Tập san khoa học “dỏm” và những vấn nạn

NGUYỄN VĂN TUẤN 15/03/2018 02:03 GMT+7

TTCT - Ngày nay, sự xuất hiện của các tập san khoa học “dỏm” (predatory journals) là một trong những đe dọa lớn nhất đến tính liêm chính của khoa học.

biếm họa

Rất nhiều nhà khoa học, đặc biệt tại các nước phát triển (không chỉ ở Việt Nam), đã và đang là nạn nhân của các tập san dỏm.

Những tập san chính thống

“Sản phẩm” của nghiên cứu khoa học thường là các bài báo được công bố trên các tập san có bình duyệt (peer-reviewed journals) hay sẽ gọi ngắn là “tập san khoa học”. Các tập san này phải phân biệt với các tạp chí không có bình duyệt (magazines).

Tập san khoa học thường do các hiệp hội chuyên ngành điều hành, nhưng do một nhà xuất bản quản lý. Hội đồng biên tập của các tập san này thường là những nhà khoa học nổi tiếng trong chuyên ngành (nhiệm kỳ thường là 5 năm). Tập san khoa học có truyền thống từ thế kỷ 17. Có thể xem tập san Philosophical Transactions of the Royal Society (xuất bản lần đầu năm 1665) của Anh là tập san khoa học đầu tiên trên thế giới.

Bên cạnh những tập san của các hiệp hội chuyên môn, còn có các tập san do các tập đoàn xuất bản khoa học điều hành và quản lý. Các tập san này thường không có hội đồng biên tập, nhưng các bài báo thì do các nhà khoa học bên ngoài bình duyệt.

Tiêu biểu cho nhóm này là các tập san trong ba tập đoàn xuất bản Nature, Springer và Elsevier (Nature sau này đã được Springer mua lại).

Hai nhóm tập san trên được xem là “chính thống”. Tính chính thống ở đây hiểu theo nghĩa được giới khoa học thế giới công nhận, hoặc do các hiệp hội chuyên môn điều hành và vận hành theo quy trình chuẩn. Theo quy trình chuẩn, các bài báo phải qua bình duyệt bởi các chuyên gia và kiểm tra trước khi công bố.

Tập san có tầm ảnh hưởng càng cao (như New England Journal of Medicine, Nature, Science, Cell) thì tỉ lệ từ chối bài báo càng cao, có khi lên đến 95%. Các tập san chuyên ngành khác thường có tỉ lệ từ chối dao động 10%-30%.

Tập san khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học và duy trì tính liêm chính của khoa học. Vai trò thứ nhất là diễn đàn để chuyển tải, chia sẻ thông tin khoa học và qua đó vừa duy trì vừa phát triển khoa học. Tập san khoa học là nơi các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu, chia sẻ ý tưởng và phương pháp từ thế hệ này sang thế hệ tiếp nối.

Gerard Piel (người đầu tiên xuất bản tạp chí Scientific American) từng nói một câu chí lý rằng nền khoa học sẽ chết nếu không có công bố (“Without publication, science is dead”).

Vai trò thứ hai là cung cấp chứng từ khoa học. Các bài báo khoa học và kết quả nghiên cứu được trình bày trong đó được xem là chứng từ khoa học để phục vụ các chính sách công, hay trong y khoa có thể dùng làm chứng cứ cho thực hành y học. Trong thực tế, các bài báo trên các tập san lớn như New England Journal of MedicineLancet có tác động làm thay đổi thực hành lâm sàng và chính sách y tế.

Vai trò thứ ba là người “gác cổng”, đảm bảo phẩm chất khoa học, không để những thông tin rác rưởi hay kém phẩm chất xuất hiện trên trang giấy. Tất cả bài báo đều phải qua bình duyệt bởi các chuyên gia trong chuyên ngành, để đảm bảo phẩm chất nghiên cứu đúng với chuẩn mực mà người trong chuyên ngành chấp nhận.

Vai trò thứ tư là “lăngxê” các nhà khoa học hoặc nhóm nghiên cứu khoa học đến cộng đồng khoa học thế giới. Thật vậy, qua các vai trò diễn đàn và người gác cổng, các tập san khoa học có thể giới thiệu những nhà khoa học có triển vọng hay tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh mới vào chuyên ngành có dịp tiếp xúc với các đồng nghiệp trước đây. Phần lớn các giải thưởng danh giá đều được giới thiệu qua các công trình trên các tập san khoa học.

Trên thế giới ngày nay có khoảng 100.000 tập san như thế và vẫn còn gia tăng. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 12.000- 20.000 được đưa vào danh mục nổi tiếng như Clarivate Analytics (xưa kia là ISI của Thomson) và Scopus của Tập đoàn xuất bản Elsevier.

Trong số này, các tập san trong danh mục Clarivate Analytics được xem là có uy tín và tầm ảnh hưởng cao. Do đó, các nhà khoa học có uy tín và thuộc các trường đại học có tiếng chỉ công bố bài báo trên các tập san trong danh mục Clarivate Analytics. Ngay cả khi đánh giá năng suất khoa học của một quốc gia, người ta cũng thường dựa vào cơ sở dữ liệu của Clarivate Analytics.

Tập san mở

Xuất bản khoa học là một kỹ nghệ... hái ra tiền. Mô thức xuất bản khoa học đã tồn tại gần 400 năm, nhưng vẫn không thay đổi. Theo mô thức này, nhà khoa học xin tài trợ, làm nghiên cứu, soạn bản thảo và nộp cho một tập san. Tập san khoa học gửi bản thảo ra ngoài để bình duyệt và dựa trên kết quả bình duyệt, ban biên tập quyết định chấp thuận hay từ chối bản thảo.

Trong quy trình đó, nhà xuất bản hoàn toàn không làm gì cả! Họ không trả tiền cho ban biên tập và các chuyên gia bình duyệt, vì tất cả thành viên ban biên tập đều làm việc thiện nguyện. Khi bài báo được chấp nhận cho công bố, tác giả phải trả phí cho nhà xuất bản. Và còn vô lý hơn nữa, bản quyền của bài báo thuộc về nhà xuất bản chứ không thuộc về tác giả!

Điều này có nghĩa là ngay cả khi tác giả muốn in lại một bảng số liệu hay biểu đồ cũng phải xin phép nhà xuất bản, và trong vài trường hợp phải tốn tiền để sử dụng các bảng biểu đó! Tỉ lệ lợi nhuận trên đầu tư của kỹ nghệ xuất bản khoa học còn cao hơn cả các tập đoàn như IBM và Apple.

Hầu như bất cứ ai cũng thấy sự vô lý của mô thức xuất bản khoa học truyền thống. Vào cuối thập niên 1990, một nhóm nhà khoa học Mỹ đứng ra kêu gọi thiết lập một mô thức công bố mới mà họ gọi là Open Access (Mở).

Theo mô thức mới, nhà khoa học chỉ cần trả ấn phí cho nhà xuất bản chính thống, bản quyền bài báo đó thuộc về nhà khoa học và bất cứ ai trên thế giới đều truy cập được. Một trong những nhóm thành công nhất là Public Library of Science với hàng loạt tập san nổi tiếng như PLoS Medicine, PLoS Biology, PLoS ONE...

Hàng loạt nhà xuất bản khác như BioMedCentral cũng theo mô thức của PLoS và rất thành công (sau này, BioMedCentral bị Springer mua lại). Ngay cả các nhà xuất bản truyền thống cũng có lựa chọn Open Access cho tác giả. Có thể nói rằng mô thức xuất bản Mở đã làm một cuộc cách mạng trong xuất bản khoa học hiện đại.

Các tập san mở như PLoS ONE (của Public Library of Science) và Scientific Reports (của Tập đoàn Springer-Nature) mỗi năm công bố trên 30.000 bài báo khoa học. Những tập san này cũng có thu nhập và lợi nhuận rất cao.

Nếu tính trung bình mỗi bài báo các nhóm xuất bản này lấy ấn phí 1.500 USD, thì mỗi năm chỉ một tập san có thể có thu nhập trên 45 triệu USD! Nhà xuất bản, như nói trên, không cần có nhiều nhân sự và chỉ cần đầu tư cho máy tính và công nghệ thông tin là có được một cơ sở xuất bản khoa học.

Kỹ nghệ xuất bản khoa học “dỏm”

Chính vì siêu lợi nhuận từ mô thức xuất bản trực tuyến mà nhiều nhóm và nhiều cá nhân trên thế giới đã thành lập nhà xuất bản và tập san khoa học. Bên cạnh những nhà xuất bản chính thống, còn xuất hiện rất nhiều cơ sở kinh doanh xuất bản dưới danh nghĩa “xuất bản khoa học” với những danh xưng cũng rất khoa học như “Journal“, “Archive”, “Trends”, “Proceedings”... Tất cả trạm xuất bản này đều tự xưng là tập san mở và đều in bài trực tuyến.

Những tập san này không thuộc một nhà xuất bản có tiếng nào, cũng chẳng thuộc một hiệp hội chuyên môn nào điều hành. Bất cứ ai, chỉ cần có máy tính nối mạng và với kỹ thuật làm website, đều có thể tạo ra một hay nhiều “tập san khoa học”.

Nói thẳng ra, đây là những tập san “dỏm” đúng theo nghĩa của nó, tức là không có tính chất học thuật, mà chỉ là các cơ sở làm tiền. Các trạm xuất bản này ngày càng biến hóa như vi khuẩn biến hóa, nên có khi rất khó phân biệt thật và giả.

Predatory journal, tập san khoa học dỏm, là thuật ngữ do ông Jeffrey Beall (thủ thư Đại học Colorado ở Denver) dùng lần đầu vào năm 2010, sau khi ông để ý thấy có nhiều email mời ông tham gia ban biên tập của những “tập san” mà ông chưa bao giờ nghe đến.

Sau đó, ông Beall lập một trang blog nổi tiếng với danh sách các “nhà xuất bản” và “tập san” mà ông xếp vào nhóm predatory, hoặc nghi ngờ thuộc vào nhóm predatory. Danh sách này đã giúp rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới phân biệt giữa thật và dỏm. Nhưng vào đầu năm 2017, ông Beall phải đóng cửa trang blog vì những đe dọa liên tục từ các trạm xuất bản dỏm trên thế giới.

Kỹ nghệ xuất bản khoa học dỏm đã và đang làm vẩn đục khoa học vì quy mô rất lớn của kỹ nghệ này. Trong một bài phân tích mới công bố trên BMC Medicine, các tác giả Phần Lan ước tính hiện thế giới có gần 12.000 tập san dỏm, xuất bản bởi 996 “nhà xuất bản”.

Con số này tương đương số tập san khoa học chính thống. Khoảng 27% những tập san dỏm này có trụ sở ở Ấn Độ, kế đến là các nước châu Á khác (12%), Bắc Mỹ (18%), châu Phi (5,5%) và không thể xác định địa điểm (27%).

Cần nói thêm rằng mặc dù “văn phòng” của những trạm này có thể chỉ là một nhà để xe hay một căn phòng nhỏ ở những nước vừa kể nhưng rất ma mãnh vì khi gửi email mời tác giả nộp bài báo, họ thường lấy địa chỉ văn phòng ở Mỹ hoặc các nước như Canada, Úc và châu Âu!

Chỉ trong năm 2014, các trạm xuất bản dỏm này đã công bố 420.000 bài báo khoa học, trong khi năm 2010 họ chỉ mới công bố được 53.000 bài. Khoảng 38% những bài báo thuộc nhóm “đa ngành”, kế đến là khoảng 23% thuộc ngành kỹ thuật (engineering), 17% là những bài liên quan đến y sinh học, 12% là kinh tế và khoa học xã hội.

Đa số tác giả của những bài báo này cũng tập trung ở châu Á. Gần 35% tác giả công bố trên các tập san dỏm là từ Ấn Độ. Phần còn lại là 26% từ các nước châu Á khác (ngoài Ấn Độ), châu Phi (16%), Bắc Mỹ (9%), châu Âu (9%).

Thời gian cần thiết để đăng một bài báo tính trung bình là khoảng 2 tháng, nhưng có không ít bài chỉ tốn 1 tuần. Các tập san chính thống có bình duyệt nghiêm chỉnh thì thời gian (nếu bình duyệt êm xuôi) từ lúc nộp đến công bố thường là 6 - 12 tháng; nếu bình duyệt khó khăn thì có thể kéo dài đến 2 năm.

Tính bình quân chi phí xuất bản mà các trạm xuất bản dỏm lấy từ tác giả là 178 USD đến gần 800 USD. Ước tính thị trường tập san dỏm trên thế giới có giá trị 74 triệu USD, còn thị trường các tập san mở chính thống là 244 triệu USD.

Phân biệt sao đây?

Phần lớn những trạm xuất bản dỏm rất tinh ranh, họ đặt tên tập san nhái theo tập san chính thống để nâng cao tính chính thống của họ. Chẳng hạn như tập san chính thống là Journal of Biological Chemistry thì chúng ta sẽ thấy bản nhái là “Journal of Biological Sciences”!

Những ai từng có kinh nghiệm công bố quốc tế thì việc nhận dạng tập san dỏm không quá khó khăn. Có vài nhóm tiêu chí giúp nhận dạng tập san dỏm: đặc điểm nhà xuất bản, ban biên tập và các khía cạnh “linh tinh” khác.

Thứ nhất, tập san dỏm thường được xuất bản bởi những “nhà xuất bản” đáng ngờ như chẳng có danh tiếng, không nằm trong hiệp hội xuất bản nào, không có địa chỉ đất (đường phố và thành phố rõ ràng), mà chỉ là trực tuyến và thường có địa chỉ ở một nước phương Tây nhưng toàn công bố bài ở các nước đang phát triển.

Thứ hai, ban biên tập lôm côm. Một tập san nghiêm chỉnh thường (không phải tất cả) là do các hiệp hội chuyên môn điều hành hay bảo trợ. Do đó, ban biên tập là các thành viên của hiệp hội và họ chỉ phục vụ theo nhiệm kỳ.

Ngược lại, các tập san dỏm thường chẳng có hiệp hội nào bảo trợ cả. Họ cũng có ban biên tập, nhưng thành viên ban biên tập là những người “vô danh” hoặc không có địa chỉ cụ thể, hoặc chưa bao giờ công bố nghiên cứu trên các tập san có uy tín cao. Có tập san dỏm có tổng biên tập cũng là chủ nhà xuất bản (vì “nhà xuất bản” chỉ có... một người)! Ngoài ra, có một số tín hiệu chung cũng có thể nâng cao mức độ nghi ngờ:

• Tên tập san chung chung, hay nhái theo tập san chính thống.

• Không có trong danh mục ISI, Scopus.

• Tổng biên tập không có thành tích khoa học tốt.

• Ban biên tập lôm côm, toàn những người vô danh.

• Bài báo kém chất lượng, tiếng Anh sai nhiều.

Nhưng nguy hiểm nhất là những tập san nằm ở biên giới của dỏm và thật. Đây là những tập san không do các nhà xuất bản danh tiếng xuất bản, nhưng có trong danh mục ISI do họ biết cách khai thác kẽ hở của tiêu chuẩn ISI.

Những tập san loại này cũng có những người có tiếng trong ban biên tập, nhưng họ không công bố trên các tập san đó. Chính vì những đặc điểm này mà những người công bố trên các “tập san mờ mờ tỏ tỏ” có lý do để biện minh cho sự chính thống của tập san và bài báo của họ. Và đây là những trường hợp làm giới quản lý khoa học rất nhức đầu để đối phó những ngụy biện.

Vấn nạn

Sự có mặt của tập san dỏm có tác động quan trọng đến các nước đang phát triển như Việt Nam. Đối với những nước có nền khoa học lâu đời và đã định hình, giới khoa học dễ dàng phân biệt dỏm với thật nên các tập san dỏm khó có thể gây tác động lớn.

Nhưng với các nước đang phát triển và áp lực công bố lớn, các tập san dỏm là sự nan giải cho giới quản lý khoa học vì họ thiếu kỹ năng và kinh nghiệm để phân biệt dỏm và thật. Trong thực tế, có khá nhiều nhà khoa học Việt Nam đã trở thành nạn nhân của kỹ nghệ xuất bản dỏm. Một số không biết mình là nạn nhân, nhưng số khác lại có vẻ muốn trở thành “nạn nhân”.

Người viết bài này từng đứng ra hòa giải cho một trường hợp ở trong nước: tác giả thì nói tập san là thật và đòi tiền thưởng, còn người quản lý thì nói là tập san dỏm và không cho tiền thưởng. Do đó, nếu người thiếu kinh nghiệm khoa học đọc lý lịch với danh sách bài báo khoa học trên các tập san tiếng Anh, rất khó có thể biết bài nào là công bố trên tập san chính thống và bài nào trên tập san dỏm. Không phân biệt được thì dễ bị nhầm lẫn bởi những người làm khoa học dỏm.

Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý khoa học đặt điều kiện về công bố quốc tế cho giới khoa học, với một danh sách những tập san cụ thể cần phải tránh và những tập san được công nhận. Làm được như thế sẽ góp phần giảm tình trạng “ô nhiễm” khoa học.■

Kỹ nghệ xuất bản dỏm không quan tâm đến nội dung và đây là một ví dụ:

Các tập san khoa học dỏm thường gửi email rác đến các tác giả để quảng bá và mời đăng bài. Một nhà khoa học máy tính người Úc (tiến sĩ Peter Vamplew) khó chịu với những đợt tấn công của các tập san dỏm, nên ông đã viết một “bài báo khoa học” mà chỉ có 7 chữ “Get me off your fucking mailing list” (hãy bỏ tên tôi khỏi cái danh sách email chết tiệt của bạn) được lặp đi lặp lại suốt gần 10 trang giấy. Ông gửi “bài báo” cho tập san dỏm International Journal of Advanced Computer Technology và ngạc nhiên thay, chỉ vài ngày sau thì bài báo được chấp nhận cho công bố!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận