Thánh địa Mỹ Sơn: Chưa giữ được chân du khách

THÁI BÁ DŨNG 17/12/2019 05:12 GMT+7

TTCT - Trong vòng 20 năm kể từ khi được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, từ một phế tích, thánh địa Mỹ Sơn “sống dậy” và mỗi năm kéo về 420.000 lượt khách, doanh thu 60 tỉ đồng. Nhưng những giá trị gia tăng của di sản tạo ra cho cộng đồng vẫn rất ít ỏi.

Mỹ Sơn đẹp nhưng chưa có nhiều dịch vụ giữ chân khách nán lại qua đêm. Ảnh: B.D.
Mỹ Sơn đẹp nhưng chưa có nhiều dịch vụ giữ chân khách nán lại qua đêm. Ảnh: B.D.

Đẹp nhưng... nhạt

Khu đền tháp Mỹ Sơn không xa lạ với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Con số thống kê từ các hãng lữ hành cho thấy trong bình quân 400.000 lượt khách tới Mỹ Sơn mỗi năm có tới 85% khách đến từ châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ.

Ngày 4-12 năm nay đánh dấu một sự kiện đặc biệt khi cả Hội An và Mỹ Sơn tròn 20 năm được UNESCO xướng tên trong danh sách di sản văn hóa thế giới. Tại rất nhiều hội thảo liên quan, khi nói về thành công của phố cổ Hội An, nhiều đơn vị đều cho rằng chính khách nước ngoài đến Hội An và nguồn tiền từ đó đã làm giàu, tạo ra phố cổ mỗi năm thu trên 3.000 tỉ đồng như hiện nay.

Nhưng chỉ nằm cách Hội An chừng 50km, di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn lại không như vậy. 20 năm vinh danh, khách đến tăng nhanh nhưng dân vẫn chưa được hưởng lợi từ việc làm dịch vụ.

Tới tại thánh địa Mỹ Sơn mới đây, chúng tôi vẫn thấy những hình ảnh quen thuộc cách đó gần chục năm từng chứng kiến: những đoàn xe dịch vụ du lịch dập dìu cập đỗ trước sân Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, khách theo hướng dẫn viên, lần lượt làm thủ tục qua cổng, chờ họ phía trước khoảng 500m là những chuyến xe điện.

Không giống các nơi khác, Mỹ Sơn rất dễ tạo ấn tượng ngay từ bên ngoài với thiên nhiên, rừng núi bao quanh khu đền tháp. Mọi hình ảnh u tịch, được chăm chút gần như nguyên vẹn. Nhưng hành trình khách du lịch tới di sản này không thực sự phát sinh chi phí - thứ mà bất kỳ trung tâm du lịch nào cũng mong muốn có.

Du khách vào tham quan, được đưa lên xe điện rồi chở vào một địa điểm dừng chân ở điểm chuyển tiếp giữa các tháp với bên ngoài. Từ đây, khách được dẫn bộ qua giữa rừng, vào thăm từng cụm tháp. Mọi việc diễn ra đơn điệu và lặp đi lặp lại giữa tất cả các đoàn khách trong nước và nước ngoài. Nếu tập trung tham quan, chỉ mất chưa đầy một giờ cho tất cả hành trình ở Mỹ Sơn và... hết. Thật khó để tìm ra một dịch vụ nào khác đi kèm.

Trưa 3-12, khi ngồi trên xe điện để đi từ các điểm tháp ra bên ngoài, một nhóm khách du lịch Ấn Độ bày tỏ sự hụt hẫng với chúng tôi, họ nói đã rất dành nhiều kỳ vọng để vào Hội An, Đà Nẵng và Mỹ Sơn, trong đó Mỹ Sơn là điểm được mong chờ nhiều nhất.

“Mọi thứ ở đây yên ắng quá, không mua được chút gì để làm kỷ niệm cả” - nữ du khách ôm con nhỏ trên tay nhún vai, vẻ mặt thất vọng nói. Bà nói rằng chỉ có vài quán hàng trong khu tham quan nhưng hàng hóa không nhiều, cũng không có gì hấp dẫn.

Một du khách khác từ Hà Nội nhiều lần vào Mỹ Sơn nói với chúng tôi rằng Mỹ Sơn đẹp nhưng đơn điệu. “Vào đây mục đích là đi tham quan khu đền tháp, nhưng là khách thì ai cũng tò mò muốn biết xung quanh đền tháp có gì.

Tôi đi tìm nhưng không thấy có gì đặc biệt cả. Đặc sản không, hàng hóa sầm uất, nơi tìm hiểu về văn hóa bản địa cũng không. Ban đêm chúng tôi ở lại một khách sạn sang trọng gần đó nhưng thấy xung quanh buồn tẻ, gần như không có bóng người” - vị khách này nói.

Khách tới tham quan Mỹ Sơn hiện nay chủ yếu chỉ thăm các đền tháp rồi trở về chứ chưa có nhiều dịch vụ đi kèm. Ảnh: B.D.
Khách tới tham quan Mỹ Sơn hiện nay chủ yếu chỉ thăm các đền tháp rồi trở về chứ chưa có nhiều dịch vụ đi kèm. Ảnh: B.D.

“Nghèo” bên di sản

Tại buổi gặp mặt giữa các hướng dẫn viên, các doanh nghiệp lữ hành với chính quyền, Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn ngày 3-12, ông Phan Xuân Thanh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam - đã nhận xét thẳng thắn: “Một điểm đến du lịch phải đi kèm một hệ sinh thái liền kề, bao gồm điểm tham quan, dịch vụ, sự tham gia của cộng đồng chủ thể... Nhưng điều này chưa thành công ở Mỹ Sơn. Vì vậy, Mỹ Sơn mới chỉ là một điểm dừng chân chứ chưa phải là điểm đến”.

Lời nhận xét này được xem là khá “nặng” bởi Mỹ Sơn lâu nay được biết như một điểm đến hấp dẫn, lượng khách đến mỗi ngày lên tới hàng ngàn lượt. Mỗi năm khách tới di sản Mỹ Sơn luôn tăng hai con số, đạt mức 420.000 lượt năm 2019. Nhưng khách tăng ở Mỹ Sơn không đồng nghĩa với việc người dân lân cận được hưởng lợi. Mỹ Sơn “mới chỉ là một điểm dừng chân” là thực tế mà các doanh nghiệp đồng tình.

Ông Trần Lực, phó giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist, nói khi đặt chân lên Đà Nẵng, các hãng lữ hành chỉ xem Mỹ Sơn như một điểm để tham quan, ghé qua, không thể tổ chức cho khách ở lại bởi dịch vụ chưa như mong đợi. Khách muốn thưởng thức nghệ thuật, tham quan lâu hơn, nhiều dịch vụ hơn thì phải về lại Đà Nẵng hoặc vào phố cổ Hội An.

“Những năm 1990, đường vào Mỹ Sơn rất hoang vu nhưng chúng tôi luôn coi Mỹ Sơn là điểm “đánh quả”, khách du lịch nước ngoài vào đó rất thích. Giờ Mỹ Sơn vẫn thực sự rất hấp dẫn nhưng cũng giống như trước đó, khách khó nán lại lâu hơn vì những điểm du lịch lân cận có nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn, chuyên nghiệp hơn” - ông Lực nói.

Hiện nay, doanh thu chủ yếu từ Mỹ Sơn vẫn là bán vé và một phần dịch vụ đi kèm. Đa số cộng đồng dân cư bao quanh vẫn không thể kết nối được vào di tích, khu đền tháp nằm tách biệt, không có chuỗi dịch vụ để người dân có thể tham gia đời sống du lịch của di sản. Dịch vụ lưu trú được xem như là dịch vụ gia tăng tối thiểu của một điểm đến tầm cỡ, nhưng khách du lịch gần như không ở lại Mỹ Sơn.

Ông Nguyễn Phước Hùng, trưởng Ban quản lý làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, cho biết năm 2013, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có hỗ trợ để thành lập làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn gồm 30 hộ gia đình sống tại thôn Mỹ Sơn. Các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn làm dịch vụ lưu trú và sau đó được giao quản lý 5 phòng lưu trú và 10 nhà khác trong dân.

Nhưng làng du lịch cộng đồng này sớm rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, có năm chỉ đón được tổng cộng 50 khách. Hiện các nhà lưu trú phần lớn thời gian đều đóng cửa, trang thiết bị tối thiểu trong phòng vẫn chưa được trang bị.

“Trước đây dân chúng tôi lấy khu vực đền tháp để kiếm củi, chăn thả trâu bò. Nhà nước kêu gọi bảo vệ di tích thì dân dốc lòng bán hết trâu bò, ra khỏi phạm vi để trả đền tháp lại cho Nhà nước quản lý, dân tìm kế khác mưu sinh. Nhưng giờ đời sống thu nhập của người dân cũng chưa thu được gì nhiều từ dịch vụ đi kèm quanh di sản” - ông Hùng nói.

Không chỉ làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, ở quanh thánh địa Mỹ Sơn hiện nay có một khách sạn. Chủ đầu tư khách sạn này đã bỏ gần 100 tỉ đồng làm khu lưu trú nhưng gần như không có khách.■

Khách du lịch đi bộ lên các điểm tháp để tham quan thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: B.D.
Khách du lịch đi bộ lên các điểm tháp để tham quan thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: B.D.

Hiến kế để du khách ở lại Mỹ Sơn

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đề nghị có chiến lược tổng thể, quy hoạch lại và đầu tư mạnh mẽ để Mỹ Sơn có thể lấy thêm được tiền từ con số 400.000 khách đến di sản này mỗi năm. Đó là phải tạo ra thêm các dịch vụ đi kèm như các tour dã ngoại tham quan hệ sinh thái rừng bao quanh đền tháp, dựng các chòi ngắm toàn bộ đền tháp từ trên cao xuống, đầu tư lắp đặt mô hình thực tế ảo 4D đối với các tháp, tăng tính liên kết giữa Mỹ Sơn với các điểm đến như Hội An, Đà Nẵng, Huế để tận dụng khách đoàn…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho rằng con số trên 1.000 khách/ngày với Mỹ Sơn như hiện nay là rất ít. “Việc cần làm lúc này là nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quản lý di tích, tạo ra được các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, kéo được khách ở lại gắn liền với văn hóa bản địa.

Ngoài ra cũng phải đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Mỹ Sơn rất cần nhà đầu tư chiến lược đủ tầm để đưa di sản phát huy đúng giá trị. Muốn vậy, huyện Duy Xuyên cần sớm tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Mỹ Sơn” - ông Tân nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận