TTCT - Quản trị và hành chính công cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phải “số hóa” và trang bị thêm kỹ năng, kiến thức công nghệ là đòi hỏi chính đáng của chính phủ và “cả người đầy tớ nhân dân”. Biên giới mở rộng Các tiến bộ công nghệ mang đến một ngành kinh tế mở, linh hoạt, phi biên giới và dựa trên tri thức cho các quốc gia, cho phép cơ quan công quyền kiểm soát và điều hành lĩnh vực của mình nhanh chóng và hiệu quả. Đương nhiên ngay cả quốc phòng và an ninh quốc gia cũng hưởng lợi rất nhiều từ tiến bộ khoa học công nghệ. Song ở chiều ngược lại, như David Lye, giám đốc Công ty tư vấn Sami Consulting (Anh), viết trên Brink News ngày 2-2, trong thời bùng nổ công nghệ, các chính phủ ngày càng trở nên “bất lực” trước các siêu tập đoàn (megacorporation), hay còn được gọi là Exponential Organizations (ExO - Các tổ chức phát triển theo cấp số mũ) trong quyển sách cùng tên của Salim Ismail. Các ExO tiêu biểu là Facebook, LinkedIn, Uber và Airbnb - những công ty công nghệ phủ sóng toàn cầu, thay đổi bản chất của ngành nghề mà nó hoạt động, đồng thời đặt ra các thách thức về quản lý và thu thuế cho chính quyền ở mỗi nơi những dịch vụ này có mặt. Lye chỉ ra nhiều vấn đề khác mà chính phủ không thể phủ nhận: người ta ngày càng tận dụng công nghệ để tìm sự tự trị - tách rời quản lý và kiểm soát chính phủ, và vì thế thách thức cho quyền lực của cơ quan công quyền. Đơn cử, những cộng đồng chỉ xuất hiện trong thời công nghệ như tiền ảo Bitcoin cho thấy người ta thích tự trao đổi tiền bạc với nhau thông qua một kênh không chính thức hơn là hệ thống ngân hàng chính thống. Và ngay từ những chuyện nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến chính phủ “mất điểm” với người dân trong thời công nghệ. Một khảo sát trên giới bác sĩ ở Anh năm 2016 chỉ ra rằng “lời than phiền phổ biến nhất từ bệnh nhân hiện nay là ở bệnh viện không có WiFi”. “Điều này có nghĩa nếu chính phủ và các cơ quan chức năng nắm bắt các xu hướng công nghệ quá chậm chạp, họ sẽ không thể điều hành các dịch vụ công hiệu quả nữa” - Lye kết luận. Thật vậy, tránh trở nên lạc hậu trước làn sóng phát triển công nghệ vũ bão của cách mạng 4.0 chính là thách thức tiếp theo của chính phủ. Trong thế giới số ngày nay, nền kinh tế toàn cầu định nghĩa bằng đường biên quốc gia và quốc tịch của các thành phần tham gia nền kinh tế đã trở nên vô nghĩa và lạc hậu. Nhờ Internet, ngày nay cả những công ty nhỏ bé nhất cũng có thể bán hàng xuyên quốc gia, có mạng lưới khách hàng toàn cầu. Một hợp đồng kinh tế có thể do nhiều đối tác từ nhiều quốc gia khác nhau đặt bút ký, mọi giao dịch, thương thảo đều thực hiện qua mạng, ai ở đâu thì cứ ngồi đó, bật máy tính lên và vào Internet. Chính phủ làm sao có thể mong đợi người dân phải lặn lội đến từng cơ quan chức năng khi họ đang tận hưởng sự thoải mái, “vi vu trên mạng” như thế? Câu trả lời không thể khác hơn là giải cho được bài toán chính phủ điện tử. Chính phủ đang đứng trước những thách thức là thế, còn người công chức thì sao? Mất việc vào tay robot có thể xem là thử thách lớn nhất. Cuộc cách mạng 4.0 đã đưa robot vào thay chỗ con người không chỉ ở các nhà máy, công xưởng, mà còn sau tay lái xe hơi, trong các văn phòng, trung tâm chăm sóc khách hàng, và rồi sẽ đến lúc robot “xâm lăng” đến các văn phòng trong tòa thị chính. Thực tế, báo cáo công bố đầu tháng 2 của Tổ chức học giả Reform (Anh) dự báo đến năm 2030, 130.000 viên chức làm việc ở tòa nhà chính phủ Whitehall (tức 90% nhân sự hiện tại) sẽ mất việc vào tay robot, giúp tiết kiệm 2,6 tỉ bảng tiền lương cho ngân sách. Nếu tính cả những lĩnh vực công khác, vốn cũng đã áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), con số sẽ còn lớn hơn. “Những tiến bộ công nghệ (khiến con người thất nghiệp) có thể gây tranh cãi nhưng rõ ràng nó giúp dịch vụ công tốt hơn, an toàn hơn, thông minh hơn và rẻ hơn” - đồng tác giả báo cáo của Reform, Alexander Hitchcock, đưa ra giải thích khó có thể phản bác được. Các chính phủ đang “số hóa” ra sao? Để trụ lại được trước cuộc đào thải nghề nghiệp đang đến rất gần, rõ ràng công chức phải tự nâng cao kỹ năng và trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng mới cần thiết. Thật may là giới công chức nước Anh đã có ngay vị cứu tinh trước khi viễn cảnh đáng sợ trên thành hiện thực. Ngày 8-2, Microsoft công bố chương trình Digital Skills Program (Kỹ năng số) với mục tiêu đào tạo các kỹ năng như điện toán đám mây, AI và các công nghệ tiên tiến khác cho khoảng 30.000 nhân viên công quyền khắp nước Anh. Người công chức “thức thời” có thể tận dụng những chương trình như của Microsoft nói trên để nâng cấp bản thân ngay từ lúc này để có thể tiếp tục phục vụ nhân dân. Trong khi đó, chính phủ cũng cần phải “số hóa”, chuyển dần sang mô hình chính phủ điện tử để giải quyết được các thách thức của cách mạng 4.0. David Lye trong cùng bài viết trên Brink News kể trên chỉ ra bốn lĩnh vực chính phủ cần ưu tiên để tận dụng được hết cơ hội của cách mạng 4.0: (1) hiểu rõ cơ hội và thách thức do cuộc cách mạng này mang đến; (2) đảm bảo quốc gia có cơ sở hạ tầng đủ đáp ứng các tiến bộ khoa học công nghệ, đồng thời sẵn sàng cho nguy cơ bị tấn công mạng; (3) nhận thức rõ vai trò của chính phủ trong thời đại số phải thế nào; và cuối cùng (4) đảm bảo trật tự xã hội trước các “đứt gãy” có thể xảy ra, như thị trường lao động biến đổi hoặc thay đổi trong phân phối tài sản. Vậy khi nào thì các chính phủ nên bắt đầu “chuyển mình” sang hướng số hóa? Với nước Anh, câu trả lời là ngay bây giờ. Ngày 22-2, Chính phủ Anh công bố Chiến lược chuyển đổi (Transformation Strategy) gồm 5 mục tiêu chính nhằm hướng đến đích cuối cùng là hiện đại hóa chính phủ với công nghệ robot và AI. Theo trang Information Age, 5 mục tiêu của chương trình là chuyển đổi kinh doanh; phát triển con người, kỹ năng và văn hóa; xây dựng công cụ, quy trình và quản trị tốt hơn cho công chức; tận dụng dữ liệu tốt hơn và tạo ra các nền tảng chia sẻ. “Chiến lược chuyển đổi bao gồm các cam kết nhằm định hình lại chính phủ theo hướng bảo đảm hàng triệu người có thể truy cập các dịch vụ trực tuyến bất cứ khi nào họ cần” - Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Ben Gummer nói với Information Age. Chính phủ Anh hi vọng có thể tận dụng công nghệ kỹ thuật để hiểu nhu cầu của người dân rõ hơn, cũng như cung cấp cho họ dịch vụ công nhanh, tốt và rẻ hơn. Song song đó, quá trình chuyển đổi cũng được kỳ vọng sẽ giảm chi phí vận hành chính phủ, tăng cường minh bạch và nâng cao tính bảo mật thông tin quốc gia. Chương trình chuyển đổi cũng sẽ đặt trọng tâm vào phát triển nhân sự với mục tiêu “công chức dù thuộc lĩnh vực nào cũng thông hiểu công nghệ”. Ngoài chương trình do Microsoft tài trợ nói trên, hôm 26-2, Chính phủ Anh cũng công bố sẽ đầu tư 17,3 tỉ bảng vào các chương trình nghiên cứu AI, bởi công nghệ này được dự báo sẽ mang lại 654 tỉ bảng cho nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan cũng đã nhanh chóng khởi động sáng kiến “Thailand 4.0” nhằm đón đầu làn sóng thay đổi của công nghiệp 4.0. Tờ The Nation ngày 25-2 dẫn lời tiến sĩ Suvit Maesincee, bộ trưởng Văn phòng Chính phủ và là một trong các công trình sư của sáng kiến nói trên, giải thích Thailand 4.0 hướng đến mục tiêu “tạo ra một môi trường mang đến tăng trưởng cho người dân”. Theo đó, các doanh nghiệp được khuyến khích tăng cường “nhân lực có kiến thức (công nghệ)”, thế chỗ cho cả nhân viên tay nghề cao lẫn lao động phổ thông. Chính lực lượng lao động với kiến thức công nghệ sẽ thúc đẩy sáng tạo và cách tân cho doanh nghiệp. “Họ có khả năng tạo ra nông dân thông minh, doanh nghiệp nhỏ và vừa thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, xây dựng thông minh và cả lưới điện thông minh” - The Nation giải thích. Để đào tạo được đội ngũ nhân sự như vậy, ông Suvit đưa ra nguyên tắc “4H”: Head (cái đầu - kiến thức), Hand (bàn tay - kỹ năng), Health (sức khỏe) và Heart (trái tim - đạo đức và tinh thần vì tập thể). Để thực hiện nguyên tắc này, Chính phủ Thái nhìn nhận phải thay đổi từ giáo dục cũng như chuyện dạy nghề và đào tạo nhân lực. Với Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), thông minh hóa mọi thứ chính là giải pháp để tiểu vương quốc này trở thành “đô thị thông minh của tương lai”. Tại hội nghị công nghệ di động Mobile World Congress 2017 ở Barcelona (Tây Ban Nha) cuối tháng 2 vừa qua, tiến sĩ Aisha Bint Butti Bin Bishr, giám đốc điều hành dự án Smart Dubai, đã tranh thủ khoe với thế giới về lộ trình thông minh hóa của mình. “Lộ trình chuyển đổi thông minh của Dubai gồm 6 yếu tố - nền kinh tế thông minh, cuộc sống thông minh, con người thông minh, môi trường thông minh, di chuyển thông minh và hành chính thông minh” - tiến sĩ Bin Bishr nói. Trên thực tế, tiểu vương quốc Ả Rập này đã thực hiện đến 121 sáng kiến thông minh và 1.129 dịch vụ thông minh trong 3 năm qua. Tiến sĩ Bin Bishr cũng thừa nhận thách thức của chương trình là làm sao có thể lôi kéo lĩnh vực tư nhân cùng chung tay nỗ lực với chính phủ để đạt được mục tiêu chung. Để giải quyết vấn đề này, Dubai đã đầu tư vào hạ tầng và công nghệ thông tin, và đã thành công trong việc nâng số đối tác chiến lược của Smart Dubai từ 9 lên 24, đến từ cả khu vực tư nhân lẫn nhà nước.■ Khuynh đảo dân túy? Trong bài viết đăng trên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi đầu năm nay, William H. Saito, cố vấn cao cấp của Chính phủ Nhật Bản, cho rằng cả nền dân chủ, cũng như nhiều lĩnh vực khác, đã bị “đứt gãy” vì công nghiệp 4.0. Tác động của cơn bão công nghệ lên nền dân chủ nằm ở chỗ thông tin được tạo ra, chia sẻ và lan truyền dễ dàng hơn nhưng tính xác thực lại kém đi, dẫn đến kết quả sai lệch, không mong muốn khi người ta đưa ra các quyết định về kinh tế hay chính trị, mà Brexit và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua là một ví dụ. Ông Saito cho rằng mạng xã hội đầy ắp thông tin nhưng lại dễ dẫn đến thiên kiến xác nhận, tức khuynh hướng con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thiết của chính họ và từ chối xem xét các góc nhìn khác. Với Facebook và Twitter, người ta chỉ đọc và chia sẻ những thông tin hợp ý mình, dù đó không phải là thông tin đúng và chính xác. “Điều này dẫn đến phong trào dân túy làm thay đổi tất cả mọi thứ, từ địa chính trị cho đến việc ai sẽ sống trong Nhà Trắng của Mỹ và Nhà Xanh của Hàn Quốc” - ông Saito kết luận. Tags: Cách mạng công nghiệp 4.0Cách mạng 4.04.0 thách thức
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.