TTCT - Ngày 18-4-2010, Phòng giáo dục của Ủy ban nhân dân Quỳnh Phụ (Thái Bình) cùng trường trung học cơ sở thị trấn tổ chức giao lưu về hai mô hình đọc tại nông thôn. Đó là hai sáng kiến mô hình Không gian đọc của Phạm Bắc Cường - người Quỳnh Phụ và mô hình Tủ sách dòng họ của Nguyễn Quang Thạch, người Hà Tĩnh. Phóng to Một buổi sinh hoạt tại tủ sách dòng họ Hoàng, thôn Đồng Tiến, Thanh Hóa - Ảnh: Nguyễn Quang Thạch cung cấp Đọc sách như ở nhà Trước cuộc giao lưu, chúng tôi theo chân người Quỳnh Phụ về thăm hai làng có hai mô hình trên. Điểm đến đầu tiên là làng Đại Điền, nơi phần lớn là bà con Công giáo và có Tủ sách dòng họ của ông Đỗ Anh Tuấn. Hơn chục cháu tuổi từ 9 tới 13, 14 đang chọn sách. Cháu Phạm Văn Hội, học sinh lớp 6, hồn nhiên kể: “Cháu không có nhiều tiền mua sách. Việc mượn sách tại nhà ông Tuấn rất giản đơn, vào chiều thứ năm và chủ nhật. Cháu rất thích đọc Truyện cười dân gian Việt Nam và đọc cả Harry Potter ở đây. Đọc sách rất thích. Harry Potter cho cháu thêm một ước mơ...”. Tìm tới gia đình anh Nguyễn Văn Quân, một người bốc thuốc nam tại gia có tủ sách Không gian đọc thuộc làng An Phú. Chủ nhà đi vắng. Những chiếc ghế đá nằm yên dưới bóng mát một cây mít rất lâu đời, ngay kế đó là cửa vào gian nhà ngói cổ chừng 16m2, bốn vách nhà là sách. Tại đây chúng tôi gặp hơn chục em học sinh trung học lớp 10 tới 12 đang chơi và đọc sách. Kiều Ngân cho biết: “Chúng tôi tự quản lý tủ sách ở đây, bảo nhau đọc, cả khi chú Quân không có nhà”. Cũng chính tại đây chúng tôi nghe những nhu cầu khác biệt của trò làng về sách. Em Chiến, lớp 12, mới tham gia “Không gian đọc”, chia sẻ: “Tôi thích sách khoa học và văn học, vừa đọc xong cuốn Nghệ thuật ngày thường của Phan Cẩm Thượng. Sách thật thú vị”. Nguyễn Thế Dương, học trò lớp 10, lại e dè: “Nhà tôi ở tận Quỳnh Giao, khá xa An Phú. Tôi thích đọc văn học, phê bình văn học. Nó giúp mở rộng những kiến thức ở trường, nhưng ở đây sách phê bình văn học ít quá. Tôi thích tới đây đọc vì có cảm giác giống như đang đọc sách tại chính nhà mình...”. Phóng to Các độc giả nhí tại tủ sách họ Lê ở Hưng Yên - Ảnh: Nguyễn Quang Thạch cung cấp Phù hợp với thực tế nông thôn Bà Lê Thị Thanh Đài - phó giám đốc thư viện tỉnh Thái Bình - tại cuộc giao lưu thừa nhận: “Sự đọc bấy nay ở nông thôn đang gặp khó khăn, trẻ thích sự mới lạ nhưng Internet, truyền thông luôn có hai mặt. Việc học ở trường chiếm quá nhiều thời gian. Giá sách lại cao quá và kinh phí thư viện tỉnh thì rất ít, dù tăng dần mỗi năm, nay đã 80 triệu đồng. Song thư viện tỉnh chỉ mở cửa được chủ nhật, có cho mượn về nhà nhưng số bạn đọc vẫn rất ít. Chúng tôi muốn phát triển sách về nông thôn, ở mô hình thư viện xã nhưng khó khăn về quản lý (thủ thư) và sách bị thất thoát. Hai mô hình Tủ sách dòng họ của anh Thạch và Không gian đọc của anh Cường rất phù hợp thực tế khi việc quản lý sách được giao cho dân, lại phát huy nguồn lực trong dân, khơi được nguồn sách nơi thừa ở thành thị về với nông dân đang rất đói sách. Chúng tôi sẽ tìm cách luân chuyển sách từ vốn thư viện tỉnh và đào tạo quản lý sách hỗ trợ hai mô hình này. Tháng sau sẽ có lớp đào tạo nông dân thành thủ thư”. Bà Vương Lệ Nga, giáo viên Quỳnh Phụ, kể với chúng tôi: “Trẻ em phải học quá nhiều nên ít thời gian đọc. Nhà trường mỗi thứ ba hằng tuần chỉ có một buổi đọc sách tập thể. Nay trong bất cứ hoạt động ngoại khóa nào cũng có 30 phút cho học trò giới thiệu sách đọc, tạo nên thói quen đọc, cho trẻ ganh đua. Không gian đọc và Tủ sách dòng họ cho học trò có thêm nguồn để đọc và tăng thời gian đọc vì nằm ngay trong làng, nơi học trò sinh sống”. Đồng tình với bà Nga, ông Nguyễn Viết Thưởng - phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ - nói: “Huyện ủng hộ hai mô hình này vì tạo nên môi trường mới cho việc đọc, động viên được nguồn sách trong dân và các nhà hảo tâm ở đô thị. Cũng có sự phối hợp dự án này từ phía nhà trường để hướng dẫn giới trẻ đọc, loại bỏ sách độc hại ngoài luồng, in lậu”. Phát biểu bên lề hội thảo, nhiều giáo viên và nông dân đều tỏ ra rất quan tâm hai mô hình này. Một nông dân tại hội thảo cho biết: “Sách bây giờ đắt. Trẻ lại phải học nhiều quá, đi tới huyện hay thư viện tỉnh thì xa, mà mượn sách còn nhiêu khê lắm! Nông dân chúng tôi rất ủng hộ hai mô hình này, nên nghe tin có hội thảo tôi bỏ việc nhà tới đây. Sách về tận làng thì con em nông dân mới có thời gian, điều kiện tiếp cận với sách”. Phóng to Anh Nguyễn Quang Thạch - người “trên từng cây số” với tủ sách dòng họ - Ảnh: N.V.T. Từ tình yêu sách Ông Đỗ Anh Tuấn - chủ tủ sách dòng họ Đại Điền, 56 tuổi, trong mảnh vườn mát xanh những cây cảnh và đỏ ớt giống chỉ thiên - kể: “Thu nhập của chúng tôi từ nông nghiệp và cả trồng cây cảnh không phải là cao, song yêu sách từ nhỏ; đọc để học, để chiêm nghiệm, để nuôi dạy con cái tốt hơn... Cách đây vài năm, gặp anh Thạch về làng này nghiên cứu, rồi anh tặng 230 cuốn sách! Tủ sách cá nhân từ xưa tự mua và được tặng, tới nay tập hợp thêm từ nhiều nguồn và bè bạn khi nghe tin về phòng đọc, cả thảy được hơn ngàn đầu sách. Tôi hướng dẫn từng lứa tuổi trong họ đọc từng loại sách; nhất là sách về tấm gương, tôi khuyến khích thiếu nhi đọc... Từ họ hàng rồi nhiều người biết, truyền tai nhau, trẻ làng kéo tới và sự đọc rộng hơn. Tại đây có năm, sáu chục người thường xuyên đọc. Người lớn tuổi quan tâm tới sách chữa bệnh, phụ nữ quan tâm sách sinh đẻ. Các cháu quan tâm nhiều tới truyện tranh, gương người tốt”. Khi hỏi về tác dụng việc đọc, ông vui vẻ nói: “Quan sát tôi thấy nhờ đọc mà trẻ quan hệ với nhau, suy nghĩ đỡ ích kỷ hơn, lại giảm thời gian chơi bời vô bổ”. Ông chỉ một cháu trai hơn 10 tuổi đang giới thiệu cuốn truyện tranh cho hai cháu gái khác và bảo: “Anh xem chúng tự tin chưa? Đứa đọc rồi bảo đứa chưa đọc. Trẻ con qua tiếp xúc với sách mà tự tin hơn xưa, không khúm núm với người lớn, họ hàng”. Từ nhân ái đến khát vọng Anh Nguyễn Quang Thạch, 35 tuổi, là người đưa ra mô hình Tủ sách dòng họ và đã có ba năm lăn lộn với sự đọc tại Quỳnh Phụ. Hỏi chuyện anh bên chiếc xe máy đầy bụi ở Đại Điền, Thạch kể trước khi có dự án để có thu nhập như hiện tại, thuở ban đầu vì yêu nghiệp sách anh chấp nhận bỏ việc ở một công ty nước ngoài để “vác tù và hàng tổng”. Anh nói: ”Mầm đọc nông thôn rất lớn mà chúng ta bỏ quên. Tôi “gặp” anh Cường trên Internet và chung một khát vọng hình thành việc đọc ở nông thôn. B an đầu chúng tôi chỉ hi vọng mỗi điểm đọc một ngày chừng 1-2 bạn đọc. Nhưng thực tế ngay khi mở số người đọc nhiều hơn vài chục lần. Tới nay khi tám mô hình này ở Quỳnh Phụ thành công, nhiều dòng họ ở Thái Bình, Hải Dương biết tới đã đăng ký thành lập. Có người ở Hải Dương bỏ ra 30 triệu đồng để khởi động Tủ sách dòng họ. Tới nay cả nước đã có 56 điểm thuộc 18 tỉnh, từ miền Trung trở ra. Ở nước ta văn hóa làng xã là gốc. Tộc, họ cũng là bộ phận trong cấu trúc văn hóa làng xã. Hiểu nó, vận vào mô hình thì sự đọc sẽ phát huy, song việc đọc phải xuất phát từ lòng yêu sách mới bền. Một dân tộc muốn có chỉ số nhân ái cao thì phải hình thành việc đọc từ nhỏ. Từ nhân ái tới khát vọng phải tựa vào tri thức ở sách”. Anh Phạm Bắc Cường đang là phóng viên kênh giao thông Đài Tiếng nói VN. Đọc tin về dự án “Room to read” của cựu phó chủ tịch Tập đoàn Microsoft mở ở Việt Nam nhằm cung cấp sách báo miễn phí cho trẻ em nghèo, Cường cứ tự hỏi: “Sao Tây làm được mà ta không đưa được sách tới nông dân?”. Qua hai lần cất công xin sách, gửi sách tặng vài địa phương nhưng việc đọc không thành, Cường chọn quê mình làm thí điểm. Mất chừng một năm thăm dò ý kiến, bàn bạc với thầy cô, bạn bè còn ở quê, mô hình Không gian đọc ra đời. Bây giờ mạng lưới đã nhen nhóm, Cường từ xa quan hệ, bè bạn ở quê chắp nối xây dựng chuỗi “Không gian đọc”. Cường nói sự đọc ở nông thôn phải hình thành được mạng lưới, theo tinh thần chia sẻ và kết nối (chia sẻ tri thức, kết nối tâm hồn), “chứ đọc 1.000 cuốn sách mà giữ khư khư trong đầu mình thì không hiệu quả”.
Tuần lễ du lịch TP.HCM lần thứ 4: Loạt sự kiện và ưu đãi, nhiều tour miễn phí NHƯ BÌNH 29/11/2024 Tuần lễ du lịch TP.HCM lần thứ 4, dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 12-12 tại TP Thủ Đức và 21 quận, huyện trên địa bàn.
Diện mạo ga ngầm Bến Thành lớn nhất metro số 1 sẵn sàng khai thác thương mại THU DUNG 29/11/2024 Sau nhiều năm xây dựng, ga ngầm Bến Thành - ga lớn nhất của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thiện.
Bộ Tài chính tính dừng miễn thuế VAT cho hàng giá trị nhỏ vào Việt Nam qua chuyển phát nhanh LÊ THANH 29/11/2024 Bộ Tài chính đề xuất không miễn thuế VAT cho đơn hàng giá trị nhỏ nhập vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Nếu áp dụng chính sách này, số thu ngân sách sẽ tăng vài nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Giao công an điều tra vụ ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu ĐÔNG HÀ 29/11/2024 Chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao công an điều tra làm rõ vụ một người chết, hàng trăm người ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu. Đây được coi là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từng xảy ra tại tỉnh này.