TTCT - Liệu có mất thêm một thế hệ nữa để song hành cùng thế giới âm nhạc, tắm mình cùng những hào quang trên đỉnh chứ không phải dưới sườn đồi? Kitarō có lẽ giống nhà văn Junichi Watanabe (tác giả Đèn không hắt bóng) ở một điểm: độc giả Việt khó có thể kể thêm tác phẩm thứ hai của Watanabe, thính giả Việt trong nước chưa từng một lần thưởng thức Kitarō biểu diễn trực tiếp. Từ album Kojiki năm 1990, bản Matsuri lừng danh nằm trong tai khán giả Việt đã hơn 30 năm nay.Guns N' Roses biểu diễn tại Singapore năm 2018, điểm dừng chân duy nhất của nhóm tại Đông Nam Á trong chuyến lưu diễn toàn cầu Not In This Lifetime. Ảnh: SENATUS MAGAZINEĐầu tháng 3, Việt Nam có hai buổi biểu diễn nhạc sống của hai nghệ sĩ quốc tế. Ở Hà Nội, tại Học viện Âm nhạc quốc gia là siêu nhóm Aristocrats trở lại Việt Nam sau 8 năm (lần đầu vào năm 2014, còn đây là lần đầu ở Hà Nội). Siêu nhóm vốn là cách thường gọi các dự án đa phần chớm nở chớm tàn của các nghệ sĩ biểu diễn thành danh tìm tới và sáng tác, biểu diễn cùng nhau. Tại TP.HCM là hai "khủng long" từ Mỹ, Sacred Reich và Vio-lence, thuộc lứa tiên phong dòng nhạc Thrash metal thịnh hành nửa sau thập niên 1980 và đầu 1990.Trong từng giới thưởng thức hẹp ở Việt Nam, Aristocrats và hai nhóm nhạc Thrash có chỗ đứng riêng vì sản phẩm âm nhạc và tần suất lưu diễn đều đặn của họ trên khắp thế giới. Kitarō có một chỗ đứng riêng ở con dốc tình của thế hệ millennial - những người lọt trong quãng tuổi U40 như chính giọng ca Hà Anh Tuấn - người vừa mời Kitarō, 70 tuổi, làm đại sứ cho dự án "Rừng Việt Nam" của anh và cùng biểu diễn trong hai đêm nhạc.Kitaro biểu diễn trong đêm nhạc Chân trời rực rỡ của Hà Anh Tuấn.Điểm chung của các nghệ sĩ này? Họ chỉ được nhắc lại tên mỗi khi đặt chân sang Việt Nam.Để một nghệ sĩ địa phương lưu diễn ngoài địa phương là cả một sự khắc nghiệt trong thế giới biểu diễn âm nhạc nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung. Không gọn gàng, cơ động như hài độc thoại hay live DJ, độ công phu chuẩn bị cho biểu diễn nhạc sống nằm ở trang thiết bị âm thanh, setup và đấu nối nhạc cụ vào hệ thống, chứ chẳng phải độ hào nhoáng, cao rộng của sân khấu, hệ thống LED hay backdrop.Sự khắc nghiệt còn nằm ở lịch lưu diễn dày đặc của tập thể nhiều con người khiến lắm khi mái nhà của họ chính là trần nhà chờ sân bay. Nghệ sĩ lưu diễn không được "mời" sang ngoạn cảnh, thăm thú phố phường, họ sòng phẳng và hết mình bằng âm nhạc họ thể hiện, trên sân khấu.Ở các thị trường âm nhạc phát triển bình thường, ngưỡng trung bình để một ban nhạc rock hoặc metal xuất ngoại là 10 năm (hoặc 3 đĩa nhạc) - không tính các trường hợp ngoại lệ. Họ đang leo lên con dốc sự nghiệp, để trải tầm nhìn tới những thị trường xa, bé nhỏ như Việt Nam.Những năm đầu 2000, sự rẽ nhánh về thị hiếu xem - nghe - nhìn tình cờ rơi vào thế hệ millennial, lúc đó đều là những thanh niên hoặc đang vùi đầu học đại học hoặc mới chớm vào đời kiếm tiền. Rời bỏ những buổi hòa nhạc quy tụ vài trăm người nghe cuối cùng do RockFanClub tổ chức bấy giờ, họ giã từ cung cách sinh hoạt nghe nhạc sống trước đó để dọn về trước màn hình máy tính, trên những forum, thay thế bởi những nhóm nhạc diễn cover cho khách du lịch những bản hit thịnh hành mà họ và khách cùng đang nghe. Khai mạc Giải thưởng Video âm nhạc Việt năm 2012, Zombie của Cranberries năm 1994 tiếp tục vang trên sóng. Lác đác ở các trung tâm dạy ngôn ngữ, Lemon Tree (ra đời năm 1995) vẫn cất lên, già hơn số tuổi của những bạn trẻ đang đàn hát nghêu ngao.Ở Hà Nội, các buổi diễn cover tôn vinh các ban nhạc của lứa thưởng thức này, trong đó có Radiohead, cứ dăm ba tháng lại diễn ra, khi không thể tận mắt tận tai được. Giống và khác xa Kitarō trong trường hợp bộ phim Trời và Đất, nhóm nhạc Anh Radiohead xuất hiện trong một phân cảnh phiêu ảo trong Xích lô (1995) của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng...Chưa từng biểu diễn tại Việt Nam, Radiohead thuộc nhóm những nghệ sĩ quốc tế sau cùng mà người nghe nhạc trong nước thật sự nghe và hòa cùng dòng chảy âm nhạc thế giới trước khi Internet giết chết sự thống trị của CD và các boyband.Mỗi khi hai tiếng "huyền thoại" được cất lên, một lần nữa với Kitarō, những nghệ sĩ này nằm gần như gọn lỏn trong khung thưởng thức chật hẹp của lứa người nghe nêu trên. Ngay trước Internet, lượng đĩa bán ra áp đảo, nghiễm nhiên trở thành thước đo duy nhất cho người nghe tai ướt tai ráo nhạc quốc tế. Đứng trước sự bao la, cách nghe nhanh nhất là tìm những nghệ sĩ hit, những ca khúc "bất hủ", những... huyền thoại, cả ở nhạc phẩm chọn để cover. Nhóm Microwave, một cái tên sống mòn với các sự kiện thương hiệu, cũng là một ban nhạc cover lâu năm và chuyên nghiệp.Huyền thoại, giống như hai tiếng kinh điển, là "dòng nhạc", "tác phẩm" duy nhất lứa người nghe nêu trên biết tới, hay biết qua, và trong chuyển ngữ văn chương. Như vua Midas trong thần thoại, tất cả những gì U40 chạm vào lúc này chỉ có thể là... vàng. Những nghệ sĩ "huyền thoại" ấy đều hoặc đang ở dốc bên kia của sự nghiệp, hoặc hoàn toàn mất dạng khỏi thế giới âm nhạc - biểu diễn. Những huyền thoại sống không cáng nổi cái bóng của những huyền thoại đã chết hay đã ngoài 70. Vắt ngang và kẹt giữa hai con dốc 10 năm và 30 năm, thế hệ millennial dốc tiền vào những kỷ niệm 20. Hai chữ X như hai chiếc đồng hồ cát vừa đảo vừa chặn cứng hai đầu thế kỷ 20, tuần hoàn nhưng không thể thoát ra. Hoặc hễ leo lên, ta tuột trở lại.Ở láng giềng giàu có Singapore, từ "huyền thoại" vẫn được cất lên, sự hoài cổ vẫn thấm đẫm trong bối cảnh thưởng thức nhạc sống. Nhưng thưởng thức vận hành theo sức mua, tỉ lệ thuận mức độ yêu thích, và "huyền thoại" vẫn khó bảo chứng doanh thu. Năm 2018, Legion of the Damned, một "tiểu huyền thoại" thrash metal từ Hà Lan, chỉ thu hút hơn 100 khán giả ở Việt Nam và hơn 20 khán giả ở Singapore (với giá vé gấp đôi). Sigh - một nhóm experimental metal lập năm 1989 ở Nhật với 30 năm hoạt động và 12 album phát hành - chỉ thu hút chừng hơn trăm khán giả Singapore (và vài nước láng giềng). Huyền thoại cơn mưa Guns n' Roses (thành lập 1985), huyền thoại Red Hot Chilli Peppers (thành lập 1983) khá hơn chút, thu hút hơn 5.000 khán giả Thái và Singapore, ở cùng quy mô lẫn giá vé của headliner (ban nhạc/nghệ sĩ chủ điểm) của liên hoan âm nhạc Clockenflap (Hong Kong) là Arctic Monkeys (thành lập 2002): từ 4 triệu đồng trở lên (chưa gồm vé máy bay và lưu trú)!Từ quãng 2013-14 tới nay, lượng nghệ sĩ biểu diễn quốc tế hạ cánh tới Việt Nam - nơi các festival quốc tế 8 năm qua vẫn tiếp tục ngó lơ - quá đâu đó con số 100. Tài năng, độ nổi tiếng của họ ở (đa số) trời Âu không nghịch cũng chẳng thuận với giá vé người thưởng thức phải bỏ ra, vốn dao động từ 0 (miễn phí) tới 0 biết với đại đa số. Trên các sân khấu hoành tráng, ngập ngụa logo và thương hiệu, được những danh hiệu xa vời bảo chứng, là giọng R&B đoạt 12 giải Grammy U60 Babyface trình diễn ở HoZo Festival, giải Grammy New Age Kitaro, là Grammy bản thu Dance Chainsmokers diễn tại Tiger Remix, Hardwell ở Creamfields Phú Quốc...Ngoại lệ duy nhất có lẽ là K-idol, khi Super Junior ra mắt từ năm 2005 và nổi tiếng toàn cầu vào năm 2009, vừa trình diễn ở sân Quân Khu 7 (TP.HCM) kín chỗ, sống lại sức hút của thế hệ cuối 8x đầu 9x nay đã cập kề 30, tự chủ về kinh tế. Họ diễn một đêm duy nhất, nghệ sĩ và khán giả trao nhau một tình cảm sâu đậm hơn rất nhiều so với những tình cờ ghé thăm khác, chẳng hạn giọng ca easy listening jazz Emi Fujita - sinh năm 1963 và nổi tiếng ở Nhật từ những năm 1990.Emi thành thật bộc bạch sau vài đêm diễn ở Việt Nam tháng 2 vừa rồi: "Thật sự là khác xa tưởng tượng của tôi... Tôi không hề nghĩ rằng mình được yêu mến đến như vậy ở Việt Nam. Lúc chưa đến Việt Nam, tôi có hơi lo vì nghĩ người Việt Nam không biết nhiều về mình. Thế nhưng khán giả Việt Nam rất thân thiện, lịch sự, họ ở lại đến tận cùng, vừa nghe vừa hát với tôi, khiến tôi bất ngờ và hạnh phúc. Đó cũng là đêm đầu tiên tôi biểu diễn ở Việt Nam". (Tuổi Trẻ 17-2-2023).Sau nhiều năm, những nhà tổ chức lẫn nghệ sĩ biểu diễn ấy đã vượt trót một thế hệ. Giờ đây là những bạn trẻ sinh sau 1995, sau 2000 say sưa trong những thế giới âm nhạc hyperpop, hậu - hậu hiện đại và TikTok. Liệu họ có mất thêm một thế hệ nữa để tiến tới gần hơn hoặc song hành cùng thế giới âm nhạc, một thế giới như chính vũ trụ, vẫn giãn rộng không ngừng, và tắm mình cùng những hào quang trên đỉnh chứ không phải dưới sườn đồi?■ Tags: Âm nhạc
Cục CSGT lý giải việc bỏ quy định người dân được giám sát qua ghi âm, ghi hình HỒNG QUANG 09/10/2024 Thông tư số 46/2024 mới ban hành bỏ việc người dân được giám sát thông qua hình thức bằng thiết bị ghi âm, ghi hình với cảnh sát giao thông.
Dân Florida hối hả sơ tán, gia cố nhà cửa trước siêu bão Milton MINH KHÔI 09/10/2024 Tổng thống Mỹ Joe Biden khẩn thiết kêu gọi người dân sơ tán bão Milton, với sức gió tối đa hiện đã lên đến 270km/h.
Nhập khẩu điện gió từ Lào với giá 6,4 cent/kWh NGỌC AN 09/10/2024 Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, áp dụng từ ngày 31-12-2025.
Xe chết máy trên cầu, kẹt xe 8km trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây MINH HÒA 09/10/2024 Hàng ngàn xe bị ùn ứ, nhích từng chút khó khăn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng từ nút giao An Phú đi cầu Long Thành.