Tài sản bất minh và chuyện thu hồi

DANH ĐỨC 29/08/2023 09:55 GMT+7

TTCT - Nộp tiền để khắc phục hậu quả đang có cơ lấn lướt, dù dư luận không hẳn đã đồng tình.

Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Gần đây, một số nghi phạm trong các vụ cáo buộc tham nhũng có đưa ra đề nghị - giải pháp nộp tiền "khắc phục hậu quả" hầu được xét giảm án. Bên cạnh đó, còn tồn tại cơ chế thu hồi tài sản, đặc biệt là tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế. 

Có vẻ như xu hướng đang hình thành, nộp tiền để khắc phục hậu quả đang có cơ lấn lướt, dù dư luận không hẳn đã đồng tình.

Trong hội thảo "Một số vấn đề lý luận về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội" (quochoi.vn 26-7) do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội có nhiều ưu điểm và hoàn toàn có thể vận dụng vào Việt Nam để khắc phục nhược điểm của biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế thông qua hình thức kết án, vốn đã và đang gặp nhiều trở ngại.

Để tiện hình dung tính khả thi của biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, có lẽ cần trở lại vấn đề thế nào là "làm giàu bất chính". Ở cấp độ quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC), mà VN đã phê chuẩn từ ngày 30-6-2009 và chính thức trở thành thành viên từ ngày 19-8-2009, định nghĩa làm giàu bất chính là "sự gia tăng đáng kể tài sản của một công chức mà người ấy không thể biện minh một cách hợp lý so với thu nhập hợp pháp của mình".

Tuy nhiên, ở cấp quốc gia, phạm vi của luật về các hành vi làm giàu bất hợp pháp có thể khác một chút so với UNCAC. Một số quốc gia không sử dụng khái niệm "làm giàu bất chính", mà thay bằng "tài sản không rõ nguồn gốc", hoặc sử dụng các khái niệm khác, như "làm giàu quá mức" hoặc "thu lợi bất hợp pháp". Một số nước tập chú vào mức sống quá cao kèm theo gia sản giàu có không tương xứng với thu nhập.

Trước rừng pháp luật đó, tháng 6-2021, chuyên gia thu hồi tài sản Andrew Dornbierer của Viện Nghiên cứu về quản trị Basel (Thụy Sĩ) đã ra quyển Làm giàu bất hợp pháp: hướng dẫn về luật pháp nhắm vào các tài sản không giải thích được. 

Dựa trên phân tích sâu rộng về các công cụ quốc tế, luật quốc gia và án lệ khắp nơi trên thế giới, tác giả Dornbierer nêu rõ rằng làm giàu bất hợp pháp có thể được định nghĩa rộng là tài sản không chứng minh được tương ứng với thu nhập chính đáng của người công chức.

Tác giả gợi ý một chuỗi động thái từ phía nhà chức trách: (1) điều tra tài chính cẩn thận để đánh giá số tiền mà một cá nhân có thể có trong một khoảng thời gian xác định; (2) so sánh giữa thu nhập này và số tiền chi tiêu để mua hàng hóa hoặc duy trì một lối sống nhất định trong giai đoạn này; và (3) từ đó thu thập bằng chứng chắc chắn, chớ không phỏng đoán, để chỉ ra những cá nhân đã có được tài sản của họ rõ ràng là thông qua các nguồn không hợp pháp, sẽ là đối tượng của thủ tục pháp lý.

Ảnh: transparency.org

Ảnh: transparency.org

Trong góc nhìn đó, câu chuyện về biệt phủ 5.000m2, kiến trúc châu Âu mà một cụ già 80 tuổi, được cho là bán rau tích cóp cả đời có thể là một trường hợp "tài sản không minh bạch", khó thể đơn giản "xếp hồ sơ". 

Thiệt ra, do thiếu để ý, nên những yêu cầu như thanh toán từ bao nhiêu tiền phải qua ngân hàng hay bằng thẻ, không dùng tiền mặt, hầu như dừng ở đó mà không có tiếp nối tìm xem nguồn tiền từ đâu.

Chính vì thế, tác giả Dornbierer nhắc rằng: "Phân tích nguồn tiền... là công cụ quan trọng cho các điều tra viên và công tố viên muốn chứng minh các trường hợp làm giàu bất hợp pháp tại tòa án". 

Tác giả nêu ra nhiều thí dụ ở nhiều nước. Tỉ như ở Kenya, Ủy ban Đạo đức và chống tham nhũng đã trừng phạt Stanley Mombo Amuti, một cựu quan chức cấp thấp, khi người này không thể giải thích làm thế nào anh ta lại có thể mua tài sản trị giá khoảng 400.000 USD trong khoảng thời gian 10 tháng. Vụ này tạo tiền lệ về việc sử dụng cơ chế này. 

Ở Uganda, tư pháp cũng vừa thắng một vụ làm giàu bất chính lên đến 1,25 triệu USD liên quan đến một viên kế toán tại Văn phòng thủ tướng.

Các vụ án có thể mở ở cấp cao nhất: một loạt cựu tổng thống El Salvador gần đây đã bị kết tội làm giàu bất chính. Tháng 12-2019, cựu tổng thống Elias Antonio Saca bị kết án 10 năm tù và buộc trả lại công quỹ 260 triệu USD. Cuối tháng 5 vừa rồi, tới phiên cựu tổng thống Mauricio Funes bị kết án 14 năm tù…

Mà kể cả tiền làm giàu bất chính đã chuyển ra ngoại quốc rồi vẫn có thể đòi lại. Cơ quan International Centre for Asset Recovery (ICAR) thuộc Viện Quản trị nhà nước Basel có cộng tác với các nước đối tác về việc này. Quan trọng là có muốn hay không thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận