TTCT - Tôi là thợ ảnh. Nếu được như thời bây giờ xử lý ảnh bằng kỹ thuật số trên máy tính thì tôi không mắc phải một tội dối trá cách đây mười lăm năm, luôn làm tôi hối hận. Phóng to Minh họa: Nguyễn Ngọc ThuầnTTCT - Tôi là thợ ảnh. Nếu được như thời bây giờ xử lý ảnh bằng kỹ thuật số trên máy tính thì tôi không mắc phải một tội dối trá cách đây mười lăm năm, luôn làm tôi hối hận. Tuy biết rằng đời người không ai là không một lần lầm lỡ thất nhân. Tuy thế, sự việc xảy ra nó cứ ám ảnh cắn rứt lương tâm tôi, khiến nhiều đêm tôi không sao ngủ được. Bao lần tôi cố ỉm đi, vùi sâu nó, nhưng như cái ung, cái nhọt, nó ngày càng phình to lên lắm lúc làm tôi nghẹt thở. Nghĩ mãi, tôi thấy chỉ có cách nói ra lỗi lầm của mình, cúi xin vong hồn người đã mất và người đang sống lượng thứ cho thì tôi mới mong vơi nhẹ nỗi ân hận trong lòng bấy lâu nay. Tôi làm nghề chụp ảnh hơn ba mươi năm nay tại một thị trấn khá đông đúc. Tôi được khách hàng tín nhiệm. Trong công việc phục hồi chụp lại ảnh, phóng lớn dù tấm ảnh hư hỏng đến mấy nhưng với cây bút lông, thỏi mực tàu, dày dạn tay nghề cao, và luôn ý thức rằng những tấm ảnh ấy là vật kỷ niệm quý báu nên tôi làm vừa lòng khách hàng đến mức mấy hiệu ảnh trong thị trấn không ai bằng tôi. Như thường lệ, một ngày trời đẹp, nắng nhẹ, tôi mở cửa hiệu đón khách. Tôi vẫn tin rằng nếu mở hàng đầu tiên là một cô gái đẹp, ngày ấy tôi sẽ gặp nhiều may mắn. Đang hi vọng mông lung thì một chiếc xe con dừng lại. Một thiếu phụ bước xuống xe, tóc rũ rượi, nước mắt đầm đìa đi vào cửa hiệu. Không đợi tôi chào hỏi, thiếu phụ nói: - Nhà tôi không may qua đời. Chúng tôi tìm mãi không có ảnh riêng của ông ấy. Trăm sự nhờ ông giúp cho tôi có một tấm ảnh riêng của nhà tôi, để sáng mai kịp đặt lên bàn thờ cho khách đến cúng viếng. Thiếu phụ đặt ngay trên bàn một tập album ảnh và một xấp bạc, nói tiếp: - Ông giúp cho, tang gia bối rối, tôi phải về ngay. Trong các tấm ảnh ở đây, nhà tôi lúc nào cũng đứng giữa, ảnh có đánh dấu x. Thiếu phụ để lại danh thiếp, vội vã trở ra làm tôi không kịp một lời thưa gửi xã giao. Bà ta ở trong thị trấn chúng tôi, dù đã bước vào tuổi năm mươi nhưng nét xuân chưa phải đã sang màu, còn sung mãn đậm đà lắm. Chồng của bà ta vốn là quan chức trong thị trấn này rồi có vai vế vượt ngoài thị trấn mà ai ai cũng biết và kính nể danh tiếng của ông ta. Tôi không vội lật xem tập ảnh. Với tay nghề của tôi thì chỉ cần một vài bức trong số mấy trăm bức ảnh đó là tôi có thể làm một tấm ảnh thờ, cỡ lớn, trong vài giờ. Tôi mân mê xấp bạc trên tay mỉm cười khi được biết số tiền người thiếu phụ để lại gấp sáu lần giá tiền làm bức ảnh. Vớ vẩn vui vui miên man đến trưa tôi mới soạn tập ảnh để làm chân dung người quá cố. Có đến bốn trăm bức ảnh cỡ từ 6x9 cho đến cỡ 10x15 được giữ gìn cẩn thận, đa số còn mới. Khuôn mặt người đàn ông có đánh dấu x bè bè, thần sắc từ lúc còn trai trẻ cho đến xấp xỉ tuổi sáu mươi không mấy thay đổi. Tôi lần từng tấm ảnh tìm một bức để làm chân dung cỡ lớn. Đây là bức chụp cách đây vài chục năm: những người trong ảnh mặc quần xanh, áo sơmi trắng, đầu cắt tóc ngắn, chân đất, phần đông họ mới ngoài hai mươi tuổi, nét mặt nghiêm nghị, ngay ngắn y như cùng một khuôn; riêng người có đánh dấu x hơi mỉm cười, tỏ ra rụt rè đứng giữa hai ông lớn tuổi, có ghi chú đằng sau bức ảnh: “Cấp trên cùng ban chỉ huy thanh niên khóa mới”. Một tấm ảnh khác, một bên nam, một bên nữ, người có đánh dấu x đứng giữa hai tay quặp lấy cả hai, phía sau có ghi chú: “Mình đến thăm đại biểu ưu tú của tuổi trẻ”. Tôi lật tiếp tấm ảnh ngày cưới của ông ta. Hai mí mắt khô khốc của ông ta trịnh trọng, cô dâu mặt hệt ngày đó bây giờ là bà thiếu phụ vì sợ và ngượng đứng hơi lùi về sau một chút. Ảnh ghi chú: “Ngày hạnh phúc lễ cưới của chúng tôi. Trái phải là hai vị đại diện chính quyền và đoàn thể”. Lại một tấm ảnh khác: người trong ảnh đều mặc đại lễ, ông ta đứng giữa, không đeo cà vạt, mặt đầy đặn, hãnh diện no nê, tay quàng hai vị đứng hai bên, đầu hơi nghiêng về phía ông bộ trưởng, tay níu chặt một quan chức cao cấp khác mà các chức vị được ghi ngay dưới bức ảnh. Lại có một tấm ảnh không kém phần hấp dẫn: bên phải là một nhà khoa học nước ngoài, bên trái là một tiến sĩ phụ tá cho nhà khoa học ấy, ông chen vào giữa nét mặt nghiêm trang, nhưng sau cặp kính trắng - kính của những người trí thức hay đeo bấy giờ - mắt ông hơi nheo lại vì không quen đeo kính và người chụp bấm máy không đúng thời cơ: một bàn tay thô bè đang lau mồ hôi choán gần hết khuôn mặt của ông ta. Tôi gập tập album. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người lúc bấy giờ nếu được xem một tập ảnh như thế sẽ thán phục và nể trọng nhân vật chính trong đó, phải có vai vế ghê gớm lắm mới đứng giữa các bộ trưởng, các nhà khoa học nước ngoài chứ? Tôi thật sự kính nể, sờ sợ cái uy của ông ta trong các bức ảnh. Vậy đó, một khách hàng mà mình không thể không đem hết khả năng nghề nghiệp ra phục vụ. Trong gần bốn trăm bức ảnh tôi chọn ra được mười tấm ảnh. Mười tấm ảnh biểu hiện đầy đủ tinh thần, tính cách con người của ông, tấm ảnh nào cũng rạng rỡ, đầy vẻ mãn nguyện uy quyền. Ngắm đi ngắm lại tôi bỗng giật mình. Không phải trong những tấm ảnh ấy nét mặt của ông không tươi, tông màu không sáng mà là... Mồ hôi trán tôi bắt đầu rịn ra. Tấm ảnh nào ông cũng vẹo cổ vào vai người nọ, kề đầu vào người kia. Những người thợ ảnh sẽ chia sẻ khó khăn này của tôi khi định tách riêng chân dung của ông ta để làm một ảnh thờ. Tấm nào cũng vậy, nếu mặt ông không dính tóc ông nọ cũng dính vai bà kia. Có tấm không dính đầu, má, vai thì bị che bởi những bàn tay như nắm đấm. Trời ơi! Tôi lật lại mấy trăm tấm ảnh mà không có tấm nào của riêng ông, toàn ảnh ông đứng giữa mọi người từ trên rừng cho đến xuống biển, trong đất liền cho tới hải đảo, ngay cả khi họp hành, hay tiệc tùng bàn cãi đùa vui ông đều dựa vào người này, ôm quàng người kia. Ai có thể chịu được một chân dung để thờ khi trong khuôn hình ảnh lại dính một cái tai, một nhúm tóc, một bờ vai, một khoanh bụng của người khác? Dù tôi có cắt cúp bên này, xén bên kia, hai phần ba bên phải, ba phần tư bên trái, đẩy lên, kéo xuống thì vẫn không có được một bức chân dung của ông ta. Khốn khổ thân tôi. Uy tín của tôi sụp đổ và món tiền lớn sẽ tuột tay. Quên cả cơm trưa tôi vội vã tìm đến địa chỉ của bà thiếu phụ. Phải nói rằng gia cư của thiếu phụ không phải thường thường bậc trung. Tất cả bất động sản đều tương xứng với tầm cỡ người trong ảnh: một ngôi biệt thự trong một khuôn viên đất rộng. Tôi đến, tuy gia cảnh đang bối rối nhưng thiếu phụ cũng nhận được tôi. Bà thoáng một nét mừng rỡ vì tưởng tôi mang bức chân dung của ông đến. Tôi thú thật nỗi bất lực của mình và đề nghị: - Xin bà tìm kỹ xem có bức ảnh nào riêng biệt của quý ông không. - Không còn bức nào cả. Sinh thời, lúc nào nhà tôi cũng chụp ảnh chung với mọi nguời. - Thưa bà, thẻ chứng minh thư của ông đâu? - Thẻ của nhà tôi bị mất, chưa kịp làm lại. Tôi thất vọng cúi đầu suy nghĩ với sự xấu hổ, rồi thành thật lúng túng trước người thiếu phụ: - Thưa bà, hay bà cho vẽ truyền thần. - Tôi không muốn thờ một bức chân dung vẽ. Thiên hạ lắm lời. Thiếu phụ mở ví đưa cho tôi thêm một số tiền nữa rồi nói tiếp: - Ai cũng biết uy tín của ông. Ông về liệu mà giúp cho tôi kịp sáng mai. Nhục ơi là nhục! Rõ ràng bà ta khinh tôi, nghĩ rằng tôi gây khó dễ để vòi thêm tiền. Đã thế tôi không chịu bó tay. Tôi lục lọi đống ảnh vẫn không sao có được một tấm ảnh ưng ý của ông để làm chân dung. Tôi cáu gắt với người nhà khi giục tôi ăn cơm tối. Rồi trong khi nhấm nháp vị đắng của ly cà phê tôi vừa nghĩ cách. Trong ngõ ngách tối om, ông tổ sư nảy nòi từ những ông phó nháy thiếu lương tâm nghề nghiệp liền hiện lên mách nước cho tôi. Tôi liền ném ly cà phê xuống bàn, bắt chước các vĩ nhân hét lên: “Tìm thấy rồi!”. Tất nhiên là sáng hôm sau, tấm ảnh thờ của ông ấy được lồng trong khung kính có viền đen. Khi thiếu phụ nhận tấm ảnh tôi trao, giữa đám đông người bà ta lại nấc lên: - Ôi anh ơi! Anh nỡ bỏ con, bỏ em mà đi, anh ơi là anh... Tấm ảnh được đặt trên bàn thờ mới lập. Tôi lùi ra một bên cổng rồi lẩn trong đám người đến viếng. Chẳng hiểu ma quỷ hay vong hồn ông ta bắt tôi mà tôi phải đứng đó trong nỗi phập phồng lo sợ. Người đến viếng mỗi lúc mỗi đông: thân hữu bạn bè, người chịu ơn ông. Tôi thoáng thấy nhiều nét mặt quen quen từng chụp chung ảnh với ông đang đứng trước bàn thờ đốt nén nhang cúi đầu, mặc niệm, sụp lạy với vẻ mặt đau buồn thương tiếc. Nhiều người không nén nổi xúc động, nhìn ảnh ông òa khóc. Bất chợt có một thằng cha kiết xác lếch thếch xuất hiện làm cho tôi nổi da gà, rợn tóc gáy. Hắn đâu chừng mới hơn hai chục tuổi lang thang cạnh phố tôi ở. Khuôn mặt hắn cũng thuộc loại bè bè, ngây ngô biểu lộ sự vô thức vô cảm, mặc dù hắn không đến nỗi xấu xí. Thường ngày hắn không hề bực dọc gây gổ với ai cả. Thỉnh thoảng hắn nhìn trời đất cười, chẳng ai thèm để ý đến hắn. Thế mà tôi sợ hắn. Sợ đến mức không kìm được... Hắn thập thò trước bàn thờ người quá cố. Nhưng hắn không đốt hương, không mặc niệm, không quỳ lạy. Hắn lén nhìn vào tấm ảnh. Nhìn lâu lắm. Hắn gật đầu mỉm cười đắc ý mỗi khi có người bái lạy bức chân dung trên bàn thờ. Hơn ai hết cử chỉ đó làm cho tôi hãi, đầu óc quay cuồng. Tôi thấy hắn như một con quỷ gớm ghiếc từ dưới âm ty nhô lên hại tôi. Tôi thở gấp, mồ hôi lạnh túa ra khắp người. Tôi ước gì có phép lạ biến hắn thành hư không, thành tro bụi tức khắc. Đứng bên bàn thờ, đầu bịt khăn sô, hình như thiếu phụ đã nhận ra điều gì bất ổn, bà đưa đôi mắt sắc lạnh cho người nhà. Một người đi về phía hắn, thầm thì bên tai hắn, nói điều gì đó với hắn mà nét mặt tỏ ra bực tức rồi đẩy hắn đi. Hắn gật đầu khó chịu. Tôi nghi ngờ chuyện đã bị lộ. Tôi sợ hãi, định lẩn nhưng người đến lễ đông quá. Hắn đã đứng chặn trước mặt tôi. Hắn cười ngớ ngẩn vừa như kẻ có lỗi vừa như người thích thú trước khi làm một điều gì đó. Hắn bíu chặt cánh tay tôi kéo tôi ra khỏi đám đông. Cánh tay tôi tê dại, chân tôi run run. Tôi nghĩ người ta đang nhờ hắn trừng trị tôi đây. Tôi không chống cự. Nếu hắn hành động giữa đông người thì tôi còn mặt mũi nào nhìn mọi người nên tôi ngoan ngoãn mà đi nhanh, gần như tôi kéo hắn ra khỏi đám đông. Tôi sẽ tính liệu mà đối phó. Nhưng hắn trì tôi lại, rồi chỉ tay về phía bàn thờ nói khẽ với tôi: - Tôi kiếm được tiền ông thợ cho tôi chuộc lại tấm ảnh nhé! Từng thớ da trên khuôn mặt tôi còn run run tái ngắt khiến hắn tưởng tôi đang giận hắn. Hắn lùi lũi bỏ đi ra ngoài phố mồm nghêu ngao hát những lời vô nghĩa. Vài tiếng xì xào trong đám đông: “Sao người ta đuổi nó đi, không cho nó chịu tang. Gì thì gì nó cũng là họ hàng thân thuộc”. À ra thế! Hú vía, thế là đại phúc ba mươi đời của tôi để lại. Trong khói hương nghi ngút sầu thảm ngất trời kia chưa ai nhận ra cái điều ám muội của tôi. Họ mà nhận ra sự thật thì hiệu ảnh của tôi chắc không tránh khỏi bị sập tiệm. Tấm ảnh thờ kia chính là hắn đấy. Trong lúc bí, tôi lục lọi đống ảnh khách “chạy làng” của tôi thì thấy bức ảnh của hắn giống ông ta quá. Một tháng trước đó hắn có vào tiệm chụp và đặt tôi làm một tấm ảnh lớn. Xem xong, hắn không thèm nói một tiếng, không trả tiền, vất tấm ảnh vào xó nhà rồi bỏ đi. Giận quá, tôi muốn cự hắn. Nhưng nhớ ra hắn là một thằng dở hơi, thiểu năng trí tuệ từ lúc còn trong bụng mẹ nên tôi bỏ qua. Bây giờ tôi thêm bớt chút ít khuôn mặt của hắn cho đậm nét vài vết nhăn để bức ảnh già hơn là thành chân dung ông chồng của thiếu phụ. Tôi đã bộc lộ câu chuyện mười mấy năm về trước. Tự nhiên lương tâm tôi thanh thản trở lại. Tôi tin rằng vong hồn người đã khuất cũng như người đang sống rộng lượng xá tội cho tôi, vì lòng thành thật sám hối của tôi.
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Pakistan tấn công trả đũa Ấn Độ, phá hủy kho tên lửa BrahMos THANH BÌNH 10/05/2025 Ngày 10-5, quân đội Pakistan tố Ấn Độ phóng thêm một loạt tên lửa nhắm vào ba căn cứ không quân của họ, và họ đã đáp trả.
TP.HCM có nơi mưa hơn 200mm, chợ Thủ Đức cống bung, nhiều đường ngập nước MINH HÒA 10/05/2025 Cơn mưa như trút nước sáng 10-5 khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM ngập nước nặng, tại rốn ngập chợ Thủ Đức cống lại bung lên.
Chi tiết phương án kiện toàn bộ máy, sắp xếp cán bộ 34 tỉnh, thành sau sáp nhập THÀNH CHUNG 10/05/2025 Bộ Nội vụ đã gửi Chính phủ tờ trình đề án liên quan sáp nhập đơn vị cấp tỉnh năm 2025 và nêu phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức.
Khởi tố, bắt tạm giam cựu cán bộ Công an quận 11, TP.HCM TUYẾT MAI 10/05/2025 Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Trần Tuấn Anh - cựu cán bộ Công an quận 11, TP.HCM - về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.