Tạo bản sao ảo cho người đã khuất: chữa lành hay an ủi giả tạo?

HOA KIM 04/11/2022 06:37 GMT+7

TTCT - Có nhiều kiểu công nghệ cho phép "trò chuyện" với người thân qua đời. Nhưng để những bản sao ảo đó thật sự là một niềm an ủi, có thể làm dịu bớt đau thương cho người ở lại thì vẫn còn xa

Tạo bản sao ảo cho người đã khuất: chữa lành hay an ủi giả tạo? - Ảnh 1.

Ảnh: Samantha Lee/Insider

Các công ty grief tech - công nghệ (chữa lành) đau thương - dù khác nhau về cách tiếp cận, nhưng có chung lời hứa: cho phép bạn trò chuyện bằng video, tin nhắn văn bản, điện thoại hoặc trợ lý giọng nói với phiên bản kỹ thuật số của một người không còn sống.

Bố mẹ ảo, kỷ niệm thật

Trong bài viết ngày 18-10, Charlotte Jee, biên tập viên tạp chí MIT Technology Review, nhớ lại một cuộc trò chuyện cách đây không lâu với bố mẹ mình. Đó là lần đầu tiên cô nghe ông bà trải lòng về thời thanh niên sôi nổi của họ: lần đầu tiên bố uống đến say, lần mẹ bị ông bà ngoại mắng té tát vì đi chơi khuya... và nhiều kỷ niệm thơ ấu vui buồn khác.

"Bố thấy mình tệ nhất ở điểm nào?" - Jee hỏi bố, nhân lúc tâm trạng ông có vẻ vui. "Điều tệ nhất ở bố là tính cầu toàn. Bố không chịu nổi thói luộm thuộm và bừa bộn, và điều này khiến bố luôn gặp thử thách trong cuộc sống, nhất là từ khi cưới phải mẹ Jane của con" - giọng người bố trả lời trước khi cười phá lên. "Trong thoáng chốc, tôi quên mất thứ đang trò chuyện cùng mình không phải là bố mẹ thật sự, mà chỉ là những bản sao kỹ thuật số của họ" - cô viết.

Cặp vợ chồng vui vẻ trò chuyện với Jee thực chất là những trợ lý bằng giọng nói ảo sống bên trong một ứng dụng di động do Công ty HereAfter AI (Mỹ) phát triển dựa trên nhiều giờ đồng hồ phỏng vấn bố mẹ thật của Jee - cả hai người đều còn sống và khỏe mạnh nhưng họ đồng ý tham gia thử nghiệm để con gái kiểm định khả năng của AI này.

Tạo bản sao ảo cho người đã khuất: chữa lành hay an ủi giả tạo? - Ảnh 2.

Ảnh: HereAfterAI

Ban đầu Jee chỉ xem đây là một dự án thú vị để xem công nghệ có thể làm được những gì, nhưng đại dịch ập tới đã làm cho mọi việc thêm phần cấp bách. "Tôi sợ rằng họ có thể chết, và với những hạn chế nghiêm ngặt ở bệnh viện vào thời điểm đó ở Anh tôi có thể không bao giờ có cơ hội nói lời từ biệt" - Jee nhớ lại.

Buổi phỏng vấn được tiến hành trực tuyến qua nền tảng Zoom vào tháng 12-2020. Nhân viên HereAfter AI lần lượt nói chuyện với bố và mẹ Jee trong suốt nhiều giờ về đủ mọi chủ đề để khai thác từ họ càng nhiều thông tin có thể có ích cho công đoạn tiếp theo càng tốt. 

Từ những phản hồi đó, công ty tiến hành ghép chúng lại với nhau để tạo ra AI bằng giọng nói với những đặc điểm riêng biệt của hai người. Vài tháng sau, Jee được thông báo bố mẹ ảo của cô đã sẵn sàng để trò chuyện. Jee đã không gặp mặt bố mẹ mình trong sáu tháng, cô hồi hộp đến phát run khi mở tập tin chứa trợ lý ảo mang giọng nói bố mẹ mình.

Sau phần "hướng dẫn sử dụng" được thuyết minh bởi chính mẹ chị (không nói xen khi AI chưa nói xong, và chỉ bắt đầu nói khi AI đã kết thúc bằng một câu hỏi...) được Jee đánh giá là nghe "khô cứng và kỳ cục", thì càng đi vào những chủ đề mang tính cá nhân có vẻ như giọng bà càng thư giãn và tự nhiên hơn.

Tuy nhiên, những gì AI có thể đối đáp dường như vẫn còn hạn chế loanh quanh trong những câu hỏi đã có dữ liệu từ cuộc phỏng vấn trước đó, ví dụ như khi Jee cố ý hỏi mẹ về món đồ trang sức yêu thích của bà, câu trả lời cô nhận được là: "Xin lỗi, mẹ không hiểu điều con vừa nói. Con có thể thử hỏi theo cách khác, hoặc chuyển sang chủ đề khác". Đôi lúc AI cũng hiểu sai ý Jee và trả lời không mấy ăn nhập: có lần cô than thở với bố "Hôm nay con buồn" thì người bố lại đáp với vẻ hớn hở: "Tuyệt!".

Trải nghiệm tổng thể của Jee là "kỳ lạ một cách không thể phủ nhận". "Có những thời điểm tôi phải tự nhắc mình nhớ rằng mẹ bằng xương bằng thịt của tôi không ở phía bên kia cuộc hội thoại" - cô nói thêm.

Tạo bản sao ảo cho người đã khuất: chữa lành hay an ủi giả tạo? - Ảnh 3.

Lưu giữ ký ức

Tưởng nhớ những người yêu thương đã qua đời là một mong muốn rất con người. Chúng ta vẫn làm điều này mà không có công nghệ: để ảnh bố mẹ đã mất trong ví, thăm mộ họ mỗi dịp giỗ chạp và nói chuyện với họ như thể họ đang hiện diện bên mình - dù những cuộc trò chuyện này luôn là một chiều. Grief tech muốn cải thiện điều đó.

Hồi tháng 6-2022, Amazon từng gây sốt khi chia sẻ đoạn clip một bé trai nghe kể chuyện Phù thủy xứ Oz qua giọng đọc của người bà quá cố do AI tái tạo dựa trên dữ liệu gốc dài chưa đến 1 phút chứa giọng thật của người bà ấy. 

Tờ San Francisco Chronicle năm ngoái đưa tin về một người đàn ông khoảng 30 tuổi đã nạp vào phần mềm AI các tin nhắn Facebook của vị hôn thê đã qua đời nhằm tạo ra một phiên bản chatbot mô phỏng cách nói chuyện của cô, và cuối cùng anh cảm thấy như chatbot đã "cho phép bản thân tiếp tục cuộc sống của mình", sau nhiều năm dày vò với mặc cảm tội lỗi và sầu muộn.

Năm 2016, Eugenia Kuyda cũng xây dựng một chatbot tương tự sau khi một người bạn tri kỷ qua đời bằng cách sử dụng các tin nhắn giữa hai người. Kuyda xem đó là một cách cực kỳ hữu ích để vượt qua nỗi đau của bản thân và cô vẫn trò chuyện với chatbot của người bạn đặc biệt cho đến hôm nay, nhất là những dịp sinh nhật và kỷ niệm ngày anh qua đời. 

"Tôi không muốn tạo ra một bản sao, mà chỉ là phương tiện lưu giữ những ký ức về anh ấy" - Kuyda giải thích. Về sau, Kuyda thành lập công ty khởi nghiệp Replika chuyên tạo ra những người bạn đồng hành ảo nhưng không dựa trên dữ liệu từ người thật.

Dù các công ty có gói dùng thử miễn phí, dịch vụ tạo bản sao AI người đã mất là không rẻ nếu người dùng muốn lưu giữ người thân bên mình lâu dài. Phiên bản không giới hạn cao cấp nhất của HereAfter AI có giá 8,99 USD/tháng. Trong khi đó, StoryFile ra mức giá 499 USD trả một lần dùng trọn đời cho gói dịch vụ cao cấp tương tự. Khi ra mắt vào năm sau, You, Only Virtual dự kiến sẽ có giá từ 9,99 - 19,99 USD/tháng.

Hạn chế và lạm dụng

Một trong những hạn chế lớn nhất của các giải pháp grief tech hiện tại là tính cá nhân hóa chưa cao. "Những bản sao này nghe giọng thì có vẻ giống người thân của bạn, nhưng họ không biết gì về bạn. Bất kỳ ai cũng có thể nói chuyện với họ và họ sẽ trả lời bằng cùng một giọng điệu như nhau" - MIT Technology Review nhận xét.

Công nghệ hiện tại chỉ tái tạo 1-1 từ nguyên mẫu, trong khi cách mỗi người chúng ta nhìn nhận mọi người khác là duy nhất, không ai giống ai. Đây là khía cạnh mà Công ty You, Only Virtual và một số start-up khác đang muốn đào sâu hơn.

Dịch vụ mà You, Only Virtual đang phát triển dự kiến ra mắt vào đầu năm 2023 sẽ cho phép người dùng xây dựng bot máy tính bằng cách tải lên tin nhắn, thư điện tử, và bản ghi âm các cuộc hội thoại mang tính cá nhân hóa cao với đối tượng mà mình nhắm đến. 

Nhà sáng lập Justin Harrison tiết lộ công ty cũng đang xây dựng một nền tảng truyền thông mà khách hàng có thể dùng để chat với người thân khi họ còn sống - khi đó tất cả dữ liệu hội thoại sẽ sẵn sàng để được chuyển hóa thành trợ lý ảo khi người này mất đi.

Một người đang đau buồn trước sự ra đi của người thân cũng cần nhớ rằng dù giống người thật đến đâu thì các công cụ chatbot này vẫn chỉ là một mảnh nhỏ ký ức của người thân mà họ biết. Chúng không có tri giác, và cũng sẽ không thể thay thế các mối quan hệ lành mạnh giữa người thật và người thật. "Bố mẹ bạn không ở đó. Bạn đang nói chuyện với họ, nhưng đó không thật sự là họ" - Erica Stonestreet, một tiến sĩ triết học chuyên nghiên cứu về nhân vị tính và bản dạng con người cảnh báo.

Tạo bản sao ảo cho người đã khuất: chữa lành hay an ủi giả tạo? - Ảnh 5.

Ảnh: HereAfterAI

Công nghệ grief tech còn có khả năng bị lạm dụng để tạo ra phiên bản ảo của những người còn sống với mục đích xấu mà không được họ cho phép. 

Điều gì có thể ngăn người yêu cũ tải nội dung tin nhắn giữa hai người lên phần mềm AI để tạo ra chatbot với cách nói chuyện y hệt bạn? 

"Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu biết rằng có một phiên bản ảo của bạn ở đâu đó ngoài kia nằm dưới sự kiểm soát của người khác" - Jee đặt giả thuyết.

Các công ty cung cấp dịch vụ này hiện có hỗ trợ xóa dữ liệu khi được chủ nhân yêu cầu, nhưng không có quy định nào bắt buộc họ phải thực hiện các bước sàng lọc cần thiết để đảm bảo công nghệ chỉ được áp dụng cho người đã mất hoặc người còn sống nhưng đã đồng thuận.

Như nhiều người, Jee không muốn nghĩ đến tình huống người thân của mình ra đi. Cô cảm thấy buồn khi phải nhờ một cuộc phỏng vấn giữa bố mẹ mình với một người xa lạ mà mình mới hiểu thêm về họ và có cái nhìn sâu hơn về hai đấng sinh thành. 

"Nhưng tôi cảm thấy may mắn vì ít ra đã có cơ hội nắm bắt được điều đó - và vẫn còn thời gian quý giá để dành cho bố mẹ và tìm hiểu thêm về họ một cách trực tiếp, chẳng cần công nghệ" - cô viết.■

307636754_514076390578518_8462081120711862438_n

Bà Marina Smith chào hỏi khách viếng tại lễ tang của chính mình.

Khách dự đám tang bà Marina Smith (87 tuổi) hồi tháng 6 năm nay đã được một phen hú vía khi thấy bà xuất hiện và trò chuyện với những người đến tiễn đưa mình. Tại tang lễ, khách viếng có cơ hội trò chuyện và đặt câu hỏi trực tiếp với hình ảnh 3D của "nhân vật chính" thay lời chia tay.

Đây là sản phẩm của start-up StoryFile, công ty do chính người con trai Stephen Smith của bà sáng lập. Để đưa bà Smith đến với đám tang của chính mình, StoryFile đã sử dụng 20 máy quay ghi lại cảnh bà trả lời khoảng 250 câu hỏi chuẩn bị sẵn trước khi qua đời. Cuối lễ, khi hình ảnh bà Smith nói lời sau cùng "Chắc đã đến lúc tôi phải đi rồi… Tạm biệt mọi người!", tất cả khách mời đều bật khóc.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận