha mẹ! Và mọi việc kết thúc ở chỗ bọn trẻ bị gởi theo cha mẹ chúng tới (trại tập trung) Auschwitz!

Còn nói về người Nga hay người Belarus thì cứ ghé vào bất cứ ngôi nhà nào, bạn sẽ nghe đủ nỗi kinh hoàng đến mức bạn nghĩ: Chúa ơi, làm sao bản chất con người có thể chịu đựng được tất cả những điều này?

Với người Do Thái, sang chấn của cuộc diệt chủng cũng gây ra thù hận. Chẳng hạn, có những người cho rằng cần trục xuất tất cả người Ả Rập khỏi Israel, không chừa một ai… Làm thế nào mà những người sống sót sau diệt chủng lại có thể trở nên như vậy?

- Trong văn học Nga đã có một cuộc tranh cãi lớn giữa (Aleksandr) Solzhenitsyn và (Varlam) Shalamov. Solzhenitsyn nói rằng những nỗi thống khổ và trại lao cải dạy ta cái thiện, lẽ công bằng và một người bước ra từ đó sẽ trở nên giác ngộ. Còn Shalamov tin rằng trại lao cải làm suy đồi cả kẻ hành quyết lẫn nạn nhân: không thể bước ra khỏi cái ác thành người lương thiện. Cái ác làm biến dạng, hư hỏng con người.

Tôi chấp nhận quan điểm của Shalamov. Cái ác làm suy đồi cả đao phủ lẫn nạn nhân. Chúng ta đã quan sát điều này cả trong thời Xô viết và bây giờ, tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Có một nỗi oán giận, một mong muốn trả thù nào đó trong tất cả mọi người. Và ở đây chỉ có thể có một thầy thuốc - thời gian. Thời gian, ý tưởng mới, quan điểm mới về mọi thứ. Tôi không biết cách chữa lành nào khác.

Nhưng dĩ nhiên rồi, mỗi nhà văn, mỗi họa sĩ, mỗi người trong giới sáng tác phải đứng về phía điều thiện. Tất cả việc mà chúng ta có thể - đó là đứng về phía cái thiện.

Còn bà, bà lớn lên với những cuốn sách nào?

- Dù là người Belarus, tôi được giáo dục trên nền tảng văn hóa Nga - với những Dostoyevsky, Tolstoy, Chekhov, Leskov... Đó là một nền văn học tâm lý sâu sắc. Vì thế tôi không thể nhìn thế giới hời hợt, như văn học Xô viết đã dạy chúng tôi.

Đã có tất cả 109 giải Nobel văn chương được trao, trong đó chỉ 14 giải là cho phụ nữ. Bà nghĩ tại sao?

- Vâng, tôi là người thứ 14. Con số quả thật là nhỏ so với cả trăm năm. Đó là cách thế giới chúng ta đang hoạt động - đến nay nó vẫn rất nam tính. Phụ nữ không có được trong đó một vị thế bình đẳng.

Và tôi nghĩ hiện nay đúng là thời của phụ nữ. Cái nhìn của phụ nữ về thế giới khác với nam giới. Tôi đã nhận ra điều đó khi viết cuốn Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ. Những người đàn bà đã có một cuộc chiến hoàn toàn khác. Phụ nữ không bao giờ tha thứ cho việc giết người. Cô ta bị buộc phải giết người nhưng ngay cả khi ấy, chuyện kể của các nhân vật nữ của tôi vẫn luôn là lời gào thét: “Thật đáng thương khi phải giết chóc!”, “Thật đáng sợ khi phải giết chóc!”. Họ kể lại những con chim và con vật khác phải khổ sở thế nào, thật kinh khủng khi thấy con nai bị giết bởi một vụ nổ lựu đạn. Đó chính là cái nhìn mà thế giới này cần. Khi tôi thấy một nữ bộ trưởng quốc phòng, như ở Pháp, tôi nghĩ có lẽ ở đó, trong những cuộc họp của Hội đồng Bảo an, những cuộc trò chuyện diễn ra với một giọng điệu hoàn toàn khác.

Phụ nữ không phải là con tin cho văn hóa chiến tranh. Cô ấy thét gào về việc cần phải sống, rằng không ai muốn chết vô nghĩa…

Bộ ba phụ nữ thách thức quyền lực Tổng thống Lukashenko, từ trái sang: Veronika Tsepkalo (vợ ứng viên không được đăng ký Valeri Tsepkalo), Svetlana Tikhonovskaya (vợ ứng viên bị bắt, blogger Sergey Tikhonovsky), Maria Kolesnikova (điều phối viên bộ tham mưu của ông Viktor Babariko, bị từ chối đăng ký tranh cử và đã bị bắt). Ảnh: Euro News
Bộ ba phụ nữ thách thức quyền lực Tổng thống Lukashenko, từ trái sang: Veronika Tsepkalo (vợ ứng viên không được đăng ký Valeri Tsepkalo), Svetlana Tikhonovskaya (vợ ứng viên bị bắt, blogger Sergey Tikhonovsky), Maria Kolesnikova (điều phối viên bộ tham mưu của ông Viktor Babariko, bị từ chối đăng ký tranh cử và đã bị bắt). Ảnh: Euro News

Con tin của quá khứ

Bà nghĩ sao, liệu có cơ hội thay thế ông Lukashenko bằng con đường bầu cử và những cuộc phản kháng hòa bình? Liệu ở Minsk sẽ xảy ra một “Maidan”?

- Tôi có một nửa dòng máu Ukraine. Tôi đã vài lần chứng kiến chuyện xảy ra ở Maidan, đã trò chuyện với mọi người ở đó. Người Belarus có một tâm thế khác. Dẫu sao thì những cuộc chiến tranh đã kéo dài trên đất Belarus nhiều thế kỷ qua, đốt tất cả thành tro. Nhân dân, “những người trong vũng lầy”, như nhà kinh điển Ivan Melezh gọi người Belarus, đã ẩn tránh, chờ đợi mọi thứ, nhưng không đối đầu công khai...

Liên quan tới cuộc bầu cử, tôi sẽ không dự đoán. Tôi không có một niềm tin lãng mạn rằng chúng tôi sẽ thắng một cách kỳ diệu… Cần phải hiểu Maidan ở Ukraine 2013-2014 là lần thứ ba liên tục. Những Maidan trước đã mang lại báo chí tự do, sách giáo khoa mới, những thế hệ mới lớn lên. Còn ở Belarus, chúng ta đang học sách giáo khoa nào? Những đường phố chúng ta mang tên gì? Những tượng đài nào đang đứng? Chúng ta vẫn còn là con tin của quá khứ…

Theo các thăm dò Internet, mức ủng hộ Tổng thống Lukashenko chỉ còn 3% (thậm chí tỉ lệ này đã trở thành một meme), nhưng những nhà xã hội học thân chính phủ dự báo hơn 60%. Còn các quan sát của bà?

3% là không đúng, 60% cũng không đúng. Theo tôi, ông Lukashenko còn được sự ủng hộ của khoảng 20% dân chúng.

Có thể ông Lukashenko sẽ chiếm thế thượng phong vào tháng 8 này, nhưng đây sẽ là lần cuối cùng. Sau đó, thế hệ trẻ sẽ lớn lên và điều đó sẽ không thể tiếp tục.

Có cảm tưởng rằng trên lãnh thổ Belarus đang tồn tại song song hai đất nước: một đất nước lỗi thời mắc kẹt trong thời gian với những nông trang và ngày thứ bảy lao động. Còn ở đất nước kia, những người trẻ hiện đại với cái nhìn châu Âu đang sống “song song” với nhà nước, không cách nào tương giao với nó. Họ mở quán cà phê, tổ chức lễ hội âm nhạc, nói tiếng Anh thông thạo, đi du lịch khắp thế giới… Và giờ đây hai đất nước này đang “gặp” nhau, va vào nhau…

- Tôi e rằng “giới trẻ châu Âu” đó sẽ không thắng trong cuộc đọ sức này. Cả thế giới đang xoay về phía những quan điểm bảo thủ. Cứ nhìn xem chuyện gì đang xảy ra ở Ba Lan! Cứ ngỡ thị trưởng, nhà dân chủ trẻ tuổi Rafał Trzaskowski phải thắng, nhưng rồi Andrey Duda, người dựa vào các giá trị cũ, bảo thủ, lại chiến thắng. Và đó là người Ba Lan với nguồn lực văn hóa và lịch sử của họ.

Thế giới sẽ thoát khỏi đại dịch ra sao? Liệu nó có khiến chúng ta cô lập với láng giềng và chỉ nghĩ về chính mình?

- Tôi nghĩ là không. Hiện giờ, dĩ nhiên rồi, mọi người đều chạy về hang ổ của mình. Nhưng cần phải thoát ra khỏi nơi đó và hợp thành một sức mạnh chung. Đại dịch là một hiện tượng có quy mô vũ trụ, bạn không thể một mình sống sót. Thế giới phải đoàn kết lại. Tôi không cho rằng những người trốn trong hang sẽ mạnh hơn cả một EU.

Và cuốn sách tiếp theo của bà sẽ là gì, về đại dịch chăng?

- Không, nó sẽ nói về tình yêu. Về việc con người, cho dẫu xảy ra gì đi nữa, đều mưu cầu hạnh phúc./. 

(*) Dịch.

Svetlana Alexievich (sinh năm 1948), đoạt Nobel văn chương 2015 nhờ loạt sách Những giọng nói không tưởng viết về con người Xô viết trong suốt gần 40 năm. Cuốn sách nổi bật nhất của bà là Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.

Bà sinh ở Ukraine, cha là người Belarus, mẹ là người Ukraine và viết văn bằng tiếng Nga. Sau một thời gian dài sống nhiều nơi trên thế giới, năm 2013 bà trở về Belarus đến nay. Luôn giữ quan điểm đối lập về chính trị, lúc đầu bà tuyên bố ủng hộ ứng viên Viktor Babariko, người bị bắt ngày 18-6 vì các cáo buộc tội phạm có tổ chức (trốn thuế, rửa tiền, đưa hối lộ…). Sau bà tuyên bố ủng hộ nữ ứng viên Svetlana Tikhanovskaya, vợ của blogger - ứng viên không được đăng ký và cũng đã bị bắt Sergey Tikhonovsky. 

Ngoài đương kim Tổng thống Lukashenko và nữ ứng viên Svetlana Tikhanovskaya, trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus hiện còn có nữ ứng viên Anna Kanopatskaya (luật gia, cựu đại biểu Quốc hội), Sergey Cherechen (doanh nhân, chủ tịch Đảng Gromada) và Andrey Dmitriyev (đồng chủ tịch Tổ chức xã hội “Hãy nói sự thật”).

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận