Telegram đã thành vùng đất tối thế nào

TỊNH ANH 03/09/2024 15:29 GMT+7

TTCT - "Cuối cùng thì quyền riêng tư quan trọng hơn nỗi sợ về những điều tồi tệ xảy ra, như khủng bố chẳng hạn". Với quan điểm đó, nhà sáng lập Pavel Durov đã để Telegram là miền tây hoang dã của mạng xã hội.

Telegram đã thành vùng đất tối thế nào - Ảnh 1.

Ảnh: Mashable

"Cuối cùng thì quyền riêng tư quan trọng hơn nỗi sợ về những điều tồi tệ xảy ra, như khủng bố chẳng hạn". Với quan điểm đó, nhà sáng lập Pavel Durov đã để Telegram là miền tây hoang dã của mạng xã hội, hay "lựa chọn hàng đầu của ma túy, súng đạn và mọi thứ bất hợp pháp khác", như mô tả của tạp chí Fortune.

Durov tin rằng chính phủ không nên kiểm duyệt những gì người ta nói hoặc làm trên Internet, và với cam kết với tự do ngôn luận đó, tỉ phú 39 tuổi đã xây dựng Telegram trên tinh thần chống lại chính quyền và chống thiết chế (anti-establishment, chống lại những nguyên tắc truyền thống của xã hội). 

Chính điều này mới khiến Telegram phổ biến với những người có "mưu đồ", chứ không phải các tính năng bảo mật, mã hóa của nó. Thậm chí, các chuyên gia bảo mật còn cảnh báo rằng Telegram - với công nghệ mã hóa riêng và không công khai cho bên ngoài kiểm nghiệm - có thể không bảo mật như quảng bá.

Vùng đất xám

Telegram cơ bản là một ứng dụng nhắn tin như iMessage hoặc WhatsApp, nhưng người dùng cũng có thể tạo nhóm lên tới 200.000 thành viên và kênh broadcast để phát nội dung. Theo The New York Times, các tính năng này đặc biệt phổ biến với người dùng ở Ukraine, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Nga. 

Người dùng Telegram liên tục tăng vì ứng dụng này đi ngược với các nền tản nhắn tin khác: trong khi WhatsApp tăng cường kiểm duyệt nội dung, giảm kích thước nhóm nhằm chống lại thông tin sai lệch thì Telegram vẫn cứ phây phây.

Người dùng có ba cách khai thác các tính năng của Telegram: trò chuyện cá nhân 1-1, mã hóa đầu cuối; tạo nhóm để lôi kéo, chiêu dụ cá nhân cùng chí hướng cho các mục đích cực đoan; mở kênh và đăng tải nội dung cực đoan công khai mà không sợ bị kiểm duyệt. 

Không gian nội dung trên Telegram là một vùng xám, giữa công khai và riêng tư: nội dung của nó không xuất hiện trên Google và chỉ ai đã "vào nhóm" mới có thể tiếp cận, cấm cửa người ngoài.

Những khả năng này, kết hợp với sự kiểm duyệt tối thiểu của ứng dụng, đã khiến Telegram trở thành nơi trú ẩn cho các cá nhân và nhóm bị cấm trên các nền tảng khác như X (Twitter) và Facebook. 

Chẳng hạn, Patriotic Alternative, một nhóm được cho là truyền bá chủ nghĩa Tân Quốc xã, có gần 7.000 thành viên và nhóm ngưỡng mộ Hitler Mark Collett có tới 20.000 người tham gia trên Telegram, trong khi cả hai đều bị X cấm.

Telegram đã thành vùng đất tối thế nào - Ảnh 2.

Founder và CEO Telegram Pavel Durov tại một sự kiện năm 2016. Ảnh: Reuters

Telegram từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp thế giới vì các tổ chức khủng bố, người bán ma túy, kẻ buôn bán vũ khí và các nhóm cực đoan cực hữu đã sử dụng nó để liên lạc, tuyển dụng và tổ chức. 

Gần đây nhất, Telegram đã góp phần lan truyền các cuộc bạo loạn chủng tộc ở Anh sau vụ đâm dao ở Southport. Người dùng Telegram phát tán các hình ảnh khiêu khích để kêu gọi những người ủng hộ cực hữu xuống đường.

Mặc dù Telegram cũng có gỡ bỏ nội dung, chẳng hạn liên quan tới ấu dâm hay những bài viết kích động bạo lực quá công khai, song Durov vẫn được coi là "thiếu hợp tác" trong mắt cảnh sát và chính phủ nhiều nơi. 

Việc ông lỏng tay trong việc kiểm soát nội dung trên Telegram đã gây nhiều bất bình. Rob Wainwright, giám đốc Europol, từng nói với báo The Times (Anh) năm 2017 rằng Telegram đang "gây nhiều cản trở" cho các chiến dịch chống khủng bố, vì "chỉ hợp tác ở mức kém xa Facebook, Twitter và các nền tảng khác".

Tính chất "riêng tư hàng đầu" của Telegram hạn chế tác động của việc kiểm duyệt. Một nhóm chat có thể có 100.000 thành viên, nhưng trừ phi có người "nằm vùng", không người ngoài cuộc nào có thể nhìn thấy nội dung vi phạm để báo cáo. Mà có báo cáo thì chưa chắc Telegram xử lý ngay.

Sự thật "Telegram an toàn"

Trong công nghệ nhắn tin, phương thức bảo mật cơ bản là mã hóa. Ở mức tối thiểu, gần như ứng dụng nào cũng có, dữ liệu giữa thiết bị của người dùng và máy chủ sẽ được mã hóa. Nghĩa là có ba bên có thể truy cập. 

Giả sử dịch vụ đứng giữa tò mò hay có ý đồ xấu, những gì người dùng chia sẻ với nhau rõ ràng có thể bị lộ. Ngay cả khi nhà cung cấp hoàn toàn tử tế, không có mưu đồ gì, rủi ro vẫn còn: tin tặc xâm nhập đánh cắp dữ liệu.

Mã hóa đầu cuối sẽ giải quyết được mọi thứ: cả rủi ro mất an toàn dữ liệu lẫn vấn đề niềm tin. Thông tin sẽ được mã hóa ngay trên thiết bị của người gửi, và chỉ có thể giải mã khi "cập bến" thiết bị người nhận. Máy chủ của nền tảng nhắn tin chỉ chuyển qua lại các thông tin mã hóa và dù là "chủ nhà" cũng không thể can thiệp.

Telegram có mã hóa đầu cuối, đúng vậy, nhưng đáng nói là đấy không phải tính năng mặc định - có sẵn, người dùng không cần phải thao tác gì. Trái lại, thứ tưởng như "điểm ăn tiền" để thu hút người dùng lại được ứng dụng này cài cắm nhiều điều cắc cớ.

Telegram đã thành vùng đất tối thế nào - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Cụ thể, Telegram có hai kiểu tin nhắn - thường và bí mật, và chỉ có tin nhắn bí mật mới có mã hóa đầu cuối. "Không ứng dụng nào làm vậy cả; ngay cả WhatsApp, thuộc đế chế "đói" dữ liệu của Mark Zuckerberg, cũng cho mã hóa đầu cuối là mặc định, chẳng phải tích vào đâu hay làm thêm gì cả. Các tin nhắn được bảo vệ hoàn toàn khỏi người ngoài (kể cả chủ nền tảng)" - chuyên gia Alanna Titterington viết trên blog hãng bảo mật Kaspersky.

Một người dùng lo ngại bảo mật, bị mất dữ liệu mới chuyển sang Telegram sẽ không biết rằng tin nhắn của họ gửi đi chẳng được mã hóa an toàn như lời quảng cáo. Và không có thông báo nào gợi ý hay nhắc nhở họ về chuyện đó. 

Theo Titterington, muốn chuyển qua "tin nhắn bí mật" để có mã hóa đầu cuối thì cũng không dễ, do lẽ "nút bật tính năng này được giấu kỹ nhất có thể". Nó không nằm sẵn trên giao diện chat, mà phải qua nửa tá bước: phải bấm vào trang hồ sơ của người nhận, mở menu, dò từ trên xuống dưới mới thấy chỗ bật mã hóa đầu cuối.

Để có thể nhắn tin mã hóa an toàn, người dùng Telegram cũng phải đánh đổi: chat bí mật thì không được dùng emoji hay ghim tin nhắn quan trọng lên đầu. Cái này tính ra cũng không có gì lớn, nhưng vấn đề là các "đối thủ" như WhatsApp xử lý gọn hơ - chat công khai hay bí mật gì thì cũng không bị mất tính năng.

Ngoài ra, mã hóa đầu cuối chỉ áp dụng cho chat 1-1, tức giữa hai người với nhau; các nhóm chat sẽ không được tính năng này bảo vệ. Nói cho ngay, mã hóa đầu cuối cho nhóm chat khá thách thức về mặt kỹ thuật, song không phải là bất khả thi. Thực tế là WhatsApp, Signal và Threema đều có mã hóa đầu cuối cho nhóm chat.

Tóm lại, về lý thuyết Telegram là kênh liên lạc bảo mật, nhưng có rất nhiều "dấu hoa thị", phụ chú mà ít người dùng nào biết. Lẽ thường, người dùng rất ít khi mày mò, đào sâu các tùy chỉnh, cứ theo mặc định mà dùng cho nhanh, nghĩa là chat không bảo mật mà cứ ngỡ an toàn. 

Nhưng Telegram vẫn nổi, vì như đã nói, là nhờ không can thiệp, kiểm soát nội dung, chứ không phải giúp giữ kín thông tin chia sẻ của người dùng.

Telegram do Pavel Durov và em trai Nikolai Durov thành lập ở St. Petersburg năm 2013. Bộ đôi cũng đồng sáng lập Vkontakte (VK), một mạng xã hội kiểu Facebook, vào năm 2006. Khi rời Nga năm 2014, Durov bán phần sở hữu của mình ở VK và trực tiếp điều hành Telegram.

Nikolai là người viết thuật toán mã hóa cho Telegram và giới chuyên gia vẫn luôn đặt câu hỏi về chất lượng của thuật toán độc quyền này. Trong một video lan truyền hồi tháng 6, Pavel Durov thừa nhận mình là "giám đốc sản phẩm" duy nhất của Telegram và cả công ty chỉ có "khoảng 30 kỹ sư". Con số nhỏ bé này lại càng khiến giới bảo mật bất an hơn.

Eva Galperin, giám đốc an ninh mạng tại Electronic Frontier Foundation, nhấn mạnh cần nhớ Telegram còn như một mạng xã hội, thay vì chỉ là ứng dụng nhắn tin đơn thuần. Đó là điều khiến Telegram khác biệt, nhưng cũng làm mọi chuyện tệ hơn.

"Là một nền tảng mạng xã hội, Telegram đang nắm giữ một lượng lớn dữ liệu người dùng. Thực tế, nó đang nắm giữ toàn bộ nội dung của tất cả các giao tiếp không phải là tin nhắn 1-1 được mã hóa đầu cuối. 30 kỹ sư có nghĩa là không có ai để đối phó với các yêu cầu pháp lý, không có cơ sở hạ tầng để xử lý các vấn đề lạm dụng và kiểm duyệt nội dung" - Galperin nói với TechCrunch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận