Thăm Trung Quốc, Chủ tịch WB khuyến cáo gì?

TTCT - Để tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick hôm thứ sáu 2-9, hai phó thủ tướng Trung Quốc đã lần lượt nói chuyện với ông này. Bên cạnh các cuộc tiếp xúc đó, chủ tịch WB còn dự một hội nghị bàn về mục tiêu “xã hội hiện đại, hài hòa, thu nhập cao vào năm 2030”.

Phóng to
Chủ tịch WB Robert Zoellick (trái) cùng một thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc thăm cánh đồng lúa tại một trang trại ở tỉnh Hắc Long Giang ngày 4-9-2011 - Ảnh: Reuters

Tân Hoa xã (1) đã trích hai câu tuyên bố của Phó thủ tướng Lý Khắc Cường với Chủ tịch WB Robert Zoellick: “Trung Quốc sẽ sử dụng tốt hơn quỹ và trí tuệ của WB, đồng thời đào sâu nghiên cứu phát triển của mình”, và “Cộng đồng quốc tế cần hợp sức để đối phó với các thách thức then chốt trong thị trường tài chính và kinh tế thế giới đang chao đảo này”. Dẫu sao cũng có thể từ đó thấy nhân vật tiếp ông Zoellick là để trao đổi về các vấn đề lý thuyết như vấn đề phát triển của Trung Quốc mà Chủ tịch WB Zoellick đã nêu ra ngay trước khi bay sang Bắc Kinh trong một bài viết được báo chí thế giới đăng lại (2).

Cũng theo Tân Hoa xã, một phó thủ tướng khác, ông Vương Kỳ Sơn, đã tiếp ông Zoellick vào buổi chiều để “trao đổi cái nhìn về tình hình tài chính thế giới hiện nay, về các quan hệ kinh tế Trung Quốc - Mỹ, về mối công nợ của châu Âu, cũng như về cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo G20 sắp tới tại Cannes (Pháp)”. Có thể thấy vai trò của ông Vương là để nói ra những gì cụ thể mà Trung Quốc đang bận tâm trong vị trí chủ nợ mà ông Robert Zoellick, vốn là một công dân Mỹ, không thể không liên đới lắng nghe.

Tinh thần tiếp thu

“Cho dù Trung Quốc không phải là một xã hội mở về mặt trí thức, song cũng đã có một lớp trí thức sinh động đóng góp cho những tranh luận bổ ích về cải cách kinh tế và thị trường, về những giá trị của chế độ kiểm duyệt, cùng những suy nghĩ về chính trị và quyền lực”.

Chủ tịch WB còn xuất hiện tại một hội nghị kinh tế quốc tế mà ông là người phát biểu khai mạc. Sự xuất hiện này của ông cho thấy thái độ trọng thị từ phía Trung Quốc: cho dù có là một trong những nền kinh tế hiếm hoi đang còn đứng vững trên đôi chân của mình, song về mặt phát triển, Trung Quốc vẫn đang rất cần đến trí tuệ và kinh nghiệm tích lũy toàn cầu của WB để tự điều chỉnh hướng phát triển của mình.

Hội nghị bàn về một bản dự thảo báo cáo về những “Thách thức của Trung Quốc vào năm 2030: xây dựng một xã hội hiện đại, hài hòa và thu nhập cao một cách sáng tạo” do Bộ Tài chính Trung Quốc và Trung tâm khảo cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cùng phối hợp với WB soạn thảo, với hi vọng từ những đóng góp ở hội nghị có thể đi đến một bản báo cáo chung vào cuối năm này.

Thật ra, việc WB hay các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc như UNDP hay IMF... góp ý là điều thường xuyên với các nước. Hằng năm, các tổ chức này thường cùng nước sở tại thực hiện những nghiên cứu, khảo sát rồi phân tích, đúc kết thành các báo cáo phát triển. Vấn đề là ở mỗi nước sở tại, thái độ tiếp thu như thế nào?

Việc Trung Quốc phối hợp với WB nghiên cứu đề tài trên cho thấy họ trân trọng lắng nghe đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước. Họ không tự mình “vẽ vời” trên một chặng đường phát triển sắp tới mà họ chưa hề kinh qua, tức mục tiêu một xã hội hiện đại. Có lẽ nhờ thái độ “biết người, biết ta” đó mà phía Trung Quốc đã đề ra cho mình một thời hạn khá dài là năm 2030 để tiến đến mục tiêu xã hội hiện đại, hài hòa.

Hội nghị với sự chủ trì của chủ tịch WB đã thật sự là một cơ hội tiếp thu. Để tiếp thu, Trung Quốc có một lớp trí thức đông đảo vừa có thực học vừa có vai trò được thừa nhận. Mark Leonard, một nhà Trung Quốc học hàng đầu người Anh, đã nhận xét về lớp trí thức này của Trung Quốc như sau: “Cho dù Trung Quốc không phải là một xã hội mở về mặt trí thức, song cũng đã có một lớp trí thức sinh động đóng góp cho những tranh luận bổ ích về cải cách kinh tế và thị trường, về những giá trị của chế độ kiểm duyệt, cùng những suy nghĩ về chính trị và quyền lực. Các “cỗ máy tư duy” đó của Trung Quốc không chỉ đánh giá các triển vọng của Trung Quốc mà còn lượng giá các thành tựu và tiến bộ của phương Tây cho chính công việc học thuật của mình. Nhiều cuộc thử nghiệm xã hội và ý tưởng mới đã được thử nghiệm khắp Trung Quốc và sẽ còn được tranh luận trong các “cỗ máy tư duy”, các trường đại học và cả trên báo chí” (3).

Trở lại với hội nghị này, không chỉ giới trí thức Trung Quốc quan tâm mà cả giới lãnh đạo cao nhất, như lời của Chủ tịch WB Robert Zoellick trong diễn văn khai mạc hội nghị: “Ý tưởng về công trình nghiên cứu này được hun đúc cách đây một năm khi tôi gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Phó thủ tướng Lý Khắc Cường nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ thực chất giữa Trung Quốc và WB. Trong 30 năm đó, WB đã tiến hành nhiều cuộc lượng giá về các thách thức đối với sự phát triển của Trung Quốc... Tôi rất vui khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Phó thủ tướng Lý Khắc Cường hậu thuẫn đề xuất WB cộng tác trong việc nhận diện và phân tích các thách thức đó...”. Qua câu chuyện này có thể thấy thái độ cầu tiến của người Trung Quốc.

WB khuyến cáo những gì?

Chủ tịch WB nêu ra tiền đề: “Tháng 7 năm nay, WB đã xếp Trung Quốc như là một nền kinh tế trung bình cao. Trong 15-20 năm nữa, Trung Quốc thừa khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập cao. Song đó là một giai đoạn chuyển đổi mà chỉ có một số ít quốc gia đã làm được trong khi nhiều nước khác thất bại”.

Từ tiền đề đó, chủ tịch WB nêu rõ vấn đề đang thách đố Trung Quốc: “Đã đến lúc xét lại xem liệu mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và thu hút đầu tư có còn hữu ích cho Trung Quốc và thế giới trong một chục năm nữa hay không. Nghiên cứu kinh tế học đã chỉ ra việc một nước phải thay đổi chiến lược phát triển sau khi đã đạt đến nhóm thu nhập trung bình cao là quan trọng đến đâu. Các nước ấy không thể cứ tiếp tục dựa trên mô hình tăng trưởng đã đem lại thành công khi các nước ấy còn nghèo. Nếu cứ khư khư như thế sẽ rơi vào gọng kìm giữa sự cạnh tranh của các nước thu nhập thấp, các nền kinh tế dựa trên việc trả lương thấp, và sự cạnh tranh sáng tạo và thay đổi công nghệ của các nước thu nhập cao”...

Rồi ông nêu vài câu hỏi gợi ý thảo luận: “Bằng cách nào Trung Quốc có thể giải quyết được việc chuyển đổi từ một định hướng tập trung cao độ vào tăng trưởng kinh tế sang một định hướng mở rộng hơn nhắm vào chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng toàn diện, tăng trưởng bền vững, và vì sự ấm no của mọi công dân Trung Quốc? Làm thế nào các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ duy trì được tăng trưởng kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hữu hiệu? Làm thế nào Trung Quốc sẽ chuyển đổi sang giai đoạn phát triển “xanh”?... Và quan trọng hơn cả, có lẽ là vai trò của nhà nước sẽ như thế nào để tôn trọng đất đai, lao động, thị trường và chế độ pháp trị?”.

Có thể hình dung hội nghị đã thảo luận sôi nổi như thế nào.

__________

(1): Senior Chinese officials meet World Bank chief, Englisews.cn 2011-09.
(2): Robert Zoellick: ” The Big Questions China Still Has to Answer”, first published on September 1, 2011 in the Financial Times
(3): China’ s new intelligentsia, Prospect Magazine (Issue 144: March 2008), Feb. 29, 2008

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận