Thái Lan: Tư nhân góp sức lớn vào hạ tầng

C. VĂN 23/06/2022 02:00 GMT+7

TTCT - Năm 2021, Thái Lan đã triển khai các dự án hạ tầng giao thông hợp tác công tư (PPP) có tổng mức đầu tư 163 tỉ baht (5,43 tỉ USD), theo thông tin từ Bộ Tài chính nước này được Reuters dẫn lại.

Để so sánh, tổng nhu cầu vốn dự kiến cho đường cao tốc ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025 là 390.000 tỉ đồng (16,8 tỉ USD, tức trung bình hơn 3,3 tỉ USD/năm). Các dự án PPP ở Thái Lan rất đa dạng, bao gồm mở rộng một tuyến tàu điện ngầm, một dự án vận tải công cộng quy mô lớn, và nhiều tuyến đường cao tốc.

Tính đến năm 2021, Thái Lan đã có khoảng 70.000km đường liên tỉnh (một tuyến, hai làn xe, tức tương đương nhiều tuyến quốc lộ 1 hiện tại), cao tốc (hai tuyến ngược - xuôi, từ 4 làn xe trở lên, là loại phổ biến nhất, tương đương với đường cao tốc ở Việt Nam) và cao tốc đặc biệt (các tuyến liên vùng lớn, do Bộ Giao thông trực tiếp phụ trách xây dựng, mở rộng, duy tu và bảo dưỡng).

 
 Thái Lan là nước có hạ tầng đường bộ phát triển bậc nhất Đông Nam Á. Ảnh: Pattaya Mail

1.000 tỉ baht 

Cũng Bộ Tài chính Thái Lan nói nước này dự tính các dự án hạ tầng PPP sẽ thu hút được 1.000 tỉ baht (28,6 tỉ USD) trong giai đoạn 2020-2027 (tổng mức đầu tư cho riêng đường cao tốc ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 900.000 tỉ đồng, tức 38,8 tỉ USD). 

Là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á (501 tỉ USD, so với 271 tỉ USD của Việt Nam), Thái Lan dựa rất nhiều vào du lịch và xuất khẩu, những lĩnh vực kinh tế đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng. 

Khoản tiền 1.000 tỉ baht nói trên sẽ được đầu tư vào 92 dự án, bao gồm 18 dự án hạ tầng trọng điểm có mức đầu tư tổng cộng 472 tỉ baht, Reuters dẫn thông tin Văn phòng Chính sách doanh nghiệp nhà nước Thái Lan. 

Chính quyền Bangkok suốt từ sau đại dịch Covid-19 đã cam kết và theo đuổi những mục tiêu đầu tư cho tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Riêng năm 2021, nước này bỏ ra 4,1 tỉ USD cho 7 tuyến đường cao tốc lớn trong nỗ lực nâng cấp hạ tầng quy mô và dài hạn với tầm nhìn tới năm 2027. Việc xây mới và nâng cấp các tuyến cao tốc là yếu tố tối quan trọng với sức cạnh tranh đặc biệt tốt của Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á, dù những dự án đấy ít được chú ý ở tầm quốc tế hơn so với các siêu dự án đường sắt hay máy bay mà Thái Lan cũng đang tiến hành.

Sự tham gia của tư nhân

Đường bộ càng đặc biệt quan trọng bởi địa hình và vị trí địa lý của Thái Lan. Bangkok thậm chí đầu tư không ít để hỗ trợ đường cao tốc mới cả ở các nước láng giềng nghèo hơn Campuchia, Lào và Myanmar. 

Lấy ví dụ, một dự án cao tốc ở tỉnh đông bắc Thái Lan Nong Khai được ưu tiên nhằm giảm ùn tắc giao thông với Lào. Một dự án chung với Lào là cầu hữu nghị Thái - Lào thứ năm bắc qua sông Mekong ở tỉnh Bung Kan. 

Ở vùng đông bắc, một tuyến vành đai sẽ được làm riêng cho tỉnh Nakhon Ratchasima, một trong những vùng đông đúc dân cư nhất Thái Lan. 

Còn ở rẻo đất cực nam, một đường cao tốc mới sẽ nối tỉnh Phangnga ở bờ biển phía tây với tỉnh Surat Thani ở bờ biển phía đông, rút ngắn đáng kể việc vận chuyển hàng hóa qua eo Malacca. Một đường cao tốc khác nối sân bay quốc tế U-Tapao với ba tỉnh thuộc Hành lang kinh tế miền Đông (EEC).

Nói chung, đó là một công cuộc lâu dài và đòi hỏi tầm nhìn rất xa ở các nền kinh tế còn đang phát triển. Các dự án 2021-2017 là sự tiếp nối của một chương trình 8 năm khác, bắt đầu từ năm 2013, trong đó Thái Lan đã dành ra 76 tỉ USD cho hạ tầng tới năm 2020. 

“Các dự án hạ tầng được thiết kế để biến Thái Lan thành trung tâm thực sự của ASEAN”, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Chadchart Sittipunt (2012-2014, kỹ sư xây dựng tốt nghiệp xuất sắc ở Đại học Chulalongkorn, từ 2022 là đô trưởng Bangkok) nói. 

“Theo kế hoạch này, Bangkok sẽ không còn đại diện cho Thái Lan. Nhiều thành phố lớn sẽ trở nên nổi bật… nhờ vào sự kết nối vùng”.

Để khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư hạ tầng, Thái Lan có chương trình hợp tác công tư thủ tục nhanh (fast-check PPP). Các ví dụ là dự án đường cao tốc nối cố đô Ayutthaya với tỉnh Nakhon Ratchasima trị giá 85,9 tỉ baht (2,5 tỉ USD) và tỉnh Nonthaburi với tỉnh Kanchanaburi, trị giá 56,5 tỉ baht (1,6 tỉ USD). 

Theo đó, chính quyền và tư nhân cùng bỏ tiền giải phóng mặt bằng và xây dựng, rồi giao cho đơn vị tư nhân vận hành và bảo trì trong thời gian 30 năm. Chương trình PPP thủ tục nhanh rút ngắn thời gian đưa dự án đi vào triển khai từ 20 tháng xuống còn 9 tháng. 

Đã có hàng chục dự án kiểu này được thông qua trong 5 năm qua, giúp Thái Lan xây lên hàng loạt tuyến cao tốc và đường sắt phục vụ cho nhiều vùng khắp đất nước. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận