TTCT - Tình hình tại Ai Cập và trước đó tại Tunisia, sau mấy ngày bùng phát kịch liệt nay đang trong giai đoạn mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi là “chuyển tiếp một cách trật tự”, nôm na mà nói là “câu giờ”. Thật ra, tất cả đã bắt đầu từ vụ “Trân Châu Cảng ngoại giao” ngày 12-1. Phóng to Người dân Ai Cập xuống đường biểu tình chống Tổng thống Mubarak trên quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo ngày 6-2-2011 - Ảnh: Reuters Trưa 12-1, khi một nhà báo hỏi: “Ông nghĩ gì về việc các bộ trưởng phe Hezbollah cùng các đồng minh của họ từ chức vào lúc Tổng thống Barack Obama đang tiếp Thủ tướng Saad Hariri?”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Philip Crowley đã gật gù: “Tình cờ quả trớ trêu!”. Một vụ "Trân Châu Cảng ngoại giao" Quả là trớ trêu thật khi phe Hezbollah đợi cho Thủ tướng Libăng (thân Mỹ) Hariri bay đến Washington để lệnh cho các bộ trưởng phe này đồng loạt từ chức, khiến chính phủ liên minh của ông này phải đổ. Chưa bao giờ một tổng thống của một nước Mỹ, vốn khét tiếng là “kiến quốc, dựng vương” (nation-building) mà Iraq, Afghanistan là những thí dụ nóng hổi, phải bất lực khoanh tay nhìn một đồng minh bị lật đổ theo đúng luật chơi “dân chủ” như thế! Việc chính phủ Hariri “đổ” khi ông này sang cầu viện Tổng thống Obama càng đau hơn khi cũng vào lúc ấy, Ngoại trưởng Clinton đang ở Oman, chỉ cách thủ đô Beirut của Libăng có 2.473km, tức hơn hai giờ bay. Chưa bao giờ cả bộ máy tình báo lẫn ngoại giao Mỹ lại “trắng tay” như thế khi để cho cả Chính phủ Mỹ bị bất ngờ vuốt mặt không kịp. Ngày thứ tư 12-1 ấy không khác gì một trận “Trân Châu Cảng ngoại giao”. Vô tình mở "hộp Pandora" “Nước Mỹ được hiểu như là luôn làm ngơ cho các nhà lãnh đạo “độc diễn” tại vị chừng nào họ còn đối kháng với việc tiến đến gần các chính phủ Hồi giáo cực đoan” Họa vô đơn chí. Chưa biết tháo gỡ tình hình Libăng ra sao, thì một ngày sau đã xảy ra sự cố khôn lường tại Tunisia. Hôm thứ năm 13-1, Ngoại trưởng Clinton bước lên “Diễn đàn vì tương lai” tại thủ đô Doha (Qatar), dõng dạc nhắn nhủ các nhà lãnh đạo khu vực: “Tại nhiều nước, dân chúng phát mệt vì các định chế thoái hóa cùng một trật tự chính trị bất động. Dân chúng các nước ấy đòi hỏi phải cải cách sao cho chính phủ của họ hiệu quả hơn, đáp ứng hơn và cởi mở hơn. Những kẻ đang ôm ghì giữ chắc tình trạng không thay đổi này bất quá có thể giữ yên trong chốc lát, chứ làm sao giữ yên mãi được. Nay là thời khắc sinh tử” (1). Một bài giảng “dân chủ học” thường tình của các quan chức cao cấp Mỹ mỗi khi công du nước ngoài. Thế nhưng đúng vào lúc Ngoại trưởng Clinton đang đăng đàn ở Doha thì ở thủ đô Tunis, cuộc nổi dậy vì “cơm không no, áo không ấm” ầm ầm diễn ra từ ba tuần rưỡi qua với 66 người thiệt mạng lại đột biến. Bài lên lớp về dân chủ của Ngoại trưởng Clinton ở Doha, “nay là thời khắc sinh tử”, nghe được ở Tunis, đã trở thành lời “hiệu triệu xuống đường” và được Tổng thống Ben Ali hiểu như là một lời cảnh cáo trực tiếp. Ông này thất hồn thất vía bỏ chạy sang Saudi Arabia ngay hôm đó. Nói theo thần thoại Hi Lạp, Ngoại trưởng Clinton đã vô tình mở nút cái hộp Pandora khiến “ma quỷ” thoát ra, không cách chi ngăn lại được. Báo chí bắt đầu nói đến “tác động domino dân chủ” tại các nước Ả Rập! Mười hai ngày sau nổ ra vụ biểu tình đẫm máu trên quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo (Ai Cập), các cuộc biểu tình cứ tiếp nối, theo đà những gì đã diễn ra ở Tunisia. “Đồng minh chiến lược" Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak nay cũng muốn từ chức cho yên thân. Những “ỉ ôi” của ông với nhà báo gạo cội Christiane Amanpour của CNN: “Tôi cũng muốn ra đi lắm, nhưng chỉ sợ Ai Cập tan rã ngay” rất thật tình! Không chỉ ông Mubarak sợ điều đó, mà cả Washington thậm chí còn sợ hơn. Từ 30 năm nay, Ai Cập là đồng minh chiến lược lớn nhất của Mỹ ở Bắc Phi. Nếu nhớ lại các cuộc chiến tranh giữa các nước Ả Rập với Israel năm 1967 và 1973, nhất là các cuộc tỉ thí giữa xe tăng Ai Cập và Israel trên sa mạc Sinai, thì việc Ai Cập nay tự tay lắp ráp xe tăng chiến đấu Abrams M-1 của Mỹ cho thấy Mỹ tin tưởng “đồng minh chiến lược” Ai Cập đến đâu! Hằng năm, hơn 500 sĩ quan Ai Cập theo học tại các học viện quân sự ở Mỹ, tất nhiên không để mưu đồ chiến tranh với Israel, mà là để sẵn sàng khi cần thiết. Năm 1991, Ai Cập từng tung 35.000 quân sang bảo vệ Saudi Arabia trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh chống lại ông Saddam Hussein. Bởi thế, một phần ba chi phí quốc phòng của Ai Cập (2) là từ viện trợ Mỹ. Từ chỗ kẻ thù sinh tử, Ai Cập trở thành đồng minh của Israel, khóa chặt “cánh cổng sau” của Israel là sa mạc Sinai. Từ lâu, Israel đã “chịu đời không thấu” ở phía bắc trước một Syria đối nghịch bấy lâu nay. Tới đây, Israel sẽ càng ăn ngủ không yên sau vụ chính phủ Hariri tan rã tháng trước ở Libăng. Nếu chẳng may Ai Cập “đổi màu”, Israel sẽ lưỡng đầu thọ địch! Ai Cập còn là “giấy thông hành” của Mỹ trên kênh đào chiến lược Suez. Bất cứ một sự “đổi màu” nào ở Ai Cập sẽ dẫn đến việc tàu chiến Mỹ bị khóa lối vào kênh đào này. Lúc đó làm sao điều động được tàu sân bay từ Địa Trung Hải đến vùng Vịnh cho kịp thời cơ? Chưa hết, Ai Cập còn là tiền đồn chống khủng bố trong lòng các quốc gia Ả Rập. Nhờ Ai Cập theo Hồi giáo phái Sunni trái nghịch với phái Shiite ở Iran, nên nguy cơ bị “Iran hóa” không lớn lắm. Cũng chính vì bản sắc đó mà tình báo Ai Cập sốt sắng hợp tác với tình báo Mỹ - Âu truy lùng Al-Qaeda cùng các tổ chức Hồi giáo cực đoan Shiite (3). Ngoài ra, ông Mubarak luôn tích cực góp phần vào các tiến trình hòa bình Trung Đông. Hôm 1-9 năm ngoái, ông Obama còn trịnh trọng tiếp ông Mubarak cùng hai ông Benjamin Netanyahu (thủ tướng Israel) và Mahmoud Abbas (tổng thống Palestine), chớ đâu đã gọi ông Mubarak là “độc tài” và bảo ông này “phải ra đi ngay” như bây giờ. “Câu giờ dân chủ” Thành ra, nay bất ngờ phải chia tay ông Mubarak là chuyện chẳng đặng đừng. Vấn đề là không thể để mất một đồng minh “đa năng, đa dụng” như Ai Cập. Thế nên bên cạnh các phát biểu “vì dân chủ”, ông Obama còn ra lệnh: “Yêu cầu bên quân đội tiếp tục các nỗ lực sao cho đảm bảo rằng giai đoạn đổi thay này diễn ra trong yên bình”. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cùng chỉ huy trưởng liên quân, đô đốc Mullen, không ngớt điện thoại cho các đồng sự Ai Cập để nắm chặt tình hình trong tay. Thận trọng hơn nữa: chức vụ phó tổng thống, một chức vụ còn bỏ trống, bỗng dưng được “nặn ra” để cho giám đốc tình báo suốt từ năm 1993 đến nay là Omar Suleiman lên nắm, sẵn sàng cho mọi tình huống, nhất định không để mất Ai Cập. Làm sao có thể để mất Ai Cập cho được chỉ vì một chữ “dân chủ”? Tunisia cũng thế. Cuộc “cách mạng bông lài” ở Tunisia nổ ra đã khá lâu rồi, ấy vậy mà vẫn chưa tìm ra người khả tín đảm trách vai trò “đồng minh chiến lược”. Năm ngoái, Tunisia còn được Mỹ bán cho 282 triệu USD vũ khí bổ sung, bất chấp những chỉ trích về nhân quyền dành cho Tổng thống Ben Ali (4). Nay ông này đã ra đi, trong khi chờ đợi, cảnh sát Tunisia ung dung tiếp tục nổ súng bắn chết hai người biểu tình hôm thứ bảy vừa qua. Những lúng túng hiện tại ở Tunisia và Ai Cập có phần do tình báo Mỹ đã không lường trước được những gì vừa xảy ra, bắt đầu là vụ Libăng. Tuồng đời éo le là như thế. Dân chủ trong tay của “chúa tể các chiếc nhẫn” không như trong sách vở hay trên bục diễn thuyết hoặc ngoài đường phố. Tin bài liên quan: Ai Cập: quân đội có thể sẽ can thiệpAi Cập: biểu tình bước sang ngày 16Người biểu tình Ai Cập tăng sức ép lên Tổng thống MubarakAi sẽ là tổng thống tiếp theo của Ai Cập?Ai Cập: Đảng cầm quyền “tái cơ cấu”Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chức __________ (1) Clinton’ s Remarks at Forum for the Future, January 13, 2011 (2) Three Decades With Egypt’s Military Keep U.S. in Loop, By Viola Gienger - Feb 3, 2011(3) US anxious to retain Egypt in fight against terror, By Dan De Luce (AFP) 06 February 2011(4) “Massive U.S. Military Aid to Tunisia despite human rights abuses”, Daya Gamage, Asiantribune.com, 18 January 2011
Video: Sự việc cầu thủ Nguyễn Xuân Nam xô xát đổ máu ở đường hầm sân Thống Nhất HOÀNG TÙNG 14/11/2024 Tối 14-11, sau trận CLB Trẻ TP.HCM - PVF-CAND (0-0) ở vòng 4 Giải hạng nhất 2024 - 2025, hai cầu thủ Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn của hai đội đã lao vào nhau xô xát đổ máu trong đường hầm sân Thống Nhất.
Giá vàng thế giới chỉ còn tương đương 78,7 triệu/lượng, liệu đã chạm đáy? ÁNH HỒNG 14/11/2024 Giá vàng thế giới tối nay 14-11 giảm nhanh về 2.559,3 USD/ounce. Như vậy giá vàng thế giới đã bốc hơi 227,8 USD/ounce so với mức đỉnh.
Vừa lên sàn, tập đoàn chuyên bán nguyên liệu của ông Nguyễn Thiên Trúc 'mất' ngay nghìn tỉ BÌNH KHÁNH 14/11/2024 Vừa lên sàn hôm 11-11 với giá 63.000 đồng/cổ phiếu, sau vài phiên điều chỉnh, vốn hóa CTCP Nguyên liệu Á châu AIG 'bốc hơi' hơn nghìn tỉ đồng.
Công ty mẹ Facebook bị châu Âu phạt hơn 840 triệu USD TRẦN PHƯƠNG 14/11/2024 Châu Âu phạt gã khổng lồ Meta, công ty mẹ Facebook, hơn 840 triệu USD vì vi phạm luật chống độc quyền và lạm dụng vị thế thống lĩnh để chèn ép các đối thủ.