Tết đến lại lo... "mừng tuổi"

BÙI HỮU CƯỜNG 24/01/2011 08:01 GMT+7

TTCT - Mừng tuổi là phong tục tặng tiền nhân ngày Tết Nguyên đán với ý nghĩa chúc sức khỏe, may mắn và đem lại niềm vui cho mọi người, đặc biệt đối với trẻ em.

Từ mỹ tục...

Ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... thì mừng tuổi là một phong tục đẹp được lưu giữ từ nhiều đời nay mỗi dịp tết đến xuân về. Chữ “lì xì” chính là cách phát âm theo tiếng Quảng Đông của từ “lợi thị” nghĩa là tiền bạc, lợi lộc.

Tục mừng tuổi đầu năm xuất phát từ Trung Hoa. Người xưa gọi tiền mừng tuổi là “áp tuế tiền”, đó là những đồng tiền được xâu lại, cột bằng sợi chỉ đỏ theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở chân giường hoặc cạnh gối với mục đích chống ma quái, bảo vệ giấc ngủ yên lành cho con trẻ... Thời gian trôi, những đồng tiền được gói trong giấy đỏ và trở thành phong tục mừng tuổi đầu năm với ý nghĩa mang lại niềm vui, may mắn cho mọi người. Ngày xưa người dân thường lấy chỉ đỏ xuyên qua những đồng tiền để tặng nhau nhân ngày tết ngụ ý chúc “sống lâu trăm tuổi”. Họ còn xuyên thành hình thú mang ý nghĩa tốt lành như cá chép, rồng, hình chữ “như ý”... với ngụ ý chúc nhau được no đủ, dư thừa.

... đến lạm dụng

Mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng giờ đây không ít người đã phải thật sự “đau đầu” mỗi khi chuẩn bị những phong bao mừng tuổi trong mấy ngày tết!? Vì sao một truyền thống hàm chứa biết bao ý nghĩa tốt lành mỗi dịp xuân về lại trở thành nỗi ám ảnh của bao người? Tuy nhiên, đó không chỉ là “nỗi niềm” của riêng những gia đình khốn khó, mà đang trở thành một chuyện đáng bàn của nhiều người.

Trước kia, vào sáng mồng một tết, tất cả con cháu trong gia đình tụ tập trước bàn thờ gia tiên cùng nhau mừng tuổi ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi... Đồng thời ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị ít tiền mừng tuổi cháu con luôn chăm ngoan, học giỏi. Vì thế những đồng tiền mừng tuổi này chỉ mang tính tượng trưng với ý nghĩa hết sức đẹp đẽ, lớn lao! Nhưng ngày nay, tục mừng tuổi dường như đã bị lợi dụng, biến thành dịp để thể hiện những ý đồ không đẹp nữa. Người ta không còn “mừng tuổi” bằng những đồng tiền nhỏ mang tính tượng trưng với ý nghĩa cầu chúc may mắn, thay vào đó là những đồng tiền có mệnh giá lớn, có khi cả những đồng ngoại tệ mạnh hay táo bạo hơn, có những vị còn mừng tuổi cho con “sếp” những món hàng giá trị vài chục triệu đồng. Bởi thế ở chừng mực nào đó đã làm trẻ con phân hóa và việc nhận tiền mừng tuổi không còn vô tư như trước.

Ngày tết, lũ trẻ chỉ chăm bẳm việc “thu hoạch” được nhiều tiền và so bì người này tốt, sống “thoáng”; còn kẻ kia keo kiệt, giữ của... Thế nên với không ít người, mừng tuổi đã trở thành nỗi “kinh hoàng”, có người còn sợ đến nỗi không dám đi thăm bạn bè vào những ngày tết. Có gia đình con cái lớn hết cả sau mấy ngày tết tổng kết lại thì “lỗ vốn”. Có người phải thốt lên khi “tổn thất nặng nề” chuyện mừng tuổi ngày tết.

Từ một phong tục tốt đẹp, lâu nay người lớn chúng ta đã vô tình biến nó thành một sự lạm dụng của những ý đồ không tốt, biến tiền mừng tuổi trở thành một phương tiện nhằm mưu cầu những mục đích và tai hại hơn, làm con trẻ bị ảnh hưởng xấu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận