Tết như một nghi lễ

ĐỨC ĐỖ 22/01/2023 09:54 GMT+7

TTCT - Tết là một nghi lễ rộng lớn, có vuông tròn, trên dưới, mặn ngọt ngũ vị thế gian đủ cả. Nhưng còn hơn thế...

Đấy là một dịp để cho nhau thấy đằng sau những tập tục tặng quà, lì xì hay mời nhau bữa ăn thực sự là lòng cảm thông giữa con người với nhau, một thứ năng lượng không hình hài nhưng lại là cái hồn của Tết.

Tết như một nghi lễ - Ảnh 1.

Ảnh: CP

TẾT ĐẾN TỪ NGHI LỄ TRI ÂN

Ngày cúng ông Táo, thời tiết xứ Úc nóng hầm hập, tôi sửa mâm cúng hoa quả bánh kẹo đơn giản. Dọn dẹp lau chùi bếp cho sạch sẽ.

Tục cúng ông Táo, người vô thần thì coi là mê tín, người thì bán tin bán nghi, nhưng tặc lưỡi, thôi người ta làm thì mình cũng làm, chả mất gì. Người cúng ông Táo do không theo ai, mà cũng chẳng cầu gì, không vô thần mà cũng chả mê tín, e chẳng có mấy ai.

Cúng ông Táo thật ra là một nghi lễ của cổ nhân. Cũng như lễ sinh nhật vậy, bản chất là một nghi lễ. Nghi lễ nào cũng như củ hành, có lớp lang thứ tự cả. Lớp ngoài của nghi lễ là câu chuyện thần linh, là Táo cưỡi cá chép về tâu Ngọc Hoàng. Lớp trong là ý để nội trợ trong nhà được vài tuần nghỉ ngơi, cả năm đã bận rộn chuyện bếp núc rồi.

Khổ nỗi, người làm nội trợ đến mùa Tết nhất thì nhiều khi phát sốt phát rét vì nấu nướng, nào có được thong dong. Cho nên người ta thực hành nghi lễ có khi chỉ biết lớp ngoài mà bỏ qua lớp trong. 

Lớp lõi của nghi lễ mới là trọng tâm, nhưng người ta nhiều khi quên mất, vì nó là một thứ thầm lặng, không hành vi, không hình hài. Đó là lòng tri ân, dùng thần linh như một biểu trưng chuyển tải thông điệp, không khác hành thiền có đối tượng để trụ tâm. 

Qua lớp lõi của nghi lễ cúng ông Táo, gia chủ chuyển lòng biết ơn đến Toàn Thể về một năm sắp qua và một năm nữa sắp đến.

Lòng tri ân, theo truyền thống của ông bà, là vô điều kiện. Không phải năm nào gió mưa thuận lành thì mới tri ân, mà cả khi bão tố bệnh tật nghiệp chướng ập đến, lòng tri ân đó vẫn không xoay dịch. Ý là thuận cảnh thì nâng niu mà nghịch cảnh thì rèn luyện, như có gió táp mưa sa thì mới tôi luyện cho cây được độ cứng cáp dẻo dai, không cứ nắng dịu gió mát phân tưới ê hề thì mới có lợi cho cây.

Tâm thế được như vậy thì trọn vẹn ba vỏ nghi lễ của việc cúng ông Táo. Nếu không thì dù mâm cỗ có thịnh soạn đến mấy, dù cá chép có béo đến đâu mà có hoá rồng chăng nữa mà người nội trợ cứ bã ra trong mệt mỏi, mà trong tim không ngập tràn lòng tri ân vô điều kiện, thì nghi lễ đó chỉ được phần hình thức, thiếu hẳn phần nội dung.

Tết như một nghi lễ - Ảnh 2.

TẾT ẤU THƠ 

Những năm niên thiếu tôi đã trải qua nhiều Tết bắc Tết nam. Những cái Tết mưa lất phất, lên Nhật Tân lựa đào, về ngong ngóng ông ngoại chia cho bánh pháo tép và quả pháo đùng. Phần pháo cho các cháu như vậy, ông chia đều, không phân biệt cháu trai cháu gái, đứa lớn đứa nhỏ. Thèm đốt pháo quá, chúng bạn rủ lên mua thuốc súng gần Nghi Tàm, về tự nhồi cuốn pháo cối.

Thời đó làm gì có tiêu chuẩn an toàn, trẻ con trong xóm có đứa đang lấy đinh nhồi thuốc súng vào vỏ pháo thì nổ, đui cả mắt, điếc cả tai. Đêm ba mươi, cả nhà thức đêm trông cái phuy nấu bánh chưng ở giữa sân, trẻ con là thích nhất, lâu lâu lại hý hoáy thẩy quả pháo tép vào than hồng.

Mẹ thì đã dỡ cánh cửa để sẵn đó làm phản, để bánh chưng chín thì dùng để nén cho dền. Thùng phuy thì tám phần bánh mặn, hai phần bánh nhân đường, gói cho cả họ và cả những người quen.

Đấy là mới có bánh chưng, còn hành kiệu, giò chả, gà vịt, bao món khác nữa. Người nội trợ mùa Tết làm không ngơi tay. Mà người đứng bếp thì nấu xong đã ngán, ăn đâu còn thấy ngon, nhiều khi ngày Tết chỉ thèm bát canh mồng tơi với quả cà pháo.

Tôi thấy Tết nhất ở Việt Nam, người háo hức nhất là đàn ông và trẻ con. Phụ nữ thường đứng bếp, trước Tết có háo hức rồi cũng lại vùi đầu vào nấu nướng, ngóc đầu lên sau cúng tất niên thì nhàn được một chút vào dịp khách khứa đến nhà, khi khâu chuẩn bị đã tươm tất. Nếu gặp ông chồng khó tính thì có khi quần quật cả Tết. Toàn chuyện không tên, nấu nướng với dọn dẹp.

Tôi học trung học trong Sài Gòn, cái Tết ở đấy phải có bánh tét dưa món củ kiệu. Mẹ tôi lúc đó cũng đã ít chuẩn bị cỗ Tết, nhà neo người, bà cũng đã ngại làm, thường mua đồ làm sẵn. Nhưng mẹ người bạn tôi và cô con gái thì đúng là quần quật hai tuần trước Tết, năm nào cũng vậy. Cái gì cũng tự làm, vẫn chỉ quanh quẩn bánh tét dưa món củ kiệu, gặp bác trai khó tính, làm phải ngon vừa miệng và đủ số lượng cho các lượt khách đến nhà. Làm trái ý một chút là ông la. Cả hai mẹ con cứ thế mà lăn ra. Không khí xuân thì cũng vui cũng háo hức đấy, nhưng ai mà không ngấy cái vụ lăn xả vào bếp triền miên như vậy. Không lẽ nào một chuyện giản đơn như vậy mà ông cũng không hiểu vợ hiểu con.

TẦNG SÂU HƠN CỦA NGHI LỄ TẾT

Tết là một nghi lễ lớn hơn, rộng hơn nghi lễ cúng ông Táo, có vuông tròn, trên dưới, mặn ngọt ngũ vị thế gian đủ cả. Mà nghi lễ về cấu trúc đều giống nhau, có lớp ngoài, lớp trong và lớp lõi. Nếu như chúng ta đã quen và vui với những hành vi và hiện vật ở lớp ngoài - những thứ như ăn uống, vui chơi, quà cáp, thăm hỏi - thì âu rằng trọn vẹn được lớp trong để cho người nội trợ được nghỉ ngơi thong dong vài ngày thì đẹp biết bao.

Rồi còn để cho nhau thấy đằng sau những tập tục tặng quà, lì xì hay mời nhau bữa ăn thực sự là lòng cảm thông giữa con người với nhau, một thứ năng lượng không hình hài nhưng lại là cái hồn của Tết.

Như vậy cũng như thay lời chồng cảm ơn vợ, con cái cảm ơn mẹ. Hoặc giả gặp nhà nam giới làm nội trợ chính thì vợ cảm ơn chồng, con cái cảm ơn cha. Vui chơi Tết, thăm hỏi gia đình bạn bè trong sự đầm ấm của không khí xuân, mà tâm lại thường trụ trong lòng tri ân – gần thì tri ân gia đình bạn bè, xa thì tri ân các vật thực hoàn cảnh - xa được sự chi phối của thế giới vật chất, thì nghi lễ Tết lại càng tròn trịa.

Làm được chuyện đó không khó, ai cũng làm được, chỉ cần luôn tỉnh thức. Được như vậy, Tết hay không Tết, lòng người lúc nào cũng hướng về Tết và vui như Tết, không hay vướng vào những hỷ nộ ái ố hay khiến người ta muộn phiền. 

Nghi lễ Tết đơn giản chỉ có vậy, những chuyện khác như lên chùa cúng lễ cầu may hay phải nấu món này món nọ chỉ là tập tục, vui thì làm cho có không khí, không làm thì Tết vẫn đến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận